11/01/2025

Triển khai cơ chế đặc thù: Chọn phương án có lợi nhất cho dân

Ngày 15-1, nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ có hiệu lực. TP đã chuẩn bị gì để triển khai nghị quyết quan trọng này?

 

Triển khai cơ chế đặc thù: Chọn phương án có lợi nhất cho dân

 

Ngày 15-1, nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ có hiệu lực. TP đã chuẩn bị gì để triển khai nghị quyết quan trọng này?

 

 

Triển khai cơ chế đặc thù: Chọn phương án có lợi nhất cho dân - Ảnh 1.

Dự kiến nội dung về thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù cho cán bộ công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập… sẽ được trình HĐND TP.HCM trong tháng 3 tới. Trong ảnh: cán bộ, nhân viên Sở Kế hoạch – đầu tư TP tiếp người dân đến đăng ký kinh doanh – Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Việc lựa chọn quy định nào có lợi hơn sẽ do HĐND TP – chính là nhân dân TP quyết định

Bà NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM (chủ tịch HĐND TP.HCM)

Vấn đề này đã được Thường trực Thành ủy trao đổi, phân tích trong cuộc gặp gỡ lãnh đạo một số cơ quan báo chí triển khai nghị quyết 54 của Quốc hội vào sáng 9-1.

Chuẩn bị từ rất sớm

Một số lãnh đạo cơ quan báo chí băn khoăn về việc thời điểm nghị quyết có hiệu lực đã cận kề, nhưng thời gian từ khi Bộ Chính trị cho chủ trương và Quốc hội thông qua nghị quyết đến nay là rất ngắn, liệu TP.HCM có chuẩn bị kịp? 

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết để thực hiện nghị quyết 54, TP xác định có 21 đề án, nội dung sẽ thực hiện và xác định rõ các danh mục cần phải làm. Trong đó có những đề án TP đã chủ động triển khai từ lâu, có đề án đã cơ bản hoàn thiện.

 

Chủ tịch TP dẫn chứng đề án phân cấp, uỷ quyền đã được TP chủ động triển khai thực hiện, lấy ý kiến sở ngành, quận huyện và đến nay đã cơ bản hoàn chỉnh. 

Tương tự, đề án khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên tất cả các lĩnh vực từ TP đến quận huyện, đề xuất phương án sắp xếp, giao quyền tự chủ, xã hội hóa ở một số lĩnh vực cũng đã chuẩn bị trước và có báo cáo sơ bộ với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trong cuộc làm việc với TP. 

Ngoài ra, các đề án, nội dung khác cũng đã triển khai nhiều phần việc cụ thể.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết UBND TP đã lập hai tổ công tác do ông và Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến phụ trách. Các tổ công tác đã khởi động, họp hằng tuần có danh sách phân công việc cho từng người cụ thể. 

Chủ tịch TP khẳng định thời hạn đề ra để thực hiện là thời hạn cuối cùng, không thể kéo dài được nữa. Thậm chí khi cần với những việc thuộc thẩm quyền của HĐND TP thì chủ tịch UBND TP sẽ có văn bản đề nghị HĐND họp đột xuất để giải quyết. 

“Khối lượng công việc triển khai rất lớn nhưng không thể chậm trễ, nếu chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung. Hạn định về thời gian phải trong năm 2018” – chủ tịch TP khẳng định.

Triển khai cơ chế đặc thù: Chọn phương án có lợi nhất cho dân - Ảnh 3.

Đồ họoạ: Vĩ Cường

Tăng thuế, phí, lệ phí rất thận trọng

Về thẩm quyền ban hành một số phí, lệ phí và thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết trước mắt chỉ bàn việc điều chỉnh tăng một loại phí, lệ phí mới tại kỳ họp bất thường của HĐND TP vào tháng 3 tới. 

“TP sẽ làm rất thận trọng, kỹ lưỡng vì đây là việc có tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh – điều mà thời gian qua lãnh đạo TP đã chăm chút” – ông Phong nói.

Chủ tịch TP khẳng định phí, lệ phí và các sắc thuế trước khi triển khai điều chỉnh, ban hành sẽ được tổ công tác nghiên cứu thấu đáo, lấy ý kiến nhiều chiều, đánh giá tác động. 

