18/01/2025

Nên điều chỉnh giờ vào học hợp lý hơn

Nhiều phụ huynh cho rằng nên thay đổi giờ vào lớp theo hướng muộn hơn so với thời gian bắt đầu vào học của học sinh hiện nay.

 

Nên điều chỉnh giờ vào học hợp lý hơn.

 

Nhiều phụ huynh cho rằng nên thay đổi giờ vào lớp theo hướng muộn hơn so với thời gian bắt đầu vào học của học sinh hiện nay.

 

Nên điều chỉnh giờ vào học hợp lý hơn - Ảnh 1.

Cô Trần Thị Thuấn – giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội – trong giờ dạy. Để chống buồn ngủ cho học sinh, thỉnh thoảng cô Thuấn kể những câu chuyện hài hước, gây cười… – Ảnh: VĨNH HÀ

Về bài viết Giờ vào lớp quá sớm, học trò đờ đẫn vì thiếu ngủ mà Tuổi Trẻ đã thông tin, bạn đọc Pham Hong ý kiến: “Giờ học quá sớm, trẻ không ngủ đủ giấc, ăn sáng vội vàng không đủ chất, dẫn đến thể chất phát triển không tốt. Đề nghị điều chỉnh lại giờ học cho hợp lý”. 

Tương tự, bạn đọc Phong Lan Tim nói: “Nên thay đổi giờ học như một số nước nêu trong bài. Bọn trẻ bây giờ thức khuya hơn ngày xưa, nên dậy sớm sẽ rất mệt, lại phải ăn sáng qua loa thì làm sao học tốt và có tầm vóc tốt được”. 

Bạn đọc Trần Minh đề xuất: “Theo tôi, giờ học nên bắt đầu từ 8h-9h và kết thúc lúc 17h. Như vậy cả học sinh và phụ huynh đều thong thả cho việc đưa đón”.

Tuổi Trẻ ghi nhận thêm ý kiến của phụ huynh, giáo viên và cơ quan quản lý giáo dục về vấn đề này.

 

 

Bà Bùi Thị Diễm Thu (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):

Sở GD-ĐT chỉ gợi ý khung giờ vào học

Từ năm học 2006-2007, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đưa ra khung giờ vào học cho các trường: mầm non 7h30, tiểu học 7h, THCS 7h15, THPT 7h. Đây là khung giờ gợi ý để tránh tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm. 

Tuy nhiên, tuỳ vào hoàn cảnh cụ thể của từng trường, cũng như tình hình giao thông của các tuyến đường nơi nhà trường trú đóng, mỗi trường sẽ ấn định giờ vào học cho phù hợp.

Đối với những trường có thể tổ chức cho 100% học sinh học 2 buổi/ngày thì khá thuận lợi, có thể chọn giờ vào học trễ hơn, như 7h30. Nhưng đối với những trường chỉ học 1 buổi/ngày sẽ rất khó khăn. Bởi học sinh học 1 buổi mà 7h30 mới bắt đầu vào học thì buổi trưa ra về rất trễ, học sinh sẽ mệt mỏi.

Cô Cao Tố Nga (hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng):

Để các trường chủ động

Nên trao quyền chủ động cho các trường trong việc ấn định giờ vào lớp. Ở nhiều nước, học sinh bắt đầu học muộn hơn, và học qua cả buổi trưa, tới chiều. Đó là do đặc điểm sinh hoạt của họ: chỉ ăn nhẹ vào buổi trưa, không có thói quen ngủ trưa. 

Còn ở VN, các gia đình coi bữa trưa là bữa ăn chính và có thói quen ngủ trưa, nên nếu phải học thông trưa ở trường, có thể học sinh lại bị mệt kiểu khác.

Vì thế, khi nghiên cứu điều chỉnh giờ học phải thận trọng, nghiên cứu cả thói quen sinh hoạt có thể ảnh hưởng tới học sinh. Việc điều chỉnh phải hướng đến cho học sinh minh mẫn, khoẻ khoắn nhất khi tiếp thu bài học.

