Bài 5. Lớp Hội nhập Văn hoá: Đức Maria là Mẹ Việt Nam
Chỉ từ khi các vị thừa sai Công giáo đến Việt Nam loan báo Phúc Âm, người Việt mới biết đến vị thần Mẫu hết sức gần gũi với người Việt. Đó là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu Kitô cũng là Mẹ Giáo Hội Việt Nam.
BÀI 5
ĐỨC MARIA LÀ MẸ VIỆT NAM
Vào hồi 17h15 giờ địa phương (21h15 giờ Việt Nam) ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản “Cử hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại 21 tỉnh thành của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Cử hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã diễn ra vào ngày 2/4/2017.
1. Những khuôn mặt nữ thần mang tính tiên tri
Trong dòng lịch sử dân tộc, người Việt rất gần gũi với các nữ thần vì việc tôn thờ nữ thần, mẫu thần là tín ngưỡng rất lâu đời của người Kinh và một số DTTS ở Việt Nam. Đó là tín ngưỡng bản địa có từ thời lập quốc với các bộ tộc sống theo chế độ mẫu hệ. Chỉ đến khi người Trung Quốc theo chế độ phụ hệ đặt ách nô lệ trên dân tộc Việt Nam từ năm 111 TCN đến 938, tín ngưỡng này mới nhường chỗ cho những vị thần nam giới của các tôn giáo như Nho-Phật-Lão.
Việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sản, nuôi dưỡng, bảo vệ, che chở con người tác động đến mọi người dân Việt, ăn sâu vào cõi vô thức, nên người Việt dễ gần với các nữ thần hơn nam thần. Hơn nữa, qua tín ngưỡng này, người phụ nữ Việt Nam cũng được bù trừ những thiệt thòi, giải thoát khỏi những ràng buộc, thành kiến của xã hội Nho giáo phong kiến trong suốt mấy chục thế kỷ qua (x. website của Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch, Bài Hồ sơ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt hoãn xét duyệt đến năm 2016, truy cập ngày 10/9/2015). Dự kiến đến năm 2016, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt sẽ đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể.
Trong số các nữ thần được người Việt sùng kính, chúng ta thấy ở miền Bắc có Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Cô Đôi Thượng Ngàn với các nghi thức cúng tế ảnh hưởng từ Đạo giáo như lên đồng, hát chầu văn. Các vị này được ghi chép trong các sách cổ như Việt Điện U Linh. Ở miền Trung ta thấy người dân thờ Tứ vị Thánh Nương, Bà Ngũ Hành, Thiên Y A Na, Po Nagar. Ở miền Nam, ngoài những vị quen thuộc đi theo đoàn người mở nước như Tứ Vị Thánh Nương, Bà Ngũ Hành, Bà Chúa Động, người ta còn sùng kính các nữ thần khác như Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Thiên Hậu…
Từ ảnh hưởng của tục thờ thần Mẫu, người Việt cũng rất sùng kính Đức Quan Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara) của Phật giáo, thường gọi là Phật Bà Quan Âm, qua hình ảnh một nữ thần rất hiền dịu với bình nước Cam Lồ cứu độ chúng sinh. Thật ra, trong kinh Đại Nhật và kinh Bi Hoa, Đức Phật Thích Ca dạy về một Đức Quan Thế Âm Bồ Tát đời quá khứ trước đó là một nam nhân (x. website của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bài Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là nam hay nữ?, đăng ngày 16/7/2013, truy cập ngày 10/9/2015). Bằng chứng lịch sử là trong văn chương, người Việt có truyện thơ Nôm Việt Nam Quan Âm Thị Kính xuất hiện vào đầu thế kỷ XIX.
Chúng ta luôn nhớ rằng trong tâm thức người Việt: tín ngưỡng thờ Thần Mẫu luôn sóng đôi với lòng tin vào Trời như vị chúa tể tối cao, sáng tạo muôn loài, chi phối vạn vật, an bài mọi sự trên trần thế. Đấng ấy vượt trên cả Mẫu thần và là vị chúa nam giới hết sức mạnh mẽ, uy dũng vô song. Đấng đó tượng trưng qua bầu trời bao la, không gian vô tận và cao vút trên các tầng mây, để ôm trọn muôn loài muôn vật trong thế giới hữu hình cũng như vô hình. Trong khi đó thì Mẫu thần, qua các nhân vật nữ, diễn tả vẻ hiền hậu, gần gũi, quan tâm đến từng con người, cánh hoa, ngọn cỏ cụ thể để bảo vệ, che chở, giữ gìn. Mẫu thần được tượng trưng qua hình ảnh Mẹ Đất luôn ở gần vạn vật, sinh sản ra muôn loài.
Dù tất cả những khuôn mặt của các nữ thần đó trong dòng lịch sử dân tộc Việt Nam là những hình tượng mờ ảo, huyền bí, mang dáng vẻ mông lung, pha lẫn những nét không thực do tưởng tượng, nhưng ta cũng có thể nói rằng họ đều là những nét phác hoạ, những nét tiên tri, báo trước những nét nào đó của một nhân vật có thật trong lịch sử nhân loại và vũ trụ sẽ xuất hiện sau này.
Chỉ từ khi các vị thừa sai Công giáo đến Việt Nam loan báo Phúc Âm (1533), người Việt mới biết đến vị thần Mẫu đó, hết sức gần gũi với người Việt rồi trở nên Người Mẹ Việt Nam. Đó là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu Kitô cũng là Mẹ GHVN.
2. Bức chân dung của Đức Maria trong giai đoạn truyền giáo ban đầu
Chúng ta có thể ghi nhận vắn tắt bức hoạ chân dung Người Mẹ Thánh được các thừa sai dòng Tên hay các “Giêsu Hữu” vẽ lên trong giai đoạn truyền giáo đầu tiên để giới thiệu vị Thần Mẫu mới cho người Việt Nam.
2.1. Các sử gia còn ghi nhận, và chính Thánh Phanxicô Xaviê cũng xác nhận, là ngày 22/7/1549, trên đường tới Nhật, tàu chở thánh nhân đã dạt vào cửa Bạng, Thanh Hoá. Người dân Việt còn nhắc đến một truyền thuyết về cuộc ghé thăm này: Do bị bão, ngài đánh rơi cỗ tràng hạt xuống biển, được một con cua lượm lên, dâng lại cho ngài. Ngài chúc lành cho con cua. Từ đó đến nay loại cua này có dấu giống hình Thánh giá. Dân chúng vùng duyên hải Cửa Bạng quen gọi thứ cua đó là cua thánh Phanxicô. Điều đáng nhớ ở đây là người tín hữu Việt Nam không nhắc đến điều gì khác hơn là cỗ tràng hạt quý giá nói lên Đức Mẹ đã đồng hành với các nhà truyền giáo trên đất Việt.
