28/11/2024

Ngăn chặn chuyện bất thường thành bình thường

Vì sao những chuyện thất thoát hàng nghìn tỉ đồng xảy ra tại Tập đoàn Cao su VN và chuyện xây dựng trái phép công khai hơn 20.000 ngôi mộ tại huyện Hoà Vang (TP Đà Nẵng) lại xảy ra một cách “gọn gàng” đến như vậy? Làm gì để ngăn chặn?

 

Ngăn chặn chuyện bất thường thành bình thường.

 

 Vì sao những chuyện thất thoát hàng nghìn tỉ đồng xảy ra tại Tập đoàn Cao su VN và chuyện xây dựng trái phép công khai hơn 20.000 ngôi mộ tại huyện Hoà Vang (TP Đà Nẵng) lại xảy ra một cách “gọn gàng” đến như vậy? Làm gì để ngăn chặn?

 

 

Chuyên mục Diễn đàn chủ nhật xin giới thiệu một số ý kiến.

* Ông Phạm Đức Trung (trưởng Ban cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Việc giám sát còn hình thức, buông lỏng

Ngăn chặn chuyện bất thường  thành bình thường - Ảnh 2.

Những vụ việc khởi tố, bắt tạm giam một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do buông lỏng quản lý, để xảy ra sai sót và gây hậu quả nghiêm trọng, cần xem lại trách nhiệm giám sát, kiểm tra, đánh giá của các cơ quan có liên quan.

 

Trước hết là cơ quan chủ quản/cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đã thực hiện đến đâu? Phản ánh từ thực tế cho thấy việc giám sát trong đó có nội dung cảnh báo sai phạm không được thực hiện thường xuyên, thậm chí bị buông lỏng. 

Có những đoàn giám sát, kiểm tra được thành lập nhưng mang tính hành chính theo kế hoạch, rất hình thức, không hiệu quả, khiến cho những việc bất thường như đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả trở thành bình thường. 

Thêm nữa, giám sát nội bộ bị vô hiệu, điển hình là kết quả hoạt động yếu kém của các kiểm soát viên, ban kiểm soát. Kiểm soát viên – về danh nghĩa là cánh tay nối dài, là tai mắt của chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng nhiều năm qua hoạt động không hiệu quả do lợi ích và chế độ đãi ngộ.

Do đó, để nâng cao trách nhiệm, năng lực và trình độ của bộ máy giám sát DNNN, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải có đội ngũ chuyên gia, cũng như một hệ thống thông tin kết nối với doanh nghiệp thường xuyên, thậm chí online hàng giờ để có đủ cơ sở phân tích, đánh giá, tham mưu cho cơ quan chủ sở hữu các quyết định kịp thời, phân tích cảnh báo, ngăn ngừa các nguy cơ gây thất thoát, các dự án kém hiệu quả. 

Tức là bộ máy giám sát chuyên nghiệp, chuyên trách cần phù hợp hơn với yêu cầu đầu tư, kinh doanh, không thể sử dụng bộ máy hành chính nhà nước kiêm nhiệm. Coi trọng hơn nữa giám sát nội bộ, kiểm soát viên phải thực sự độc lập với người quản lý DNNN.

Đồng thời, xây dựng cơ chế phân cấp quyết định hợp lý cho từng doanh nghiệp. Có những tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, việc trao cho người quản lý quyền quyết định các dự án có giá trị tới 30-50% vốn chủ sở hữu mang tính rủi ro rất cao nếu dự án không hiệu quả.

* Ông Huỳnh Đức Thơ (chủ tịch UBND TP Đà Nẵng):

Ngăn chặn chuyện bất thường  thành bình thường - Ảnh 3.

Ảnh: HỮU KHÁ

Có sự bao che, tiếp tay không?

Để xảy ra chuyện 20.000 ngôi mộ xây trái phép ngay trong khu vực được quy hoạch làm vành đai trồng cây xanh không chỉ làm phá vỡ quy hoạch mà còn gây thiệt hại về tài sản cho Nhà nước bởi nguồn lực đất đai bị xâm phạm.

Bây giờ chính quyền địa phương và ban quản lý nghĩa trang nói không nắm được sự việc là không thể chấp nhận được. Tôi cho rằng vai trò quản lý của chính quyền địa phương và ban quản lý nghĩa trang ở đây quá lỏng lẻo. 

Có hay không sự bao che, tiếp tay dẫn đến việc xây hàng chục ngàn ngôi mộ trái phép? Thanh tra TP Đà Nẵng đã được chỉ đạo vào cuộc, nếu phát hiện sai phạm thì sự việc không chỉ dừng lại ở đây mà phải đình chỉ cán bộ và tiếp tục điều tra xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Qua sự việc này cũng cho thấy vấn đề quản lý đất đai, xây dựng đang trở nên nóng bỏng cần có sự giám sát, quản lý chặt chẽ. 