Chị Lê Thị Minh Châu (Q.Bình Thuỷ, Cần Thơ):

Gia đình “náo loạn” mỗi sáng

Năm nay con tôi vừa vào lớp 1, nhưng đến thời điểm này bé vẫn chưa quen với nếp sinh hoạt mới. Nhà cách trường 5km, nhưng từ sáng sớm tôi đã phải chuẩn bị cho con ăn sáng. 

Hơn 6h mới “dám” gọi con dậy, nhưng bé không dậy nổi. Phải động viên lắm bé mới ăn hết nửa phần thức ăn, rồi vội vã đến lớp. 

Tôi không hiểu cách sắp xếp giờ học như thế nào mà bắt trẻ phải đến trường trước 6h45, trước cả giờ làm của công nhân viên. 

Nên điều chỉnh giờ đến trường hợp lý để tránh xáo trộn thời gian sinh hoạt cho cả phụ huynh và học sinh. Chứ mỗi buổi sáng bé đến trường, cả gia đình chúng tôi đều “náo loạn”.

Cô Trần Thị Thuấn (giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội):

“Tôi phải chống buồn ngủ cho trò”

Làm thế nào để học sinh không ngủ gật trong lớp là vấn đề lớn của giáo viên trường tôi. Vì các em thức khuya học bài, lại phải dậy sớm đi học nên các tiết 1-2 học sinh thường buồn ngủ. Có em ngủ gục luôn trên bàn.

Cách tốt nhất để chữa cơn buồn ngủ là… ngủ. Nhưng nếu để học sinh ngủ từ tiết này sang tiết kia sẽ không ổn. Vì thế, tùy theo tình huống cụ thể, chúng tôi phải có cách xử lý để giúp học sinh thoát khỏi cơn buồn ngủ.

Có khi tôi phải dừng việc giảng bài để kể một câu chuyện hài hước, sau đó để học sinh bàn luận sôi nổi, khiến không khí trong lớp vui vẻ, thoải mái.

Cũng có trường hợp học sinh buồn ngủ không cưỡng được, tôi nghĩ ra cách viết gì đó vào một tờ giấy đưa cho học sinh đó, bảo em mang xuống tầng dưới đưa cho cô giáo chủ nhiệm lớp giúp tôi.

Mục đích của việc “đưa thư” là để học sinh đi ra khỏi phòng học, vận động và có thể dứt được cơn buồn ngủ.

Ở Trường Đinh Tiên Hoàng, hầu hết giáo viên không ứng xử nặng nề với những học sinh ngủ gật, vì hiểu “đồng hồ sinh học” của các em khó có thể nắn chỉnh một cách cứng nhắc.

Không những thế, ban giám hiệu trường còn linh hoạt bố trí cho học sinh nghỉ 15 phút sau tiết 1, để các em có thời gian vào căngtin ăn sáng.

Đà Nẵng: đưa con đến trường không quá vất vả

Tại Đà Nẵng, anh Trần Công Khanh – phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, Q.Thanh Khê – cho biết việc chở con đi học buổi sáng của phụ huynh không quá vất vả.

Buổi sáng, con của anh Khanh dậy lúc 6h30, vệ sinh cá nhân xong, 6h45 ra khỏi nhà và đi ăn sáng. Khoảng từ 7h đến 7h15 cháu đã có mặt tại trường để vào học.

“Đường sá Đà Nẵng không quá chật chội, địa bàn cũng không lớn lắm, nên việc chở các cháu đi học cũng không phải khổ sở như những nơi khác. Thông thường chở con đến trường xong vào giờ đó, ba mẹ cũng tiện giờ đi làm luôn” – anh Khanh nói.

Còn cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành (Q.Hải Châu), cho biết học sinh của trường cũng như nhiều trường khác vào học lúc 7h30 và về lúc 16h30.

Theo cô Nguyệt, lợi thế của trường là học sinh có nhà không quá xa trường. Em nào ở xa trường nhất thì 6h dậy, còn bình thường đa số học sinh dậy lúc 6h15, 6h30, thậm chí đến 7h các em mới đến trường và có thể ăn sáng tại căngtin của trường trước khi vào học.

Đ.CƯỜNG

H.HƯƠNG – V.HÀ – T.TRANG ghi