2.2. Cha Ordoñez de Cervallos đến Việt Nam đầu tháng 12/1590. Nhân dịp lễ Giáng Sinh, cha nói về Chúa Giêsu và Đức Mẹ trong các bài giảng ở cung vua, nhờ thế mà cô công chúa, người chị của vua Lê Thế Tông, hết lòng cảm phục, tin theo đạo và xin rửa tội với tên thánh là Maria Flora (Mai Hoa Công Chúa). Tình yêu của nàng công chúa với chàng trai nước ngoài tài đức nảy nở và khi hiểu được giáo lý, luật độc thân của người tu sĩ linh mục, bà đã xin rửa tội cùng với 72 gia nhân khác vào ngày 22/5/1591. Bà đã từ bỏ mọi sự, chỉ xin nhà vua cho một miếng đất nhỏ để lập tu viện do chính bà làm tu viện trưởng. Bà lấy tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đặt tên cho tu viện của mình. Ngày 26/7/1591, có 51 nữ tu nhận tu phục và lãnh bí tích Thêm Sức. Sau đó vùng này phát triển thành làng Gia Tô với 400 tín hữu. Câu chuyện như gợi ý cho chúng ta về lòng sùng kính đối với Mẹ Maria đã bắt đầu lan đi từ trong cung cấm ra ngoài dân gian.
2.3. Ngày 18/1/1615, hai cha dòng Tên là Francesco Buzomi và Diego Carvalho tới Hải Phố (nay là Cửa Hàn, Đà Nẵng) được Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên đón tiếp, sau đó là các cha Francesco de Pina, Pedro Marquez và Cristoforo Borri. Cha Cristoforo Borri ghi nhận hai điểm đặt biệt trong khoảng thời gian 1616-1622 là: các tín hữu, trẻ con cũng như người lớn, đã học thuộc lòng cuốn giáo lý soạn bằng tiếng Nôm do cha Francesco de Pina và một văn nhân Việt Nam tên thánh là Phêrô biên soạn, trong đó có dịch các kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Tin Kính; các tín hữu đeo chuỗi hạt Mân Côi ở cổ để người ngoài biết mình theo đạo và lần hạt Mân Côi y như các giáo hữu châu Âu thời ấy. Cha Gaspar Luis còn kể nhiều phép lạ trừ quỷ dữ, tà ma, chữa bệnh nhờ phép lần hạt và tràng chuỗi Mân Côi.
2.4. Cha Đắc Lộ Alexandre de Rhodes cũng kể lại việc chúa Nguyễn Phúc Nguyên vào cuối năm 1625, vì không thấy tàu buôn Bồ Đào Nha tới, nên đã ra lệnh tập trung các thừa sai và bắt giáo dân phải “cởi bỏ ảnh tượng, Thánh giá và tràng hạt mà giáo dân tân tòng thường đeo ở cổ”. Đó là dấu hiệu chứng tỏ lòng sùng kính Mẹ Maria đã lan rộng trong các tín hữu và dân chúng thời đó.
2.5. Cha Girolamo Majorica trong hơn 20 năm truyền giáo ở Việt Nam, 5 năm ở Đàng Trong (1626-1631) và 15 năm ở Đàng Ngoài (1631-1656) rồi nằm lại vĩnh viễn trên quê hương này, rất thông thạo tiếng Việt và chữ Nôm, đã sáng tác và dịch thuật 45 tác phẩm bằng chữ Nôm về đủ mọi thể loại đề tài, trong đó có truyện Thiên Chúa Thánh Mẫu, dày 290 trang. Chúng tôi hy vọng sẽ trình bày về công trình của cha sau này qua công trình nghiên cứu của cha Antôn Phaolô Trần Quốc Anh, SJ., trên Thư viện Điện tử Công giáo Việt Nam, một công trình của GHVN kỷ niệm 400 GHVN đón nhận Phúc Âm từ các thừa sai Dòng Tên.
2.6. Đức Maria trong “Phép Giảng Tám Ngày” của cha Đắc Lộ. Cha Đắc Lộ đến Cửa Bạng ngày 19/3/1627 và tới Thăng Long ngày 31/5/1627 vào đúng ngày “Đức Bà đi viếng bà thánh Isave”, theo lời mời của chúa Trịnh. Chỉ trong vòng 4 tháng sau đó nhiều người đã xin rửa tội, theo đạo Công giáo. Cha đã dạy giáo hữu sử dụng Thánh giá và tràng hạt như “khí cụ” để chiến đấu, chống lại ma quỷ, tật bệnh và rao giảng Phúc Âm. Cha nhắc tới giáo dân Thăng Long tham dự đông đảo và vui mừng cử hành lễ Đức Mẹ Dâng Con vào Đền thờ với nghi thức làm phép nến.
Vì giáo dân không hiểu tiếng Latinh nên cha đã có sáng kiến chia các mầu nhiệm thương khó thành 15 đề tài chính, và phép ngắm thương khó ra đời từ đó. Các đoạn suy niệm này nhắc đến vai trò của Mẹ Maria trong công trình cứu độ của Chúa Giêsu.
Trước triển vọng số người nhập đạo ngày càng đông, hình thức dạy giáo lý tám ngày đã hình thành trong đầu cha Đắc Lộ vào năm 1627 sau vài tháng đặt chân lên đất Việt. Cha còn cộng tác với công nương Catarina giỏi về thơ bản xứ soạn thành thơ tất cả lịch sử giáo lý, từ tạo thiên lập địa, cho đến Đức Kitô giáng thế, cuộc đời, sự thương khó, phục sinh và lên trời của Người. Cuốn giáo lý bằng thơ này rất hay, đến độ nhiều người ngâm nga ở bất cứ chỗ nào.
Công trình Latinh hoá chữ Việt và Phép Giảng Tám Ngày là một công trình tập thể, chứ không phải do một mình cha Đắc Lộ sáng tác, vì cha chỉ ở Việt Nam 18 tháng và cha cũng công nhận đó là công trình tập thể của các thừa sai Dòng Tên. Phần nói về Đức Mẹ được đặt ở “ngày thứ năm” trong Phép Giảng Tám Ngày nhân dịp nói tới Thiên Chúa Ba Ngôi và Thiên Chúa ra đời cứu thế; phần này chiếm hơn phân nửa ngày.
