12/01/2025

Làm gì để bớt cái xấu, cái ác?

Cái xấu, cái ác đang có biểu hiện rộ lên ngày càng nhiều trong xã hội hiện tại. Làm gì để ngăn chặn những điều đó từ trong trứng nước?

 

Làm gì để bớt cái xấu, cái ác?

 

Cái xấu, cái ác đang có biểu hiện rộ lên ngày càng nhiều trong xã hội hiện tại. Làm gì để ngăn chặn những điều đó từ trong trứng nước?

 

Nhiều vụ án khó tả bằng lời vừa xảy ra làm rúng động xã hội. Điều này đòi hỏi phải sớm có những giải pháp tích cực bảo vệ một cộng đồng đạo đức để làm lá chắn cái xấu, cái ác.

  

2 lý do khiến người Việt ngày càng "xấu xí"2 lý do khiến người Việt ngày càng ‘xấu xí’

TTO – Theo bạn đọc Tùng Lâm, tâm lý nể nang, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý và việc thực thi pháp luật chưa nghiêm minh khiến nhiều người Việt trong mắt du khách nước ngoài.

Quý trọng mạng sống từ con ong, con kiến

Có một câu chuyện xảy ra cách đây hơn hai tháng mà đến giờ tôi vẫn còn thấy xấu hổ. 

“Những hành động lệch chuẩn về đạo đức thông thường là hệ quả của sự mất cân bằng giữa áp lực kinh tế và vấn đề giáo dục văn hóa, đạo đức. Do vậy, cần có những giải pháp đủ mạnh để đảm bảo sự cân bằng trong phát triển mới bảo vệ được một cộng đồng đạo đức”.

Danh Quốc Cường

Buổi tối hôm ấy, khi đang dạy tiếng Anh tại Trung tâm chuẩn đầu ra (Đại học Nam Cần Thơ), tôi thấy một nhóm sinh viên có vẻ thiếu tập trung. Khi tôi hỏi thì các bạn ấy nói là có kiến ba khoang xuất hiện trong lớp và đề nghị cho nghỉ sớm. 

 

Tôi bước xuống xem thì đúng là có kiến ba khoang. Lúc ấy có vài chú kiến bò lại gần một nhóm sinh viên đang ở sát góc tường nên tôi quyết định dùng chân “trảm” chúng. 

Do động tác của tôi quá nhanh nên khi nhiều sinh viên kêu lên: “Thầy ơi, đừng!” thì đã không còn kịp. Tôi nói ngay: “Thầy xin lỗi!” và cảm thấy xấu hổ trước sự lương thiện của các bạn sinh viên.

Lại nhớ, có lần trong khuôn viên của thư viện Trường Murdoch (tiểu bang Tây Úc), tôi chứng kiến cảnh một cô bạn người New Zealand cứu một chú ong đang kiệt sức. Đang ngồi đọc sách, cô thấy con ong không còn sức bay, cô liền bắt nó rồi mang đến nhờ tôi coi chừng. 

Sau đó cô vào quán cà phê, xin một ít đường cát, pha loãng rồi mang đến nhỏ vào bên cạnh chú ong này. Một lúc sau, chú ong tỉnh lại, cất cánh bay. Cô vui mừng, nhảy lên như muốn bay theo nó.

Tôi hỏi cô bạn làm sao biết cách cứu ong như vậy? Cô nói hồi học phổ thông cô từng được giáo viên hướng dẫn cách sơ cấp cứu cho một số loài động vật và được học rất nhiều về quyền động vật (animal rights). “Chúng cũng biết đau đớn, biết cô đơn, biết buồn, biết vui…” – cô nói.

Hãy phát triển cộng đồng đạo đức

Một cộng đồng mà các thành viên đều trân trọng và tự nhắc nhau trân trọng mạng sống từ con kiến, con ong… được gọi là cộng đồng đạo đức. Trong thực tế chúng ta đều xuất thân từ cộng đồng đạo đức. 

Biểu hiện của các bạn sinh viên ở Đại học Nam Cần Thơ là một trong vô số bằng chứng để thấy rằng chúng ta từng sống, đang sống trong cộng đồng nhân đạo, nhân văn.

Thế nhưng, có vẻ như hiện nay có gì đó không ổn về mặt đạo đức, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, phủ khắp các hoạt động trong đời sống xã hội. Có lý giải rằng một khi áp lực phát triển kinh tế xuất hiện sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về mặt xã hội. 

Những hành động lệch chuẩn về đạo đức thông thường là hệ quả của sự mất cân bằng giữa áp lực kinh tế và vấn đề giáo dục văn hóa, đạo đức. Do vậy, cần có những giải pháp đủ mạnh để đảm bảo sự cân bằng trong phát triển mới bảo vệ được một cộng đồng đạo đức.

Cho trẻ tránh xa cảnh bạo lực

Hãy thay đổi từ những hành động nhỏ để bảo vệ đạo đức cộng đồng. Phải kiểm soát lại phim ảnh, hành vi Internet, mạng xã hội và kiểm soát cảnh bạo lực tràn lan trên không gian mạng, nhất là đối với trẻ con…

Ngay cả khi giết mổ động vật (dù phục vụ các bữa ăn gia đình) cũng cần được người lớn ý thức thực hiện có chỗ có nơi, tránh xa tầm mắt của trẻ em.

Có nhiều việc phải làm để xây dựng và bảo vệ một cộng đồng đạo đức nhằm hạn chế cái xấu, cái ác. Nhưng về cơ bản, phải phát triển khoa học xã hội, khoa học cộng đồng cho cân bằng với quá trình phát triển kinh tế, phải lồng ghép các giá trị của khoa học xã hội và nhân văn vào sản phẩm làm ra.

Chúng ta thành công trong tư duy tăng trưởng, phát triển kỹ thuật, sản lượng nhưng thiếu chất lượng, giá trị do thiếu sự can thiệp của nhiều ngành khoa học xã hội (sản xuất lúa gạo không chú trọng chất lượng mà lạm dụng thuốc trừ sâu là một ví dụ).

Cái thiện, cái đẹp thực ra tồn tại khắp nơi trong cộng đồng chúng ta đang sống (nơi sinh hoạt tôn giáo, văn chương, văn nghệ, nhân học…), thế nhưng một số ngành học về cái đẹp (văn hoá, điêu khắc, âm nhạc, văn chương) đang bị bỏ ngỏ và phát triển rất chậm.

Nếu để tình trạng này tiếp tục như hiện nay thì về lâu dài có thể cái xấu, cái ác tiếp tục gia tăng trên hầu hết các lĩnh vực.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn nghĩ gì về điều này? Theo bạn, làm gì để bớt cái xấu, cái ác? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn! 

DANH QUỐC CƯỜNG