11/01/2025

Ông Nguyễn Sự: Để chính trực không là điều xa xỉ

Trước vấn nạn dùng “vỏ bọc đúng quy trình” để hợp thức hoá cái sai, bổ nhiệm cán bộ theo kiểu “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, cuối cùng mới là trí tuệ”, ông Nguyễn Sự – cựu bí thư Thành uỷ Hội An (Quảng Nam) – lên tiếng.

 

Ông Nguyễn Sự: Để chính trực không là điều xa xỉ.

 

Trước vấn nạn dùng “vỏ bọc đúng quy trình” để hợp thức hoá cái sai, bổ nhiệm cán bộ theo kiểu “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, cuối cùng mới là trí tuệ”, ông Nguyễn Sự – cựu bí thư Thành uỷ Hội An (Quảng Nam) – lên tiếng.

 


Ông Nguyễn Sự: Để chính trực không là điều xa xỉ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Sự – Ảnh: HOÀNG DUY

Cuộc trò chuyện của ông Nguyễn Sự với Tuổi Trẻ bắt đầu từ việc Uỷ ban Kiểm tra trung ương huỷ bỏ việc bổ nhiệm giám đốc Sở KH-ĐT 30 tuổi Lê Phước Hoài Bảo không đúng quy trình và xác định sai phạm của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016.

Tôi chưa bao giờ đổ thừa cho người khác

* Sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố sai phạm, ông đã lên tiếng nhận trách nhiệm cá nhân vì là một ủy viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ giai đoạn đó. Vì sao ông nhận trách nhiệm?

Với mong muốn có một đội ngũ cán bộ trẻ, triển vọng lâu dài, bồi dưỡng để đi xa hơn nên khi hồ sơ được trình, Ban thường vụ Tỉnh uỷ lúc đó đồng ý và không chỉ một trường hợp, mà có nhiều trường hợp không chỉ riêng con em cán bộ lãnh đạo.

Bây giờ Uỷ ban Kiểm tra trung ương có kết luận như vậy, việc tôi nhận trách nhiệm cũng bình thường. Quyết định của tập thể là quyết định của các cá nhân, trong đó có tôi, có trách nhiệm của mình. 

Việc Đảng giao, đã nhận vị trí đó, làm việc đó, nếu xảy ra sai sót phải nhận trách nhiệm về mình, không đổ trách nhiệm cho ai, dù còn làm hay không còn làm vị trí đó hoặc đã về hưu như tôi.

* Nhưng hiện nay nhiều cán bộ lãnh đạo khi bị phát hiện tiêu cực hay sai sót thường đổ lỗi cho tập thể, cho khách quan, cho quy trình… Ít thấy người nhận trách nhiệm cá nhân, huống gì một người đã về hưu (từ tháng 6-2015) như ông.

Tiêu chuẩn của một cán bộ lãnh đạo, một đảng viên trước hết là sự trung thực, bản lĩnh. Không trung thực, không bản lĩnh với việc anh làm thì không phải là cán bộ tốt, dù đương chức hay đã về hưu. 

Tôi chưa bao giờ đổ thừa cho người khác, cho cấp trên hay cấp dưới. Cán bộ cấp dưới thực thi nhiệm vụ phải nhận trách nhiệm với tôi, tôi phải nhận trách nhiệm của chính mình, trước cấp trên và trước dân. Tôi đã nói và làm điều này ngay cả khi tôi còn đương chức, chứ không phải bây giờ.

Một khi anh mắc bệnh đổ thừa, bệnh đổ trách nhiệm như vậy có nghĩa là anh chỉ lo cho cá nhân anh, chứ không hề lo cho cái chung, lo cho dân, cho Đảng.

Ông Nguyễn Sự

Yêu cầu xóa tên đảng viên, hủy quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài BảoYêu cầu xoá tên đảng viên, huỷ quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo

TTO – Ủy ban Kiểm tra trung ương yêu cầu Ban thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam chỉ đạo tổ chức Đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xoá tên trong danh sách đảng viên, huỷ bỏ các quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo không đúng.

* Ông có biết chuyện một lãnh đạo cấp tỉnh đã về hưu vừa rồi khi bị kỷ luật có nói rằng “tôi về hưu rồi, muốn làm gì thì làm” không?

Tôi cho rằng phát biểu như vậy là liều mạng. Không chỉ là với một cán bộ lãnh đạo, mà với một con người có trách nhiệm thì phải chịu trách nhiệm với tất cả những gì mình làm, dù bất cứ thời gian nào, trong quá khứ hay hiện tại.

Việc kỷ luật của Đảng vốn chặt chẽ, cả với cán bộ đương chức lẫn nghỉ hưu. Với những sai phạm cả trong quá khứ, bây giờ vẫn phải mang ra để kỷ luật, nhẹ thì phê bình, khiển trách; nặng thì cách chức, khai trừ, làm sai pháp luật thì phải khởi tố. 