Cha Đắc Lộ nói đến Đức Mẹ là “con gái” rất thánh của ông Gioakim và bà Anna. Cô gái này “đẹp lòng Đức Chúa Trời mọi sự. Đức Chúa Trời sinh, cùng hơn các đức thánh Thiên Thần. Cô được “Đức Chúa Trời chọn làm Mẹ Đức Chúa Trời và “đồng thân” (đồng trinh) từ khi chưa có thế giới này, nên cô quả là “hoa đồng thân, cũng chẳng có phải tội gì ông Ađam truyền cho”. Ngài là rất thánh Đức Chúa Bà Maria trọn đời đồng thân, đã định ngày sau làm mẹ Đức Chúa Trời”. Ngài nhiều lần gọi Đức Mẹ là “rất thánh đồng thân”, “rất thánh Đức Chúa Bà”, “rất thánh đồng thân Đức Chúa Bà Maria”. Gọi như thế là vì cách xưng hô đó không phải đặt Đức Maria ngang hàng với Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, nhưng vì “đức bà” là cách xưng hô của các mệnh phụ phu nhân thời đó. Và từ “chúa” ở đây cũng là từ thông thường như “chúa Nguyễn, chúa Trịnh” để biểu lộ sự cao trọng của hoàng tộc mà thôi, giống như khi Giáo Hội tôn phong Đức Maria là “trinh nữ vương” sau này.
Ngài giải thích việc Đức Maria kết thân với thánh Giuse cũng khấn hứa “đồng thân” với Chúa như thế nào và dạy cách bày tỏ lòng sùng kính ảnh tượng có Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu ra sao để đừng lầm lẫn với việc thờ lạy một Đức Chúa Trời Ba Ngôi.
Như thế, ta có thể nói bức chân dung Đức Maria đã được các thừa sai Dòng Tên vẽ một cách khá hoàn chỉnh để giới thiệu cho dân tộc Việt Nam một vị nữ thần mới mẻ, đầy đủ các tín điều về Đức Mẹ, trong đó có tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh, vô nhiễm thai (dù mãi đến năm 1854 mới thành tín điều). Bức chân dung ấy sẽ còn được CĐ. Vaticanô II (1962-1965) và sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo (1992) vẽ tiếp để cho người Việt cũng như muôn dân tộc thấy rõ hơn người Mẹ thật của mình mang những nét đặc biệt nào để xứng đáng làm Mẹ và làm thần Mẫu của toàn thể vụ trụ.
Vị thần nữ này không phải là chuyện hoang đường, nhưng có thật trong lịch sử nhân loại để giúp cho con người và vạn vật đổi mới từ phận thấp hèn nâng cao đến con Thiên Chúa. Vị thần mẫu này xứng đáng được “biệt kính” đối với dân tộc Việt Nam. Qua phép lần hạt Mân Côi và các sách giáo lý bằng chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, lòng sùng kính vị thần mẫu này càng ngày càng lan rộng và dần dần có thể thay thế cho tất cả các gương mặt nữ thần trước đây của dân tộc Việt Nam. Các vị đó không phải bị loại trừ khỏi sự tôn kính của dân tộc nhưng tất cả vẫn còn hiện diện một cách nào đó nơi Đức Mẹ Maria, Mẹ của dân tộc Việt Nam.
3. Những cuộc can thiệp đặc biệt của Mẹ Maria trong dòng lịch sử dân Việt
Ngay từ thuở ban đầu của thời kỳ truyền giáo, Mẹ Maria đã nhiều lần can thiệp để che chở, bảo vệ các thừa sai cũng như chuyển cầu cho các tín hữu được ơn chữa lành bệnh tật và khỏi ma quỷ kiềm chế. Đặc biệt trong thời kỳ đạo bị bách hại, Mẹ đã xuất hiện rõ ràng để can thiệp trực tiếp cho cộng đồng tín hữu. Lịch sử GHVN ghi nhận nhiều trường hợp đặc biệt này. Chúng tôi muốn ôn lại vài lần hiện ra đó để hiểu thêm về lòng yêu mến của Người Mẹ VN đối với đàn con khi chúng gặp gian nan thử thách.
3.1. Hiện ra ở La Vang năm 1798
Trong địa bộ làng Cổ Vưu có ghi “phường Lá Vằng”, vì ngày xưa trên các ngọn đồi ở La Vang có vô số cây lá vằng. Loại cây này thân leo, hoa trắng, hạt đen, vị đắng. Người phụ nữ xứ này khi sinh con thường sắc lá vằng để uống. Do đó, khi lập phường người ta đặt tên là “phường Lá Vằng”, về sau gọi trại là La Vang.
Từ chốn Lá Vằng hay La Vang, câu chuyện được truyền tụng từ đời nọ sang đời kia, là Đức Mẹ Maria đã hiện ra an ủi, nâng đỡ con cái trong thời ly loạn, cấm cách.
Ngày 17/8/1798 từ Phú Xuân, vua Tây Sơn Cảnh Thịnh, con thứ của Vua Nguyễn Huệ, Quang Trung, ban hành một sắc chỉ truyền phá huỷ tất cả các nhà thờ, nhà ở của linh mục và bắt tất cả những ai theo đạo Công giáo. Đây là một cuộc cấm đạo nghiêm ngặt, ác liệt, nhưng đột ngột trong thời gian ngắn ngủi.
Để tránh cơn bách hại, các tín hữu thuộc giáo xứ Cổ Vưu, Hạnh Hoa, Thạch Hãn… trong thị xã Quảng Trị chạy trốn vào vùng núi, bất chấp đói khát, thú dữ, nước độc, bệnh tật, miễn sao cứu được thân mình. Họ hoảng sợ vì chứng kiến cảnh cướp bóc, đốt phá, chém giết bạo tàn của binh lính. Trong cơn nguy khốn ấy, mọi người chỉ trông cậy vào Chúa và Đức Mẹ, đêm ngày hội họp nhau nơi đám cỏ dưới gốc cây đa cổ thụ, đọc kinh, lần hạt than khóc kêu xin Đức Mẹ cứu giúp chở che.
