11/01/2025

Chi BHYT điều trị cho người nghiện: Bên muốn bên không

Uớc tính VN hiện nay có 200.000 người nghiện ma tuý, trong đó có 52.000 người nghiện đang được điều trị bằng thuốc thay thế ma túy Methadone.

 

Chi BHYT điều trị cho người nghiện: Bên muốn bên không.

 

 Uớc tính VN hiện nay có 200.000 người nghiện ma tuý, trong đó có 52.000 người nghiện đang được điều trị bằng thuốc thay thế ma túy Methadone.


 

Chi BHYT điều trị cho người nghiện: Bên muốn bên không - Ảnh 1.

Bệnh nhân uống Methadone tại Trung tâm Tư vấn và cai nghiện TP.HCM – Ảnh: TIẾN LONG

Vừa qua UBND TP.HCM có đề xuất đưa chi phí điều trị cho người nghiện vào gói dịch vụ do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Ngành y tế cũng mong mỏi BHYT chi trả tiền điều trị người nghiện bằng thuốc Methadone. 

Tuy nhiên, phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết quỹ bảo hiểm tập trung chi trả cho dự phòng và điều trị cho người bệnh, không đủ khả năng chi trả thêm phí điều trị cho người nghiện.

Chi tiền cho 52.000 người nghiện?

Theo ông Hoàng Đình Cảnh – phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 52.000 người nghiện đang được điều trị bằng thuốc thay thế ma túy là Methadone. Sắp tới các tổ chức quốc tế sẽ giảm dần tài trợ Methadone cho người nghiện và ngành y tế mong bảo hiểm chi trả chi phí này, ít nhất là chi trả phí xét nghiệm.

 

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa có văn bản gửi Bộ Y tế, đề nghị đưa phí điều trị cho người nghiện vào gói dịch vụ do BHYT chi trả. Theo đó, từ khi các tổ chức quốc tế cắt giảm tài trợ Methadone điều trị cho người nghiện thì TP đã sử dụng ngân sách chi trả cho dịch vụ này.

Riêng năm 2017 TP.HCM đã chi 21 tỉ đồng điều trị cho người nghiện. Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị nếu chưa chi trả tiền thuốc thì bảo hiểm có thể chi trả phí xét nghiệm hằng tháng cho người nghiện.

Đây cũng là điều mà Bộ Y tế mong mỏi. Theo ông Hoàng Đình Cảnh, nếu tính đúng tính đủ thì chi phí điều trị Methadone cho người nghiện khoảng 15.000 đồng/ngày và phí xét nghiệm giai đoạn đầu khoảng 500.000 đồng/tháng. Hiện nay tiền thuốc khoảng 10.000 đồng/ngày hầu hết các cơ sở điều trị đều chưa thu do còn phần tài trợ của Chương trình PEPFAR (chương trình tài trợ của tổng thống Mỹ) và Quỹ toàn cầu. Nhưng sau 2018 tới thì PEPFAR sẽ ngưng tài trợ và Quỹ toàn cầu chỉ tài trợ đến hết 2020.

Bảo hiểm không đủ khả năng chi trả

“Hiện tại Quỹ toàn cầu đang tài trợ cho 25.000 bệnh nhân, chương trình PEPFAR 12.000 bệnh nhân, riêng TP.HCM và ngân sách T.Ư cũng chi mua thuốc điều trị, trong đó ngân sách T.Ư đã chi 30 tỉ đồng mua Methadone. Quy định hiện hành chưa cho phép bảo hiểm chi trả phí điều trị cho người nghiện, nhưng tôi đề nghị nên có lộ trình và trước mắt nên chi trả phí xét nghiệm cho họ, ở mức xét nghiệm tối giản nhất là 350.000 đồng/tháng”- ông Hoàng Đình Cảnh nói.

Tuy nhiên ông Phạm Lương Sơn, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thì cho rằng quỹ bảo hiểm tập trung chi trả cho dự phòng và điều trị cho người bệnh, không đủ khả năng chi trả thêm phí điều trị cho người nghiện.

Ông Sơn cho hay năm 2017, quỹ đã bội chi khoảng 6.000 tỉ đồng do viện phí tăng, chi phí y tế tăng, từ năm 2018 tới bảo hiểm bắt đầu chi trả tiền xét nghiệm và điều trị nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV. Đến 2019 chi trả cả tiền thuốc kháng virút cho người có HIV và do đó chi phí y tế từ quỹ sẽ tăng hơn nữa. “Quỹ không thể chi được chi phí này”- ông Sơn cho biết.

Cùng chi trả?

Chi phí điều trị cho người nghiện bằng Methadone – theo ông Cảnh – hiện tính đúng tính đủ là khoảng 15.000 đồng/ngày, tính cả chi phí xét nghiệm khoảng 800.000 – 1 triệu đồng/tháng. Khoản tiền này khá khó khăn nếu người nghiện là người nghèo và không có việc làm. Trong khi quỹ BHYT còn rất nhiều việc cần chi, ngay chi phí sàng lọc, dự phòng bệnh sớm còn chưa chi trả được, nếu chi trả toàn bộ tiền thuốc và xét nghiệm cho trên 50.000 người đang điều trị Methadone là khó khăn.

Nhưng ông Cảnh cho hay trước đây bảo hiểm cũng không chi trả phí điều trị cho người có HIV, và sau nhiều lần bàn thảo thì Chính phủ đã chấp thuận để bảo hiểm chi trả. Với người nghiện, cũng nên có một lộ trình như vậy. Nên để “quỹ và người bệnh cùng chi trả”, trước mắt đề nghị bảo hiểm chi trả tiền xét nghiệm mức tối thiểu.

TP.HCM: nhiều người nghiện có việc làm

Theo ông Cảnh, chỉ riêng tại TP.HCM có khoảng 5.000 người nghiện được điều trị bằng Methadone (trong tổng số khoảng 30.000 người nghiện ma tuý).

Thống kê tại TP.HCM cho thấy tỉ lệ người nghiện có việc làm tăng dần, ở 12 tháng sau điều trị trên 70% người điều trị bằng Methadone có việc làm. Tần suất sử dụng ma tuý, dùng chung bơm kim tiêm có giảm khi tỉ lệ dùng chung bơm kim tiêm trước điều trị là 21%, sau 24 tháng chỉ còn 5%, các hành vi cướp giật, phạm tội… của người nghiện cũng giảm.

Không thể chi trả

Đây là quan điểm của ông Lê Văn Phúc, phó trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN. Theo ông Phúc, hiện nay quỹ bảo hiểm đã chi trả rất nhiều chi phí khám chữa bệnh liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật (trong đó có phí điều trị cho người bị tai nạn giao thông có vi phạm Luật giao thông), quy định hiện hành cũng không cho phép chi trả cho điều trị nghiện rượu, nghiện ma túy…

“Tôi cho là quỹ bảo hiểm chỉ nên dành chi trả cho điều trị, dự phòng, sàng lọc bệnh tật nói chung và tăng chất lượng dịch vụ y tế cung cấp cho người có thẻ, còn điều trị nghiện thì không thể vì nguồn quỹ đã rất ít ỏi, từ 2018 còn phải dành khoản khá lớn điều trị nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV, từ 2019 còn chi trả tiền thuốc cho bệnh nhân HIV nữa, nên chưa thể chi trả tiền xét nghiệm cũng như Methadone”- ông Phúc nói.

LAN ANH