Công tác quản lý đất đai, xây dựng ở cơ sở cần được siết chặt, tăng cường công tác quản lý để quy trách nhiệm cho người đứng đầu ở địa phương. Không chấp nhận tình trạng quản lý lỏng lẻo trong lĩnh vực đất đai, xây dựng vì khi xảy ra sai phạm thì hậu quả rất khó giải quyết, nó phá vỡ quy hoạch, cảnh quan.

* Ông Bùi Đặng Dũng (phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội):

Ngăn chặn chuyện bất thường  thành bình thường - Ảnh 4.

Ảnh: V.DŨNG

Vai trò của Đảng cơ sở đâu rồi?

Đối với việc hàng loạt tập đoàn, công ty nhà nước có sai phạm kéo dài và bị xử lý trong thời gian qua, thì trách nhiệm không thể không nói đến là của cơ quan chủ quản và các cơ quan thanh tra. 

Trách nhiệm của cơ quan thanh tra có thể làm chưa hết trách nhiệm, nhưng cũng có thể họ đã phát hiện nhưng không được phép báo cáo, hoặc báo cáo nhưng lại không được xử lý… nên mới xảy ra sai phạm kéo dài.

Vì vậy cần phải xem lại cơ cấu hệ thống tổ chức của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Có một thời kỳ, chúng ta rất hào hứng với việc gom góp để đẩy lên tập đoàn, công ty mẹ, công ty con… trong khi công tác quản lý lại không theo kịp, rồi buông lỏng nên sai phạm. 

Cần xem lại mô hình quản lý của các tập đoàn, doanh nghiệp này để có một biện pháp cải tổ thực sự, chứ nếu để như thế này rất kẹt. Vì trong công tác quản lý chỉ đạo chung thì Chính phủ đã nêu rồi, nhưng các bước tiến hành chậm quá.

Và thực tế, ngoài vai trò của thanh tra ra, cũng cần phải nghĩ đến vai trò của tổ chức Đảng trong các tổng công ty và tập đoàn này. 

Đôi khi tôi nghĩ rất đau xót, vậy vai trò của Đảng ủy khối doanh nghiệp ở đây như thế nào, rồi trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên và người lãnh đạo của nơi xảy ra sai phạm ra sao.

* Ông Nguyễn Sỹ Dũng (nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội):

Nguyễn Sỹ Dũng

 

Nhiều rủi ro khi Nhà nước làm kinh tế

Thực tế cho thấy Nhà nước khó làm kinh tế. Nếu quan niệm Nhà nước kiến tạo phát triển, thì cần tạo phương tiện, khuôn khổ, điều kiện cho người dân, doanh nghiệp làm kinh tế.

Còn với cách làm như hiện nay, Nhà nước vẫn “ôm” nhiều lĩnh vực, làm kinh tế sẽ đối diện với những rủi ro lớn, như vừa rồi để xảy ra các vụ việc liên quan đến sai phạm của lãnh đạo DNNN.

Bởi các quan chức, lãnh đạo có quyền rất lớn với DNNN, nhưng hiểu biết kinh doanh rất hạn chế. Bất cập là bộ chủ quản không kinh doanh, nhưng lại phê duyệt hết kế hoạch hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực tế đang có sự nhầm lẫn lớn khi các thiết chế quyền lực công lại nhảy vào quyết những vấn đề thuộc về kinh doanh, vốn mang tính thị trường.

Với mô hình Nhà nước làm kinh tế, do không hiểu rõ bản chất vận hành, theo đúng thị trường nên nhiều khi những quyết sách mang tính chủ quan, chậm trễ hoặc không hiểu rõ bản chất, làm đánh mất đi cơ hội của doanh nghiệp, gây thua lỗ.

Thậm chí nhiều hoạt động của DNNN hiện nay cứ phải trình lên Thủ tướng, biến Thủ tướng thành một “tổng giám đốc” của các tập đoàn, quyết sách mọi hoạt động của DNNN, nên khó có thể tránh rủi ro.

Hiện thiếu cơ chế để những người kinh doanh chịu trách nhiệm khi sử dụng tài sản, vốn liếng nhà nước.

Nếu doanh nghiệp tư nhân kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn, không để thất thoát thì người đại diện vốn nhà nước, làm đại diện chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước nên có tâm lý buông lỏng, thậm chí còn không làm chặt để có lợi ích lớn hơn. Dẫn tới nhiều DNNN đổ vỡ trong thời gian qua, nhiều lãnh đạo rơi vào vòng lao lý, mất người, mất của.

Vấn đề đặt ra là sớm cổ phần hóa DNNN ở nhiều lĩnh vực, Nhà nước chỉ cung cấp dịch vụ công mà tư nhân không làm. Đồng thời, Nhà nước tạo khuôn khổ thể chế, giám sát, đảm bảo thực thi chính sách pháp luật hiệu quả; đảm bảo quy định pháp luật như cung cấp thông tin minh bạch, vận hành thị trường theo đúng nghĩa, đặc biệt thị trường chứng khoán, ngân hàng, tỉ giá, lãi suất ổn định…

H.KHÁ – N.AN – H.ĐIỆP ghi