11/01/2025

Số biên chế nhìn ‘ớn lạnh’ của Đà Nẵng: 22.065 người

Chính ông Huỳnh Đức Thơ – chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – dùng từ “ớn lạnh” cho con số này, một bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, Nhà nước không đủ tiền nuôi.

 

Số biên chế nhìn ‘ớn lạnh’ của Đà Nẵng: 22.065 người.

 

Chính ông Huỳnh Đức Thơ – chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – dùng từ “ớn lạnh” cho con số này, một bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, Nhà nước không đủ tiền nuôi.


Số biên chế nhìn ớn lạnh của Đà Nẵng: 22.065 người - Ảnh 1.

Nhân viên Sở Xây dựng giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Chúng ta không thể chấp nhận duy trì một bộ máy mà ở trong đó có nhiều cơ quan, đơn vị hoạt động không hiệu quả.

Ông Nguyễn Thương – phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng

Giảm 21 đơn vị, 2.000 biên chế

Theo thống kê của UBND TP Đà Nẵng, năm 2017 có 409 đơn vị sự nghiệp công lập với 22.065 người làm việc (trước đây gọi là biên chế sự nghiệp). Ông Võ Ngọc Đồng – giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng – cho biết theo lộ trình đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ hợp nhất, sáp nhập, giải thể 21 đơn vị sự nghiệp công lập để giảm ít nhất 2.000 biên chế. 

Đề án này cũng đặt mục tiêu chuyển nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước bao cấp sang nguồn thu dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp khoảng 200 tỉ đồng/năm.

Ông Đồng cho biết nguyên tắc sẽ sáp nhập, hợp nhất: các đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ, cùng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đối với đối tượng, địa bàn như nhau thì mỗi nhiệm vụ chỉ giao một đơn vị thực hiện, nhưng không nhất thiết mỗi đơn vị chỉ thực hiện một chức năng, nhiệm vụ.

 

Cùng với đó là giải thể đối với các đơn vị hoạt động không hiệu quả, hoặc lĩnh vực cung cấp dịch vụ đã được xã hội hóa cao.

“Đối với các đơn vị sự nghiệp đã giao quyền tự chủ và thành lập hội đồng quản lý thì được thí điểm thuê giám đốc điều hành trong đơn vị sự nghiệp, nhằm đổi mới tư duy và phương thức quản lý theo mô hình quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy khả năng chủ động, sáng tạo, mở rộng liên doanh liên kết, kêu gọi, huy động vốn, tăng khả năng cạnh tranh theo cơ chế thị trường” – ông Đồng nói.

Không quá 3 cấp phó

Theo ông Võ Ngọc Đồng, Sở Nội vụ Đà Nẵng đã ban hành quy định và kiểm soát cơ cấu, định mức tỉ lệ giữa bộ máy và người làm lãnh đạo, quản lý.

Về cấp phó, đơn vị dưới 30 người chỉ có 1 cấp phó, từ 30 người đến dưới 150 người có 2 cấp phó. Đơn vị y tế điều trị bệnh có 150 người trở lên có không quá 3 cấp phó. Các đơn vị sự nghiệp khác có từ 150 người trở lên và có phạm vi hoạt động trải rộng trên nhiều địa bàn hoặc có tính chất phức tạp thì chủ tịch UBND TP xem xét từng trường hợp cụ thể để thực hiện, nhưng không quá 3 cấp phó.

Số biên chế nhìn ớn lạnh của Đà Nẵng: 22.065 người - Ảnh 4.

Đà Nẵng mạnh tay giảm biên chế – Đồ hoạ: TẤN ĐẠT

Đối diện sự thật

Nói về lý do sáp nhập, tinh gọn bộ máy trong cuộc họp mới đây, ông Huỳnh Đức Thơ – chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – cho rằng nhìn vào con số biên chế hiện nay thấy “ớn lạnh”, Nhà nước không đủ tiền nuôi bộ máy cồng kềnh nhưng hoạt động kém hiệu quả.

Ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng lâu nay việc tinh giản biên chế tuy có thực hiện nhưng chưa mang lại hiệu quả. Do vậy, đề án của Sở Nội vụ lần này sẽ tạo đột phá trong việc sắp xếp bộ máy, giảm các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hạn chế chồng chéo. 

