Xử lý 10 điểm ‘nóng’, TP.HCM hết kẹt xe?
Các cơ quan chức năng TP.HCM vừa chọn ra 10 điểm “nóng” nhất về ùn tắc giao thông trong số 37 điểm ùn tắc giao thông để đưa ra giải pháp khắc phục từ nay đến cuối năm 2017.
Xử lý 10 điểm ‘nóng’, TP.HCM hết kẹt xe?
Các cơ quan chức năng TP.HCM vừa chọn ra 10 điểm “nóng” nhất về ùn tắc giao thông trong số 37 điểm ùn tắc giao thông để đưa ra giải pháp khắc phục từ nay đến cuối năm 2017.
Lượng xe đổ về ngày càng đông đúc khiến những con đường như Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ (Q.2), Hoàng Minh Giám (Q.Phú Nhuận), Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp)… trở thành nỗi ám ảnh đối với tài xế và người dân đi lại.
“Ám ảnh” kẹt xe
Từ 7h-9h sáng 20-11, chúng tôi có mặt tại giao lộ Võ Chí Công – Nguyễn Thị Định (điểm thi công nút giao thông Mỹ Thủy, Q.2), dòng xe tải, xe container xếp hàng nối đuôi nhau di chuyển chậm chạp về hướng cảng Cát Lái.
Trên đường Đồng Văn Cống, nhiều xe tải chôn chân tại chỗ. Dòng xe chạy trên đường đổ về cảng Cát Lái cũng nhích từng chút một. CSGT phải điều tiết cho các xe chạy thẳng về hướng hầm Thủ Thiêm để giảm bớt áp lực ngay giao lộ này.
Đến 12h trưa, hàng trăm xe container vẫn xếp hàng dài vài kilômet, nhiều tài xế đợi quá lâu gắt gỏng bóp còi xe inh ỏi. Theo tài xế Phan Văn Vũ (quê Thanh Hóa), khu vực này kẹt xe cả ngày lẫn đêm. Có khi tài xế phải xếp hàng vài giờ đồng hồ mới vào được cảng Cát Lái.
Tương tự, vòng xoay Công trường Dân chủ (Q.3) cũng rơi vào tình trạng kẹt xe khá nghiêm trọng.
Đặc biệt vào giờ tan ca buổi chiều, dòng xe đổ về từ nhiều hướng khiến nơi đây trở nên quá tải. Hàng ngàn xe cộ không nhúc nhích được, thậm chí có ôtô bị kẹt lại gần 15 phút mới nhích ra khỏi vòng xoay.
Hàng trăm xe máy tìm cách quay đầu xe đi ngược chiều về hướng đường Lý Chính Thắng hoặc leo lên vỉa hè đường Cách Mạng Tháng 8 để di chuyển vào trung tâm TP.
Gần đó, tại khu vực công viên Gia Định, dọc các con đường Hoàng Minh Giám, Đặng Văn Sâm… các loại xe đẩy bán cá viên chiên, bắp xào… bày bàn ghế chiếm trọn vỉa hè để buôn bán.
Một số người đẩy xe bánh tráng trộn ra sát lòng đường để giành giật khách. Điều này gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, rác thải vương vãi khắp nơi làm xấu hình ảnh công viên.
Anh Văn Tuấn Vui – một người đi đường – cho biết nhiều xe hàng rong còn tràn xuống lòng đường buôn bán gây kẹt xe ngày càng căng thẳng, CSGT thường có mặt điều tiết nhưng kẹt xe vẫn không giảm bớt.
Tập trung 10 điểm kẹt xe
Ông Lê Hồng Việt – phó chánh thanh tra Sở GTVT – cho biết trong cuộc họp đầu tháng 11-2017, đoàn kiểm tra liên ngành đường bộ, đường sắt TP.HCM đã thống nhất cần có các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại 10 điểm có tình hình giao thông phức tạp nhất.
Đó là 10 điểm trong tổng số 37 điểm bị ùn tắc sẽ thực hiện các giải pháp xử lý ùn tắc từ nay đến cuối năm 2017.
