Tại TP.HCM, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia từ nhiều năm qua đến nay nếu xem xét lại đã không còn đủ điều kiện nữa, nhưng vẫn được gắn chuẩn.
Trường chuẩn mà không đạt chuẩn.
Tại TP.HCM, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia từ nhiều năm qua đến nay nếu xem xét lại đã không còn đủ điều kiện nữa, nhưng vẫn được gắn chuẩn.
Phá chuẩn chỉ sau một năm !
Vào năm 2000, với cơ sở vật chất mới được đưa vào sử dụng, nằm ngay trung tâm hành chính của quận…, giáo viên (GV) và học sinh (HS) Trường tiểu học Lạc Long Quân (Q.11) hãnh diện là một trong những trường đầu tiên của TP.HCM đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia. Thời điểm đó, theo lời kể của lãnh đạo trường này, “một con số quá đẹp” với quy mô 30 lớp và mỗi lớp 35 HS. Thế nhưng chỉ sau một năm, với áp lực dân số, trường đã không thể giữ được chuẩn. Như vậy, sau 17 năm ròng rã, có tiếng là trường chuẩn nhưng trung bình mỗi năm trường có từ 32 – 36 lớp, sĩ số mỗi lớp có khi lên đến 39 HS. Lãnh đạo Phòng Giáo dục Q.11 chia sẻ: “Quận có duy nhất Trường Lạc Long Quân đạt chuẩn quốc gia trong tổng số 18 trường tiểu học, nhưng vẫn phải phá chuẩn. Vì địa bàn trường cư trú là khu vực đông dân nên bằng mọi cách phải an dân, còn danh hiệu tính sau”.
Ngày 7.12, UBND Q.11 có báo cáo UBND TP.HCM sự việc liên quan đến chất vấn của đại biểu HĐND TP.HCM về đất xây trường mầm non biến thành đất ở bán cho người dân ở P.4 quận này.
Vào năm học 2014 – 2015, Trường mầm non 27 (Q.Bình Thạnh) nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia mức độ 1 với tổng số 720 HS. Thế nhưng cũng chỉ sau 1 năm số HS đã tăng thêm 10%, sĩ số mỗi lớp là 40 trẻ, trong khi quy định là 25 – 35. Bà Vũ Thị Tố Loan, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Chúng tôi không thể khư khư giữ danh hiệu vì số trẻ trong khu vực quá đông, trong khi các trường mầm non ở các phường lân cận cũng đang phải gồng mình trước áp lực dân số. Nếu mình không “phá chuẩn” thì trẻ biết học ở đâu?”.
Chuẩn quốc gia là danh hiệu tất cả các trường học cùng mong ước vì khẳng định chất lượng giáo dục và điều kiện trường lớp mà HS được thụ hưởng, nhưng để đạt được không dễ. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.Bình Tân, cho biết: “Quận có 22 trường mầm non nhưng chỉ có 2 trường đạt chuẩn. Còn bậc tiểu học thì 18 năm nay chỉ có duy nhất Trường An Lạc 3 đạt danh hiệu này và chưa biết đến khi nào mới có trường thứ 2 vì mỗi năm quận tăng hàng ngàn HS, sĩ số luôn trên 40 HS/lớp. Chỉ mong giữ được kết quả này là tốt rồi”.
Các tiêu chí trường chuẩn quốc gia
Theo Bộ GD-ĐT, để đạt danh hiệu chuẩn quốc gia, các trường phải thoả mãn các tiêu chí: Tổ chức và quản lý; Đội ngũ nhân viên và GV; Chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ; Quy mô trường lớp, cơ sở vật chất và thiết bị; Thực hiện xã hội hoá giáo dục.
Tuỳ từng mức độ, Bộ quy định điều kiện cụ thể cho từng tiêu chí. Chẳng hạn, với trường mầm non đạt chuẩn mức độ 1 phải đủ số lượng GV, nhân viên theo quy định. Đảm bảo 100% GV và nhân viên đạt chuẩn trở lên về trình độ đào tạo, trong đó có ít nhất 40% số GV đạt trên chuẩn về trình độ đào tạo.
Không dám đánh giá lại vì sợ rớt chuẩn
Theo quy định, thời hạn công nhận trường đạt chuẩn quốc gia là 5 năm kể từ ngày ký quyết định. Trong thời hạn 5 năm, nếu trường đã đạt chuẩn vi phạm tiêu chuẩn quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị thu hồi quyết định và bằng công nhận. Sau 5 năm kể từ ngày ký quyết định công nhận, các trường phải tự đánh giá, làm hồ sơ trình các cấp theo thẩm quyền để được kiểm tra, công nhận lại. Tuy nhiên, cho đến nay ở TP.HCM chưa thấy trường nào bị thu hồi dù không còn đạt chuẩn. Cũng như không trường nào sau thời hạn quy định tự đánh giá lại.
Bà Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Long Quân, cho biết: “Theo quy định, sau chu kỳ 5 năm, các trường phải làm hồ sơ đăng ký kiểm tra công nhận lại chuẩn nhưng nhà trường lỗi hẹn đành phải… lơ luôn. Để đảm bảo chỗ học cho học trò, mọi việc đành tạm gác”.
Không muốn “phấn đấu” !
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, TP hiện có 138/1.100 trường mầm non, 63/493 trường tiểu học, 19/270 trường THCS, 2/187 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Với con số thống kê này, một lãnh đạo ngành giáo dục TP nhìn nhận: “Đây là một tỷ lệ rất thấp so với nhiều tỉnh thành khác cũng như so với quy định của Bộ. Tuy nhiên, hầu hết các trường không đáp ứng được quy định về diện tích sân chơi, số lượng lớp học, sĩ số HS/lớp… Chứ nếu xét về tiêu chí hiệu suất đào tạo, trình độ GV thì trường học của TP đều đáp ứng, có khi còn vượt chuẩn quy định của Bộ”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.Bình Tân, cũng khẳng định: “Tiêu chí nào cũng được, trừ những quy định về diện tích đất sử dụng. Những trường ngoại thành có điều kiện đất đai một chút thì phải chạy theo tốc độ tăng dân nhập cư, còn trường nội thành thì không biết trông cậy vào đâu. Chẳng hạn Q.Bình Tân có khoảng 710.000 dân, trong đó dân nhập cư chiếm hơn 60% khiến số HS đầu cấp luôn tăng cao, tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày chưa đến 30%. Nếu muốn xây dựng trường chuẩn quốc gia thì phải xây thêm trường, nhưng đâu phải có đất là quy hoạch được cho giáo dục, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”.
Trường tiểu học TT.Lịch Hội Thượng A (H.Trần Đề, Sóc Trăng) là trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng hiện có nhiều học sinh không biết đọc, không biết viết vẫn được cho lên lớp.
Trước thực tế này, hiện nay nhiều trường không mặn mà với danh hiệu chuẩn mà muốn tập trung vào chất lượng. Hiệu trưởng một trường mầm non ở Q.Bình Thạnh cho hay: “Đề được gắn bông hoa mai biểu tượng cho trường chuẩn quốc gia, chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều, từ xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao trình độ GV, thực hiện xã hội hoá giáo dục… nhưng mức đầu tư, ngân sách nhà nước cấp không có gì khác biệt với các trường khác. Trong khi ngân sách hằng năm phụ thuộc vào số lượng HS thế nhưng để đạt chuẩn chúng tôi phải giảm sĩ số, tức là ngân sách cấp giảm theo, ảnh hưởng thu nhập của GV”.