Một hôm, trong lúc họ đang đọc kinh, Đức Mẹ hiện ra rực rỡ tươi đẹp vô ngần. Mẹ mặc áo choàng, tay ẵm Chúa Hài Đồng. Mẹ xuống đứng trên đám cỏ gần gốc cây đa nơi họ đang cầu nguyện. Mẹ tỏ vẻ nhân từ và âu yếm, an ủi các tín hữu vui lòng chịu khó, dạy hái lá quanh đó nấu uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ còn phán hứa rằng: “Các con hãy tin tưởng, cam lòng chịu khổ, Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện“. Đức Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy. Đó là điều các tiền nhân truyền lại cho đến ngày nay.
Cũng từ ngày đó, phường Lá Vằng đã trở thành Thánh địa La Vang. Người người lương giáo khắp nơi tuôn về hành hương, cầu nguyện, xin ơn độ trì và Đức Mẹ giữ lời hứa, ban nhiều ơn phúc phần hồn phần xác.
3.2. Hiện ra ở Trà Kiệu năm 1885
Trà Kiệu vào thế kỷ VI-VIII, là kinh đô đầu tiên Sinhapura của nước Chiêm Thành (Champa). Trà là từ đọc trại của “Chà”, chỉ người Chăm; Kiệu là từ đọc trại của “Kiều”, có nghĩa là người ở xa, người ở Đàng Ngoài theo đoàn quân Nam tiến đến di cư lập nghiệp ở đây. Năm 1580, hai cha dòng Đa Minh là Gregoire de la Motte, người Pháp, và Luis de Fonséca, người Bồ Đào Nha, và từ năm 1592-1602, cha Raphael, dòng Augustinô, người Bồ Đào Nha, đã đến Trà Kiệu rao giảng Phúc Âm. Năm 1625, nhóm dân di cư Công giáo thuộc hai tộc Lê Văn và Nguyễn Viết đã xây dựng ở Trà Kiệu ngôi nhà thờ đầu tiên và lập thành làng Công giáo. Năm 1722, giáo xứ Trà Kiệu đã có tới 300 giáo dân. Vào lúc xảy ra cuộc chiến đấu chống với 8.000 quân Văn Thân, Trà Kiệu có 370 nam nhân có thể cầm vũ khí và 500 phụ nữ ở đội quân dự bị do cha Jean Bruyère (Cố Nhơn), MEP, làm cha xứ từ năm 1877.
Sau khi người Pháp đánh chiếm nước ta, phong trào Văn Thân với khẩu hiệu: “Bình Tây, Sát Tả” đã gây nên những cuộc thảm sát cho người Công giáo, chỉ riêng Gp. Đông (Quy Nhơn, Đà Nẵng ngày nay) đã có 8 thừa sai Pháp, 5 linh mục Việt, 60 thầy giảng, 270 nữ tu, trên 25.000 giáo dân bị giết; 225 thánh đường, 17 cô nhi viện, 10 tu viện bị thiêu huỷ. Số giáo dân 42.000 người (năm 1884), chỉ còn 15.000 (vào năm 1885). Việc đánh chiếm và giết hại các làng Công giáo, ngoài lý do lòng ái quốc, còn có lý do kinh tế vì người dân cướp bóc của cải trong các làng Công giáo giàu mạnh, trù phú.
Xế trưa ngày 1/9/1885, hàng ngàn quân Văn Thân ùn ùn kéo đến bao vây xứ Trà Kiệu. Trong làng với vũ khí thô sơ tự chế chỉ có 4 khẩu súng nạp hậu cùng với 40 viên đạn, 5 khẩu bắn đá, 1 khẩu hoả mai thử hỏi làm sao giáo hữu có thể chống nổi với quân lực của triều đình có cả súng thần công và voi trận. Vì thế, cha Bruyère và giáo dân chỉ còn biết hoàn toàn phó thác và trông cậy vào Chúa và Đức Mẹ. Cha đặt một bàn thờ Đức Mẹ ở giữa nhà và quyết dùng Mẹ chiến đấu vì, nếu đầu hàng tất cả cũng bị giết hại như các làng Công giáo khác.
Quân Văn Thân làm luỹ vây chặt giáo xứ và quyết tâm san bằng giáo xứ này. Cuộc chiến kéo dài trong suốt 21 ngày đêm với nhiều đợt tấn công, cho đến 21/9/1885 mới chấm dứt. Đặc biệt là trong suốt ngày 10 và 11/9, quân Văn Thân không ngừng kêu lên: “Thật lạ lùng, có một người đàn bà rất đẹp luôn đứng trên nóc nhà thờ mà chúng ta không sao bắn trúng”. Tuy nhiên, cha xứ và giáo dân cố gắng nhìn lên mà không ai thấy được Bà đó. Rồi có cả “đạo quân trẻ em” từ trời đến tiếp sức khiến cho nhiều loạt đại bác bắn trực xạ vào nhà thờ và giáo xứ đều không trúng đích. Có khoảng 500 quả đạn bắn vào 1 ngày. Cả voi trận cũng lùi bước không biết vì sao (x. Nécrologic du P. Bruyère, tr.455; x. P. Geffroy, MEP, báo Missions Catholiques, Paris, ngày 3,10,17/9/1886).Cuộc can thiệp đầy quyền năng của Đức Mẹ đã được quân Cần vương và Văn Thân đồn thổi nhanh chóng đi khắp nước, nhờ thế người tín hữu Công giáo Việt Nambắt đầu được yên ổn ngay từ năm 1886.
Năm 1898, tín hữu đã xây một ngôi thánh đường để tạ ơn Đức Mẹ và năm 1970, ngôi thánh đường mới 2 tầng được xây dựng như còn thấy ngày nay. Trà Kiệu đã được Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi lập thành Trung tâm Thánh Mẫu của Gp. Đà Nẵng ngày 31/5/1971. Trung tâm hành hương Trà Kiệu hiện nay thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
3.3. Những lần hiện ra khác
Người dân Việt Nam có thể kể đến nhiều lần khác Đức Mẹ Maria đã hiện ra như ở La Mã (Bến Tre) ở Tà Pao (Phan Thiết)… trong đời sống của cộng đồng cũng như của cá nhân. Không ít những thuyền nhân Việt Nam, khi vượt biên bằng con thuyền nhỏ bé, đối mặt với sóng to gió lớn, với bão tố và bọn cướp biển, cạn kiệt nước uống và thực phẩm, chiếc thuyền bị bọn cướp lấy mất máy tàu, la bàn… họ chỉ còn biết trông cậy vào Chúa và Người Mẹ Thánh như Sao Mai chỉ đường. Rồi kỳ diệu thay! Họ đã được cứu sống, được bình an, được gặp tàu cứu nạn, được đón nhận vào nước định cư một cách lạ lùng. Họ chỉ còn biết dâng lời tạ ơn Chúa và người Mẹ Thánh rồi kể lại cho nhau nghe “những phép lạ” của Mẹ trong đời mình.