Ông nhấn mạnh áp lực thời gian không cho phép chần chừ, nhưng cũng không thể bỏ qua các quy trình cần thiết cho việc trình HĐND TP những vấn đề này vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư, đời sống nhân dân. 

“Đây là công cụ điều tiết quản lý chứ không phải nhằm tăng nguồn thu. Tất nhiên khi quản lý tốt, nguồn thu sẽ tăng nhưng đó không phải mục đích trực tiếp” – ông Phong nói.

TTO – Thuế, phí không phải để tăng nguồn thu mà để điều chỉnh, quản lý đô thị phát triển nhanh, bền vững, theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM.

Lấy ý kiến dân trước khi triển khai

Một băn khoăn lớn được lãnh đạo các cơ quan báo chí đặt ra là việc sẽ giải quyết ra sao nếu có độ vênh giữa nghị quyết 54 và pháp luật hiện hành. 

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – phó bí thư Thành uỷ, chủ tịch HĐND TP – cho rằng nghị quyết 54 có độ vênh, độ vượt trội so với quy định pháp luật. Tuy nhiên, đây là điều tất yếu, bởi chính độ “vênh” và “vượt trội” nên TP mới cần một nghị quyết của Quốc hội, có giá trị ngang với một đạo luật, cho phép TP điều chỉnh một số nội dung khác với các quy định pháp luật hiện hành.

Vấn đề đặt ra là trong những nội dung mà nghị quyết 54 lẫn pháp luật hiện hành đều quy định thì TP sẽ vận dụng thế nào? Bà Tâm cho biết TP có quá trình làm việc, đeo bám để Quốc hội cho độ “mở” khá rộng. 

Cụ thể, khoản 2 điều 7 của nghị quyết 54 đã cho phép nếu có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì TP sẽ được áp dụng nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn nghị quyết 54 thì việc áp dụng quy định nào sẽ do HĐND TP quyết định. 

Theo bà Tâm, từ “hơn” trong quy định này của nghị quyết là đặc biệt quan trọng đối với TP.HCM. Bởi việc lựa chọn quy định nào có lợi nhất cho TP thì chính người dân TP sẽ hiểu rõ và lựa cho chính xác nhất thông qua cơ quan đại diện là HĐND TP.

“Vấn đề còn lại là HĐND TP có đủ sức để quyết định những vấn đề mà nhân dân TP mong muốn, thực tiễn đòi hỏi, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho hay không?” – chủ tịch HĐND TP thẳng thắn. 

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, để làm tròn vai trò đại diện quyết định này, tất cả các nội dung sẽ được lấy ý kiến người dân, tiếp thu sự phản biện và đánh giá tác động thấu đáo trước mỗi cơ chế, chính sách sẽ thực hiện.

Nơi giữ biên cương, nơi làm kinh tế…

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh vấn đề này như một sự phân công nhiệm vụ, trong tinh thần “TP vì cả nước, cả nước vì TP”.

Ông Nhân nói: “Bộ máy kinh tế của TP lớn, muốn vận hành tốt thì phải đầu tư rất lớn. Hằng năm TP đóng góp ngân sách 27-28%, trách nhiệm rất nặng nề và chúng ta phải giữ cái này. Bà con vùng biên giới hải đảo phải giữ biên giới, TP giữ phát triển kinh tế – xã hội, đấy là vì cả nước”.

Bí thư Thành uỷ phân tích TP.HCM có hai đặc thù là đông dân nhất cả nước và trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Đến nay, TP có hơn 8 triệu dân, cứ 8 năm lại tăng thêm 1 triệu dân. TP có một quận trên 700.000 dân, có hai quận trên 600.000 dân, có năm quận trên 500.000 dân và có sáu quận 400.000 – 500.000 dân.

“Chủ tịch quận ở đấy quản lý dân số bằng hơn một nửa tỉnh khác, nhưng bộ máy công chức như của quận. Rõ ràng áp lực rất lớn. Sau này phải tính nâng cấp như thế nào vì dân số lớn làm cho khối lượng công việc chính quyền các cấp rất lớn” – ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Từ các đặc điểm này, theo ông Nhân, TP đối mặt với nhiều thách thức mà nếu không có cơ chế đặc thù thì nguy cơ tăng trưởng và đóng góp sẽ chậm lại. Cơ chế đặc thù cho TP cũng là vì cả nước, tạo điều kiện cho TP phát triển và đóng góp cho cả nước.

VIỄN SỰ – MAI HOA