11/01/2025

Lắp camera có chấm dứt bạo hành?: Kẽ hở cấp phép nhóm lớp mầm non tư thục

Theo các chuyên gia, giải pháp cốt lõi của giáo dục mầm non nói riêng và giáo dục nói chung vẫn là nâng cao chất lượng đội ngũ, trong đó đạo đức nhà giáo là vấn đề mấu chốt.

 

Lắp camera có chấm dứt bạo hành?: Kẽ hở cấp phép nhóm lớp mầm non tư thục.

 

Theo các chuyên gia, giải pháp cốt lõi của giáo dục mầm non nói riêng và giáo dục nói chung vẫn là nâng cao chất lượng đội ngũ, trong đó đạo đức nhà giáo là vấn đề mấu chốt.

 

 

 

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để trở thành giáo viên mầm non là yêu trẻ 
 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để trở thành giáo viên mầm non là yêu trẻẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH.

Học ngành mầm non nhưng không yêu trẻ
Bà Chung Bích Phượng, chuyên viên giảng dạy của Đề án hỗ trợ giáo viên (GV) về nghiệp vụ chuyên môn và trách nhiệm đạo đức của TP.HCM, cho biết từng khảo sát trong lớp học với khoảng 120 GV tham gia thì kết quả có 18 GV (chưa đến 20%) nói rằng học sư phạm mầm non vì yêu trẻ, yêu nghề, còn tới 99 người nói chọn vì đơn giản là nghề làm để kiếm sống…
Bà Phượng cho rằng nếu chọn nghề không xuất phát từ tình yêu, đến khi va chạm thực tế như trẻ bệnh, trẻ khóc cùng các sinh hoạt hằng ngày thì các GV cảm thấy rất vất vả. Từ chỗ chưa bồi đắp tình cảm với trẻ sẽ không vượt qua được khó khăn và đó chính là nguyên nhân dẫn đến các hành động gây nguy hiểm cho trẻ mầm non, từ tinh thần đến thể chất.
Để giải quyết cái gốc của vấn đề, bà Bích Phượng cho biết: “Trong quá trình đào tạo GV mầm non, các trường sư phạm cần cho giáo sinh rèn luyện thường xuyên bài học về lương tâm chức nghiệp. Đồng thời tăng cường thời gian kiến tập, thực hành để sinh viên có cơ hội trải nghiệm tình huống, biết cách xử lý, dần dần tạo thành kỹ năng. Đặc biệt, nên tổ chức cho sinh viên đi thực tế ngay năm đầu tiên để nếu các em thấy hợp, thấy có thể gắn bó với trẻ thì học tiếp, còn không thì sớm có hướng đi khác phù hợp, tránh hậu quả về sau”.
Theo thống kê tới tháng 1.2017 của Cục Nhà giáo – Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), chỉ tính riêng cơ sở mầm non công lập, cả nước thiếu tới 32.641 GV, chưa kể hệ thống tư thục. Điều này dẫn tới việc tuyển dụng GV mầm non đang theo xu hướng ồ ạt, thiếu chọn lọc.
Không kiểm soát chặt chẽ
Ở một góc nhìn khác, NGND-TS Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng bày tỏ lo ngại về chuyện những vụ việc xảy ra tại các cơ sở mầm non tư thục khiến dư luận có xu hướng “xa lánh” hệ thống giáo dục mầm non tư thục, trong khi đó hệ thống này đang hỗ trợ rất tốt cho nhu cầu gửi trẻ đa dạng của các gia đình.
Theo bà Mai trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về đơn vị quản lý, khi cấp phép cho một nhóm trẻ ra đời thì phải xem xét kỹ tư cách, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ của người chủ trường, chủ nhóm lớp. Người chủ nhóm lớp yêu nghề, có tư cách tốt thì sẽ tuyển dụng và điều hành GV, nhân viên của mình theo nguyên tắc đạo đức của nhà giáo và ngành giáo dục.
“Hiện nay vẫn có tình trạng nhóm trẻ gia đình được mở ra có thể vì cho rằng “trông giữ trẻ không phải lao động nặng nhọc mà có thể có thu nhập tốt”. Điều này rất đáng sợ và đáng để xã hội lo ngại”, bà Mai nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng bày tỏ lo ngại khi việc cấp phép hoạt động của các nhóm lớp mầm non tư thục là do UBND phường, xã. Trong khi cán bộ phường thì chỉ có một người phụ trách về hoạt động giáo dục mầm non trên địa bàn nhưng bản thân người này cũng không có chuyên môn nghiệp vụ trong giáo dục mầm non cũng như nghiệp vụ thanh – kiểm tra.
Chính vì vậy, dù có thỏa thuận ban đầu nhưng thực tế sẽ thay đổi sau khi các cơ sở này đã được cấp phép. Ví dụ, quy định mỗi nhóm lớp không quá 50 trẻ nhưng sau đó cứ có trẻ là nhận vào, vượt quy định nhiều. GV ở những cơ sở này cũng biến động liên tục, có thể trước khi được cấp phép thì GV đủ về số lượng, có bằng cấp chuyên môn đúng yêu cầu nhưng sau đó họ chuyển đi và nhân sự tuyển mới chất lượng, số lượng ra sao cũng không được kiểm soát chặt chẽ…
Trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần hỗ trợ mỗi năm

