11/01/2025

Cô giáo ‘chuyên gia giáo dục toàn cầu’

‘Đến Diễn đàn giáo dục toàn cầu, tôi giống như bước ra khỏi miệng giếng vậy. Tôi hiểu giáo viên phải học liên tục, liên tục, không bao giờ được ngừng lại’.

 

Cô giáo ‘chuyên gia giáo dục toàn cầu’

 

‘Đến Diễn đàn giáo dục toàn cầu, tôi giống như bước ra khỏi miệng giếng vậy. Tôi hiểu giáo viên phải học liên tục, liên tục, không bao giờ được ngừng lại’.

Cô Tô Thụy Diễm Quyên trong một lần chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy với giáo viên – Ảnh: T.D.

Khi thầy nói “Tại sao tôi giảng cả lớp hiểu hết mà em không hiểu?” thì không chắc đứa trẻ đó không thông minh mà có thể do kết nối thần kinh của em hiểu vấn đề theo một cách khác. Thậm chí em đó có thể là thiên tài nữa. Thomas Edison từng bị đuổi học với lý do “con của bà không học được đâu”. Và chúng ta hãy nhìn xem, ông ấy đã làm được gì

Cô Tô Thụy Diễm Quyên

Đó là chia sẻ của cô Tô Thụy Diễm Quyên – cô giáo được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu. 

Trong năm 2017, cô có nhiều hoạt động đóng góp tích cực cho ngành giáo dục nước nhà như tập huấn phương pháp giảng dạy tích cực cho hơn 10.000 giáo viên; trao đổi, giao lưu với gần 10.000 phụ huynh về phương pháp giáo dục trẻ; kết nối với chuyên gia các lĩnh vực để chung tay giúp phát triển giáo dục…

Trò chuyện với Tuổi Trẻ đầu năm mới, cô chia sẻ:

– Năm 2013, tôi đoạt giải nhất toàn quốc dạy học theo dự án – dạy học tích hợp. Microsoft đã đưa hồ sơ của tôi cùng ba giáo viên khác qua Mỹ. Sau đó, tôi được chọn đại diện Việt Nam dự Diễn đàn giáo dục toàn cầu tại Barcelona (Tây Ban Nha). 

 

 

Việc đến diễn đàn làm thay đổi cuộc đời tôi giống như bước ra khỏi miệng giếng vậy. Sau diễn đàn, tôi hiểu giáo viên phải học liên tục, liên tục, không bao giờ được ngừng lại. 

Ngay cả bây giờ, ngày nào tôi cũng học những vấn đề mới, mở rộng ra nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề khác để có một cái nhìn tổng quan về giáo dục, biết được giáo viên cần dạy gì cho học sinh. Vì khi một đứa trẻ bước ra đời không chỉ dùng kiến thức trong sách vở.

Không đứa trẻ nào là “bỏ đi”

* Cô tham gia tập huấn cho giáo viên rất nhiều. Nội dung những buổi trao đổi đó là gì?

– Hiện tại trong các lớp tập huấn hay diễn đàn giáo dục, tôi chú trọng phần tạo động lực cho giáo viên nhiều hơn là cung cấp kiến thức. 

Giáo viên không thể biết tất cả mọi thứ. Có những kiến thức thầy không biết nhưng học sinh lại biết và các em có thể học từ nhiều nguồn chứ không chỉ học ở thầy cô. Vì vậy người thầy, gia đình và xã hội phải thay đổi.

* Thay đổi thế nào, thưa cô?

– Thứ nhất, người thầy phải nhận diện được học sinh của mình có năng lực gì và nhu cầu như thế nào. Sau khi nhận diện rồi phải biết cách tạo, duy trì động lực cũng như định hướng cho học sinh. Muốn duy trì động lực cho học sinh, người thầy phải kiên trì, bản lĩnh, đủ năng lực và kiến thức.

Tôi luôn tâm niệm không một đứa trẻ nào là “bỏ đi” hết. Tôi tìm hiểu kiến thức về quy luật của não bộ để hiểu mỗi người có những cách kết nối nơron thần kinh khác nhau. 

Khi thầy nói “Tại sao tôi giảng cả lớp hiểu hết mà em không hiểu?” thì không chắc đứa trẻ đó không thông minh mà có thể do kết nối thần kinh của em hiểu vấn đề theo một cách khác. Thậm chí em đó có thể là thiên tài nữa. 

