28/11/2024

Có thể ‘trị’ bệnh Alzheimer mà không cần đến thuốc

Gần 30 triệu người trên thế giới được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer, căn bệnh dẫn đến tình trạng mất trí nhớ hoàn toàn và gây tử vong ở người lớn tuổi.

 

Có thể ‘trị’ bệnh Alzheimer mà không cần đến thuốc

Gần 30 triệu người trên thế giới được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer, căn bệnh dẫn đến tình trạng mất trí nhớ hoàn toàn và gây tử vong ở người lớn tuổi.

 
 
 
 
Có thể trị bệnh Alzheimer mà không cần đến thuốc - Ảnh 1.

Theo nghiên cứu mới đây, có thể có cách ‘trị’ bệnh Alzheimer mà không cần đến thuốc – Ảnh: AP

 

Hiện không có loại thuốc nào có thể điều trị được căn bệnh này và giúp phục hồi trí nhớ cũng như các vấn đề về suy nghĩ mà nó gây ra. Tuy nhiên một nghiên cứu mới cho thấy không cần dùng thuốc cũng có thể giúp cải thiện những kĩ năng liên quan đến nhận thức ở một số người bị mắc chứng bệnh này.

Khoảng 25% dân số thế giới được sinh ra với bản sao của một loại gene có tên là APOE4. Những người mang loại gene này có nguy cơ bị phát triển căn bệnh Alzheimer cao hơn. 

Khoảng 2-3% dân số mang trong người 2 bản sao của loại gene này – một từ mẹ và một từ cha, khiến cho nguy cơ họ bị căn bệnh này là cực kỳ cao. Khoảng 60% trong số những người đó sẽ phát bệnh Alzheimer trước khi bước sang hoặc đúng vào độ tuổi 85.

Trong nghiên cứu mới nhất được xuất bản trên JAMA Neurology, các nhà nghiên cứu muốn biết liệu những người có nguy cơ di truyền trên cũng có thể được hưởng lợi từ các phương pháp không cần dùng đến thuốc để giữ cho họ không bị ảnh hưởng bởi căn bệnh cướp đi trí nhớ của mình hay không. 

 

Chế độ ăn uống, tập thể dục, và giao tiếp xã hội đã được chứng minh là có liên hệ với việc làm chậm lại quá trình phát triển căn bệnh này ở một số người, nhưng các nghiên cứu trên những người có mang các yếu tố nguy cơ về mặt di truyền như APOE4 đã không kết luận được điều gì.

Trong cuộc thử nghiệm của mình, các nhà nghiên cứu ở Phần Lan đã tận dụng “Nghiên cứu can thiệp tuổi già để phòng ngừa sự sa sút và tổn thương nhận thức” cũng của các nhà nghiên cứu Phần Lan khác để so sánh giữa những người có và không có mang APOE4 trong người. 

Theo một cách ngẫu nhiên, những đối tượng nghiên cứu được dành một chế độ tăng cường trong ăn uống, tập thể dục và huấn luyện bộ não, hoặc là tham gia vào một chương trình tư vấn sức khỏe tổng quát được kiểm soát. 

Mặc dù một vài người trong số đó mang trong người loại gene có nguy cơ gây bệnh cao, nhưng họ đã không cho thấy những dấu hiệu mất trí nhớ của việc suy giảm nhận thức nghiêm trọng. 

Những người bị rơi vào các dạng mất trí nhớ nghiêm trọng nhất đã bị loại trừ, vì thế các nhà nghiên cứu có thể tập trung vào các chủ thể ở những giai đoạn bệnh sớm hơn.

Vì những người có mang gene APOE4 có khả năng mắc bệnh Alzheimer cao hơn nên một số chuyên gia về não tin rằng họ có thể dễ bị tổn thương hơn trước những tác động của một chế độ ăn uống nghèo nàn, thiếu tập thể dục và mức độ tương tác xã hội của họ chỉ ở mức tối thiểu. 

Hi vọng mở ra ở đây là: nếu bảo đảm được rằng những người có mang trong mình các yếu tố nguy cơ về gene được ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và giao lưu xã hội thì có thể làm chậm lại quá trình tiến triển của căn bệnh này. 

Theo Time, kết quả nghiên cứu trên đủ hấp dẫn để tạo cảm hứng cho nhiều nghiên cứu khác về cách can thiệp không cần dùng thuốc có thể giúp cải thiện những triệu chứng ở người bị mắc căn bệnh này.

Nó cũng ủng hộ xu hướng đang tăng trong lĩnh vực nghiên cứu những chiến lược dùng thuốc lẫn không dùng thuốc càng sớm càng tốt ở căn bệnh này để phòng ngừa, thay vì chữa trị các triệu chứng khi chúng xuất hiện.

LÊ THANH HẢI (Theo Time)