Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự hội thảo khoa học “Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích thành Điện Hải” do Sở VH-TT TP.Đà Nẵng tổ chức hôm qua 15.12.
Nên bỏ bảo tàng để ‘cứu’ thành Điện Hải.
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự hội thảo khoa học “Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích thành Điện Hải” do Sở VH-TT TP.Đà Nẵng tổ chức hôm qua 15.12.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh chính quyền TP vừa tiến hành giải tỏa hàng loạt nhà dân nằm chồng lấn lên phần thành cổ. GS-TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, đánh giá từ đầu năm 2017, TP.Đà Nẵng đã có nỗ lực đáng ghi nhận khi giải tỏa nhà dân và phát huy giá trị di tích. “Hội đồng di sản đã xem xét, ghi nhận và 25/25 thành viên hội đồng đã bỏ phiếu kiến nghị Thủ tướng ra quyết định công nhận thành Điện Hải là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt”, ông Bình nói.
Sở Văn hoá – Thể thao TP.Đà Nẵng cho biết Hội đồng di sản văn hóa quốc gia vừa thống nhất thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ để ra quyết định công nhận thành Điện Hải (TP.Đà Nẵng, ảnh) là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Theo ông Bình, cần thẳng thắn thừa nhận một thực tế là chính trụ sở Bảo tàng Đà Nẵng – một công trình cao tầng, kiến trúc hiện đại nằm ngay trong khu vực bảo vệ 1 tại khuôn viên thành Điện Hải (hoàn thành năm 2011 với tổng số tiền đầu tư lên tới 45 tỉ đồng), lại vi phạm nặng nhất đến tính toàn vẹn của di tích. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP, cho rằng địa điểm phù hợp nhất để phục dựng các công trình cổ bên trong thành Điện Hải chính là khu vực bảo tàng hiện nay. “Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay kiến trúc hoàn toàn không hài hòa với kiến trúc tổng thể của thành. Theo tôi, giải quyết điều này là phải đành không… sợ lãng phí”, ông Tiếng nhấn mạnh.
PGS-TS Đặng Văn Bài đánh giá thành Điện Hải là di tích đặc biệt nên phải được “đối xử đặc biệt” và nhất thiết phải gìn giữ được sự toàn vẹn của di tích.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc VN (khu vực miền Trung – Tây nguyên), đề nghị bảo tàng đã xâm phạm đến di tích nên cần thiết phải đập bỏ để phục dựng những thứ liên quan đến danh tướng Nguyễn Tri Phương chống quân Pháp xâm lược. Nhà nghiên cứu Hà Phước Mai, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cũng khẳng định tòa nhà “có hình dạng không giống ai” cho nên phải đập bỏ để dành đất cho những công trình khác ý nghĩa hơn.
Khẩn trương khai quật thành ngoài
Trưa 15.12, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, khu vực phía tây thành Điện Hải đã được xe cơ giới san ủi bằng phẳng. Đây chính là khu vực vòng thành ngoài của di tích bị chôn vùi suốt nhiều năm qua. Ông Hà Phước Mai cho biết dấu quách bên ngoài của thành cổ vẫn còn rất rõ. “Năm 2014, khi mở rộng một công trình có phát hiện phần móng của thành ngoài. Sau hội thảo này, tôi cho rằng cần nhanh chóng triển khai một cuộc khai quật khảo cổ để xem diện mạo thành và tìm súng thần công trong lòng đất phục vụ trưng bày”, ông Mai nói.
Bảo tàng Đà Nẵng xây dựng ngay trong thành Điện Hải đã xâm hại nghiêm trọng đến di tích nàyẢNH: HOÀNG SƠN
Theo GS Trương Quốc Bình, TP.Đà Nẵng cần triển khai tốt giai đoạn 1 dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo thành trong, thành ngoài và hào nước để lấy lại sự nguyên vẹn cho di tích. Trong giai đoạn 2, các nội dung phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để phục dựng lại một số công trình thiết yếu của thành như: nhà chỉ huy, trại lính, tháp canh, vị trí đặt súng thần công… “Cần nghiên cứu, chuẩn bị tư liệu để xây dựng sa bàn lớn có mái che tại khuôn viên thành. Xem sa bàn, du khách có thể hiểu được thành Điện Hải, TP.Đà Nẵng vào thế kỷ 19 như thế nào, khái quát được bức tranh thành trong lịch sử…”, ông Bình nói thêm.
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa VN, kết luận hội thảo bằng những ý kiến cụ thể: “Trước mắt là khai quật khảo cổ tại khu vực mới giải tỏa để tạo tiền đề cho việc nghiên cứu. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện bộ sưu tập súng thần công. Nếu có phát hiện thêm thần công tại thành thì bộ súng chắc chắn sẽ được công nhận là bảo vật quốc gia…”. Ông nhấn mạnh thêm: “Việc triển khai dự án tôn tạo, phục dựng không thể vội và cần nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng phải làm để tạo ra sản phẩm thu hút du khách”.
Lịch sử thành gắn với sự kiện quân dân Đà Nẵng do danh tướng Nguyễn Tri Phương (1858 – 1860) chỉ huy mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha xâm lược.