28/11/2024

Lại ‘nóng’ tự chủ đại học

Phía các trường muốn tự chủ hơn, trong khi phía quản lý nhà nước muốn các trường phải đảm bảo chất lượng đào tạo…

 

Lại ‘nóng’ tự chủ đại học

 

Phía các trường muốn tự chủ hơn, trong khi phía quản lý nhà nước muốn các trường phải đảm bảo chất lượng đào tạo…


 

Lại nóng tự chủ đại học - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Diệp Tuấn – hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM, phát biểu tại hội thảo – Ảnh: NHƯ HÙNG

Tự chủ ĐH và hội đồng trường là hai nội dung được các đại biểu trao đổi nhiều nhất tại hội nghị góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH, do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 12-12.

Theo nhiều đại biểu, dự thảo luật sửa đổi lần này đã có nhiều bổ sung tốt hơn so với luật trước đây. Tuy nhiên, vẫn cần làm rõ chi tiết hơn nhiều vấn đề.

Tự chủ tới mức nào?

PGS.TS Trần Diệp Tuấn – hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM – nhận định điều 32 của dự thảo nói rõ quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục ĐH. Trên thực tế, thời gian qua khi nói vấn đề tự chủ luôn có mâu thuẫn giữa các trường và cơ quan quản lý nhà nước. 

 

 

Phía các trường ĐH muốn tự chủ hơn, trong khi phía quản lý nhà nước muốn làm sao các trường phải đảm bảo chất lượng đào tạo.

“Để cân bằng vấn đề tự chủ chính là trách nhiệm giải trình. Ở điểm 2, điều 32 nêu: Chính phủ quy định chi tiết về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục ĐH trong từng lĩnh vực hoạt động phù hợp với năng lực tự chủ. 

Tôi băn khoăn việc Chính phủ sẽ quy định như thế nào trong vấn đề này, trong khi luật chưa nói rõ. Khi ban hành luật này còn bị ảnh hưởng rất nhiều luật khác chi phối. 

Hiện nay, ngay cả những trường đang thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ toàn diện vẫn cảm thấy bức bối bởi một số ràng buộc và cũng không biết tự chủ tới mức độ nào. Vì vậy cần định hướng việc tự chủ tới đâu, thang tự chủ này dựa trên yếu tố nào” – ông Tuấn nói.

Trường ĐH Tài chính – marketing là một trong năm trường ĐH đầu tiên được Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ. Phát biểu tại hội nghị, TS Hoàng Đức Long – hiệu trưởng nhà trường – nhận định những quy định về tự chủ nằm rải rác ở các điều của dự thảo luật sửa đổi, nên sẽ giúp các trường có nhiều hành lang pháp lý hơn để hoạt động. 

Tuy nhiên, ông Long cho rằng Luật giáo dục ĐH có liên quan đến các luật khác, nên cần kiến nghị Quốc hội xem xét các luật khác để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện mới về tự chủ ĐH, nếu không sẽ vướng rất nhiều quy định trong quá trình thực hiện.

Tăng tỉ trọng người ngoài trường tham gia hội đồng trường

Về hội đồng trường, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho rằng vai trò của hội đồng trường đã được quy định tương đối rõ trong dự thảo. 

Tuy nhiên, để hội đồng trường là đối trọng trong điều hành của ban giám hiệu thì hiệu trưởng không nên là thành viên hội đồng trường. 

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho rằng hội đồng trường là cơ quan hoạch định chính sách, chiến lược của nhà trường, chứ không phải cơ quan thực thi nên không cần có đại diện sinh viên.

Còn GS Nguyễn Lộc – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành – nhận xét những điều sửa đổi của Luật giáo dục ĐH lần này là những điều rất cơ bản. Tuy nhiên, với mô hình hội đồng trường quy định như trong dự thảo luật sửa đổi, ông Lộc e rằng việc tự chủ không tăng lên nhiều. 

Ông Lộc đề nghị: “Cần mạnh dạn tăng tỉ trọng người ngoài trường tham gia hội đồng trường lên trên 50%. Nếu tiếp tục để tỉ trọng người trong trường nhiều quá thì tính độc lập của hội đồng trường và việc đảm bảo sự tự chủ của trường rất khó. 

Cần tăng tỉ trọng người ngoài trường theo mô hình quốc tế để thúc đẩy sự tự chủ của trường ĐH”.

“Nếu chia ra trường vì lợi nhuận và trường phi lợi nhuận hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Nên chăng nếu nhà đầu tư muốn phát huy tâm huyết đối với giáo dục thì có thể thành lập thiết chế khác như quỹ đầu tư giáo dục. Quỹ được điều hành bởi hội đồng quản lý quỹ. Nhà trường có thể vay tiền của quỹ để hoạt động và trả lãi. Lãi này là lãi đầu tư, chứ không phải lãi chia
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng

TRẦN HUỲNH