11/01/2025

CSGT can thiệp ở BOT Cai Lậy đúng hay sai?

Việc Trạm thu phí tuyến tránh Cai Lậy đặt trên QL1 hoạt động trở lại từ ngày 30.11 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

 

CSGT can thiệp ở BOT Cai Lậy đúng hay sai?

Việc Trạm thu phí tuyến tránh Cai Lậy đặt trên QL1 hoạt động trở lại từ ngày 30.11 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.




Các tài xế vây quanh đại tá Trần Hoài Bảo chiều 30.11 để phản đối việc giữ bằng lái /// Ảnh: Phạm Hữu

Các tài xế vây quanh đại tá Trần Hoài Bảo chiều 30.11 để phản đối việc giữ bằng láiẢNH: PHẠM HỮU

Bên cạnh những tranh chấp giữa đơn vị thu phí và tài xế qua việc sử dụng tiền lẻ, tiền mệnh giá lớn…, việc Cảnh sát giao thông Tiền Giang giữ giấy tờ xe của tài xế dừng lâu ở trạm cũng gây nhiều tranh cãi.
CSGT can thiệp ở BOT Cai Lậy đúng hay sai? - ảnh 1

VIDEO: BOT Cai Lậy xả trạm rồi lại thu phí
 

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, việc cảnh sát giao thông (CSGT) giữ giấy tờ xe của tài xế qua Trạm BOT Cai Lậy xảy ra chiều 30.11. Khi một tài xế trả tiền lẻ và đòi thối lại tiền dư 100 đồng thì nhân viên thu phí không đồng ý và yêu cầu cho xe vào làn chờ xử lý.
Lúc này, một CSGT Công an Tiền Giang tới yêu cầu tài xế xuất trình giấy tờ xe, bằng lái rồi tạm giữ và yêu cầu cẩu ô tô đi chỗ khác. Bức xúc trước hành động này, nhiều người đã vây quanh đại tá Trần Hoài Bảo, Trưởng phòng CSGT đường bộ Công an Tiền Giang, yêu cầu trả bằng lái cho tài xế.
Sự việc này đã gây thêm căng thẳng tại Trạm BOT Cai Lậy, đồng thời nhiều ý kiến cho rằng việc can thiệp của CSGT là không đúng.
“CSGT đã làm đúng nhiệm vụ”
Trước dư luận trái chiều về việc CSGT can thiệp, xử lý tài xế tại Trạm thu phí BOT Cai Lậy chiều 30.11, ngày 2.12, đại tá Trần Hoài Bảo giải thích quan điểm của ông như sau: “Nhiệm vụ của lực lượng CSGT là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Do vậy, nếu xảy ra ùn tắc thì lực lượng CSGT phải kịp thời có mặt để điều tiết, đảm bảo an toàn giao thông thôi chứ không phải là bảo vệ trạm BOT như dư luận đặt ra”.
CSGT can thiệp ở BOT Cai Lậy đúng hay sai? - ảnh 3

VIDEO: BOT Cai Lậy kẹt cứng và phải xả trạm vào khoảng 18 giờ 40 ngày 2.12 khi tài xe thắc mắc vé in 100 ngàn mà thu có 70 ngàn đồng
 

Về dư luận nói đại tá Bảo chỉ đạo giữ bằng lái của tài xế, ông nói: “Vào thời điểm đó ùn tắc kéo dài nhiều cây số từ trạm thu phí đến cầu Phú Nhuận, nên chúng tôi yêu cầu Trạm thu phí Cai Lậy xả trạm. Trong khi đó, tài xế vẫn cứ đậu xe tại chỗ, không chạy đi, gây cản trở giao thông nên CSGT kiểm tra bằng lái, giấy tờ xe và cho cẩu xe ra khỏi trạm. Vì lý do đó mà một số người đã vây CSGT và la ó phản đối”.
Ông Bảo khẳng định trong trường hợp này “CSGT đã làm đúng nhiệm vụ. Bởi xuất phát từ việc đôi co giữa tài xế với nhân viên thu phí quanh việc tiền lẻ nên dẫn tới giao thông ùn tắc, buộc phải xả trạm. Nhưng xả trạm rồi mà anh vẫn không chịu chạy đi. Vậy là anh sai. Nếu anh chạy đi thì đâu ai cần kiểm tra giấy tờ làm gì. Ngược lại, nếu trong trường hợp xe đang chạy mà CSGT chặn lại, lấy giấy tờ thì CSGT sai”.
Cần làm rõ bản chất vụ việc
Ngược quan điểm trên, luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng việc CSGT tạm giữ giấy tờ của tài xế khi chờ tiền thối tại Trạm BOT Cai Lậy là thiếu căn cứ pháp lý, bởi “rõ ràng là nhân viên của Trạm BOT Cai Lậy chưa có tiền để trả lại và tài xế đang chờ để nhận tiền. Do đó, quy kết tài xế có hành vi cản trở giao thông là không chuẩn xác”.
CSGT can thiệp ở BOT Cai Lậy đúng hay sai? - ảnh 5