Đừng nghĩ rằng có thể vun vén, làm bậy rồi thoắt một cái hôm sau nghỉ hưu là có thể “hạ cánh an toàn”.

Ông Nguyễn Sự

Nhiều lần nhận trách nhiệm

* Khi còn đương chức, ông đã có bao giờ nhận trách nhiệm về một việc làm sai nào đó chưa?

Có chứ. Ví dụ như một chuyện xảy ra năm 1995, khi bãi bồi An Hội quá nhếch nhác, ô nhiễm, nhà dân xập xệ, có doanh nghiệp xin làm nhà hàng ở đó. Tôi hội ý với tập thể và quyết định đồng ý. Nhưng khi nhà hàng xây lên thì dân phản ứng, cho rằng nhà hàng chõi với quang cảnh chung của sông Hoài. Dân nói đúng, chúng tôi sau đó ra quyết định tháo dỡ, đền bù cho doanh nghiệp.

Lúc đó tôi đã lên tiếng nhận trách nhiệm về mình, dù là quyết định của tập thể. Chúng tôi đã sửa sai kịp thời.

Thứ hai là chuyện trồng cây xanh ở Hội An. Tôi vốn mê hoa sữa, cứ mong muốn Hội An có những con đường rợp hoa sữa, lãng mạn kiểu “hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp…”. Thế nhưng trồng rồi, có lúc mùi nồng nặc không chịu được. Tiếp xúc cử tri, dân phê bình anh em quản lý đô thị rất dữ. Tôi cũng nhận đó là trách nhiệm của tôi, dù hồi đó tôi chỉ đạo miệng về việc trồng hoa sữa.

Tính tôi là vậy, không có chuyện được là của anh, không được là của người khác. Người ta có thể chê tôi không giỏi, không sáng tạo; tôi có thể sai lầm chuyện này chuyện nọ, nhưng tôi không để người ta khinh vì việc chạy trốn trách nhiệm.

Ông Nguyễn Sự: Để chính trực không là điều xa xỉ - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Sự cùng ông Lê Trí Thanh, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (bên trái), thắp hương lạy cát mới bồi Cửa Đại tháng 2-2017, mong cát về cho dân sau một thời gian bị biển nuốt – Ảnh: TRẦN TUẤN

* Bây giờ nhiều cán bộ lãnh đạo thường chạy trốn trách nhiệm trong cụm từ “đúng quy trình”, thậm chí dùng cụm từ đó là “áo giáp” để kiếm chác ghế cho bản thân và người thân. Ông nghĩ cần phải có những biện pháp gì để chọc thủng các “áo giáp” đó?

Quy trình là do con người đặt ra. Bất cứ quy trình nào cũng có những bất cập, những kẽ hở mà những kẻ cơ hội đã lợi dụng để vinh thân phì gia.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua có nhấn mạnh “không dùng quy trình để hợp thức hóa cái sai”. Điều này đặt ra yêu cầu cơ quan soạn ra quy trình phải rà soát lại, đặc biệt phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Lâu nay quy trình chặt chẽ nhưng không kiểm tra, giám sát nên việc thực thi không nghiêm, nay phải làm lại.

* Nhưng dù quy trình có chặt chẽ mà việc thực hiện không nghiêm thì cũng là nơi ẩn náu cho việc làm sai, nhất là khi người đứng đầu sai phạm. Chuyện con cái của lãnh đạo được bổ nhiệm “thần tốc” đã diễn ra nhiều năm, ở nhiều địa phương, ban ngành… Lãnh đạo không phải không biết điều đó, nhưng tại sao có dây chuyền đó?

– Nên nhớ rằng con quan cũng là con dân. Việc con cái lãnh đạo được bổ nhiệm, đề bạt cũng rất bình thường nếu có sự cạnh tranh bình đẳng và công tâm. Điều bất thường là có những người có chức dùng quyền lực của mình để đề bạt, bổ nhiệm người thân của mình không minh bạch, thiếu sự sòng phẳng với con em của người dân.

Bệnh này bắt đầu từ các cá nhân lãnh đạo, sau đó cấp dưới bắt chước làm theo. Khi bản thân anh chỉ lo vun vén, vinh thân phì gia thì cấp dưới chắc chắn không nghiêm theo. 

Chứ nếu anh nghiêm thì cấp dưới sẽ không dám làm, có muốn tham cũng sợ nếu lãnh đạo nghiêm. Anh cứ thò tay nhận tiền của người khác nhưng đứng trên bục nói rất hay, dân ai cũng biết cả đấy.

