Chủ nhật II Mùa Vọng B: Dọn lòng đón Chúa đến
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay khẳng định chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện lời hứa viếng thăm và an ủi Dân Người. Lời hứa đó được cụ thể hoá nơi con người và sứ vụ của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Vấn đề là con người có dọn lòng, và dọn lòng thế nào để đón chờ Người đến.
Chủ nhật II Mùa Vọng B
Is 40,1-5.9-11; 2 Pr 3,8-14; Mc 1,1-8
DỌN LÒNG ĐÓN CHÚA ĐẾN
“Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1,3)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay khẳng định chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện lời hứa viếng thăm và an ủi Dân Người. Lời hứa đó được cụ thể hoá nơi con người và sứ vụ của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Vấn đề là con người có dọn lòng, và dọn lòng thế nào để đón chờ Người đến.
1. Bài đọc 1
Bài đọc 1 trích từ sách ngôn sứ Isaia Đệ Nhị (Is 40-55). Sách này được viết ra trong bối cảnh Dân Chúa chịu cảnh lưu đày Babylon và được gọi là “sách an ủi” vì nội dung chính của sứ điệp là nhằm an ủi những người đang chịu cảnh lưu đày.
Trước hết, “sách an ủi” mở đầu bằng lời Thiên Chúa kêu gọi an ủi Dân Người: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta” (Is 40,1). Khi phải sống trong cảnh lưu đày, dân Israel phải chịu cảnh nước mất, nhà tan, ly tán và phải làm nô dịch cho ngoại bang. Trong cảnh bi đát đó, ngôn sứ Isaia thắp lên niềm hy vọng và an ủi cho dân rằngThiên Chúa thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của họ vì Người vẫn hằng dõi theo và không bỏ rơi Dân Người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vì những tội lỗi của dân, họ đáng bị khiển trách và trừng phạt, nhưng giờ đây điều đó đã hết và thời phục dịch cũng đã mãn (Is 40,2). Đây thật sự là lời an ủi lớn lao cho dân đang sống trong cảnh lưu đày.
Hơn nữa, lời an ủi và niềm hy vọng được ngôn sứ cụ thể hoá bằng việc loan báo tin mừng rằng Chúa sẽ đến viếng thăm Dân Người: “Kìa Thiên Chúa các ngươi!” (Is 40,9). Sống trong cảnh lưu đày như bị Thiên Chúa bỏ rơi, Dân Chúa giờ đây nhận được tin vui lớn lao rằng Thiên Chúa không những không hề bỏ rơi mà còn chuẩn bị đến với họ. Việc cần làm lúc này là hãy dọn đường để cho Chúa đến: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa,giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băngcho Thiên Chúa chúng ta” (Is 40,3). Chúa sẽ đến giữa Dân Người với điều kiện là hãy biết mở đường để đón Người đến. Những nơi cằn cỗi, khô khan, lồi lõm, gồ ghề cần được tu sửa, chỉnh đốn, san bằng, lấp đầy để đón Chúa.
Sau cùng, bài học đớn đau của cảnh lưu đày mở ra cho Dân Chúa một nhãn quan mới về vai trò của Thiên Chúa trong đời họ, rằng Người mới là mục tử đích thật của họ. Các vua Chúa dù có lúc hùng mạnh rồi cũng có lúc suy yếu nên không thể bảo vệ, chăm sóc và lo cho dân luôn mãi. Khi phải sống trong cảnh lưu đày, bị cai trị bởi một vua ngoại bang, dân mới thấm thía rằng chỉ có Chúa mới là mục tử chân thực của đời họ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Như một mục tử nhân hiền, luôn hết lòng vì đàn chiên, Chúa qui tụ đàn chiên quanh mình và chăm sóc từng con một, cả chiên con lẫn chiên mẹ (Is 40,11).
Trong hoàn cảnh bi đát của cuộc lưu đày, lời ngôn sứ Isaia đem lại cho dân nguồn an ủi lớn lao khi họ biết rằng Thiên Chúa chính là mục tử đích thực của họ. Người vẫn hằng dõi theo dân trong từng bước thăng trầm của lịch sử Dân Chúa và Người sẽ đến giữa họ để cứu độ họ. Qua cuộc sống của mình, dân hãy biết dọn đường để đón Người đến.
2. Bài đọc 2
Độc giả thư thứ hai Phêrô đang sống trong cảnh hoang mang vì có những thầy dạy giả hiệu rêu rao rằng lời rao giảng của các Tông Đồ về ngày quang lâm (khi Đức Kitô trở lại để thưởng người lành, phạt kẻ dữ) chỉ là chuyện bịa đặt (2 Pr 1,16). Tác giả thư thứ hai Phêrô phản bác lập luận này bằng những luận chứng trong bài đọc 2 hôm nay.