Thomas Edison từng bị đuổi học với lý do “con của bà không học được đâu”. Và chúng ta hãy nhìn xem, ông ấy đã làm được gì. Hiểu học sinh của mình là điều kiện tiên quyết để thành công trong việc dạy học.

Tiếp nữa, giáo dục một đứa trẻ cần sự chung tay của nhà trường, gia đình và xã hội. Nhiều khi giáo viên dạy một đằng về nhà phụ huynh dạy một nẻo. 

Ví dụ: giáo viên dạy học trò có quyền thể hiện chính kiến của mình, được quyền phản biện. Về nhà cha mẹ lại áp đặt con không được cãi cha mẹ, người lớn nói sao nghe vậy. Với cách dạy không đồng bộ như vậy trẻ sẽ hoang mang, kìm hãm, không phát triển được.

Cô giáo chuyên gia giáo dục toàn cầu - Ảnh 3.

Cô Tô Thụy Diễm Quyên dự Diễn đàn giáo dục toàn cầu tại Tây Ban Nha – Ảnh: T.D.

Thầy cô hạnh phúc, học sinh mới hạnh phúc

* Điều gì khiến cô trăn trở nhất trong năm qua?

– Không chỉ năm 2017, năm nào tôi cũng trăn trở về vấn đề tạo động lực cho giáo viên theo nghề. Tôi từng dạy môn hóa tại một trường THCS có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đa số học sinh là con em gia đình lao động nghèo. Những điều đó là động lực khiến tôi và đồng nghiệp không ngừng sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy để giữ lửa cho học trò. 

Càng tiếp xúc nhiều với giáo viên, tôi càng thấu hiểu những khó khăn của người thầy. Ngoài dạy trên lớp, họ phải làm thêm nghề khác để đảm bảo cuộc sống. Nếu không có động lực, họ sẽ không thể theo nghề được.

* Cô mong muốn điều gì trong năm mới 2018?

– Thứ nhất, lãnh đạo phải tạo động lực cho giáo viên. Bởi giáo viên có động lực tự họ sẽ thay đổi, tự họ phát triển nghề nghiệp, chuyên môn và tự họ biết cách tạo động lực cho học sinh. Từ đó hình thành một môi trường sinh thái liên kết chặt chẽ với nhau.

Thứ hai, thầy cô giáo phải tự thay đổi mình trước khi mong muốn mọi người tạo cho mình một môi trường tốt. Đừng có suy nghĩ Bộ GD-ĐT thay sách giáo khoa, chúng tôi mới dạy tốt được; hiệu trưởng đối xử với tôi tốt hơn hoặc học sinh phải ngoan tôi mới dạy được. Chính thầy cô phải thay đổi trước khi mong người khác thay đổi vì mình.

Thứ ba là làm thế nào để thầy cô hạnh phúc? Thầy cô hạnh phúc thì học sinh mới hạnh phúc. Có lần tôi đến một trường THPT ở TP.HCM và nói chuyện về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Học sinh hỏi tôi rất nhiều về vấn đề này. 

Tuy nhiên, có một em hỏi một câu không liên quan khiến tôi trăn trở mãi: “Cô ơi, học để hạnh phúc mà sao khi học em không thấy hạnh phúc? Thậm chí có bạn bị trầm cảm, tự tử vì học. Vậy học làm gì?”. 

Tôi không biết trả lời như thế nào. Tôi nghĩ một người không trả lời được nhưng hàng nghìn người sẽ trả lời được. Và chỉ có những người thầy hạnh phúc mới trả lời được câu hỏi đó.

Năm 2014, cô Quyên đại diện cho Việt Nam tham dự Diễn đàn giáo dục toàn cầu tại Barcelona (Tây Ban Nha). Cùng năm, cô được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu. 

Cô cũng thường xuyên được chọn làm giám khảo cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin cấp quốc gia. Năm 2015, cô Quyên là một trong 20 giáo viên toàn cầu được công nhận là MIE – Fellows (người dẫn dắt hỗ trợ đội ngũ chuyên gia sáng tạo giáo dục của Microsoft toàn cầu).

PHƯƠNG NGUYỄN thực hiện