Đức Maria không phải chỉ đứng về một phe phái nào. Mẹ là mẹ chung của mọi người và cứu giúp tất cả các con cái mình, dù là lương hay giáo, tư bản hay Cộng sản, giàu có hay nghèo khổ, vô thần hay hữu thần. Đến các trung tâm hành hương tôn kính Mẹ Maria, người ta sẽ gặp thấy không ít những con người vụng về không biết làm dấu Thánh giá, không biết thưa những lời kinh quen thuộc của người tín hữu, nhưng họ lại say sưa kể về việc mình đã gặp được Mẹ Maria và Mẹ hiện ra với họ như thế nào, ban ơn gì cho họ, chữa cho họ khỏi bệnh làm sao, cho họ trúng số như thế nào để giải quyết nợ nần cho họ… vì họ là những người “ngoại đạo”. Nhiều tín hữu Công giáo có khi ghen tị với họ vì thấy Mẹ thương họ nhiều hơn thương mình, nhưng Mẹ lại dạy cho tín hữu hiểu rằng những đứa em nhỏ trong đức tin đó cần được mẹ săn sóc nhiều hơn, còn mình đã lớn phải chịu nhiều đau khổ thử thách để cứu độ người khác như người anh cả Giêsu đã chết thay cho tất cả. Mẹ thật sự là mẹ của mọi người Việt Nam.
4. La Vang, Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc
Tín hữu Việt Nam đặc biệt có lòng sùng kính Đức Mẹ, nên nhiều địa điểm hành hương đã được xây dựng như Phú Nhai (Nam Định, Gp. Bùi Chu), Trà Kiệu (Quảng Nam, Gp. Đà Nẵng), La Mã (Bến Tre, Gp. Vĩnh Long), Bình Triệu (Thủ Đức, Gp. Sài Gòn), Bãi Dâu (Vũng Tàu, Gp. Bà Rịa), Măng Đen (Gp. Kontum), Tà Pao (Gp. Phan Thiết), Núi Cúi (Gp. Xuân Lộc)… Rất nhiều Gp. có Trung tâm thánh Mẫu để giáo dân đến kính viếng.
Trong những nơi hành hương ấy, đặc biệt có La Vang (Quảng Trị) là nơi các giám mục giáo tỉnh Huế và giáo tỉnh Sài Gòn trước đây, trong phiên họp ngày 13/4/1961 tại Huế, đã quyết định chọn là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc. Đền thờ La Vang được ĐTC Gioan XXIII nâng lên bậc Tiểu Vương cung Thánh đường bằng Tông thư Magno Nos Solatio ngày 22/8/1961. Hôm đó cũng là ngày Đền thờ được cung hiến và giáo quyền chính thức tuyên bố Thánh địa La Vang là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc.
Ngày 1/5/1980, tại Hà Nội, các giám mục thuộc HĐGMVN, trong hội nghị toàn thể lần đầu tiên, đã đồng thanh biểu quyết chấp nhận Trung tâm Thánh Mẫu La Vang là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc của GHCGVN.
4.1. Nhà thờ La Vang giai đoạn 1900- 1923
Nhà thờ La Vang vốn được xây trên nền của một miếu thờ Bà (có thể là Phật Bà Quan Âm hoặc bà chúa Liễu Hạnh) cho người đi rừng, nguyên là một mái nhà tranh dưới gốc cây đa và rào sơ bốn mặt. Sau biến cố Mẹ Maria hiện ra năm 1798, mảnh đất được nhường cho giáo dân để xây một nơi tôn kính Mẹ Maria. Đây lại là một điểm đáng ghi nhớ về vị Thần Mẫu mới thay thế cho những vị thần mẫu cũ của người Việt.
Khoảng từ năm 1886, Đức cha Marie Antoine Caspar (Lộc) cho xây lại một ngôi nhà thờ lợp ngói và mãi đến năm 1901, nhân dịp đại hội La Vang đầu tiên được tổ chức vào ngày 8/8/1901, mới có Lễ mừng khánh thành nhà thờ. Ngôi nhà thờ này tồn tại từ năm 1901-1923 và tự động đổ xuống vào tháng 5/1925.
4.2. Nhà thờ La Vang giai đoạn 1923-1961
Trong dịp Đại hội La Vang VIII (1923), Đức cha Allys Lý đã quyết định xây dựng ngôi đền thánh rộng lớn tại La Vang theo đồ án của kiến trúc sư Carpentier. Ròng rã bốn năm trời với biết bao công sức tiền của đổ ra, công trình Đền thánh La Vang đã hoàn thành. Một Ngôi thánh đường với hai tầng mái và hai cánh Thánh giá cổ điển, cùng với cây tháp vuông hai tầng cao ngất nổi bật lên giữa cảnh đồi cát chung quanh và núi rừng xa xa.Vào lúc 8 giờ sáng ngày 20/8/1928, nhân dịp Đại hội La Vang IX, Đức cha Allys Lý đã long trọng cử hành nghi thức làm phép nhà thờ mới.
4.3. Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang (giai đoạn kiến thiết 1961-1963)
Dựa theo lời truyền tụng “Đức Mẹ hiện ra trên đám cỏ, dưới gốc cây đa”, ban kiến thiết Trung tâm Thánh Mẫu La Vang, đứng đầu là Đức TGM Phêrô Martinô Ngô Đình Thục, đã chấp thuận đồ án linh đài ba cây đa nhân tạo của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Đó là công trình mới lạ, tân kỳ, tái tạo quang cảnh nơi Đức Mẹ hiện ra với ba cây đa bằng bê tông cốt thép cao từ 16,50 đến 21,00 mét, vươn mình trên một đồi đá hình đa giác, với những bậc thềm to nhỏ, rộng hẹp, cao thấp khác nhau. Chính giữa là bàn thờ bằng đá cẩm thạch Ngũ Hành Sơn. Thánh tượng Đức Mẹ La Vang, mẫu tượng Đức Bà Xuống Ơn ngự trên cao, chính điện, trên một khối đá cẩm thạch vuông vắn khác. Đây là bức thánh tượng thứ ba được tôn kính tại La Vang, mẫu tượng mới với chủ đề hoàn toàn khác với hai mẫu tượng cũ Đức Bà Chiến Thắng. Linh đài ba cây đa nhân tạo được khởi công ngày 20/6/1963, vừa xong phần bê tông cốt thép, chưa có phần trang trí mỹ thuật bên ngoài thì bị đình trệ do biến cố ngày 1/11/1963 xảy ra. Hơn 40 năm qua, linh đài vẫn tồn tại nguyên trạng ban đầu.
