11/01/2025

Đau lòng: Trẻ bị phỏng điện, mất cả hai cánh tay

“Làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM mười mấy năm qua, tôi chưa thấy cháu bé nào bị nặng nề như vậy. Cháu mất cả hai cánh tay”. Bác sĩ Diệp Quế Trinh, khoa phỏng tạo hình Bệnh viện Nhi Đồng 1, nói trong nước mắt.

 

Đau lòng: Trẻ bị phỏng điện, mất cả hai cánh tay.

 

 “Làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM mười mấy năm qua, tôi chưa thấy cháu bé nào bị nặng nề như vậy. Cháu mất cả hai cánh tay”. Bác sĩ Diệp Quế Trinh, khoa phỏng tạo hình Bệnh viện Nhi Đồng 1, nói trong nước mắt.


 

Đau lòng: Trẻ bị phỏng điện, mất cả hai cánh tay - Ảnh 1.

Nguy hiểm rình rập khi trẻ em thả diều dưới đường điện – Ảnh: MAI VINH

Tôi mong con quên đi những nỗi đau để bắt đầu tập làm quen với sự thiếu thốn của hai bàn tay

Cha cháu N. chia sẻ

Đó là câu chuyện thương tâm của cậu bé P.L.N., ngụ ở TP Cần Thơ. Một ngày cuối tháng 10-2017, cháu đến nhà bạn để tập văn nghệ. Cháu cầm cây cờ cán sắt ra bancông đứng cho mát. 

Ai ngờ, tia lửa điện ở gần trụ điện nhà bạn phóng trúng, cháu N. bị phỏng nặng. Cháu được đưa đến sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt, Cần Thơ, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị.

“Con sống ra sao nếu không có tay?”

Bác sĩ Quế Trinh kể cháu N. được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 vào giờ thứ 9 sau khi bị phỏng điện. Cháu nhập viện trong tình trạng tứ chi sưng phù, hai tay không vận động được, không còn cảm giác, không bắt mạch được, chân bên trái cũng bị mất mạch tạm thời và chỉ bắt được mạch chân phải. 

 

Khi nhập viện, các bác sĩ, nhân viên trong khoa đã điều trị rất tích cực cho cháu nhưng do cơ chế phỏng điện rất nặng vì dòng điện cháy từ trong xương ra đến cơ nên không giữ được chi cho bệnh nhi. Quyết định cắt chi cho bệnh nhi được cả hội đồng bệnh viện rất cân nhắc. 

Lúc đầu các bác sĩ nghĩ tới cắt đến khuỷu tay cho bệnh nhi vì nhìn bên ngoài vẫn bình thường, trừ hai bàn tay đen, nhưng khi làm mới thấy cơ bời rời ra hết nên phải cắt chi cao đến như vậy.

Đầu tiên, các bác sĩ phải đoạn chi bên phải tới nách cho bệnh nhi. Khoảng một tuần sau, các bác sĩ tiếp tục cắt chi trái cho cháu. Dù trước khi tiến hành cắt chi, bệnh viện đã chuẩn bị tâm lý cho bệnh nhi rất nhiều, đã mời chuyên viên tâm lý từ những ngày đầu cháu N. nhập viện. Nhưng sau khi được cắt chi xong, bệnh nhi bị suy sụp nặng. 

Các bác sĩ không cho bệnh nhi tiếp xúc với nhiều người vì bệnh nhi có mặc cảm riêng. Những ngày đầu cháu đã khóc suốt. Cháu bé đau đớn, hoảng hốt. “Người lớn gặp tình huống đó chắc gì đã vượt qua được, mà đây chỉ là một cậu bé đang ở tuổi 12”- bác sĩ Quế Trinh đau xót nói.

“Có những đêm tôi trực, tôi thấy suốt đêm cậu bé không ngủ được. Mỗi lần bác sĩ vào khám bệnh, thăm hỏi, nước mắt bé cứ trào ra. Là một bác sĩ điều trị, tôi cùng các nhân viên trong khoa thấy rất đau lòng. Trước đó, bé có hai bàn tay lành lặn vậy mà chỉ trong tích tắc bị mất cả hai cánh tay. Tôi không thể cầm được nước mắt, có những lần tôi không dám đối diện với bé. Tôi sợ mình không kềm lòng được”- bác sĩ Quế Trinh chia sẻ.

