11/01/2025

Khả năng chịu đựng bị sỉ nhục vì Chúa và giống Chúa

Nhân đức khiêm nhường là một ơn không thể thiếu trong đời sống người Kitô hữu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong Thánh lễ sáng 5-12 tại Nhà nguyện Marta.

 Khả năng chịu đựng bị sỉ nhục vì Chúa và giống Chúa

 

 
Nhân đức khiêm nhường là một ơn không thể thiếu trong đời sống người Kitô hữu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong Thánh lễ sáng 5-12 tại Nhà nguyện Marta.


Mỗi Kitô hữu là một chồi non

Bài đọc trích sách Tiên tri Isaia có nói: “Từ gốc Giêsê, sẽ đâm ra một chồi non. Từ chồi non ấy, Thần Khí Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức. Thần Khí ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Chúa.” Đó là những ơn phúc của Chúa Thánh Thần. Và mỗi Kitô hữu là một chồi non như thế. Mỗi người tiến triển từ những chồi non để nên thành toàn, để trở nên viên mãn trong Chúa Thánh Thần. Đó là cuộc sống của người Kitô hữu.

Cần ý thức rằng, mỗi người chúng ta là đều là chồi non, và chồi non ấy cần lớn lên, cần được lớn lên trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chồi non cần lớn lên cho đến lúc thành toàn, cho tới khi viên mãn trong Thần Khí. Nhiệm vụ của người Kitô hữu là gì? Đó là luôn luôn bảo vệ mầm non ấy, để mầm non ấy có thể lớn lên trong chúng ta, để bảo đảm rằng mầm non ấy có thể tăng trưởng, có thể lớn mạnh trong Thánh Thần.

Lối sống khiêm tốn như Chúa Giêsu

Vậy đâu là lối sống của các Kitô hữu? Đó là sống như Chúa Giêsu đã sống. Đó là sống khiêm nhường như Chúa. Chúng ta cần có đức tin và đức khiêm nhường để có thể tin rằng: mầm non bé nhỏ ấy, ơn sủng ấy có thể ngày càng tiến triển, lớn mạnh, sung mãn trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần khiêm tốn để tin rằng, Chúa Cha là Chúa trời đất. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: Chúa Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những người đơn sơ bé mọn. Khiêm nhường có nghĩa là trở nên bé nhỏ, bé nhỏ như hạt giống, như mầm non. Biết mình bé nhỏ, để biết được rằng mình cần Chúa Thánh Thần làm cho mạnh mẽ tiến về phía trước, để vươn tới sự viên mãn thành toàn.

Nếu có ai đó tin rằng: khiêm tốn có nghĩa là lịch sự, là học thức, là nhã nhặn… thì nên nhắm mắt lại thầm thì cầu nguyện, và sẽ thấy rằng: “Không, khiêm tốn không phải như thế!” Nếu như vậy, làm thế nào để biết rằng mình khiêm tốn hay không?

Dấu hiệu của người sống khiêm nhường

Có một dấu hiệu, một dấu chỉ, một tín hiệu, chỉ có một: Đó là chấp nhận chịu sỉ nhục. Khiêm tốn mà không có chịu sỉ nhục, thì chưa phải là khiêm tốn. Người khiêm nhường là những người nam người nữ, là những người có khả năng chịu đựng biết bao nhục nhã, có khả năng nhận lấy những sỉ nhục, giống như Chúa Giêsu đã chịu đựng. Chúa chịu sỉ nhục ghê gớm, Chúa bị sỉ nhục ghê gớm.

Chúng ta biết về gương lành của biết bao vị thánh. Các ngài không những chịu đựng bị sỉ nhục, không những chấp nhận những sỉ vả, mà các ngài còn mong ước, còn xin cho được nên giống Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta ơn sủng ấy, để Ngài gìn giữ những người bé nhỏ hướng tới sự viên mãn trong Thần Khí, để chúng ta không quên đi cội rễ của sự khiêm nhường là chấp nhận chịu sỉ nhục.

 

 

Tứ Quyết SJ