4.4. Chiến sự lan tới La Vang (1967-1975)
Mặc dù chiến tranh đã lan rộng ra toàn miền Trung từ những năm 1967, nhưng miền La Vang vẫn tương đối yên bình và hầu như chưa bị ảnh hưởng gì! Đỉnh điểm của cuộc chiến là vào giữa năm 1972, chiến sự ác liệt giữa quân đội Cộng sản và quân đội Việt Nam Cộng Hoà đã tàn phá thành bình địa toàn bộ Thánh địa La Vang. Ngôi thánh đường xinh đẹp trước đây đã bị tàn phá nặng nề. Mặc dù Quảng Trị đã được những người lính VNCH tái chiếm cuối tháng 12 năm 1972, linh đài vẫn còn, nhưng tượng Đức Mẹ đã bị hư hại với phần đầu tượng đã bị bể.
4.5. Những năm tháng trầm lặng và hồi sinh (1975 – 2010)
Sau những năm 1972, chiến sự tiếp tục lan rộng cộng với khung cảnh đổ nát khiến khu vực linh địa trở nên trống vắng và hoang tàn. Đặc biệt, sau năm 1975, các buổi lễ cũng không được phép tổ chức hoặc gặp rất nhiều khó khăn. Linh mục giáo xứ Diên Sanh gần đó là người duy nhất quản nhiệm La Vang.
Thực ra, sau năm 1975, ngôi Thánh đường La Vang chưa bị sập hoàn toàn. Năm 1985, cơn siêu bão đổ bộ vào miền Trung đã làm di tích thiệt hại thêm. Tuy vậy, cho tới năm 1997, phần gian cung thánh và phần phía sau (Tháp chuông) vẫn còn tồn tại: Ngôi tháp cổ cho đến năm 2000 mới được “phục chế lại” cho vuông vức hơn. Phía lòng nhà thờ giờ thành nhà nguyện “tiền chế”. Những phần tường đổ nát còn lại đã bị dỡ bỏ đi vì rất khó phục hồi nguyên trạng.
Giếng Nước Đức Mẹ
Năm 1903, khi lên chăm sóc vườn Mẹ, cha phó Cổ Vưu, Giuse Nguyễn Xuân Cảnh, đã cho đào một giếng đất ngay trước nhà thờ ngói. Giáo dân quen gọi là Giếng Đức Mẹ. Nước giếng Đức Mẹ không trong lắm nhưng có vị ngọt và mát, không bị ô nhiễm bởi môi trường bên ngoài nên có thể uống ngay, không cần nấu chín. Vẫn biết nước giếng Đức Mẹ là nước uống bình thường không mang dược tính gì cả, nhưng từ truyền khẩu ngày xưa đến thực tế ngày nay, nhiều bệnh nhân uống nước giếng Đức Mẹ mà được lành các bệnh tật là do bởi lòng thành kính cậy tin quyền phép Đức Mẹ được Mẹ ban ơn lành theo ý nguyện mà thôi.
Ngày nay, hơn một thế kỷ trôi qua, giếng Đức Mẹ vẫn được bảo quản sạch đẹp, vệ sinh, nhưng trên hết giếng Mẹ là một bảo chứng tình yêu tuyệt vời đối với con cái Mẹ. Từ mạch nước tự nhiên này, Đức Mẹ đã đổ xuống biết bao ơn lành hồn xác cho con cái Người. Hiện nay, nước giếng được bơm trực tiếp lên bồn và mọi người lấy nước qua hệ thống vòi phía sau linh đài.
Trùng tu linh đài Đức Mẹ với ba cây đa
Hơn 40 năm sau, linh đài Đức Mẹ với ba cây đa mới được tô vẽ cho đúng đồ án kiến trúc. Quá trình này được bắt đầu làm và hoàn thành trong năm 2010. Linh đài Đức Mẹ La Vang hiện nay lộng lẫy hơn với Bức Tượng Mẹ mặc áo dài khăn đống theo truyền thống phụ nữ Việt Nam tạc trên đá quý từ năm 2011.
4.6. La Vang ngày nay (2010-2015)
Thật ra, từ lúc Nhà nước “mở cửa”, các công trình tại La Vang cũng đã được xây thêm, trùng tu tôn tạo, nhưng hầu như chỉ mang tính tự phát và chưa gắn kết được với nhau thành một khối tổng thể.
Nhà hành hương đối diện với linh đài được xây dựng bề thế phục vụ chỗ ở cho khoảng 300 khách hành hương một lúc. Theo các thiết kế mới thì nhà hành hương này cũng sẽ bị đập bỏ để phù hợp với quy hoạch chung.
Toàn bộ công trình kiến trúc Trung tâm Hành hương được thiết kế theo phong cách kiến trúc Việt Nam, thích ứng với khí hậu miền Trung, lấy vương cung Thánh đường Đức Mẹ làm trọng tâm, phục vụ cho các cuộc hành hương kính viếng quanh năm và các Đại hội Thánh Mẫu mang tầm quốc gia hoặc quốc tế. Mặt bằng toàn thể toạ lạc trên khu đất diện tích 190.106 m2, phân chia thành 3 vùng chức năng mang tính tiệm tiến của cuộc hành hương:
1. Vùng tiếp khách hành hương: diện tích 47.500 m2, gồm cổng tiếp đón, một lối chính giữa đi vào rộng 32m, bên phải là ngôi nhà trưng bày các chứng tích phép lạ và các tặng vật của khách dâng cúng, bên trái là nhà hoà giải gồm nhà nguyện 200 chỗ và 30 toà giải tội, cả hai công trình được đặt trên hai đảo giữa hai hồ nước thiên nhiên. Hình thái kiến trúc diễn tả năm chiếc bánh và hai con cá.
