Còn bệnh ‘sơ suất’, VN còn đứng chót bảng về bảo vệ tác quyền
Việt Nam cần sớm học tập kinh nghiệm của các nước về sử dụng chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức của người dân đối với vấn đề tôn trọng bản quyền để chấm dứt tình trạng vi phạm quyền tác giả tràn lan hiện nay.
Còn bệnh ‘sơ suất’, VN còn đứng chót bảng về bảo vệ tác quyền.
Việt Nam cần sớm học tập kinh nghiệm của các nước về sử dụng chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức của người dân đối với vấn đề tôn trọng bản quyền để chấm dứt tình trạng vi phạm quyền tác giả tràn lan hiện nay.
Vụ quay livestream vi phạm bản quyền phim Cô Ba Sài Gòn chưa kịp lắng xuống thì độc giả yêu ca nhạc, phim ảnh Việt Nam lại “giật mình” vì thông tin bài hát Sống xa anh chẳng dễ dàng của ca sĩ Bảo Anh vi phạm quyền tác giả, đến mức bị YouTube đe dọa tháo bỏ.
Vì không hiểu luật…
Theo đại diện của ca sĩ Bảo Anh, việc vi phạm quyền tác giả là “sự cố ngoài ý muốn”, do “không hiểu rõ luật từ YouTube” nên… tự tiện, thoải mái sử dụng hai đoạn hoà âm của Ivan Torrent mà không xin phép đơn vị giữ bản quyền.
Cũng rất may là Ivan Torrent và nhà đại diện đã thông cảm cho sơ suất của nghệ sĩ và nhà sản xuất, chỉ lấy tiền phí bản quyền khoảng 100 triệu đồng, thay vì kiện tụng đòi đền bù thiệt hại, điều có thể dẫn tới kết cục tệ hơn rất nhiều cho Bảo Anh và nhà sản xuất MV này.
Nhìn lại các vụ vi phạm quyền tác giả ở Việt Nam, không khó để có thể thấy rằng trong rất nhiều vụ việc, nếu không nói là số đông, người có hành vi vi phạm thường thanh minh do bản thân sơ suất, “không hiểu rõ luật”.
Trong đó, thậm chí có cả trường hợp giáo sư, tiến sĩ – những người được coi là trình độ tri thức cao – cũng “cầm nhầm” kết quả nghiên cứu, sáng tạo của người khác.
Cho dù theo pháp luật hiện hành ở Việt Nam, vi phạm quyền tác giả bị xử phạt hành chính, phải đền bù thiệt hại nếu nạn nhân khởi kiện dân sự, hoặc thậm chí có thể bị khởi tố hình sự trong trường hợp nghiêm trọng, nhưng trong phần lớn trường hợp, người vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính, đồng thời lên báo chí xin lỗi vì “sơ suất” là xong. Chính vì thế, các vụ vi phạm vẫn xảy ra thường xuyên như cơm bữa.
Chú ý chữa bệnh “sơ suất”
Tất nhiên, quyền sở hữu của tác giả đối với tác phẩm vốn còn khá mới mẻ với người Việt, do khái niệm này hoàn toàn không tồn tại trong văn hoá truyền thống Việt Nam.
Nếu như ở phương Tây, quyền tác giả ra đời từ hơn 300 năm nay (ở Anh với luật thông qua năm 1710, tại Pháp luật thông qua năm 1791-1793), thì luật đầu tiên của Việt Nam bảo vệ quyền tác giả mới chỉ ra đời cách đây hơn 10 năm với việc thông qua Luật sở hữu trí tuệ vào năm 2005.
Vì thế, không mấy khó hiểu khi số đông người Việt Nam chưa thực sự nắm được luật, cũng như chưa có ý thức tôn trọng quyền tác giả.
Tuy nhiên, cần phải nhận thức rằng trong bối cảnh Việt Nam đang tiến tới xây dựng một nền kinh tế số dựa trên sức mạnh sáng tạo tri thức, việc nâng cao ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ là đặc biệt cần thiết.
Vì thế, không thể chỉ hoàn thiện pháp luật nâng cao chế tài xử phạt là đủ, cần phải đặc biệt chú ý chữa bệnh “sơ suất” vi phạm quyền tác giả mà rất nhiều người Việt mắc phải.
Học kinh nghiệm giáo dục toàn dân
Trên thực tế, Việt Nam chưa có chiến dịch nào thực sự sâu rộng và hiệu quả nhằm vào việc nâng cao ý thức của người dân đối với vấn đề bản quyền. Trong khi đó, rất nhiều nước láng giềng châu Á của chúng ta đã thực hiện các chương trình giáo dục toàn dân ở lĩnh vực này, và nhờ đó giảm mạnh các vụ vi phạm quyền tác giả.
Ví dụ như Singapore và Malaysia đã thực hiện rất tốt ý tưởng giáo dục toàn dân qua… chương trình quảng cáo. Tại hai nước này, trên các chương trình truyền hình, phát thanh hay ở rạp chiếu phim, khán giả thường xuyên được xem, nghe các đoạn quảng cáo với nội dung chống vi phạm bản quyền.
Vì thế, người dân hiểu được lý do tại sao cần phải bảo vệ bản quyền, cũng như các hình phạt họ có nguy cơ phải đối mặt khi vi phạm. Theo khảo sát, trước các chiến dịch này, người dân Singapore và Malaysia phần lớn chấp nhận sử dụng hàng nhái hay các sản phẩm copy bất hợp pháp. Tuy nhiên, thái độ của họ đã thay đổi đáng kể sau đó.
Ở Philippines, tỉ lệ vi phạm cũng sụt giảm nhiều kể từ khi Chính phủ Philippines thực hiện “Tháng hành động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” vào năm 2007.
Đây là chiến dịch nhằm gửi một thông điệp đặc biệt rõ ràng và kiên quyết tới những người sản xuất và sử dụng hàng hóa vi phạm quyền tác giả rằng họ sẽ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi này.
Chiến dịch tập trung vào việc phân phát cho người dân những tờ rơi giải thích các quy định của pháp luật xử phạt vi phạm quyền tác giả.
Qua các ví dụ nói trên, có thể thấy hiệu quả khá tích cực của các chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức người dân đối với vấn đề tôn trọng bản quyền. Tôi cho là chúng ta cần sớm học tập kinh nghiệm của các nước này để chữa dứt điểm bệnh vi phạm bản quyền vì “sơ suất” mà nhiều người Việt còn mắc phải.
Xếp cuối bảng về bảo vệ tác quyền
Theo bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Phòng Thương mại Hoa Kỳ 2017, Việt Nam chỉ được xếp hạng 37/45 nền kinh tế, thấp hơn Trung Quốc – được gọi là “thế giới hàng giả” – những… 10 bậc, kém Philippines, Malaysia. Tệ hơn, riêng trong lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả, Việt Nam đứng… chót bảng, xếp thứ 45/45.