10/01/2025

Khi Sài Gòn ‘đất lành’ sắp hết chỗ, dân nhập cư đến làm gì?

Dẫu biết Sài Gòn là nơi “đất lành chim đậu”, nhưng đất rồi cũng chật chội, “chim” về nhiều quá thì có khi cả chủ lẫn khách cùng chia nhau sự nghèo khó. Vậy cần làm gì?

 

Khi Sài Gòn ‘đất lành’ sắp hết chỗ, dân nhập cư đến làm gì?

Dẫu biết Sài Gòn là nơi “đất lành chim đậu”, nhưng đất rồi cũng chật chội, “chim” về nhiều quá thì có khi cả chủ lẫn khách cùng chia nhau sự nghèo khó. Vậy cần làm gì?

 
 
 

 

Khi Sài Gòn đất lành sắp hết chỗ, dân nhập cư đến làm gì? - Ảnh 1.

Những dãy nhà trọ ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM phần lớn dành cho dân nhập cư – Ảnh: TR.D

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hoà, cần xây dựng chiến lược hỗ trợ đồng bào ở những vùng thiên tai một cách thực chất và hiệu quả để sau những trận bão lũ, người dân quê không phải trở thành những người vô gia cư ở các thành phố lớn.

Việc Bộ Xây dựng cho phép xây dựng căn hộ chung cư thương mại 25m2 được cho là sẽ giúp người thu nhập thấp mua được nhà và kích thích thị trường bất động sản.

Dưới đây là góc nhìn của ông.

“Vẫn như mọi năm, vào những ngày cận tết, thầy trò chúng tôi và lũ trẻ trong nhà lại gom góp quần áo mang đến cho bà con lang thang cơ nhỡ ở vỉa hè Sài Gòn.

Dẫu vẫn biết người Sài Gòn hào hiệp, sẵn lòng chia sẻ, cưu mang với bà con những lúc cơ nhỡ, dẫu Sài Gòn là nơi “đất lành chim đậu”, nhưng đất rồi cũng chật chội, “chim” về nhiều quá thì có khi cả chủ lẫn khách cùng chia nhau sự nghèo khó. Cách tốt nhất là giữ dân ta vẫn ở quê, khi Sài Gòn giàu lên sẽ không quên bà con mình”.
                              (PGS. TS Nguyễn Minh Hoà)

Trắng tay và vô gia cư…

 

Năm nay rét buốt hơn mọi năm, số bà con ở đậu vỉa hè trước nhà dân không nhiều mà dồn đông về quanh các cây cầu trong thành phố như cầu Kiệu, cầu Thủ Thiêm, cầu Chữ Y…

Bà con về đây một phần do các chủ nhà đuổi, phần khác họ biết về những nơi này dễ nhận được sự giúp đỡ của các nhóm hảo tâm.

Cũng như nhiều năm trước, chúng tôi gặp lại những khuôn mặt cũ nhưng ngày một già yếu hơn, thiếu vắng đi nhiều khuôn mặt do bệnh tật đã phải ra đi vĩnh viễn. So với những năm trước, có vẻ như năm nay bà con vô gia cư nhiều hơn.

Năm nay có mấy cơn bão dữ ở miền Trung đã đẩy nhiều gia đình không chỉ trắng tay mà còn bị mất đường mưu sinh do núi lở mất đất, sông lở mất vườn và họ phải vào thành phố kiếm sống.

Trong số các gia đình ở dưới dạ cầu mà chúng tôi tiếp xúc, có cả bà con từ miền Tây lên, vậy là hậu quả của biến đổi khí hậu thất thường cũng đã làm khổ người dân ở miệt từng được coi là “nơi múc miếng nước nào cũng dính cá”.

Đất nước ta đã bước vào hàng ngũ quốc gia phát triển trung bình, GDP đầu người hơn 2.300 USD/năm, nhưng rõ ràng những gì đang diễn ra cho thấy khoảng cách giàu nghèo vẫn tăng lên hằng năm, khoảng cách giữa đô thị và nông thôn vẫn không giảm bao nhiêu.

Ở miền Trung, số hộ gia đình đói lương thực, bị đứt bữa vẫn còn nhiều, số hộ nghèo và cận nghèo còn nhiều quá.

Bà con cố gắng vươn lên để thoát nghèo, chắt chiu từng hạt thóc, con cá, dựng được mái nhà, nhưng chỉ một lần thôi như cơn bão số 12 vừa rồi đã quét sạch thành quả của hàng năm trời tích lũy, vậy là lại trắng tay.

Khi Sài Gòn đất lành sắp hết chỗ, dân nhập cư đến làm gì? - Ảnh 4.

Cô Lý (phải) quê ở Bắc Giang, hiện buôn bán ve chai ở khu vực Q7, TP.HCM – Ảnh: XUÂN HƯNG

Giúp một căn nhà bền chắc

Sau mỗi lần thiên tai, số dân di cư tự do đến các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM lại tăng đột biến, góp phần khiến cho hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội bị quá tải trầm trọng.

Năm nào TP.HCM cũng xây dựng từ 1.500-1.800 phòng học mới ở Gò Vấp, Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, Củ Chi… nhưng vẫn không đủ; năm nào thành phố cũng xây cầu, mở đường nhưng vẫn cứ tắc nghẽn giao thông…

Đã đến lúc (dù đã rất muộn) Chính phủ cần xây dựng một chiến lược đột phá hỗ trợ đồng bào ở những nơi là rốn bão miền Trung một cách thực chất và đi vào chiều sâu một cách hiệu quả.

Một gói mì, một bộ quần áo là quý, nhưng cái bà con cần nhất là một cái nhà không lớn, chỉ độ chừng 20m2 là đủ, nhưng thật chắc chắn đủ để an toàn cho người và cất trữ của cải, lương thực tích cóp được bấy lâu nay. Điều này khó không? Khó, nhưng không có nghĩa là không làm được.

Ngoài những nguồn hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ, nên kêu gọi sự đóng góp của các doanh nghiệp và nhân dân trong cả nước. Chúng ta tin rằng không ai từ chối cho mục đích cao đẹp này. 

Tôi biết giới kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng ở TP.HCM đã sẵn sàng cho một cuộc thi thiết kế một loại nhà dành riêng cho bà con vùng lũ.

Giúp một căn nhà bền chắc, thích nghi được với lũ lụt sẽ làm cho bà con yên tâm ở lại quê nhà. Sau một lần bão có thể cây lúa, rau màu ngoài đồng hư hại, nhưng chắc chắn người vẫn còn, của nả tích luỹ vẫn còn, nhiêu đó cũng đủ để bà con làm lại từ đầu.

Nếu bà con không có được một nơi ở bền vững, chắc rằng năm nào kịch bản kêu gọi đóng góp một ngày lương, dăm ba thùng mì gói… cũng sẽ diễn ra, bởi năm nào miền Trung cũng oằn mình gánh chịu từ 12-15 cơn bão. Xin hãy giúp một lần cho lâu dài hơn là lặt vặt theo phong trào”.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có suy nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về email: [email protected]. Cảm ơn bạn!

NGUYỄN MINH HOÀ