Trước hết, tác giả khẳng định rằng:“Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa (sẽ trở lại), như có kẻ cho là Người chậm trễ”, vì “đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” (2 Pr 3,8-9). Thiên Chúa là Đấng“làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài,làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư” (Tv 24,1); Người làm chủ thời gian và không gian. Vì thế, việc Thiên Chúa trì hoãn ngày quang lâm xuất phát từ ý định yêu thương của Người: Người muốn kiên nhẫn chờ đợi để con người có thời gian hồi tâm, ăn năn sám hối, thay đổi đời sống để một khi trở lại, “Người không muốn cho ai phải diệt vong” (2 Pr 3,9). Vì yêu thương và không muốn cho bất kỳ ai phải hư mất, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi con người trở về trong tình thương của Người.
Thêm vào đó, thư thứ hai Phêrô tái khẳng định điều Chúa Giêsu đã từng cảnh báo (x. Mt 24,42-44; Lc 12,39-40) và thánh Phaolô đã nhắc lại (x. 1 Tx 5,2) rằng: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm” (2 Pr 3,10). Đức Kitô sẽ trở lại nhưng ngày giờ Người trở lại luôn là một ẩn số cho con người. Vì thế, con người không có cách nào khác hơn là luôn ở trong tư thế sẵn sàng, “không ở trong bóng tối để ngày đó như kẻ trộm bắt chợt anh em” (1 Tx 5,4), sẵn sàng “vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Lc 12,40), sẵn sàng để khi Thiên Chúa thực hiện lời hứa, con người được vào trong “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3,13).
Sau cùng, thư thứ hai Phêrô đưa ra một gợi ý cho thái độ sống sẵn sàng để đón chờ Chúa Kitô trở lại: “Trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” (2 Pr 3,14). Trước thái độ sống buông thả của những người cho rằng không có ngày Chúa trở lại, giữa bao nhiêu cám dỗ gọi mời của thế gian, các Kitô hữu được mời gọi sống thánh thiện, tinh tuyền trước mặt Chúa. Một đời sống thánh thiện, suy nghĩ và làm những điều ngay chính, công minh chính là lối sống “không có chi đáng trách” trước mặt Chúa. Một đời sống như thế sẽ đem lại niềm bình an nội tâm đích thực.
Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn đợi chờ con người ăn năn hối cải và sống trong tinh thần sẵn sàng chờ ngày Đức Kitô quang lâm, để không ai phải “diệt vong” trong ngày đó. Mỗi người Kitô hữu được mời gọi sống thánh thiện, tinh tuyền để luôn tìm được sự bình an giữa bao nhiêu cám dỗ của thế gian này.
3. Bài Tin Mừng
Mở đầu sách Tin Mừng, thánh Máccô giới thiệu ngay đối tượng của Tin Mừng chính là “Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Để chuẩn bị lòng người đón nhận Tin Mừng, Thiên Chúa sai sứ giả đi trước để dọn đường cho Đấng cao trọng hơn sẽ đến sau, Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.
Trước hết, tác giả Máccô khẳng định rõ ràng ngay từ đầu rằng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa chính là đối tượng của Tin Mừng. Trong Hy ngữ, chữ “euaggelion” (Tin Mừng) bao gồm tiếp đầu ngữ “eu” (tốt, tốt lành) kết hợp với danh từ “aggelia” (tin tức, sứ điệp); nguyên ngữ “euaggelion” có nghĩa là tin tức, sứ điệp tốt lành, hay gọi là tin mừng. Ở đây, thánh Máccô xác tín rõ rằng Tin Mừng không chỉ là một thứ tin tức mang lại nỗi vui mừng, mà là một đối tượng, một con người: Tin Mừng chính là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Nếu Isaia Đệ Nhị chỉ loan báo lời Thiên Chúa kêu gọi “hãy an ủi dân Ta” (Is 40,1), thì Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa chính là hiện thân của niềm an ủi đó, là Tin Mừng cho nhân loại.
Sau nữa, thánh Máccô dẫn lại lời ngôn sứ Isaia về việc chuẩn bị để đón Đức Chúa bằng cách dọn đường: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1,2; x. Is 40,3). “Tiếng hô” mở đường trong Isaia giờ đây được cụ thể hóa bằng một con người mang tên Gioan Tẩy Giả, người đến để làm trọn lời hứa của Thiên Chúa (Mc 1,2; x. Xh 23,20; Ml 3,1). Và cách thức dọn đường cho Đức Chúa chỉ được loan báo trong Isaia (40,4) thì giờ đây cũng được cụ thể hoá bằng lời kêu gọi “chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Mc 1,4). “Tiếng hô” kêu gọi “dọn đường” cho Đức Chúa trong Isaia tạo nên bối cảnh để thánh Máccô giới thiệu Gioan Tẩy Giả, người đến để rao giảng và làm phép rửa, kêu gọi người ta dọn một con đường trong lòng cho Chúa đến bằng thái độ ăn năn sám hối để được ơn tha tội.