VIDEO: BOT Cai Lậy liên tục thu và xả trạm trong ngày hôm qua
 

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Tiến Mạnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng khi thực hiện một hành vi cưỡng chế nào đó thì phải căn cứ trên hành vi vi phạm của tài xế, bởi giữ bằng lái, phương tiện, giấy phép hành nghề… là một biện pháp ngăn chặn trong xử lý vi phạm hành chính được pháp luật quy định.
“Việc tài xế sử dụng tiền lẻ mua vé qua trạm BOT là hợp pháp, còn hệ quả dẫn đến kẹt xe, ùn tắc giao thông là một vấn đề khác, không thể quy kết rằng việc ùn tắc giao thông là do tài xế đã gây cản trở giao thông”, luật sư Mạnh nói và cho rằng: “Giữ bằng lái, hay cẩu xe phải có lý do, chứ không thể thấy ùn tắc giao thông thì cẩu xe, giữ bằng lái được”.
Vị luật sư này còn đặt vấn đề: “Tại sao không xem xét ngược lại là do trạm thu phí thối tiền chậm nên xe mới không đi được? Chỉ khi nào đã thối tiền rồi mà tài xế cứ dừng xe, không chịu đi thì mới xử lý được”.
Luật sư Nguyễn Hiền Hà, Giám đốc Công ty luật Hiền Hà (TP.HCM), cũng cho rằng luật không cấm việc sử dụng tiền lẻ để giao dịch. Đây chỉ là giao dịch dân sự, nên việc có chậm trễ, đứng đợi trả lại tiền có lâu cũng không vi phạm. “Vì vậy, nếu chỉ đơn thuần là sử dụng tiền lẻ, dẫn đến trả tiền chậm, gây ùn tắc giao thông mà bị CSGT xử lý như giữ bằng lái, cẩu xe… thì CSGT đã hành xử trái luật”, luật sư Hà khẳng định.
Tuy nhiên, theo luật sư Hà, cần phải xác định rạch ròi giữa hành vi sử dụng tiền lẻ bình thường với việc cố ý nhằm mục đích gây mất trật tự công cộng. “Trường hợp cần phải trả lại tiền thừa 100 đồng trong khi nhân viên trạm thu phí trả lại 200 đồng nhưng tài xế vẫn không chịu và cố tình đôi co nhằm kéo dài thời gian, gây cản trở lưu thông là đã có biểu hiện của lỗi cố ý.
Trường hợp này vẫn có thể bị xử lý hành chính về hành vi cản trở giao thông. Lúc này, CSGT có quyền yêu cầu tài xế di chuyển xe đi nơi khác, nếu không chấp hành có thể bị cẩu xe, tạm giữ bằng lái, nhưng CSGT phải tuân thủ theo trình tự luật định, tức phải lập biên bản, ra quyết định xử phạt đầy đủ. Nếu tài xế có cơ sở chứng minh mình đúng thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính”, luật sư Hà nói.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sau ngày đầu hoạt động trở lại (30.11) có sự xuất hiện của hàng trăm CSGT, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh sát hình sự và cả lực lượng an ninh… cùng các phương tiện chuyên dụng như xe cứu hỏa, xe cứu hộ, xe cứu thương, qua ngày 1 – 2.12, những lực lượng này không còn thấy xuất hiện ở Trạm BOT Cai Lậy.

 

Thanh Niên