Ủng hộ việc trả lại bãi biển cho cộng đồng
Việc TP Nha Trang dự tính trả thêm bãi biển về cho cộng đồng khi “Cấm giăng dây, cắm cờ “cát cứ” bãi biển được nhiều người ủng hộ.
Ủng hộ việc trả lại bãi biển cho cộng đồng
Việc TP Nha Trang dự tính trả thêm bãi biển về cho cộng đồng khi “Cấm giăng dây, cắm cờ “cát cứ” bãi biển được nhiều người ủng hộ.Tình trạng giăng dây, cắm cờ “cát cứ” tại bãi biển Nha Trang (Khánh Hoà) sẽ không còn diễn ra – Ảnh: THÁI THỊNH
TTO – Các khách sạn cũng không được giăng dây, cắm cờ “cát cứ” bãi biển, thay vào đó tùy theo số sao mỗi khách sạn được đặt một số lượng dù và ghế nằm nhất định.
Ông NGÔ KHẮC THINH (phó trưởng Phòng quản lý đô thị Nha Trang):
Ưu tiên bãi biển cho cộng đồng
Ảnh: P.S.N
Hiện tại, bãi biển TP Nha Trang có 45 đơn vị được đặt dù, ghế với số lượng rất nhiều, vừa thiếu đồng bộ vừa che chắn tầm nhìn của người dân và du khách vui chơi, tắm biển. Theo chỉ đạo của tỉnh, UBND TP Nha Trang đang xây dựng phương án bố trí khu vực cho thuê đặt dù, ghế trên bờ biển, trình UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét trong tuần này. Vì diện tích bãi biển Nha Trang có hạn nên các doanh nghiệp được cho đặt dù, ghế kinh doanh cũng phải giới hạn.
Theo đó, có phương án rút giấy phép đặt dù, ghế của 11 đơn vị không có khách sạn, các khách sạn 3 sao trở xuống và không có dự án khu du lịch dọc đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng. Các khách sạn 4-5 sao được ưu tiên đặt dù, ghế là để đảm bảo các điều kiện phục vụ theo quy chuẩn nghiêm ngặt theo các hạng sao, góp phần đảm bảo cả mỹ quan trên bãi biển. Khách du lịch của các khách sạn 3 sao trở xuống vẫn thoải mái ra các khu vực bãi biển “mặt tiền” vui chơi, tắm biển.
Ông Võ Cường (người dân TP Nha Trang):
Quy hoạch cho hợp lý
Tôi sống ở gần bãi biển Nha Trang đã 42 năm nay, trước đây khu vực để người dân tắm, vui chơi trên cát rất rộng nhưng nay bị thu hẹp lại. Không những thế, từ khi TP Nha Trang cho các doanh nghiệp tư nhân hay khách sạn lắp đặt dù che, ghế nằm thì khu vực tắm, vui chơi càng hạn hẹp hơn.
Theo quy định, các công ty tư nhân, khách sạn được phép đặt các ghế số lượng có hạn và cách xa khu vực tắm. Nhưng hiện nay, các ghế nằm đặt tràn lan, số lượng nhiều, chiếm hết cả bãi tắm.
Việc quy hoạch lại, trả lại bãi biển cho cộng đồng là hợp lý. Theo tôi, không gian bãi biển rộng cũng đồng nghĩa với việc người dân phải có ý thức, không để rác thải từ đồ ăn thức uống làm mất đi sự trong lành của bãi biển.
Ông NGUYỄN VĂN THÀNH (phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Nha Trang, Khánh Hoà):
Đừng lãng phí bãi biển
Vừa là một người dân Nha Trang, hằng ngày tôi vẫn thường xuyên tắm ở bãi biển, vừa tham gia điều hành Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa nên tôi rất ủng hộ việc quy hoạch, sắp xếp lại các khu vui chơi, đặt dù, ghế trên bãi biển. Việc quản lý bãi biển Nha Trang cả dưới nước lẫn trên bờ cần phải làm thường xuyên, chặt chẽ để đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường phục vụ cho cả cộng đồng dân cư và du khách.
Bên cạnh đó, phải làm sao cho bãi biển Nha Trang trở nên sôi động, có thêm nhiều dịch vụ vui chơi hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo không gian thư giãn, nghỉ ngơi của đại đa số người dân.
Về đêm, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động làm cho bãi biển sáng thêm, sôi động hơn.
Chẳng hạn, có thể cho tổ chức các sân khấu di động trên bãi biển hoặc các hình thức kinh doanh phục vụ du khách thưởng lãm biển về đêm. Tất cả hoạt động trên bãi biển ban đêm phải có giờ giấc quản lý chặt chẽ, gần đến sáng là phải dọn dẹp sạch sẽ toàn bộ, trả lại bãi biển cho người dân bắt đầu xuống tắm.
Đó là cách ở nhiều nước như Singapore, Thái Lan đã thực hiện, làm như vậy vừa quản lý chặt, vừa tăng thêm nguồn thu cho địa phương, tránh lãng phí không gian, tiềm năng của bãi biển Nha Trang.
Đà Nẵng: mở thêm lối xuống biển
Trước bức xúc của người dân Đà Nẵng về hàng chục dự án du lịch, khu resort mọc san sát bít đường xuống biển, ngày 23-1, ông Trương Quang Nghĩa, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã chủ trì cuộc họp tháo gỡ theo hướng mở hàng loạt lối xuống biển phục vụ cộng đồng.
Ông Nghĩa khẳng định bờ biển là của cộng đồng chứ không phải của bất kỳ khu du lịch nào nên người dân được quyền tiếp cận. Ông nói các sở ngành phải nhanh chóng làm việc với các chủ đầu tư chưa xây dựng dự án, lấy lại phần đất để mở lối xuống biển phục vụ người dân, không để người dân có cảm giác đi nhờ qua dự án du lịch khi xuống biển.
Hiện TP Đà Nẵng đang chuẩn bị mở lối xuống biển giữa khu nghỉ dưỡng Furama và quần thể đô thị quốc tế Ariyana.
TP cũng đã phê duyệt quy hoạch 3 lối xuống biển khác trong ranh giới các dự án khu nghỉ dưỡng ven biển, gồm: lối xuống biển công cộng rộng 17m giữa dự án khu du lịch quốc tế đặc biệt Silver Shores và khu du lịch nghỉ dưỡng của Công ty cổ phần Hòn Ngọc Á Châu; lối xuống biển công cộng rộng 10m tại phía bắc dự án khu du lịch biển The Song; lối xuống biển công cộng rộng 4m ở phía nam dự án Future Property Invest.
HỮU KHÁ