11/01/2025

Thi hay không thi vào lớp 6?

Trong khi phụ huynh học sinh đang sốt ruột chờ công bố chính thức về việc có thi hay không vào lớp 6 của một số trường đặc thù thì cả Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT vẫn ngập ngừng, lúng túng.

 

Thi hay không thi vào lớp 6?

Trong khi phụ huynh học sinh đang sốt ruột chờ công bố chính thức về việc có thi hay không vào lớp 6 của một số trường đặc thù thì cả Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT vẫn ngập ngừng, lúng túng.




Thí sinh dự tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM năm 2017ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Từ năm 2015, khi Bộ GD-ĐT có văn bản “cấm thi tuyển sinh vào lớp 6 dưới mọi hình thức”, ngoài Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) vẫn tiến hành kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển sinh lớp 6 thì hầu hết các địa phương khác đều tuân thủ lệnh cấm này một cách tuyệt đối.
Điển hình như Hà Nội, là địa bàn trước đây có khá nhiều trường đặc thù tổ chức thi tuyển vào lớp 6 như THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, THCS Cầu Giấy, Nguyễn Tất Thành, Marie Curie, Nguyễn Siêu, Lương Thế Vinh… nhưng từ khi có lệnh cấm của Bộ, Sở GD-ĐT Hà Nội không cho phép bất cứ trường nào tổ chức thi tuyển, dù là đánh giá năng lực hay kiểm tra chỉ số IQ, EQ… Tất cả các trường đều chỉ tổ chức xét tuyển vào lớp 6 qua học bạ và cộng điểm các cuộc thi do Sở và Bộ tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.
Thi hay không thi vào lớp 6? - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Hà Nội cho phép thi tuyển vào lớp 6 (?!)

Thông tin các trường tại Hà Nội sẽ quay trở lại tổ chức thi vào lớp 6 lập tức gây xôn xao trong một số diễn đàn, thu hút sự quan tâm đặc biệt của phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 6 năm tới.
Tuy nhiên, việc xét tuyển vào lớp 6 như cách mà 3 năm học vừa qua các trường vẫn làm lại đang đứng trước nguy cơ “lâm vào ngõ cụt” khi Bộ GD-ĐT tuyên bố không tham gia và không công nhận kết quả của một số cuộc thi phổ biến đang được các trường dùng để cộng điểm xét tuyển vừa qua.
Bộ bảo tùy sở, sở chờ bộ hướng dẫn !
Từ đó đến nay dư luận vẫn chờ Bộ GD-ĐT có một văn bản chính thức về vấn đề này, kèm theo đó là một hướng dẫn về việc tuyển sinh lớp 6 của một số trường đặc thù khi kết quả các cuộc thi không còn giá trị xét tuyển.
Tại Hà Nội, nhiều phụ huynh có con lên lớp 6 và “nhắm” vào các trường như Hà Nội – Amsterdam, Nguyễn Tất Thành, Cầu Giấy… trong năm học tới như “ngồi trên đống lửa” khi có rất nhiều đồn đoán về việc thay đổi tuyển sinh.
Trong khi đó, đại diện Bộ GD-ĐT lại cho rằng Công văn số 1258/BGDĐT-GDTrH ngày 17.3.2015 Bộ đã hướng dẫn, nếu cơ sở giáo dục có số lượng học sinh (HS) đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, các sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục này căn cứ các quy định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương xem xét quyết định.
Như vậy, có thể thấy Bộ đã giao quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh đầu cấp THCS. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đặc thù tuyển HS có chất lượng theo yêu cầu riêng của trường, mà việc tổ chức thi vào lớp 6 như trước đây không đáp ứng được.
Tuy nhiên, khi trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định cho đến thời điểm này lệnh cấm tổ chức thi vào lớp 6 của Bộ GD-ĐT vẫn còn nguyên giá trị. “Bộ chưa có chỉ đạo hoặc văn bản chỉ đạo nào thay thế, nên chúng tôi không có cơ sở nào để có thể chỉ đạo các trường như vậy cả”, ông Đại nói.
Như vậy, Bộ GD-ĐT thì khẳng định đã trao quyền tự chủ cho các địa phương xem xét, quyết định, nhưng địa phương thì muốn Bộ khẳng định rõ có còn “cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức” nữa hay không.
Trong khi các cấp có thẩm quyền còn dùng dằng từ tháng này qua tháng kia thì phụ huynh và các trường mong ngóng một quyết định chính thức từng ngày, vì dù là thi hay xét thì họ cũng phải có thời gian chuẩn bị để có kết quả tốt nhất.
Không còn căn cứ để xét tuyển
Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội Nguyễn Xuân Khang phân tích: “Khi cấm thi dưới mọi hình thức, các trường có lượng HS đăng ký dự tuyển quá đông so với khả năng tiếp nhận không có cách nào khác là phải xem xét điểm cộng với những HS đoạt các giải thưởng, nhằm phân định (một cách tương đối). Còn sức thuyết phục của các giải thưởng sử dụng để HS đoạt giải được cộng điểm thì cũng không cao lắm”.
Do vậy, ông Khang cho rằng nếu không còn công nhận giải thưởng của các kỳ thi nữa thì các trường không có căn cứ nào để xét tuyển, bởi học bạ tiểu học hầu hết đều xếp loại HS giỏi. “Tuy nhiên, nếu cho phép thi tuyển và giao cho các trường xây dựng phương án thì chúng tôi sẽ nghiên cứu nghiêm túc để có phương án thi tránh căng thẳng và hạn chế được việc HS tiểu học phải khổ sở học luyện thi. Mặc dù vậy, lệnh cấm được bãi bỏ thì cũng cần công bố sớm để các trường và phụ huynh học sinh có đủ thời gian chuẩn bị”, ông Khang nói.
Bà Phạm Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy, cho rằng dù thi hay xét tuyển thì phương án nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực khó tránh khỏi. Qua 3 năm tiếp nhận HS lớp 6 bằng hình thức xét tuyển hoàn toàn, bà Kim Anh đánh giá, khác biệt lớn nhất là chất lượng đầu vào. Nếu thi tuyển thì các trường THCS sẽ căn cứ vào mục tiêu, nhu cầu của trường để đưa ra các tiêu chí tuyển sinh phù hợp; còn xét tuyển thì chất lượng HS sẽ hoàn toàn dựa vào sự đánh giá của cấp tiểu học, giải thưởng của một số kỳ thi.
Hiệu trưởng một trường THCS và THPT đang vận hành theo quy chế trường chất lượng cao và năm nào cũng có số lượng dự tuyển rất cao tại Hà Nội chia sẻ, nếu cho phép thi tuyển, trường của bà sẽ chọn cách tuyển sinh của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM). Đó là một bài kiểm tra đánh giá năng lực khá toàn diện và dù HS có phải ôn luyện, học thêm để tham gia dự tuyển nhưng đó là những năng lực cần cho HS khi học tiếp lên bậc học cao hơn, những năng lực rất cần cho cuộc sống sau này.
Bài thi khảo sát năng lực

