16/01/2025

Tạo sự khác biệt trong đào tạo cử nhân, kỹ sư tài năng

ĐH Quốc gia TP.HCM đang xây dựng Đề án chương trình đào tạo kỹ sư, cử nhân tài năng giai đoạn 2018 – 2022 với những đòi hỏi cao hơn với người học.

 

Tạo sự khác biệt trong đào tạo cử nhân, kỹ sư tài năng.

ĐH Quốc gia TP.HCM đang xây dựng Đề án chương trình đào tạo kỹ sư, cử nhân tài năng giai đoạn 2018 – 2022 với những đòi hỏi cao hơn với người học.



 

PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, phát biểu tại hội nghị /// Ảnh: Hà Ánh

PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, phát biểu tại hội nghịẢNH: HÀ ÁNH

Thông tin này được đưa ra trong hội nghị tổng kết và phương hướng triển khai Đề án chương trình đào tạo tài năng trình độ ĐH giai đoạn 2013 – 2017 do ĐH Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM tổ chức sáng 7.12, có sự tham dự của đại diện ĐHQG Hà Nội.
Mở rộng với ngành được kiểm định
Theo định hướng đề án đào tạo tài năng giai đoạn 2018 – 2022, ĐH này sẽ tiếp tục áp dụng cho 21chương trình đã đào tạo ở giai đoạn trước. Việc mở rộng chỉ chấp nhận cho các ngành đạt chuẩn kiểm định quốc tế và ưu tiên cho ngành đào tạo theo định hướng nghiên cứu của cơ sở đào tạo.
Chương trình này chiếm tối đa 20% chỉ tiêu theo ngành và không quá 10% tổng chỉ tiêu toàn trường. Theo PGS-TS Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, điểm mới của chương trình giai đoạn tới là các môn tài năng được xây dựng trên cơ sở các môn học trong chương trình đào tạo chính quy và bổ sung thêm nhiều phần mở rộng. Điều này giúp đề án tiết kiệm được chi phí tổ chức lớp nhưng vẫn xác định được chuẩn đầu ra cho các sinh viên tài năng cao hơn chương trình đại trà. Phần mở rộng này phải có chuẩn đầu ra riêng.
Mục tiêu là xây dựng một chương trình được chuyển tải dựa trên hoạt động tự học, nghiên cứu, trải nghiệm thực tế của người học. Đồng thời tăng cường các hình thức tương tác giữa sinh viên với giảng viên, học giả và doanh nghiệp. Tổng số môn học riêng của chương trình chiếm 25% tín chỉ trong toàn chương trình đào tạo. Việc tổ chức lớp riêng với môn học tài năng không quá 30 sinh viên/lớp.
PGS-TS Lê Tuấn Lộc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Luật, đề xuất nên có chương trình tài năng cấp trường thay vì ở từng ngành riêng lẻ.
Tại hội nghị, đại diện ĐHQG Hà Nội cho rằng nên có sự kết nối chương trình tài năng giữa 2 ĐHQG trong việc công nhận tín chỉ. Trên cơ sở đó có thể tiến tới cho phép sinh viên lựa chọn một nửa thời gian học tại ĐHQG TP.HCM và nửa còn lại tại ĐHQG Hà Nội, có thể nhận bằng ở một trong 2 ĐH hoặc ở cả 2 ĐH. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt của sinh viên chương trình này mà ở chương trình khác không thể có được.
Sẽ xã hội hoá?
Kinh phí để duy trì chương trình đào tạo tài năng là mối quan tâm của các đơn vị thực hiện. Theo ĐHQG, giai đoạn 2013 – 2017 có 21 chương trình tài năng được thực hiện với quy mô 1.882 sinh viên. Trong đó, ĐHQG hỗ trợ kinh phí cho 10 chương trình (10 triệu đồng/sinh viên/năm cho khối ngành kinh tế, xã hội và 12 triệu đồng/năm cho ngành khoa học và kỹ thuật). 11 chương trình còn lại sử dụng nguồn kinh phí đối ứng của các đơn vị.
Ở giai đoạn mới, có nhiều ý kiến đề xuất khác nhau về kinh phí thực hiện. PGS-TS Lê Vũ Nam, Trưởng khoa Luật Trường ĐH Kinh tế – Luật, cho rằng xem xét tăng kinh phí cho chương trình như kêu gọi “đặt hàng” từ nhà tuyển dụng.
PGS-TS Trần Lê Quan, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, đề xuất: “Trong giai đoạn tới cần tăng cường xã hội hóa với chương trình tài năng. Ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên hoàn toàn có thể kêu gọi xã hội hóa. Tuy nhiên, một số ngành khó tuyển như khoa học cơ bản vẫn nên được ngân sách hỗ trợ 100% để kêu gọi thí sinh thực sự giỏi tham gia”.
Cũng tại hội nghị này, đại diện ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất: “Tài chính cho sự phát triển bền vững trong bối cảnh ngân sách đang ngày càng eo hẹp, xu hướng tự chủ đang diễn ra mạnh mẽ. Nên chăng sinh viên chương trình này phải đóng góp cao hơn để thể hiện trách nhiệm? Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ cũng cần cao hơn, có sự hỗ trợ từ doanh nghiệp bên ngoài và một phần từ trường đào tạo”.
Nhiều sinh viên giỏi không tham gia

Theo thống kê của ĐHQG TP.HCM, đa số các chương trình tài năng ở các đơn vị đều tuyển sinh trên 70% so với chỉ tiêu. Tỷ lệ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học đạt 34% (trong đó Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn chỉ chiếm 9%, Trường ĐH Công nghệ thông tin 11%, Trường ĐH Bách khoa 22%…).
PGS-TS Nguyễn Hữu Thanh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết một số chương trình chưa thu hút sinh viên và sinh viên ra trường kém năng động hơn các chương trình thường.
Theo TS Lê Thanh Hưng, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, sinh viên tài năng là giỏi nên các tiêu chí về điểm số không cho biết đóng góp của chương trình tài năng vào kết quả giỏi đó là bao nhiêu vì vẫn còn nhiều sinh viên rất giỏi không thuộc chương trình tài năng.

 

 

Hà Ánh