Ông Nguyễn Sự: Để chính trực không là điều xa xỉ - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Sự – Ảnh: HOÀNG DUY

Kiểm soát quyền lực

* Có một thực tế là với những vụ kỷ luật quan chức sai phạm thời gian qua hầu hết do báo chí phát hiện, dân có ý kiến và sau đó cơ quan chức năng mới vào cuộc. Vậy vai trò các cơ quan chức năng ở đâu trong kiểm tra, giám sát và phát hiện?

Phải xem lại tính chiến đấu của tổ chức Đảng nơi đó. Hiện nay đang có tình trạng cả nể lẫn nhau, thỏa hiệp với nhau, người muốn nói cũng có tâm lý “nói làm gì”, được anh được tôi… Bộ máy mà như thế thì người đứng đầu nếu sai phạm sẽ mặc sức tung hoành, chỉ khi nào bị phát hiện hay lục đục trong nội bộ thì chuyện mới “xì” ra. 

Trong tình trạng phổ biến này, đòi hỏi cấp trên phải thường xuyên lắng nghe, giám sát và kiểm tra liên tục. Sai 1 còn điều chỉnh được, chứ sai 10 thì xong.

Bây giờ nhớ lại, tôi thấy mình may mắn khi những năm còn làm việc, các lãnh đạo tiền nhiệm của tôi đều là những người nghiêm khắc, tính chiến đấu rất cao và đặc biệt là liêm chính. Chính những giá trị đó đã làm chúng tôi – những người kế nhiệm – không thể không chính trực và nghiêm khắc với chính mình. 

Tôi cho rằng mô hình chống tham nhũng của Singapore vẫn là bài học tốt cho chúng ta: không thể, không dám và không muốn tham nhũng.

* Ông vừa nói đến từ chính trực. Đó chính là gốc mọi vấn đề. Nhiều người nói bây giờ đó là một từ xa xỉ với nhiều cán bộ…

Với những người có dấu hiệu tha hoá, đừng kêu gọi tính chính trực, liêm sĩ hay tự trọng ở họ mà phải kiểm soát, chặn đứng. Khi cán bộ bị tha hóa bởi quyền lực và lợi ích, cơ chế kiểm soát quyền lực cần phát huy. 

Chỉ khi nào cơ chế kiểm soát quyền lực phát huy hiệu quả thì lúc đó mới có thể gạn đục khơi trong, còn lại cán bộ tốt, lúc đó chúng ta mới nói đến sự chính trực của cán bộ. Còn nếu không, sự chính trực, như bạn nói, chỉ là điều xa xỉ.

Chính trực, liêm sĩ không chỉ là biết dị, biết xấu hổ, mà phải có trách nhiệm với chính mình. Nếu không có phẩm chất đó, anh không thể là một công dân tốt, lại càng không thể là cán bộ tốt.

Ông Nguyễn Sự

Hội An không có chạy chức

* Lúc còn đương chức, ông đã gặp các trường hợp chạy chức nào chưa?

Ở Hội An không xảy ra tình trạng chạy chức chạy quyền được đâu. Các lãnh đạo thời trước tôi vô cùng trong sáng nên không có chuyện đó, đến thời kỳ tôi cũng vậy và bây giờ cũng hi vọng vậy.

Chúng tôi có thể sai sót này nọ trong công việc, nhưng chạy chức hay để xảy ra chạy chức không bao giờ có. Trong thời kỳ tôi tham gia lãnh đạo của thành phố cũng có thể bố trí sai, điều chuyển chưa đúng, nhưng không bao giờ có chuyện chạy chức chạy quyền. Tôi có thể tự hào nói điều này.

Tiền đâu con cán bộ đi du học?

* Trước đây xem ra còn “bí mật”, nhưng bây giờ nhiều cán bộ công khai việc cho con đi du học nước ngoài bằng kinh phí tự túc. Tiền ở đâu ra? Tại sao bây giờ người ta công khai như vậy?

Tôi nghĩ việc cho con đi du học nước ngoài không có gì sai và đáng phê phán nếu nguồn tài chính chính đáng và minh bạch.

Cán bộ có con đi du học phải báo cáo với tổ chức và báo cáo nguồn tài chính cho con đi học. Với đồng lương của cán bộ hiện nay thì chuyện cho con cái đi du học tự túc chỉ là “trong mơ”.

Phải kiểm soát chuyện này. Ở ta chỉ mới có kê khai tài sản, mà chưa có giám sát và kiểm tra nguồn gốc tài sản hình thành từ đâu.

Tôi nghĩ cần có những quy định chặt chẽ, phải có “thanh gươm” thật sắc nhằm ngăn chặn nạn lợi dụng chức quyền để tham nhũng, kể cả tham nhũng quyền lực.

NGUYỄN TRƯỜNG UY thực hiện