11/01/2025

Ký ức di sản chung Pháp – Việt

Các chuyên gia cho rằng khối tư liệu tiếng Pháp về Đông Dương lưu trữ tại VN và Pháp có thể trở thành di sản tư liệu của UNESCO trong chương trình ký ức thế giới.

Ký ức di sản chung Pháp – Việt.

Các chuyên gia cho rằng khối tư liệu tiếng Pháp về Đông Dương lưu trữ tại VN và Pháp có thể trở thành di sản tư liệu của UNESCO trong chương trình ký ức thế giới.



 

Trường đại học Đông Dương (nay là Đại học Tự nhiên và Đại học Dược Hà Nội) /// Ảnh: Tư liệu của Trung tâm lưu trữ quốc gia 1

 

Trường đại học Đông Dương (nay là Đại học Tự nhiên và Đại học Dược Hà Nội)ẢNH: TƯ LIỆU CỦA TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

Hà Nội tươi đẹp, Đông Dương sống động
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long đã rất mong tới buổi tọa đàm 100 năm di sản Việt Nam – Pháp: Nhìn lại những ký ức chung tại Hà Nội chiều 5.12 do Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức.
“Tôi quan tâm đến các tư liệu về Trường Mỹ thuật Đông Dương, danh sách các giáo sư, danh sách các học phần. Bản thân kho tư liệu hiện còn của trường cũng đã thất tán. Vì thế, khi làm sách tư liệu kỷ niệm 70 năm thành lập trường hồi năm 1995, danh sách sinh viên gần như trống phần sinh viên kiến trúc. Danh sách ban giám đốc cũng như giáo viên qua các thời kỳ rất sơ sài. Không có tư liệu gốc, người làm sách chỉ có thể đi hỏi các sinh viên cũ. Từ góc độ tài liệu lịch sử thì điều đó rất đáng thất vọng”, ông Long nói. Và đã có manh mối cho ông Long, khi bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia 2, cho biết tại trung tâm có danh sách học sinh khoá 1 của trường.
Bà Odile Welfelé, Trưởng phòng Phát triển và quan hệ quốc tế, Cục Lưu trữ Cộng hòa Pháp, cho biết nhiều người Pháp đã góp phần làm nên kho tư liệu tiếng Pháp về VN và Đông Dương. Bên cạnh các nhà nghiên cứu, những người làm nên và lưu giữ các tư liệu này còn là các quân nhân, các bác sĩ.
Các tư liệu của họ cũng rất đa dạng, liên quan đến đời sống và công việc của chính họ tại VN. Chẳng hạn, có người đặc biệt thích chụp những người bán rau quả trên đường phố Sài Gòn. Có những quân nhân lại chụp nhiều tư liệu về các dân tộc thiểu số. Trong số các tư liệu lưu trữ có cả những áp phích về Sở Đốc học do giáo viên chụp.
“Tư liệu lưu trữ đề cập đến đời sống quá phong phú. Chẳng hạn, đời sống sân khấu thế kỷ 20, hay việc xây rạp hát tại Hà Nội và Hải Phòng. Lại có bác sĩ quan tâm đến cách chữa bệnh ở miền Trung VN. Tại Cục Lưu trữ Pháp, các tài liệu này vừa là tài liệu chuyên môn vừa là tài liệu về đời sống thường ngày được xếp thứ tự theo năm. Có thể thấy những năm 1930 Hà Nội là một thành phố vô cùng tươi đẹp và Đông Dương sống động”, bà Odile Welfelé nói.
Ông Benoit Van Reeth, Giám đốc Lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp, cho biết kho tư liệu về VN và Đông Dương cho phép các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận đời sống xưa từ cả tư liệu viết lẫn ảnh. Đặc biệt, những tư liệu về hành chính, văn hóa, sự vận hành của bộ máy thuộc địa được lưu trữ rất cẩn thận. Trong đó có hẳn một phông tư liệu về Cao ủy Pháp ở Đông Dương. Cũng có cả những báo cáo tình báo, các thỏa thuận ngoại giao, tư liệu về xã hội, nhân công, dự thảo bộ luật Lao động ở Đông Dương. Trong đó, có 9.000 trang tài liệu theo dõi Nguyễn Ái Quốc ở VN và Pháp cũng đã được số hóa. “Lúc đó Nguyễn Ái Quốc cũng đã bị mật thám Pháp theo dõi”, ông Benoit nói.
Trong số các tư liệu lưu trữ, ông Benoit đặc biệt hứng thú khi nói về Albert Sallet – một bác sĩ quân y. Vị bác sĩ này rất quan tâm đến ngôn ngữ và văn hóa Champa. Ông cũng là người sau này dồn sức vào biên soạn sách về y học tín ngưỡng trừ tà ở VN. “Có tài liệu ảnh, bản vẽ tay. Phông tư liệu ảnh này vô cùng bài bản, được trình bày khoa học với một hệ thống đa dạng tri thức y học cổ truyền VN”, ông Benoit cho biết.
Chia sẻ ký ức di sản
Bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, cho biết hiện tài liệu tiếng Pháp chiếm 80% khối lượng tài liệu trung tâm đang bảo quản. Trong đó, khối tài liệu hành chính từ năm 1860 – 1945 chiếm 4.000 m giá.
“Có tài liệu cấp Đông Dương như phông về thống đốc, nha Tài chính, nha Thương chính Đông Dương, nhà lưu trữ và thư viện Đông Dương… Cũng có tài liệu của cấp kỳ và tỉnh. Khối này được độc giả quan tâm khai thác rất nhiều”, bà Hương nói. Bên cạnh đó cũng có khối tài liệu kỹ thuật 358 m. Nó cho biết chi tiết về công trình kiến trúc giao thông thuỷ lợi, tài liệu mở thầu, nâng cấp duy tu công trình kiến trúc, thủy lợi. Cũng có bản vẽ các công trình của cơ quan hành chính tư pháp, công thự, tư dinh.
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, cho biết 2 nước đã liên tục có trao đổi tư liệu, trao đổi cán bộ nghiên cứu lưu trữ tư liệu. Dự kiến năm 2018, hai cơ quan sẽ phối hợp trưng bày tư liệu lưu trữ chung. Một cuốn song ngữ chỉ dẫn tài liệu lưu trữ thời kỳ thuộc địa cũng được soạn thảo và in ấn.
Ông Benoit Van Reeth nói: “Có người cho rằng chúng ta giữ hai nửa sẽ làm số tư liệu này bị giảm nửa giá trị. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Vì nếu VN giữ một phần, Pháp một phần thì giá trị sẽ tăng gấp đôi khi mỗi người nghiên cứu sẽ phải đi cả 2 nước, nhờ đó củng cố hơn nữa ký ức chia sẻ 2 nước”.
Ký ức di sản chung Pháp - Việt - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Bàn cách ‘đánh thức’… di sản

Với “kho báu” di sản đa dạng và phong phú, VN đang có nhiều lợi thế để bảo tồn, khai thác di sản, tạo ra lợi nhuận kinh tế, phát triển du lịch.

 

Trinh Nguyễn