Bảo vệ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số
Hội thảo Quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số và các hiệp ước internet của WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới), do Cục Bản quyền, Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 6.12 tại Hà Nội, có sự tham dự của nhiều chuyên gia sở hữu trí tuệ.
Bảo vệ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số.
Hội thảo Quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số và các hiệp ước internet của WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới), do Cục Bản quyền, Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 6.12 tại Hà Nội, có sự tham dự của nhiều chuyên gia sở hữu trí tuệ.
Vi phạm vì ít hiểu biết pháp luật
Bên lề hội thảo, luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, cho hay khi gặp người đã live stream phim Cô Ba Sài Gòn, anh khá ngạc nhiên về sự “dễ thương” của chàng trai đó. “Tôi hỏi sau này có live stream nữa không, bạn ấy bảo có vì cháu thích”, ông Tuấn nói. Ông Tuấn cũng cho biết sau khi được giải thích, chàng trai này đã biết mình vi phạm pháp luật như thế nào và nói sau này sẽ không vi phạm nữa.
TIN LIÊN QUAN
Mất MV triệu view vì vi phạm bản quyền
Làng nhạc Việt xôn xao khi một số MV ca khúc có lượng xem (view) 30 – 40 triệu lượt trên YouTube buộc phải gỡ xuống do vi phạm bản quyền; tính ‘view’ lại từ đầu sau khi khắc phục và đăng tải lại.
“Khi công nghệ phát triển quá nhanh và việc tiếp cận pháp luật còn hạn chế, rõ ràng có độ chênh giữa hiểu biết pháp luật và công nghệ. Mọi người đều có thể live stream nhưng không phải ai cũng biết cách live stream như thế nào cho đúng luật”, ông Tuấn nói. Cũng theo ông Tuấn, với Cô Ba Sài Gòn, việc ghi hình bộ phim khi đang chiếu tại rạp rồi phát lên mạng đã vi phạm quyền tác giả, đồng thời cũng có thể gây thiệt hại cho nhà sản xuất. Ông cũng ủng hộ việc các nhà làm phim lên tiếng về vi phạm này, sẽ tạo ra hiểu biết pháp luật rộng rãi hơn.
Còn ông Đặng Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần giải pháp công nghệ và truyền thông AIBIZ, cho rằng “Cái khó nhất phải đối mặt với các vấn đề bản quyền trên mạng chính là ý thức pháp luật”. Theo ông Long, tâm lý chỉ muốn dùng miễn phí còn đang tràn lan, hiểu biết pháp luật lại ít. Vì thế, nhiều người vi phạm mà không biết hoặc vẫn cố tình vi phạm.
Một trong những mảng đang lộn xộn và sẽ tiếp tục nóng, theo ông Long, chính là sách của các nhà xuất bản và các tài liệu giấy của các thư viện bị đưa lên mạng. Hiện tại, có nhiều thư viện do cá nhân tự lập trên mạng cho phép người mua đóng tiền theo tháng hoặc năm để mua các tài liệu đã được số hoá. “Chợ luận văn trên mạng là một dạng như vậy. Chỉ vài chục nghìn đồng là có thể mua được và rất lộn xộn”, ông Long nói. Tuy nhiên, các thư viện đó có quyền bán các tư liệu đó hay không lại rất phức tạp từ góc độ pháp luật. Chẳng hạn, nếu được sự cho phép của tác giả, hoặc họ có quyền sưu tầm với các tác phẩm đã hết bảo hộ quyền tác giả, thư viện đó mới có quyền thu tiền phí. Mặc dù vậy, việc bán tài liệu này ở nước ta còn rất sơ khai. Bản thân các thư viện cũng chưa ý thức được quyền và giới hạn quyền của mình ở đâu.
