Ẩm thực đang trở thành kênh hiệu quả để quảng bá, kết nối con người, đất nước VN với thế giới.
Ẩm thực Việt kết nối thế giới.
Ẩm thực đang trở thành kênh hiệu quả để quảng bá, kết nối con người, đất nước VN với thế giới.
Rất nhiều món ăn du nhập từ nước ngoài vào nhưng dưới sự “biến tấu” của bếp Việt đã trở thành món ăn của người Việt. Ngược lại, nhiều món ăn thuần Việt lọt vào các bảng xếp hạng uy tín của thế giới.
Việt hóa món ăn nước ngoài
Cuối tháng 12.2017, Hãng Frodor’s Travel đưa ra danh sách 10 món ăn đường phố được yêu thích, mang tính biểu tượng vòng quanh thế giới, trong đó bánh mì VN được nhắc ở vị trí đầu tiên.
Đáng nói là món ăn Việt được thế giới vinh danh này có “xuất xứ” từ Pháp.
Trong quá trình cải biên, người Sài Gòn đã biến baguette (bánh mì từ Pháp) thành một trong những món ăn phổ biến nhất, đa dạng nhất và ngon nhất.
Khắp các nẻo đường, con phố đều dễ dàng gặp các xe bánh mì.
Có nhiều cách chế biến nhưng tiêu chuẩn chung của bánh mì đường phố gồm một chiếc bánh mì với nhân gồm thịt (thịt lợn nướng hoặc thịt nguội), dưa leo, rau mùi, cà rốt ngâm, pa tê…
Du khách thưởng thức phở Lý Quốc Sư tại phố cổ Hà NộiẢNH: PHẠM HÙNG
Theo Frodor’s Travel, sự kết hợp giữa nguyên liệu phương Đông và phương Tây, giữa ẩm thực Pháp và ẩm thực truyền thống VN là lý do món này hiện cũng rất phổ biến ở nhiều quốc gia phương Tây, nhưng TP.HCM vẫn là nơi có bánh mì ngon nhất thế giới.
Hay như sủi cảo, hoành thánh là món ăn phổ biến của người Trung Quốc nhưng nay đã trở thành món ăn ngon của người Việt khi được biến tấu thành đủ loại sủi cảo tôm thịt, sủi cảo chay, hoành thánh chiên…
Tương tự, Tom Yum là tên của một loại canh chua cay của Thái đã nổi tiếng trên khắp thế giới khi qua tới VN đã được biến tấu đa dạng về nguyên liệu, gia vị dưới tên gọi lẩu Thái. Ở TP.HCM hiện có hàng chục nhà hàng Thái nổi tiếng và dễ dàng bắt gặp thực khách là người Thái, Hàn, Trung Quốc cũng như các nước phương Tây đến ăn.
Bản thân người nước ngoài khi sang VN thưởng thức các món ăn có xuất xứ từ chính đất nước mình cũng hết sức ngạc nhiên và thích thú. Giải thích về việc này, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hoá ẩm thực VN, nhận định sở dĩ ẩm thực Việt dễ dàng được đón nhận bởi chúng ta có một nền ẩm thực “cởi mở”. Điều này thể hiện qua một số yếu tố.
Thứ nhất, người Việt nhanh chóng tiếp nhận văn hoá bên ngoài nhưng hoà nhập mà không hoà tan, luôn tìm cách đưa vào những giá trị đặc trưng, nhận thức văn hoá riêng của người Việt. Minh chứng rõ nhất là nhiều món ăn nước ngoài khi du nhập vào VN đã biến thành ẩm thực VN.
Thịt heo 2 đầu daẢNH: Đ.N.THẠCH
Thứ hai, các món ăn VN thiên về tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên, giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khoẻ nhưng cũng rất thanh tao, phù hợp với xu thế hiện tại của thế giới là hạn chế chất béo. “Văn hoá ẩm thực Việt đảm bảo giá trị về mọi phương diện: chuyên chở lịch sử, đặc trưng, đồng thời pha trộn hài hòa cả nét truyền thống và hiện đại”, ông Kỳ nhận xét.
Không chỉ Việt hoá các món ăn thế giới du nhập vào VN, sự cởi mở của ẩm thực Việt còn được thể hiện khi đưa món ăn VN ra nước ngoài. Đơn cử, phở VN ở từng vùng miền, mang đến từng quốc gia, tuy vẫn giữ đúng được “xương cốt” nhưng mỗi nơi lại được thay đổi về độ béo, độ mặn, nhạt sao cho phù hợp với khẩu vị người dân địa phương. Sự thích ứng linh hoạt này khiến đồ ăn Việt dễ dàng chiếm được cảm tình của nhiều đối tượng thực khách, đến từ nhiều vùng miền khác nhau.
Chinh phục các đầu bếp nổi tiếng thế giới
Ngoài việc được vinh danh trên các tạp chí, được du khách thập phương yêu thích, bình chọn, ẩm thực VN còn chinh phục nhiều đầu bếp nổi danh thế giới. Trong đó, không thể không nhắc đến “người ngồi ăn bún chả với Tổng thống Obama” – bếp trưởng người Mỹ Anthony Bourdain. Ông luôn tích cực giới thiệu về ẩm thực Việt trên các trang du lịch nổi tiếng.