2. Vùng trung gian: gồm công trường Mân Côi rộng 48m, bên phải là nhà điều hành trung tâm với nhà nguyện 300 chỗ cho cộng đoàn địa phương (Giáo xứ La Vang), bên trái tái tạo khu rừng dẫn đến nơi Đức Mẹ hiện ra (linh đài). Cổng tam quan mang biểu tượng hoa hồng dẫn vào 20 mầu nhiệm Mân Côi diễn tả bằng 20 công trình điêu khắc. Diện tích vùng 40.000 m2.
3. Vùng tâm linh: công trường Lòng Chúa Thương Xót và vương cung thánh đường 5.000 chỗ đặt ở vị trí cuối trung tâm, ngay trục chính toàn bộ công trình, bên dưới là một hội trường 5.000 chỗ và hầm đậu xe nội bộ. Ngay cổng vào không gian tâm linh bên trái là linh đài kỷ niệm nơi Đức Mẹ hiện ra, kéo dài từ ngoài vào trong là một khu rừng cây tái tạo không gian núi rừng xưa cũ, ẩn hiện trong rừng cây là những chiếc lều dành cho khách hành hương qua đêm bên linh đài Đức Mẹ. Đối diện linh đài là tượng đài các thánh Tử đạo tại Việt Nam. Tháp chuông của vương cung thánh đường cũ được bảo tồn như một di tích, một nhà nguyện Thánh Thể 300 chỗ được đặt dưới lòng đất bên dưới khuôn viên vương cung thánh đường cũ. Công trình vương cung thánh đường được xây dựng trên một mặt bằng có diện tích 13.464 m2.
5. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II với Đức Mẹ La Vang
5.1.Các lần nhắc nhở về Mẹ
– Ngày 19/6/1988, tại Rôma, sau lễ tôn phong hiển thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam, trong buổi đọc kinh Truyền Tin, ĐTC Gioan Phaolô II đã ngỏ lời với Giáo Hội toàn cầu về việc Đức Mẹ hiện ra tại La Vang năm 1798, về Trung tâm Thánh Mẫu và Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang.
– Ngày 25/11/1992, cũng tại Rôma, trong buổi triều yết chung cho các phái đoàn Công giáo khắp nơi, ĐTC Gioan Phaolô II một lần nữa đã nhắc đến Đền thờ Đức Mẹ La Vang thuộc TGP. Huế và nhắc nhở mọi người hướng tới lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang.
– Ngày 15/8/1993, tại Denver, Hoa Kỳ, trong cuộc gặp gỡ với cộng đồng Công giáo Việt Nam, ĐTC Gioan Phaolô II lại nói đến Đức Mẹ La Vang và hướng tới lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra.
– Ngày 26/10/1994 tại Rôma, trong buổi triều yết chung, một lần nữa, ĐTC Gioan Phaolô II nhắc đến dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.
– Ngày 14/2/1996, tại Rôma, trong huấn dụ cho các giám mục Việt Nam về Rôma viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, ĐTC Gioan Phaolô II xác định ngày 15/8/1998 GHCG Việt Nam sẽ mừng kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang.
– Ngày 10/6/1996, Đức hồng y Angelo Sodano, Quốc vụ khanh Toà Thánh, đã chuyển lời huấn dụ của ĐTC cho Đức cha Stephanô Nguyễn Như Thể, Giám quản Tông toà Gp. Huế khi ấy, nhân dịp Đại hội hành hương La Vang lần thứ 24 (3 năm một lần).
– Ngày 20/10/1997, ĐTC Gioan Phaolô II đã ban phép mở Năm Toàn xá Đức Mẹ La Vang cho toàn thể cộng đồng tín hữu Việt Nam, nhân kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang (1798-1998).
– Ngày 16/12/1997, ĐTC Gioan Phaolô II gửi cho Đức hồng y Giuse Phaolô Phạm Đình Tụng, Tổng Giám mục Hà Nội, Chủ tịch HĐGMVN một sứ điệp trong dịp đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang.
– Ngày 1/8/1998, ĐTC Gioan Phaolô II gửi thư công bố và bổ nhiệm Đức hồng y Tổng Giám mục Hà Nội làm đặc sứ của ĐTC để cử hành ngày đại lễ nói trên.
– Ngày 16/7/1999, ĐTC Gioan Phaolô II lại gửi cho Đức cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục Huế, một sứ điệp nhân dịp đại lễ bế mạc Năm Toàn xá Đức Mẹ La Vang và Đại hội hành hương lần thứ 25 (13 đến 15/8/1999). Cũng trong dịp này, ĐTC Gioan Phaolô II đã muốn bổ nhiệm một đặc sứ đến La Vang, nhưng việc không thành.
5.2. Sứ điệp của ĐTC Gioan Phaolô II nhân dịp bế mạc Năm Thánh Đức Mẹ và Đại hội hành hương lần 25
Kính gửi Đức cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục Huế,
1. Nhân dịp bế mạc Năm Thánh Đức Mẹ và Đại hội hành hương lần thứ 25 tại Đền thánh Đức Mẹ La Vang, tôi hiệp ý cầu nguyện với các tín hữu Việt Nam và các người hành hương chạy đến cầu xin Đức Trinh Nữ Maria hiền mẫu cầu bầu.
Nguyện xin Mẹ chí thánh đồng hành với GHCG Việt Nam trên con đường đi về với Chúa và phù trợ cho GHVN được trở nên chứng tá trước ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba.
“Từ 2000 năm qua, Hội Thánh là chiếc nôi mà Đức Mẹ đặt Chúa Giêsu và trao phó Ngài cho muôn dân tôn thờ và chiêm ngắm” (Sắc chỉ Mầu nhiệm Nhập Thể ấn định Năm Toàn Xá, số 11), để họ không ngớt cầu khẩn Mẹ đầy lòng lân tuất. Con người luôn tìm được nơi nương náu và lòng can đảm dưới sự che chở của Mẹ. Thật vậy, Đức Maria “đã toả sáng trên trần gian như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm ủi an cho Dân Chúa đang lữ hành” giữa những khó khăn ở đời này (Lumen Gentium, số 68). Mẹ là Mẹ của Hội Thánh đang tiến bước, Hội Thánh mà Mẹ vẫn tiếp tục sinh hạ, đồng thời Mẹ luôn mời gọi con người đón nhận lời hứa của Thiên Chúa như Mẹ, và trở nên những người loan truyền Tin Mừng nhờ Chúa Thánh Thần trợ lực.