Giải pháp kho dữ liệu
“Lĩnh vực nào trên internet cũng có vi phạm bản quyền, cả âm nhạc, điện ảnh và xuất bản… Cái khó là làm thế nào để có thể phát hiện được vi phạm một cách kịp thời”, ông Trần Thanh Tùng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Cục Bản quyền), nhận định.
|
Khi vi phạm trên mạng đã bị chủ sở hữu phát hiện thì cơ quan quản lý lại khó trong việc yêu cầu gỡ bỏ. Hiện tại, theo luật, nếu có yêu cầu của Thanh tra Bộ VH-TT-DL và Bộ TT-TT thì các nhà cung cấp dịch vụ sẽ gỡ bỏ các dịch vụ vi phạm pháp luật. YouTube cũng đã thẳng tay gỡ bỏ một số clip ca nhạc của ca sĩ VN trên kênh này bị báo cáo vi phạm bản quyền.
Kho dữ liệu hoặc thư viện số là giải pháp kỹ thuật quan trọng được đề cập trong hội thảo để phát hiện vi phạm quyền tác giả. Nguyên tắc là các tài nguyên sẽ được số hóa. Sau đó, các công cụ phần mềm mã nguồn mở sẽ giúp quét dữ liệu trên internet để xác định từng phần hoặc cả tác phẩm đó được sử dụng lại ở đâu trên mạng internet. “Việc xây dựng một kho dữ liệu như thế là tối cần thiết để có thể kiểm tra và tìm kiếm việc sử dụng các tác phẩm trên internet”, ông Đặng Đình Long cho biết. Công ty của ông cũng đã có một kho tư liệu như vậy để quét, tuy nhiên chỉ chuyên về âm nhạc.
“Chúng tôi đang cung cấp danh sách sử dụng tác phẩm âm nhạc này cho nhiều đơn vị, trong đó có Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC). Có thể thống kê và tìm ra các bài hát mình được ủy quyền đã được khai thác như thế nào. Đây là cơ sở của việc thu tác quyền đúng và đủ”, ông Long nói. Một đơn vị của Hàn Quốc khi được cung cấp danh sách sử dụng bài hát K-pop tại VN cũng khá ngạc nhiên khi VN đã có thể sử dụng công nghệ này. Ở Hàn Quốc, công nghệ này mới được sử dụng cách đây 2 năm.
Hiện tại, một dự án cũng đã được bàn bạc là xây dựng kho dữ liệu số của Cục Bản quyền, sẽ giúp việc tìm kiếm các vi phạm bản quyền trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Tùng, dự án này mới đang trong giai đoạn xây dựng đề án.
Phải theo luật của sân chơi chung
“VN đang chủ động tích cực tham gia các cam kết về bản quyền. Chúng ta đang ở sân chơi chung chứ không đứng một mình. Cho đến nay, chúng ta đã tham gia 5 điều ước quốc tế về bản quyền, từ công ước Berne đến Rome, Geneve, Brussels… Điều này có nghĩa là chúng ta không chỉ bảo hộ cho chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan trong nước mà còn cả chủ sở hữu nước ngoài. Đồng thời, ở các quốc gia thành viên của các công ước trên, chúng ta cũng sẽ được bảo hộ. Chúng tôi tham mưu xây dựng chính sách pháp luật cho những việc như thế để phù hợp với các điều ước. Tuy nhiên, với sự thay đổi quá nhanh chóng của công nghệ và kỹ thuật số, đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện pháp luật để phù hợp với pháp luật quốc tế. Còn thời điểm tham gia các hiệp ước internet của WIPO, chúng ta sẽ chờ đến dịp thích hợp”.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền
|
TIN LIÊN QUAN
Tìm được thủ phạm 19 tuổi livestream phim ‘Cô Ba Sài Gòn’ lên Facebook
Chiều 13.11, đại diện ê-kip sản xuất bộ phim Cô Ba Sài Gòn cho biết đã tìm được thủ phạm livestream bộ phim trên Facebook và giao cho cơ quan công an xử lý.
Trinh Nguyễn