Miễn học phí cho sinh viên sư phạm: ‘Đã đến lúc dừng’
Chính sách miễn học phí không còn là yếu tố thu hút sinh viên vào sư phạm, việc cần làm là giải quyết đầu ra cho sinh viên sau khi ra trường.
Miễn học phí cho sinh viên sư phạm: ‘Đã đến lúc dừng’.
Chính sách miễn học phí không còn là yếu tố thu hút sinh viên vào sư phạm, việc cần làm là giải quyết đầu ra cho sinh viên sau khi ra trường.
Sau đề xuất bỏ miễn học phí sư phạm, đã có nhiều phản hồi của các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục, giáo viên. Nhiều ý kiến cho rằng việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã hoàn thành sứ mạng lịch sử và đã đến lúc cần kết thúc.
Cũng có ý kiến cho rằng học phí không quyết định việc sinh viên có chọn học sư phạm hay không, mà là do những yếu tố khác.
TS Nguyễn Cam (nguyên giám đốc Trung tâm công nghệ dạy học, Viện Nghiên cứu giáo dục):
Cần giải quyết đầu ra cho sinh viên sư phạm
Vài năm gần đây, chế độ miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã không còn tác dụng. Nguyên nhân chính là vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm.
Nhà nước đã “thả nổi” khâu này, để sinh viên tốt nghiệp xong phải tự đi tìm việc, rồi không xin được việc làm, trong đó có không ít sinh viên giỏi.
Các cấp quản lý cần giải quyết gốc rễ của vấn đề: siết lại chỉ tiêu đào tạo các ngành sư phạm, chứ không để dư thừa như hiện nay; sinh viên ra trường được bổ nhiệm một cách minh bạch vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục; lương giáo viên phải đủ sống; điều kiện làm việc của giáo viên phải bảo đảm, môi trường làm việc dân chủ…
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Học phí không quyết định việc chọn học sư phạm
Qua so sánh giữa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM 4 năm gần đây cho thấy có sự giảm sút mạnh mẽ số lượng sinh viên khu vực nông thôn vào trường sư phạm so với trước đây.
Đây là sự thay đổi rất đột xuất. Có thể do báo chí thông tin về tình trạng thất nghiệp của sinh viên sư phạm, nên giới trẻ nông thôn không học sư phạm chăng?
Thực tế, mức học phí được miễn chỉ bằng 1/4 chi phí ăn ở, sinh hoạt trong thời gian sinh viên theo học ĐH ở TP.HCM. Vì vậy, theo tôi, học phí không quyết định việc sinh viên có chọn học sư phạm hay không, mà phải có hàng loạt chính sách kèm theo để thu hút người trẻ vào ngành sư phạm.
Tôi đề nghị trong chính sách chung về tín dụng sinh viên, nên có chính sách ưu tiên riêng cho sinh viên sư phạm được vay vốn dài hạn, chấp nhận rủi ro về phía Nhà nước.
Nếu sau 4 năm học tập sinh viên ra trường công tác trong ngành giáo dục, thì sau 4-5 năm làm việc có thể được chi trả lại học phí đã nộp, xoá khoản vay. Chính sách như vậy sẽ thu hút được các học sinh giỏi khu vực nông thôn khó khăn vào các trường sư phạm.
Ngoài ra, nếu sinh viên sư phạm mới ra trường mà được nhận lương 8-10 triệu đồng/tháng, chắc chắn sẽ có nhiều người chọn nghề sư phạm.
Với tôi, chuyện quan trọng là con học ra trường xin được việc làm, còn có được miễn học phí hay không không quan trọng. Thà rằng giờ mình gắng thêm một chút, cho con học ngành nào đó ra trường có việc làm…
Bà Nguyễn Thị Lệ (thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị)
T.HUỲNH – H.HƯƠNG ghi