Cuối cùng, lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả đầy sức thuyết phục, lôi kéo được nhiều người đến thú tội và chịu phép rửa (Mc 1,5), một phần cũng nhờ lối sống giản dị, nghèo khó của ông (Mc 1,6), đến nỗi có lúc người ta lầm tưởng ngài là “Đấng Kitô” (x. Ga 1,19-28). Tuy nhiên, những gì Gioan Tẩy Giả thực hiện chỉ là để hoàn tất vai trò người tiên phong, vì mọi lời loan báo, mọi sự chuẩn bị, mọi công tác dọn đường đều hướng đến một Đấng cao trọng đến sau, Đấng “sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,8). Phép rửa của Gioan giúp người ta nhận ra tội lỗi của họ mà ăn năn sám hối, dọn đường cho Đấng đến sau, Đấng sẽ làm phép rửa bằng cách ban ơn tha tội và thanh tẩy lòng người ta bằng ơn Thánh Thần.
Mọi con đường, mọi sự chuẩn bị đều phải hướng đến Đức Giêsu Kitô, Đấng thanh tẩy lòng người bằng ơn Thánh Thần, để đón nhận ơn cứu độ. Người chính là Đấng Cứu Độ, Đấng là Tin Mừng cho nhân loại mọi nơi, mọi thời.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/Ngôn sứ Isaia Đệ Nhị cho thấy rằng giữa cảnh bi đát nhất của cuộc lưu đày, Thiên Chúa không hề bỏ rơi Dân Người. Dân Chúa được kêu gọi dọn đường để Đức Chúa đến giữa Dân Người như một mục tử nhân lành, hết lòng vì đoàn chiên. Tôi có muốn dọn lòng tôi để vị mục tử nhân lành là Đức Giêsu đến viếng thăm, nhất là trong Mùa Vọng này? Trong những lúc khó khăn của cuộc đời, tôi có tin Chúa vẫn hiện diện bên tôi, chăm sóc nâng đỡ tôi như mục tử chăm sóc đàn chiên?
2/ Thư thứ hai Phêrô khẳng định rằng Đức Giêsu sẽ trở lại. Hiện nay Người trì hoãn là vì muốn kiên nhẫn chờ đợi con người ăn năn hối cải. Trong khi chờ đợi, con người được mời gọi sống thánh thiện, tinh tuyền. Tôi có xác tín rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại vào một lúc nào đó trong đời tôi? Tôi có tranh thủ thời gian hiện tại để sửa đổi đời sống trong khi Chúa Kitô đang kiên nhẫn đợi chờ? Tôi có quyết tâm sống công chính, thánh thiện như là một phương cách đón chờ Chúa Giêsu lại đến?
3/ Thánh Máccô công bố Tin Mừng là chính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Thánh Gioan Tẩy Giả đến rao giảng sám hối để con người dọn lòng đón Tin Mừng là chính Đấng cao trọng sẽ đến sau, Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần. Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa có thật là Tin Mừng cho cuộc đời tôi? Tôi cần làm gì và làm thế nào để đón chờ Người đến? Tôi có sẵn sàng để cho Đấng đến sau thanh tẩy tâm hồn tôi bằng ơn Thánh Thần?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Phụng vụ hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy dọn lòng sẵn sàng chào đón Chúa bằng một tâm hồn tinh tuyền và đời sống thánh thiện. Với quyết tâm và tâm tình chờ mong Chúa đến, cộng đoàn chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:
1. Thánh Gioan Tẩy Giả được sai đến để mời gọi mọi người dọn đường đón Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh, luôn là những sứ giả của Chúa Cứu Thế: tận tình chăm sóc đoàn chiên và dẫn đưa nhiều người lầm lạc trở về với Chúa.
2. Đức Giêsu Kitô là Đấng thanh tẩy lòng người trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang bị mê hoặc bởi học thuyết tương đối và chủ nghĩa hưởng thụ, biết thức tỉnh cùng mở lòng sẵn sàng để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn và hướng dẫn.
3. Giáo Hội Việt Nam chọn chủ đề mục vụ cho năm 2018 là: “Đồng hành với các gia đình trẻ”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các gia đình công giáo luôn ý thức học hỏi đào sâu tinh thần Phúc Âm, và đem áp dụng vào trong mọi sinh hoạt của đời sống gia đình cũng như xã hội.
4. “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn tích cực dọn đường cho Chúa đến qua việc siêng năng lãnh nhận các bí tích, và dấn thân sống chứng tá đức ái trong môi trường của mình.
Chủ tế: Lạy Chúa là Mục Tử Nhân Lành, xin thương nhận những ý nguyện của cộng đoàn chúng con, và ban ơn nâng đỡ giúp mỗi người chúng con sống thời gian mùa Vọng này như lòng Chúa mong ước. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.