11/01/2025

Phát bệnh vì… ăn mặn

Ăn mặn đang là một trong những lý do chính làm người bệnh tăng huyết áp ở VN tăng nhanh. Thông thường mỗi người Việt đang ăn muối gần gấp đôi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là dưới 5 gam/người/ngày.

 

Phát bệnh vì… ăn mặn.

 

Ăn mặn đang là một trong những lý do chính làm người bệnh tăng huyết áp ở VN tăng nhanh. Thông thường mỗi người Việt đang ăn muối gần gấp đôi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là dưới 5 gam/người/ngày.

 

 

  •  

Phát bệnh vì... ăn mặn - Ảnh 1.

Can thiệp được nghĩa là có thể giảm được, dự phòng các bệnh liên quan đến thừa muối được. Có đến trên 70% ca tử vong hằng năm ở VN là do bệnh không lây nhiễm, 33% là do bệnh tim mạch. Dự phòng bệnh từ sớm bằng điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và luyện tập sẽ tránh được rất nhiều căn bệnh trong tương lai

BS Lê Bạch Mai

Ở đâu cũng có muối và đa số người Việt đang ăn mặn hơn nhiều so với mức khuyến cáo, góp phần làm số người mắc tăng huyết áp tăng từ trên 25% người trưởng thành lên trên 47%.

Khổ vì ăn mặn

Theo hướng dẫn của Viện Dinh dưỡng quốc gia, 5 gam muối tương đương một thìa cà phê hoặc 2,5 thìa ăn sữa chua là tổng số muối khuyến cáo sử dụng cho mỗi người trong một ngày. 

Nhưng không phải đó là tất cả số muối mà mỗi người đang dùng trong một ngày, vì đã có 10% thực phẩm có sẵn muối tự nhiên, các thức ăn nhanh như bim bim, mì ăn liền, bánh mì… đều đã có muối. 

 

Bác sĩ Lại Đức Trường (Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại VN) cho hay nguồn muối sử dụng ở VN khác với các nước phát triển, bởi ở các nước phát triển muối chủ yếu đến từ các thực phẩm chế biến sẵn, còn ở VN chỉ có 20% lượng muối ăn vào là từ thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhà hàng, còn lại là muối, nước mắm, nước tương nêm nếm, chấm trong bữa ăn gia đình.

“Muốn kiểm soát lượng muối trong bữa ăn người Việt thì kiểm soát khâu chế biến trong bữa ăn gia đình cũng là biện pháp hiệu quả”- bác sĩ Trường cho biết.

Tăng huyết áp là hậu quả đáng kể nhất của việc ăn mặn. Nước Nhật đã phải nỗ lực suốt 10 năm để giảm lượng muối ăn vào xuống 30%, và đồng hành cùng kết quả này là huyết áp của người Nhật đã giảm về mức lý tưởng. Nhưng tăng huyết áp chỉ là một trong những căn bệnh liên quan đến ăn mặn, thừa muối còn liên quan nhiều bệnh khác nữa như ung thư dạ dày, thận, sỏi thận, thưa xương…

Ăn muối bao nhiêu là đủ?

Viện Dinh dưỡng quốc gia đang thực hiện chiến dịch truyền thông các biện pháp dự phòng để giảm bệnh không lây nhiễm, trong đó các căn bệnh không lây nhiễm chính liên quan đến ăn uống là đái tháo đường, tim mạch và ung thư.

Theo bà Lê Bạch Mai – nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, mức lý tưởng là mỗi người chỉ nên ăn dưới 5 gam muối/ngày. Để đạt mục tiêu này trong khi phần lớn người Việt thích ăn mặn, Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo các biện pháp thực hành ăn giảm muối là cho bớt muối vào món ăn, khi chấm nên chấm nhẹ tay, thường xuyên ăn các thực phẩm hấp, luộc, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối và giảm các món rim, kho, rang trong bữa ăn.

Bác sĩ Mai cho rằng đây không phải là việc dễ dàng, vì người Nhật có tính kỷ luật cao hơn so với người Việt nhưng sau 10 năm cố gắng họ cũng chỉ giảm được 30% muối trong khẩu phần ăn, VN thì đang còn 8 năm để giảm 30% muối vào 2025 như mục tiêu đã đặt ra. Với mục tiêu này, mỗi người chỉ nên dùng dưới 1 thìa cà phê muối/ngày cho tất cả các loại thực phẩm.

Bác sĩ Lại Đức Trường cho hay một bộ lạc người da đỏ ở châu Mỹ có thói quen không dùng muối trong chế biến thực phẩm, và bộ lạc này cũng không có bệnh nhân tăng huyết áp và hầu như không có các thể bệnh tim mạch khác. “Nên sớm có chính sách ghi nhãn về lượng muối trong thực phẩm” – bác sĩ Trường nói.

Các biện pháp dự phòng bệnh không lây nhiễm

Giảm tiêu thụ muối, kiểm soát cân nặng, sử dụng lượng chất béo, chất đạm vừa đủ, giảm tiêu thụ đường tinh chế, tăng sử dụng rau quả, uống đủ nước, hoạt động thể lực phù hợp.

Theo BS Lê Bạch Mai, điều tra quốc gia các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh không lây nhiễm ở VN cho thấy gần 60% người dân ăn quá ít rau, trái cây, gần 44% có uống rượu bia, 22,5% có hút thuốc… Các yếu tố nguy cơ, có gần 13% người Việt từ 18-69 tuổi có dưới 3 yếu tố nguy cơ, gần 8% có trên 3 yếu tố nguy cơ, ở nhóm 45-69 tuổi trên 21% có hơn 3 yếu tố nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm (tim mạch, đái tháo đường, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính…).

LAN ANH