11/01/2025

Cải lương ở Hà Nội xưa

Nghệ thuật tuồng và chèo hiện diện trong đời sống xã hội ở Thăng Long – Hà Nội qua nhiều thế kỷ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với người dân.

 

Cải lương ở Hà Nội xưa.

Nghệ thuật tuồng và chèo hiện diện trong đời sống xã hội ở Thăng Long – Hà Nội qua nhiều thế kỷ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với người dân.




Nghệ sĩ Sỹ Tiến trong vai Ngũ Tử Tư, ảnh chụp năm 1935 /// Ảnh: T.L

Nghệ sĩ Sỹ Tiến trong vai Ngũ Tử Tư, ảnh chụp năm 1935ẢNH: T.L

Thế nhưng khi nghệ thuật cải lương ra đời năm 1918 ở phía nam thì thói quen thưởng thức nghệ thuật của người Hà Nội dần thay đổi.
Cải lương Sài Gòn đổ bộ ra Hà Nội
Đầu những năm 1920, nhiều thanh niên Hà Nội yêu thích cải lương đã mua các đĩa hát do hãng thu âm Pathé và Béka sản xuất để học hát cải lương. Nhiều nhóm cải lương nghiệp dư ra đời, trong đó đáng kể là nhóm Tài tử Đồng ấu và Tài tử phố Hàng Giấy. Năm 1926, Hà Nội vẫn chưa có cải lương mang tính chuyên nghiệp.
Năm 1927, Nghĩa Hiệp ban, gánh cải lương đầu tiên ở Sài Gòn ra Hà Nội, biểu diễn ở rạp Quảng Lạc (nay là số 8 phố Tạ Hiện, do Nhà hát Kịch Hà Nội quản lý). Trong 4 đêm diễn ở rạp này, khán giả chen chúc mua vé. Chủ rạp Quảng Lạc thấy đây là cơ hội để thành lập gánh hát của riêng mình nên gây khó khăn bằng cách tăng tiền thuê rạp, đồng thời bí mật dụ dỗ, mua chuộc một số đào kép chính. Chủ gánh Nguyễn Văn Đẫu bất bình liền sang thuê rạp Thăng Long (phố Hàng Bạc, nay là Nhà hát Cải lương Hà Nội) diễn luôn 7 tối liền. Thấy diễn cải lương đông khách nên chủ rạp chiều chuộng ông bầu Nguyễn Văn Đẫu bằng cách đổi tên Thăng Long thành Cải lương hí viện rồi Tố Như. Ông chủ rạp Quảng Lạc vẫn không từ bỏ tham vọng bằng cách tiếp tục lôi kéo đào kép và đã thành công khi Quảng Lạc là rạp dừng chân thường xuyên của các gánh hát từ nam ra.
Năm 1932, gánh cải lương Phước Cương đi hát ở Paris về Hà Nội đã thuê rạp Philharmonique (nay là Nhà hát Múa rối Thăng Long, phố Đinh Tiên Hoàng) để diễn. Người ta đổ xô mua vé xem cô Năm Phỉ “mặc váy nhảy valse” đóng vai Bàng Quý Phi. Vì diễn ở Hà Nội khán giả luôn kín rạp nên nhiều gánh cải lương ở Sài Gòn năm nào cũng lưu diễn ở Hà Nội.
Hình thành cải lương Hà Nội
Đầu những năm 1930, nhiều thanh niên Hà Nội có giọng và mê mẩn nghệ thuật này đã khăn gói vào Sài Gòn theo các gánh học hát. Một trong những người đầu tiên trở thành diễn viên chuyên nghiệp là Sỹ Tiến. Ông là diễn viên người Bắc duy nhất của gánh Tân Hí ban ở Sài Gòn.
Biết rạp chuyên diễn chèo Sán Nhiên Đài của ông bầu Trương Văn Tố cũng có ý thành lập gánh cải lương nên ông Đẫu đã nhường lại một số đào kép cho Sán Nhiên Đài và Nghĩa Hiệp ban tan rã. Để tiết kiệm chi phí và có ngay diễn viên tham gia vào các vở, chủ rạp đã nhờ chính các diễn viên, nhạc công của Tân Hí ban truyền nghề cho người có thanh có sắc ở Hà Nội muốn theo nghiệp này. Cả Sán Nhiên Đài và Quảng Lạc đều có diễn viên miền Nam diễn chung với diễn viên Bắc mà hát không hề chênh. Đó là những bước đi đầu tiên của cải lương Bắc ở Hà Nội. Năm 1940, Sán Nhiên Đài trở thành nơi diễn chính của Nhật Tân ban, gánh hát này do các ông Doãn Bá Chính, Trần Quang Cầu lập khoảng năm 1935. Diễn tại rạp Quảng Lạc có Quốc Hoa ban với những diễn viên: Tư Ban, Bá Quyền, Hải Tý, Bích Lộc, Phước Thọ, Tuấn Sửu, Bích Hợp, Mộng Dần, Lệ Thanh, Ngọc Dư, Bích Được… Đến năm 1943, Hà Nội đã có 16 gánh hát cải lương lớn nhỏ.
Cải lương ở Hà Nội xưa - ảnh 2