2. Các tín hữu hãy học hỏi nơi Mẹ một cách đặc biệt, khi tiến gần đến Năm Đại Toàn Xá, họ được kêu mời không ngừng gia tăng việc hoán cải, củng cố đức tin của mình, chuyên chăm nhiều hơn vào Lời Chúa và sẵn sàng phục vụ anh chị em mình. Đối với người môn đệ của Chúa Kitô, Mẹ Maria là gương mẫu tuyệt hảo về đời sống Kitô hữu. Mẹ chuẩn bị tâm hồn chúng ta đón tiếp Đức Kitô, bằng cách dạy chúng ta hãy thi hành những gì Đức Kitô nói, như Mẹ đã bảo với gia nhân trong tiệc cưới Cana (x. Ga 2,5). Mẹ mời gọi chúng ta thực hiện như chính Mẹ đã làm cho người chị họ Elizabeth, là đi đến gặp gỡ những ai cần được chúng ta nâng đỡ và trợ giúp (x. Lc 1,39-45). Như thế, chúng ta nhận được ở nơi người Mẹ chí ái này niềm vui tìm gặp Thiên Chúa và thi hành sứ mạng đối với anh chị em mình, đó là hai khía cạnh của đức mến Kitô giáo.
Khi chúng ta quay về với Đức Maria, niềm hy vọng của chúng ta cũng được khơi dậy. Thật thế, Mẹ là thành phần của nhân loại – và trong Mẹ – chúng ta chiêm ngắm vinh quang mà Thiên Chúa hứa ban cho những ai đáp lại lời mời gọi của Ngài. Bởi vậy, tôi kêu mời các tín hữu hãy tín thác vào người Mẹ chung của chúng ta, thường được kêu cầu dưới danh hiệu “Sao Biển”, để họ được luôn vững vàng gắn bó với Đức Kitô và có thể làm chứng cho tình yêu của Ngài, giữa bão tố của tội lỗi và các biến cố lịch sử lắm lúc đau thương. “Dõi theo Mẹ, anh chị em sẽ không lạc đường; kêu cầu Mẹ, anh chị em sẽ không thất vọng; nghĩ đến Mẹ, anh chị em sẽ không bị lầm lạc. Nếu Mẹ nâng đỡ, anh chị em sẽ không đắm chìm; nếu Mẹ che chở, anh chị em sẽ không phải lo sợ gì; dưới sự hướng dẫn của Mẹ, anh chị em sẽ không còn mệt nhọc; nhờ ơn Mẹ, anh chị em sẽ đạt tới đích” (thánh Bênađô, Bài giảng thứ hai về các lời Phúc Âm: “Thiên sứ Gabriel được sai đến”).
3. Khi đi về Đền thánh Đức Mẹ La Vang – nơi thân yêu của giáo hữu Việt Nam – người hành hương đến tín thác cho Mẹ những vui mừng và lao nhọc, những hy vọng và đau thương của mình. Như thế, họ quay về với Thiên Chúa và trở thành những người chuyển cầu cho gia đình và toàn thể dân tộc mình. Xin Chúa đặt vào trong tâm hồn mọi người những tâm tình hoà bình, huynh đệ và liên đới, để tất cả mọi người Việt Nam hợp nhất với nhau mỗi ngày một hơn, ngõ hầu xây dựng một thế giới mới, trong đó con người sống tốt đẹp hơn, trên nền tảng những giá trị tinh thần và luân lý thiết yếu – và trong đó – mỗi người có thể được nhìn nhận theo phẩm giá con cái Thiên Chúa và có thể quay về với Cha trên trời là Đấng “giàu lòng thương xót”, trong tự do và tình con thảo (Ep 2,4).
4. Lòng trí tôi gần gũi với Đức cha một cách đặc biệt trong thời gian này, khi Giáo Hội trên quê hương của Đức cha đang tôn vinh Mẹ Đấng Cứu Thế. Tôi phó thác Đức cha cho sự cầu bầu của Thánh Mẫu La Vang. Tôi rất vui lòng và thân ái ban phép lành Toà Thánh cho Đức cha và cho tất cả các vị chủ chăn, cũng như cho những người hành hương sẽ dừng chân nơi Đền thánh trong tinh thần Năm Toàn Xá và cho toàn thể các tín hữu Công giáo Việt Nam.
Vatican, ngày 16/7/1999
Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Lời kết
Lời dạy bảo của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II như đưa mọi người dân Việt đến với Mẹ Maria, vừa là Mẹ của dân tộc Việt Nam nhưng cũng là Mẹ của toàn thế giới và cả vũ trụ này. Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, luôn luôn là một trong suốt dòng lịch sử của nhân loại và vũ trụ vì “Mẹ là thành phần của nhân loại, là mẹ chung của loài người chúng ta” giống như mỗi con người luôn luôn độc đáo trong lịch sử. Nhưng vì đã được chọn làm Mẹ Chúa Giêsu, làm Mẹ Chúa Trời và đã gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu trong toàn bộ công trình cứu độ, trong cả cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, nên Mẹ đã vượt qua mọi giới hạn của vật chất, không gian, thời gian để trở thành Người Mẹ vĩnh hằng của muôn loài.
Vì thế, vào mỗi thời điểm khác nhau của lịch sử cũng như trong từng khoảng không gian nhất định của thế giới vật chất, Mẹ lại tỏ mình ra qua những hình ảnh khác nhau cho mỗi dân tộc, mỗi con người. Mẹ là Mẹ Guadalupe ở Mêhicô ngay từ năm 1531, Mẹ Lộ Đức ở Pháp, Mẹ Beauraing ở Bỉ, Mẹ Akita ở Nhật, Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha, Mẹ La Vang, Mẹ Trà Kiệu ở Việt Nam. Rồi trong dòng lịch sử Việt Nam, Mẹ mang hình ảnh của Bà Chúa Liễu Hạnh, Thiên Y A Na, Bà Chúa Xứ, Phật Bà Quan Âm… Tất cả như mời gọi mọi người Việt Nam mở rộng tâm hồn cho thế giới để đón nhận mọi người, mọi vật đều là anh chị em mình vì tất cả đều là con của Mẹ.
Lễ Suy tôn Thánh giá, này 14/9/2015
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Nguồn dữ liệu:
1. Đức Maria ở buổi đầu đạo Công giáo Việt Nam, nguồn daminhvn, trang web của TGP TP.HCM, mạng Internet ngày 20/9/2011
2. Huỳnh Đình Dũng, Lịch sử bằng hình ảnh Trung tâm Thánh Mẫu La Vang, melavang.info, mạng Internet, ngày 19/02/2014.