Trong mùa 4 của chương trình truyền hình Anthony Bourdain: Những điều chưa biết cộng tác với CNN lên sóng hồi năm 2014, Anthony đã đưa toàn bộ ê kíp của mình tới VN, khám phá và đặc biệt ấn tượng với ẩm thực Huế, bún bò, cơm hến, bánh bèo, bánh bột lọc… Những hình ảnh xoay quanh bữa tối bình dân tại quán bún chả Hà Nội với Tổng thống Obama vào tháng 5.2016 cũng được ông chia sẻ trong chương trình, tạo nên sự thích thú đối với công chúng quốc tế, giúp ẩm thực Việt được nhắc tới nhiều hơn bao giờ hết.
Du khách nước ngoài xếp hàng chờ mua bánh mì ViệtẢNH: NGỌC DƯƠNG
Vị bếp trưởng 41 tuổi người Anh Jamie Oliver thường xuyên xuất hiện trong các chương trình về đề tài ẩm thực và là một gương mặt ăn khách của truyền hình hiện nay cũng “phải lòng” món ăn Việt. Trên website chính thức của mình, vị bếp trưởng này đã đưa ra công thức thực hiện món cá kho tộ, bún chả…
Còn trên tài khoản YouTube, ông giới thiệu món phở gà và phở cuốn. Ông còn đăng ký tham gia một câu lạc bộ ẩm thực Việt tại London (Anh).
Gordon Ramsay, vị giám khảo quen thuộc trong loạt chương trình Vua đầu bếp Mỹ, cũng thể hiện tình cảm đặc biệt với món hủ tiếu Việt và đưa nó thành đề bài cho top 5 thí sinh tham gia chương trình mùa 4. Gordon Ramsay cho biết: “Tôi từng tới thăm một chợ nổi ở khu vực đồng bằng sông Mê Kông, ngồi trên ghe và ăn một bát hủ tiếu. Đây là một trong những món tuyệt vời nhất mà tôi từng được ăn”.
Những đặc điểm không nơi nào có
Không phải ngẫu nhiên mà phở, bánh mì, chả giò… và rất nhiều món ăn VN đã trở thành những cái tên quen thuộc trong bảng xếp hạng toàn cầu, tạo ấn tượng với các đầu bếp trứ danh. Vậy điều gì đã giúp ẩm thực Việt vượt qua cả các quốc gia có bề dày văn hoá lâu đời để trở thành một trong những nền văn hóa ẩm thực độc đáo nhất Đông Nam Á?
Các món chè ViệtẢNH: NGỌC THẮNG
Trải qua rất nhiều năm nghiên cứu về văn hóa, trong đó có văn hoá ẩm thực, PGS-TS Phan An nhận định văn hoá VN có những đặc điểm riêng mà không nơi nào trên thế giới có được, thể hiện rõ nét qua 3 yếu tố.
Thứ nhất, VN là quốc gia gắn liền với nền văn minh nông nghiệp, văn minh lúa nước, nên ẩm thực Việt rất đề cao yếu tố tự nhiên, thực phẩm sạch. Người Việt thích chế biến thức ăn từ những loại rau củ, thịt, cá tươi sống, thích ăn rau sống. Việc đề cao yếu tố tự nhiên khiến các món ăn Việt mang nét thanh tao rất riêng.
Thứ hai, VN nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc sinh sôi, phát triển của rất nhiều loại gia vị khác nhau. Đơn cử ớt, VN có đến hàng chục loại hay tiêu, tỏi, hành… cũng vậy. Sự đa dạng về gia vị giúp người đầu bếp dễ dàng sáng tạo, chế biến nhiều loại đồ ăn phong phú.
Bên cạnh đó, về mặt địa lý, VN nằm trong toạ độ giao tiếp giữa phương đông và phương Tây, giao thoa phương Bắc và phương Nam nên có nhiều sự giao lưu văn hoá, tiếp nhận được nhiều nền văn hóa ẩm thực từ Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, và cả phương Tây.
“Việc tiếp nhận nhiều nền văn hóa khác nhau khiến bạn bè từ các quốc gia khác khi đến VN, thưởng thức ẩm thực VN cảm thấy có nét tương đồng, gần gũi. Qua đó giúp họ hiểu được văn hoá VN, con người VN nhân văn, dung hoà, tình nghĩa. Đây chính là cách hiểu đúng nhất về sứ mệnh kết nối thế giới của ẩm thực”, ông nói.
Lực lượng “đại sứ” hùng mạnh
Hiện chúng ta có khoảng 15.000 – 20.000 nhà hàng Việt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây có thể coi là lực lượng đại sứ rất lớn, góp phần hỗ trợ tuyên truyền ẩm thực, văn hoá, điểm đến VN từng ngày, từng giờ. Quan trọng phải kết nối được lực lượng, tạo thành một mạng lưới quảng bá tại chỗ hiệu quả, xây dựng ẩm thực thành thương hiệu quốc gia của VN.