Hiện tay phải của cháu đã bị cắt tới nách, tay trái cũng chỉ còn một đoạn ngắn phía trên nên không biết sau này có gắn được tay giả không, vì để lắp được tay giả phải cần một phần, một đoạn, một cẳng tay mới có thể lắp được. Hậu quả của phỏng điện rất nặng nề nên bác sĩ cũng muốn có cảnh báo để người dân biết đề phòng, không nên để trẻ đến gần điện ở trong nhà cũng như bên ngoài.

Tại khoa phỏng – tạo hình Bệnh viện Nhi Đồng 1, anh P.V.T. (37 tuổi, cha cháu bé) cho biết cuộc sống của con anh, gia đình anh sẽ còn phải vượt qua nhiều khó khăn. Trong một lần trò chuyện cùng cha, con trai anh nói: “Lúc đó con ra bancông đứng làm gì nhỉ, để giờ con bị như thế này!”. Con anh kể: “Lúc đó, khi các bạn tập xong, con và một bạn bước ra ngoài bancông cho mát. Con đang cầm lá cờ cán sắt tập văn nghệ, ai ngờ dòng điện phóng con trong chớp mắt”.

Anh T. kể: “Những ngày đầu điều trị con tôi sốc, khóc suốt, hiện giờ tâm lý ổn hơn. Con tôi mong được điều trị nhanh, khỏi bệnh để con được đi học trở lại. Con sợ con nghỉ học lâu quá sau này sẽ phải học với các em lớp dưới. Con cũng sợ tay con như thế này sẽ bị mọi người trêu chọc. 

Ngày nhỏ con cũng muốn làm thợ hàn như tôi nhưng tôi nói làm nghề ba vất vả, con ráng học giỏi để có một công việc tốt hơn. Con luôn học tập chăm chỉ từ khi đi học đến giờ, cha mẹ không bao giờ phải nhắc nhở, con tự có kế hoạch cho việc học tập của con, giấy khen chất chồng. 

Dù nằm ở bệnh viện nhưng con vẫn đau đáu lo cho việc học sau này. Có lúc con tính tập viết bằng chân, sau đó thấy tập viết bằng chân ngồi khó nên con tính đến việc buộc cây viết vào khuỷu tay cho con, nhưng khi thấy khuỷu tay bị cắt còn ngắn quá, giờ con tính tập viết bằng miệng. 

Dù ai cũng thấy suy nghĩ của con “già dặn” hơn so với với lứa tuổi nhưng con vẫn là một đứa trẻ. Con chưa biết được thiếu hai bàn tay sẽ khó khăn thế nào đối với con sau này”.

“Từ khi con tôi nhập viện đến nay, nhiều người rất thương, giúp đỡ con tôi. Từ bà con lối xóm đến nhân viên bệnh viện, gia đình tôi nợ tình thương và sự giúp đỡ của nhiều người. Qua tai nạn đau lòng của con tôi, tôi thấy nên cảnh báo về giật điện ở trẻ em” – anh T. nói.

Cần hỗ trợ tâm lý

Chuyên viên tâm lý Hoàng Dương, khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho rằng không chỉ cháu N. mà cả gia đình cháu đều cần được hỗ trợ về tâm lý. Cả gia đình cháu đều bị sốc trước vụ tai nạn của cháu. Khi mới đến bệnh viện chăm cháu, ba của cháu rất hoang mang.

Riêng cháu N. đã bị hoảng loạn trong những ngày đầu. Cháu đã khóc rất nhiều khi biết tình trạng hiện tại của mình.

Cháu N. có gương mặt thanh tú, thông minh và rất lễ phép. Khi gặp chuyên viên tâm lý, cháu rất cởi mở, bày tỏ những suy nghĩ của mình. Ngày đầu gặp cháu, khi chuyên viên tâm lý hỏi: “Hiện giờ cháu cảm nhận thế nào?” thì cháu trả lời: “Con rất sợ, con không biết con sẽ sống ra sao nếu không có tay nữa”.

Sau những ngày khóc rất nhiều, đến nay tâm lý của cháu đã ổn hơn. Cháu lo cho ba mẹ, lo lắng khi biết tin mẹ khóc suốt (từ lúc nhìn thấy con trai bị mất hai cánh tay, mẹ cháu khóc ngất lên ngất xuống).

Và điều cháu lo hơn cả là cháu sợ mình trở thành gánh nặng cho ba mẹ.

“Những tổn thương, sang chấn về tâm lý của cháu N. có thể kéo dài về sau này” – chuyên viên tâm lý Hoàng Dương nói.

THÙY DƯƠNG ([email protected])