Bạo lực thân thể trẻ em vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH trong tháng 11, trung bình mỗi năm cả nước có trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Tầm nhìn thế giới khi khảo sát, phỏng vấn học sinh tại 2 tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang, có 44% trẻ em bị bạo lực, trong đó 23% bị đánh, tát, đòn roi. Trẻ bị bạo hành về thể chất không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn tổn thương tinh thần, trí tuệ, sự phát triển toàn diện và tương lai của trẻ em, của gia đình, nhà trường và xã hội.
 
Thiếu một tình yêu !

Bây giờ nếu đến các trường mầm non, nhất là các trường tư, sẽ thấy luôn có màn hình camera theo dõi 24/24. Bố mẹ yên tâm quá còn gì!  
Nhưng không, cô giáo có thể dắt trẻ ra những góc khuất camera không quay được để “răn đe nặng”, còn trên màn hình vẫn là những hình ảnh yêu mến ngọt ngào. Ngược lại, có những phụ huynh quá lệ thuộc vào camera, soi từng hành động của cô để phản ánh, kiểm soát, phản hồi, đòi điều chỉnh. Trong khi đó các thông điệp nhận được qua camera chỉ dừng lại ở hình ảnh, tạm gọi là “sự thật camera”, mà người xem chưa chắc đã chạm được đến bản chất của vấn đề.
Đó là do lòng tin bị đánh mất. Phụ huynh không có lòng tin vào cô giáo, không tin rằng cô có thể hành động vì lợi ích của một đứa trẻ nếu không có camera. Với cách ứng xử với nhau như vậy, dần dà, kể cả cô giáo thực lòng yêu trẻ nhất cũng mất lòng tin vào… chính mình. Tôi đã từng gặp cô giáo cho trẻ uống sữa trong lớp, cố ép bé uống hết bằng được cốc sữa trong khi bé đã no rồi. Và bé trớ hết ra. Lượng sữa còn lại cũng không quá nhiều. Lẽ ra với nghiệp vụ của mình, cô thừa sức cảm giác được bé nên dừng lại ở đó vì đã quá no. Tôi trách cô thì cô bảo sợ phụ huynh nhìn camera lại hiểu sai mình không hết lòng chăm con ăn uống đủ suất!  
Theo một khảo sát của Jobstreet.com (trang tuyển dụng trực tuyến hàng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương) tại VN thực hiện vào quý 2/2016 trên gần 1.200 sinh viên mới tốt nghiệp, có đến gần 75% xác định mức lương là yếu tố quan trọng khi họ tìm việc. Trong khi đó mô tả việc làm, yếu tố tối quan trọng để xác định một công việc có phù hợp với người lao động hay không, chỉ đứng ở vị trí ưu tiên thứ 4 (48%).
Trò chuyện với một số cô giáo, nhiều người chia sẻ với tôi rằng họ sẵn sàng bỏ việc nếu tìm được việc làm lương cao hơn. Đương nhiên, việc chọn nghề còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng rõ ràng ở VN việc định hướng nghề nghiệp thật sự hiệu quả ngay trên ghế nhà trường vẫn chưa hoàn toàn được quan tâm. Quá nửa sinh viên năm cuối ĐH (theo thống kê của một trường ĐH ở TP.HCM vào 5 năm trước) không biết mình sẽ làm gì trong tương lai hoặc sẵn sàng làm nghề trái ngành học.
Khi không yêu nghề, không nhìn thấy giá trị cá nhân khi gắn bó với nghề nghiệp đó thì việc sai phạm, lấp liếm, thủ đoạn… xảy ra là chuyện bình thường.
Tôi nhớ ngôi trường mẫu giáo của con trai tôi ngày nhỏ ở một phố huyện ở Nga cách đây 10 năm. Trường nhỏ xinh, ấm áp, đơn giản. Không phòng nào có camera. Nhưng tôi nhớ cảm giác hoàn toàn yên tâm khi đưa con đến lớp. Tôi tin từ cô hiệu trưởng đến bà lao công, bác bảo vệ – tin rằng họ ở đó để yêu thương bọn trẻ, việc của họ là thế.
Tình người và việc nghề – là sự thật trên mọi camera. Để quên đi những sự thật camera, chúng ta cần sự thật đến từ lòng tin và tình yêu.  
Tiến sĩ Nguyễn Thuỵ Anh Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con


Tuệ Nguyễn – Bích Thanh