Nghệ sĩ Sỹ Tiến và Bích Được trong phòng hóa trang rạp Chuông Vàng, trước giờ diễn vở Kiều, ảnh chụp năm 1962ẢNH: T.L

Đầu năm 1947, Pháp tái chiếm Hà Nội, dân phố tản cư về các vùng quê, nhiều nghệ sĩ cũng theo gia đình, một số gánh hát về diễn ở nông thôn cầm cự chờ ngày trở lại nên các rạp phải đóng cửa. Đầu năm 1948, dân lác đác trở về, Hà Nội dần đông đúc và các rạp lại sáng đèn.
Gánh cải lương Nhật Tân ban vẫn diễn ở Quảng Lạc, Tố Như ban diễn ở Văn Lang, Đại Quốc Hoa diễn ở rạp Olympia (nay là rạp Hồng Hà ở phố Hàng Da), ban Ái Liên diễn ở rạp Hiệp Thành, gánh cải lương Đan Thanh diễn ở rạp Lạc Thành (rạp này sau chuyển thành rạp chiếu bóng Bạch Mai). Các vở chủ yếu lấy tích cổ của Trung Hoa và VN.
Hầu hết các vở cải lương thời đó đều khai thác đề tài có nội dung éo le, bi thảm, khốn khổ của đàn bà nên thu hút rất đông các bà, các cô đi xem. Họ xem để chia sẻ và cảm thông với những số phận như họ. Có loại khán giả rất đắm đuối với cải lương là các cô làm nghề hát cô đầu, và cải lương sinh ra cứ như dành riêng cho họ. Vì thế, chỗ nào có nhiều nhà hát cô đầu, nhà săm thế nào cũng có rạp cải lương. Đối diện ngõ Vạn Thái, ngõ nổi tiếng về hát cô đầu ở phố Bạch Mai, có rạp Lý Vịt, thực ra tên rạp là Lạc Thành nhưng vì ông chủ họ Thành này là lý trưởng lại có lò ấp vịt giống nên người ta mới gọi như vậy. Vào năm 1938, xuất hiện một rạp cải lương nằm ở cuối phố Đại La gần ngã tư Trung Hiền (nay là Ngã tư Mơ) vì khu vực này có vài chục nhà hát với hơn 200 cô đầu. Còn gần Cầu Mới (Ngã tư Sở), năm 1941 xuất hiện rạp Thiên Xuân Đài, chuyên diễn cải lương, rạp đóng cửa năm 1946 vì chiến tranh.
Đến năm 1951 thì các vở mô phỏng theo phim Mỹ như: Sóng nhạc hương tình, Tình Vương ý nhạc nên người ta gọi các vở này là La Mã diễm huyền. Hai đoàn Kim Phụng và Kim Chung khá đông khách. Năm 1954, nhiều diễn viên và chủ gánh di cư vào nam. Nghệ sĩ Mộng Dần ở đoàn Kim Chung không di cư, ông đã vận động một số diễn viên và tự bảo ban nhau tiếp tục hát nên được gọi là Kim Chung mới. Năm 1957 Kim Chung mới đổi thành Chuông Vàng, còn Kim Phụng vẫn giữ nguyên tên và cả hai trở thành các đoàn cải lương quốc doanh. Sau năm 1954, Tuấn Sửu, Mộng Dần, Lệ Thanh, Ngọc Dư… tiếp tục hát và trở thành các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng.
Hát chèo theo giai điệu cải lương
Rạp Sán Nhiên Đài (nay là Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ, số 50 phố Đào Duy Từ) chuyên diễn chèo cổ nhưng do thưa khách nên chủ phải sang rạp cho người khác. Năm 1925, trùm chèo Nguyễn Đình Nghị thâu tóm rạp thì mọi chuyện bắt đầu khác. Nguyễn Đình Nghị thay đổi phong cách diễn, có thêm phông màn, cảnh trí đồng thời soạn lại các tích cổ thành vở lớp lang và gọi là chèo văn minh. Khán giả trở lại xem chèo nhưng rạp cũng chỉ đông được vài năm rồi vắng vẻ và một lần nữa ông Nghị lại chuyển sang chèo cải lương, nghĩa là hát chèo theo giai điệu của cải lương. Sự đổi thay này khiến Sán Nhiên Đài trở thành tâm điểm của khán giả yêu thích chèo – cải lương.

 

Nguyễn Ngọc Tiến