12/01/2025

Khi nào ‘nguyên giám đốc’, khi nào ‘cựu phó phòng’?

Đề cập đến những người có chức vụ mà nay đã nghỉ, có người dùng ‘nguyên’, có người dùng ‘cựu’.

 

Khi nào ‘nguyên giám đốc’, khi nào ‘cựu phó phòng’?

 

Đề cập đến những người có chức vụ mà nay đã nghỉ, có người dùng ‘nguyên’, có người dùng ‘cựu’.


Không chỉ là những cá nhân mà các phương tiện truyền thông đại chúng cũng sử dụng từ ngữ chưa thống nhất. 

Ngay trên một tờ báo cũng có sự khác nhau giữa các tin, bài và phổ biến hơn là giữa các trang tin ở trong nước với các trang tin ở nước ngoài. 

Có thể ai đó cho là “viết sao cũng hiểu mà”, nhưng thiết nghĩ sẽ hay hơn nếu mọi người để ý hơn để viết đúng hơn, nhất là khi báo, đài thường được kỳ vọng sử dụng ngôn ngữ đúng chuẩn.

Nhắc đến những người từng đảm nhận các chức vụ, công việc nào đó mà nay đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc nữa, nhiều báo, đài dùng từ “nguyên”. 

 

Chẳng hạn, nguyên chủ tịch nước, nguyên thủ tướng, nguyên tổng giám đốc… Tuy nhiên, cũng phản ánh về những cá nhân như thế ở nước ngoài thì hầu hết các trang quốc tế của các báo đều dùng “cựu”. Ví dụ: cựu tổng thống Mỹ Obama, cựu tổng thống Ukraine Saakashvili…

“Cựu” tức là cũ, thuộc thời trước, trái với “tân” (mới) hoặc “trước kia từng là” ứng với người giữ chức vụ, phận sự nào đó. Còn “nguyên” là cái gốc, cái vốn có từ ban đầu.

Đối với những người đã nghỉ, đã thôi không còn giữ chức nữa thì dùng “cựu” như cách thường dùng nêu trên của các trang báo quốc tế là rất chính xác. 

Như thế, khi đưa tin mới xảy ra đối với ông Lê Quang Thung, người giữ chức chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Cao su Việt Nam từ tháng 3-2010 và về hưu vào đầu tháng 1-2012, từ “cựu” nên được chọn lựa vì vừa đúng vừa ngắn để viết là “khởi tố cựu chủ tịch tập đoàn cao su”.

Với người còn làm việc, đang giữ chức vụ, khi muốn thông tin về công việc, chức vụ trước đó của họ thì dùng “nguyên”. 

Ở nước mình, do có nhiều người có nhiều chức nên để đỡ rối thì có thể chọn chức liền trước đó để giới thiệu. Ví dụ, nói về ông Trương Quang Nghĩa – bí thư Thành ủy Đà Nẵng – thì có thể ghi thêm là “nguyên bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải”.

“Nguyên”, “cựu” không theo quy chuẩn nào

Các nhà ngôn ngữ học cũng bàn luận nhiều nhưng mỗi người giải nghĩa theo cách hiểu của riêng mình.

Có nhiều ý kiến cho rằng từ “cựu” là chỉ người nào đó sau khi rời chức vụ trước đó của mình thì về hưu luôn, không còn làm chức vụ khác nữa; còn từ “nguyên” là chỉ người nào đó sau khi rời chức vụ trước đó nhưng không về hưu mà vẫn tham gia một số chức vụ khác nữa.

Ví dụ: ông H hiện nay là bí thư thành uỷ nhưng ông là nguyên bộ trưởng.

Trên các sách báo và các phương tiện thông tin của nước ta, việc dùng hai từ “nguyên” và “cựu” không tuân theo một quy chuẩn nào mà tùy thuộc vào mục đích của người dùng.

Ví dụ: đối với những cá nhân đều gọi là “nguyên”, chứ không gọi là “cựu”.

Không chỉ đối với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, mà đối với cả người phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng gọi là “nguyên”.

Ví dụ: bị cáo Phạm Thanh B, nguyên là chủ tịch hội đồng quản trị tổng công ty Y…

Còn từ “cựu” chỉ được dùng đối với danh từ chung (số nhiều) như: họ đều là cựu sinh viên Trường Chu Văn An; các cựu chiến binh, cựu quân nhân, cựu thanh niên xung phong…

Xem ra việc dùng hai từ “nguyên” và cựu” cũng phức tạp và nếu dùng không đúng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự trong sáng của tiếng Việt.

Luật sư Đinh Văn Quế

THU TÂM