Một thành viên ban soạn thảo đề thi của Sở GD-ĐT TP.HCM vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết bài khảo sát gồm 2 phần thi trắc nghiệm, tự luận đề cập đầy đủ lĩnh vực toán học tư duy, toán thực tiễn, năng lực tiếng Anh, hiểu biết tự nhiên, khoa học thường thức, khuyến khích HS tiếp cận với thực tiễn, tự rèn luyện… chứ không phải là kiến thức hàn lâm, tính toán máy móc.
Nhận xét về đề bài khảo sát những năm vừa qua, ông Trần Minh Thành, Hiệu phó Trường THCS Minh Đức (Q.1), nói: “Nội dung và yêu cầu của các câu hỏi đáp ứng được những định hướng đổi mới trong cách dạy và học giúp HS vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn. Từ đó khuyến khích HS tự nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để bổ sung kiến thức cho mình”.
Tương tự, một chuyên viên tiếng Anh tại một quận cho hay bài khảo sát chọn được HS đáp ứng yêu cầu của trường về năng lực. Qua 3 năm áp dụng hình thức khảo sát cho thấy HS không thể học tủ mà phải định hướng trau dồi kiến thức, kỹ năng.
Tuy nhiên dù lãnh đạo Sở từng khẳng định: “Việc các trung tâm mở lớp luyện thi là hình thức kinh doanh của họ. Còn mục tiêu của bài khảo sát sẽ là khảo sát năng lực tư duy, năng lực vận dụng kiến thức thì không thể ôn luyện trong một vài ngày”, nhưng ngay thời điểm Sở công bố thực hiện hình thức tuyển sinh này, tại TP.HCM vẫn nở rộ các loại hình luyện thi.
Bích Thanh

Ý kiến:
Nên giao quyền chủ động cho các trường
Bộ không nên ban hành những quy định mang tính chất “chạy theo thời cuộc” kiểu như cấm thi rồi lại cho chủ động tuyển sinh với những cấp học phổ cập như THCS. Lẽ ra quyền chủ động tuyển sinh ở các trường ngoài công lập nên giao cho các trường, họ chủ động tuyển sinh và chịu trách nhiệm trước xã hội, trước phụ huynh về chất lượng đầu vào, đầu ra của mình.
Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch hội đồng Trường phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội)
Phải xây dựng tiêu chí tuyển sinh phù hợp với đặc thù của trường
Về lâu dài, trường phổ thông cũng phải vận hành theo cơ chế tự chủ. Ngoài những trường có nhiệm vụ phổ cập, những trường đặc thù không thể chỉ đòi hỏi đầu vào khác biệt mà phải chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục và đầu ra có sự khác biệt rõ rệt. Còn giải pháp trước mắt, khi cho phép trường nào xây dựng đề án tuyển sinh vào lớp 6 thì trường đó phải chứng minh được với cơ quan quản lý và xã hội tính đặc thù của mình và xây dựng tiêu chí tuyển sinh phù hợp với đặc thù đó. Cơ quan quản lý thẩm định và giám sát, buộc các trường phải chịu trách nhiệm về chất lượng của mình. Tuy nhiên, nếu vẫn cho phép các trường THCS công lập được vận hành theo cơ chế trường chất lượng cao kiểu như hiện nay, nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trả lương giáo viên, phụ huynh sẽ thấy việc đóng tiền ít hưởng dịch vụ giáo dục cao là một lợi thế và việc căng thẳng đầu vào sẽ khó tránh khỏi.
PGS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục VN)


Thi hay không thi vào lớp 6? - ảnh 3

TIN LIÊN QUAN

Tuyển sinh không nên căn cứ vào sổ hộ khẩu: Kinh nghiệm từ các nước

Việc tuyển sinh các trường công lập ở nước ngoài căn cứ vào những điều kiện gì để đảm bảo quyền lợi và công bằng trong việc học tập của người học là điều cần quan tâm khi chúng ta muốn tiến dần đến việc thay đổi quản lý dân cư theo cách văn minh, hiện đại.

 

Tuệ Nguyễn