13/01/2025

Giữ hay bỏ Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện?

Một loạt trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp huyện bị ngưng trệ do số học sinh giảm mạnh. Có nên tiếp tục giữ các trung tâm này?

 

Giữ hay bỏ Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện?

 

Một loạt trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp huyện bị ngưng trệ do số học sinh giảm mạnh. Có nên tiếp tục giữ các trung tâm này?


 

Giữ hay bỏ Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện? - Ảnh 1.

Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.3, TP.HCM nộp hồ sơ dự thi THPT quốc gia 2017 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Trong dự thảo Luật giáo dục lần này không đề cập tới trung tâm GDTX cấp huyện. 

Trên thực tế, thực hiện thông tư 39 giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH, nhiều địa phương đã sáp nhập trung tâm GDTX cấp huyện, trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề thành cơ sở giáo dục dạy nghề. 

Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý, chuyên gia cho rằng vẫn cần phải duy trì trung tâm GDTX trực thuộc sở GD-ĐT.

Ông Nguyễn Công Hinh – vụ trưởng Vụ GDTX, Bộ GD-ĐT – cho biết: “Trước đây, khi xây dựng luật, chúng tôi giữ nguyên trung tâm GDTX cấp tỉnh, trung tâm GDTX cấp huyện, còn ở xã thì có trung tâm học tập cộng đồng và bổ sung loại hình trung tâm GDTX tư thục. 

 

 

Tuy nhiên khi nghị quyết 19/NQ-TW ra đời (nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp), tạm thời trung tâm GDTX cấp huyện trực thuộc cơ sở giáo dục dạy nghề”.

Còn theo ông Nguyễn Đức Lợi – giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Bắc Ninh, để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, vẫn cần có hệ thống trung tâm GDTX cấp huyện. 

Ở đó, ngoài việc bổ túc, nâng trình độ văn hóa, còn là nơi để người dân, cán bộ cấp xã, huyện bổ sung kiến thức chuyên môn, nâng cao dân trí… 

Theo ông Lợi, việc sáp nhập, nói một cách khác là bỏ trung tâm GDTX cấp huyện, khiến trung tâm cấp tỉnh bị hẫng, không thể ôm xuể nhu cầu học tập của người dân nếu không có chân rết ở cấp huyện.

Ông Lê Nam Thanh, giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Hòa Bình, cho rằng ngành GD-ĐT vẫn đang thực hiện phổ cập THCS và phải duy trì kết quả phổ cập tiểu học… nên việc bỏ vai trò của trung tâm GDTX cấp huyện khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng. 

Ông Phan Minh Tuấn – phó trưởng phòng GDTX Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc – cho rằng các cơ sở GDTX (quy định tại khoản 1, điều 46 dự thảo Luật giáo dục sửa đổi) phải bao gồm các cơ sở GDTX cấp tỉnh, huyện, trung tâm giáo dục nghề nghiệp ở cấp huyện, trung tâm kỹ năng sống, trung tâm ngoại ngữ, tin học, tư vấn du học… vì việc này phù hợp với thực tiễn và nhu cầu học tập đang diễn ra trong cộng đồng của các địa phương.

Trao đổi tại hội nghị tham vấn chuyên gia góp ý cho dự thảo Luật giáo dục sửa đổi, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng trong một hệ thống giáo dục mở thì các cơ sở GDTX vẫn rất cần thiết. 

Việc sáp nhập (theo thông tư 39) cũng hợp lý, nhưng cần phải làm rõ trung tâm giáo dục dạy nghề cấp huyện vẫn phải duy trì ba thành phần: giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp và GDTX, chứ không phải sáp nhập GDTX để “khai tử” như dư luận từng đề cập.’

Xã hội học tập: vẫn quá mờ nhạt!

GS Phạm Tất Dong, tổng thư ký Hội Khuyến học VN, cho rằng chúng ta vẫn e dè trong việc sử dụng khái niệm “giáo dục người lớn”. Trong khi để xây dựng một xã hội học tập suốt đời thì khái niệm trên cần đưa vào luật.

“Trên thế giới, cứ 5-6 năm lại có một hội nghị quốc tế về giáo dục người lớn. Đến năm 2015, có khoảng 11 hội nghị như thế này đã được tổ chức. Trong khi đó, ở VN chưa bao giờ có đại biểu đi dự các hội nghị này” – GS Dong chia sẻ.

Theo GS Dong, ở VN chúng ta vẫn cho rằng giáo dục chỉ dành cho thanh thiếu niên. Do đó, GDTX cũng bị hiểu sai và đi chệch hướng vì quan niệm đây chỉ là nơi “hứng những học sinh không đỗ vào trường THPT”.

Quan niệm sai lầm đó đã làm thui chột các cơ sở GDTX và bây giờ khi xây dựng Luật giáo dục sửa đổi, cơ sở GDTX cấp huyện đã vắng bóng…

VĨNH HÀ