“Hướng sáp nhập, giải thể, cổ phần hóa, tiến tới lộ trình tự chủ là những đề xuất mạnh mẽ, mạnh dạn, rất hợp lý và khoa học, triển khai thực hiện càng sớm càng tốt” – ông Thơ nói.

Ông Thơ xác định: “Trước sau gì cũng phải đối diện sự thật là bộ máy hành chính hiện tại rất cồng kềnh, phân tán, chia nhỏ. Người làm thì ít mà đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo to quá, nhiều quá, nhìn vào tỉ lệ là không thể chấp nhận được.

Trụ sở thì nhiều, cán bộ lãnh đạo nhiều, trong khi nhân viên và người làm trực tiếp thì ít. Lương nhiều nhưng công việc không trôi chảy bao nhiêu… Chưa kể có những lĩnh vực, công việc tương tự nhau cũng chia năm, chia bảy ra. Đó là sự thật”.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng thừa nhận việc tinh giản, thu gọn bộ máy rất phức tạp. Ông Thơ cho biết đối với các đơn vị đã có đề án sắp xếp, khi giám đốc về hưu thì dừng việc bổ nhiệm giám đốc mới, tránh tình trạng quá nhiều giám đốc khi sáp nhập sẽ gây khó khăn trong công tác bổ nhiệm nhân sự.

Không ai thích đổi mới theo hướng xóa sổ mình, hay hạ mình xuống một bậc cả. Đó là cái khó. Nhưng thấy khó mà mình chùn bước, không dám làm càng không được. Nếu cứ nghĩ theo kiểu để yên rứa chứ mắc chi đụng vô, xới lên làm gì cho rách việc, rồi đơn thư kiện tụng, rồi xin xỏ, cầu cứu đủ thứ… Nếu ngại thế không làm được.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ

Số biên chế nhìn ớn lạnh của Đà Nẵng: 22.065 người - Ảnh 6.

Mô hình “một cửa” ở Trung tâm hành chính Đà Nẵng hoạt động hiệu quả, giảm được nhiều đầu mối và nhân lực – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Thu gọn vẫn hiệu quả

Thực tế việc thí điểm sáp nhập 8 trung tâm giáo dục thường xuyên thành còn 3 trung tâm vừa qua ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục tại Đà Nẵng đã mang lại hiệu quả. Ông Nguyễn Đình Vĩnh – giám đốc Sở GD-ĐT – cho biết sau khi sáp nhập, bộ máy đã tinh gọn lại, trụ sở của các cơ sở này dư ra được bàn giao lại cho UBND quận, huyện để mở trường mầm non, tiểu học, THCS…

“Việc sáp nhập này là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm bớt số lượng người làm việc, lấy thu bù chi, tiến đến việc các trung tâm này có thể tự chủ hoàn toàn về kinh phí hoạt động” – ông Vĩnh cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Giao – giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 vừa mới được sáp nhập – cho hay sau gần 10 tháng sáp nhập với sự “khởi sắc” tuyển sinh, đời sống cán bộ nhân viên của trung tâm hiện cao hơn, thu nhập tăng thêm cao gấp đôi so với năm trước. 

Về bộ máy, ông Giao cho biết nếu trước đây mỗi trung tâm có 1 giám đốc và 2 phó giám đốc thì sau khi sáp nhập, hiện trung tâm có 1 giám đốc và 1 phó giám đốc.

Bà Trần Thị Thúy Hà – trưởng Phòng GD-ĐT quận Hải Châu – cho rằng với việc sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, quỹ đất đó được bàn giao cho UBND quận để mở trường học rất hợp lý, do quỹ đất để xây dựng, mở rộng trường học ở quận trung tâm như Hải Châu hiện dường như là không thể. 

Khi được bàn giao lại các trụ sở, với khu đất dư ra của các trung tâm, phòng sẽ đề xuất mở trường mầm non và trường tiểu học.

TP.HCM: Trợ cấp tiền cho người nghỉ hưu trước tuổi

Theo lộ trình được Bộ Chính trị giao, đến năm 2021 TP.HCM phải tinh giản 10% biên chế công chức hành chính và 10% viên chức sự nghiệp công lập. Hiện TP.HCM đang sử dụng hơn 11.900 biên chế (trong khi trung ương giao chỉ khoảng 8.300 biên chế) và khoảng 130.000 viên chức làm việc tại các đơn vị công lập.

Về biên chế công chức, dù trung ương giao khoảng 8.300, nhưng số biên chế tăng thêm hơn 3.000 đang bảo đảm quản lý cho đô thị đặc biệt. Từ năm 2013 đến nay, TP không tăng biên chế nữa.

Giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, để giải quyết biên chế công chức hành chính, mới đây UBND TP đã trình HĐND duyệt chi 380 tỉ đồng để vận động 1.062 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc theo quá trình tinh giản biên chế trong giai đoạn từ nay đến năm 2021.

Số tiền trên trợ cấp cho 2 nhóm đối tượng gồm: cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị – xã hội và quận, huyện thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo nghị định 108.

Kế đến là nhóm cán bộ thuộc diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý (không cơ cấu cấp ủy) tự nguyện xin nghỉ công tác trước tuổi (về hưu trước tuổi hoặc thôi việc không thuộc diện tinh giản biên chế).

Thứ hai, về tỉ lệ tinh giản 10% của 130.000 viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập (bệnh viện, trường học, trung tâm…), TP.HCM cũng đang có các kế hoạch chuyển mạnh các đơn vị sang tự chủ và đẩy mạnh xã hội hóa (theo quy định của nghị định 16).

Các đơn vị sự nghiệp công phải tiến dần từ tự chủ một phần đến tự chủ hoàn toàn trong việc chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.

Hiện đã có 4 sở (Y tế, Giáo dục – đào tạo, Khoa học – công nghệ và Lao động – thương binh & xã hội) trình các đề án, kế hoạch để chuyển các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành sang tự chủ và đẩy mạnh xã hội hóa. Theo lộ trình, đến năm 2021, số viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ được tinh giản khoảng 20.000.

Sắp tới, với cơ chế đặc thù đã được thông qua, TP.HCM có thể chủ động quyết định nhiều hơn đến việc tinh giản biên chế, tăng lương, chế độ cho công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng tốt cho sự phát triển của đô thị đặc biệt. ÁI NHÂN

banquanly-ctn 7(read-only)

Ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội, một trong 5 “siêu ban” của Hà Nội mà báo Tuổi Trẻ từng đề cập. Các “siêu ban” này được thành lập trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng về bộ máy, nhân sự, tài sản, công việc của 26 BQLDA tiền thân trực thuộc TP và trực thuộc sở, ngành trước đây – Ảnh: VIỆT DŨNG

Hà Nội: Khuyến khích tự nghỉ

Năm 2018, Hà Nội sẽ giảm gần 8.600 biên chế viên chức sự nghiệp và biên chế công chức hành chính theo phương án về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp được HĐND TP Hà Nội thông qua ngày 5-12.

Ông Trần Huy Sáng, giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, cho biết từ cuối năm 2016, UBND TP đã giao chỉ tiêu biên chế cho các đơn vị theo đúng số biên chế HĐND TP giao trước đó. Sau đó, ngay từ đầu năm 2017, TP đốc thúc các đơn vị thực hiện. Nhờ đó, trong năm 2017 TP đã tinh giản được 1.267 biên chế.

Trong năm 2017, Hà Nội đã sáp nhập, sắp xếp lại hàng loạt cơ quan, đơn vị như: sắp xếp 70 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành 41 ban quản lý dự án (giảm 41,4%); tổ chức lại Quỹ đầu tư phát triển Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Quỹ đầu tư phát triển TP, Quỹ phát triển đất TP, Quỹ bảo vệ môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và môi trường; sắp xếp các đơn vị sự nghiệp cấp huyện; sáp nhập các đơn vị trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, trung tâm thể thao và đài truyền thanh huyện thành Trung tâm văn hóa – thông tin và thể thao; sáp nhập các trung tâm phát triển cụm công nghiệp vào ban quản lý dự án…

Tới đây, Hà Nội tiếp tục hoàn thành sắp xếp các đơn vị còn lại, trong đó có đội thanh tra xây dựng, các chi cục thuộc Sở Nông nghiệp, Trung tâm Điều hành và giám sát công nghệ thông tin TP. Ngoài ra, các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là giáo dục, y tế, sẽ được chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, mô hình công ty cổ phần.

Về giải pháp, ông Sáng cho hay Hà Nội đã hoàn thành xây dựng cơ chế đặc thù của TP để khuyến khích các đối tượng tự nguyện nghỉ tinh giản biên chế. Hiện Hà Nội đang tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành cơ chế này. LÂM HOÀI

HỮU KHÁ – ĐOÀN CƯỜNG