Theo đó, tại từng điểm kẹt xe phân công cụ thể trách nhiệm cá nhân phụ trách là thành viên của các đơn vị như phòng CSGT, công an quận, thanh tra Sở GTVT, Thành đoàn, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước và doanh nghiệp cảng biển, sân bay…
Ông Nguyễn Ngọc Tường – phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM – cho rằng việc phân công các đơn vị liên quan nhằm xử lý từng điểm ùn tắc giao thông. Đồng thời cho biết sẽ quy trách nhiệm và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân không làm tròn trách nhiệm được giao vì đã để xảy ra ùn tắc giao thông.
Ông Lê Hồng Việt cho biết các đơn vị đã đề xuất các giải pháp xử lý kẹt xe ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất: sẽ cải tạo vạt bỏ vỉa hè đường Trần Quốc Hoàn và đường Hoàng Văn Thụ; nghiên cứu cải tạo đảo trung tâm vòng xoay Lăng Cha Cả như vạt bỏ 6m bán kính tiểu đảo; triển khai dự án mở rộng đường Phan Thúc Duyện đoạn từ Trần Quốc Hoàn đến đường Hoàng Hoa Thám để giảm bớt áp lực cho vòng xoay Lăng Cha Cả.
Tại vòng xoay Công trường Dân chủ, cải tạo kích thước hình học từ vòng xoay Dân chủ rẽ phải về Lý Chính Thắng, chấn chỉnh trật tự lòng lề đường tại khu vực vòng xoay.
Tại khu vực đường Xô Viết Nghệ Tĩnh – ngã 5 Đài liệt sĩ (Q.Bình Thạnh) sẽ cải tạo nút thắt cổ chai tại giao lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh – Ung Văn Khiêm. Tại đường Dương Bá Trạc (Q.8) nghiên cứu mở rộng mặt cầu Kênh Xáng…
Việc xử lý 10 điểm kẹt xe sẽ hiệu quả ra sao? Trả lời câu hỏi này, ông Võ Khánh Hưng – phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM – cho biết tình hình kẹt xe tại 10 điểm phức tạp nhất vì diễn biến kẹt xe thay đổi hằng ngày, hằng giờ.
Do đó, việc cập nhật, nắm thông tin tình hình giao thông thực tế là rất quan trọng. Theo đó, các phòng chức năng của Sở GTVT, thanh tra Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với phòng CSGT TP, quận huyện lập thành nhóm công tác thường xuyên trao đổi thông tin qua điện thoại di động để đưa ra giải pháp cấp thời giải tỏa kẹt xe.
Cũng theo ông Hưng, thực tế từ khi đưa ra giải pháp xử lý kẹt xe, các bộ phận sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình giao thông trong vòng 7 ngày hay một tháng. Bởi vì các giải pháp xử lý kẹt xe đó có khi chưa chắc đã thành công nếu không có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình giao thông thực tế.
Vì vậy, sở mong rằng bên cạnh các giải pháp của các cơ quan chức năng, người dân cũng tham gia góp ý để tăng hiệu quả trong việc xử lý từng điểm kẹt xe phức tạp nhất ở TP.
10 điểm kẹt xe nặng nhất TP.HCM
1- Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình): gồm đường Trường Chinh – Cộng Hòa và khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả.
2- Khu vực Cát Lái (Q.2): gồm các đường Đồng Văn Cống, Võ Chí Công – Nguyễn Thị Định.
3- Khu vực cụm cảng Trường Thọ – ngã tư RMK (Q.9): xa lộ Hà Nội.
4- Ngã tư Thủ Đức (Q.9 – Thủ Đức): xa lộ Hà Nội.
5- Vòng xoay Nguyễn Kiệm (còn gọi là vòng xoay Phạm Văn Đồng, Q.Phú Nhuận – Gò Vấp): đường Nguyễn Kiệm – Hoàng Minh Giám.
6- Vòng xoay Công trường Dân chủ (Q.3): khu vực vòng xoay – đường Lý Chính Thắng.
7- Khu vực đường Xô Viết Nghệ Tĩnh – ngã 5 Đài liệt sĩ (Q.Bình Thạnh).
8- Khu vực giao lộ Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (Q.7).
9- Đường Dương Bá Trạc (Q.8).
10- Quốc lộ 1 đoạn cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh).