10/01/2025

Đặc khu, đâu chỉ có thể chế

Gửi đến Tuổi Trẻ bài viết bàn thêm về việc phát triển các đặc khu hành chính – kinh tế, nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng bên cạnh thể chế vượt trội, các đặc khu còn cần các điều kiện khác để thành công.

 

Đặc khu, đâu chỉ có thể chế.

 

 Gửi đến Tuổi Trẻ bài viết bàn thêm về việc phát triển các đặc khu hành chính – kinh tế, nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng bên cạnh thể chế vượt trội, các đặc khu còn cần các điều kiện khác để thành công.


 

Đặc khu, đâu chỉ có thể chế - Ảnh 1.

Dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong triển khai dở dang nằm trong đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) – Ảnh: Nhật Thanh

Gần đây dư luận bàn thảo khá sôi nổi về ba đặc khu hành chính – kinh tế ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Quốc hội vừa rồi cũng đã cho ý kiến lần đầu về dự luật đối với các đặc khu này. 

Đây là chủ trương đã có từ lâu và nay đã quyết, cho nên không nên “bàn lùi” mà nên “bàn tiến” để biến chủ trương đó thành hiện thực hiệu quả cao.

Phải vượt trội Hong Kong, Macau…

Đã gọi là đặc khu thì đương nhiên thể chế của nó phải thật sự vượt trội chí ít là so với 4 loại thể chế: thể chế chung của nước ta nay đã mở cửa khá rộng với tư cách là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), kể cả các FTA tiêu chuẩn cao; thể chế của tất cả các loại khu kinh tế kỹ thuật đang tồn tại ở nước ta, kể cả các khu công nghệ cao; thể chế của các đặc khu chí ít là ở trong khu vực Đông Á và ngay cả thể chế của quê hương các nhà đầu tư chiến lược mà ta muốn mời chào.

Do tính đặc thù về vị trí địa lý, các đặc khu hành chính – kinh tế ở ta sẽ phải cạnh tranh với các siêu đặc khu là Hong Kong, Macau, Singapore và các đặc khu nổi tiếng ở phía nam Trung Quốc. Muốn cạnh tranh được, thể chế 3 đặc khu ở ta chí ít phải vượt trội các đặc khu nói trên, ví dụ các quy định liên quan tới các casino mà nhiều người kỳ vọng phải hấp dẫn hơn Macau, Marina Bay (Singapore)…

Một khía cạnh khác cũng nên chú ý khi bàn về thể chế, đó là mối quan hệ của thể chế chung với cơ cấu kinh tế nổi trội của từng đặc khu. Ví dụ, muốn biến đặc khu X thành trung tâm tài chính thì thể chế phải khác so với thể chế của đặc khu Y muốn xây dựng thành đặc khu nghỉ dưỡng, giải trí…

Liên quan tới thể chế hành chính, dường như cuộc tranh luận mới tập trung vào vị thế của trưởng đặc khu trong hệ thống hành chính nhà nước. Tuy nhiên do thể chế chính trị – xã hội của nước ta, mối quan hệ về Đảng lại ít được đề cập; không làm rõ điều này sẽ không đơn giản chút nào.

Đặc khu, đâu chỉ có thể chế - Ảnh 2.

Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan – Ảnh: N.KHÁNH

Bên cạnh việc nghiên cứu kinh nghiệm thành – bại của các đặc khu trên thế giới, rất nên ôn lại những bài học của đủ loại khu chế xuất, công nghiệp, cửa khẩu, ven biển, công nghệ cao… cùng các khu kinh tế Chu Lai, Dung Quất, Vân Phong… để phát huy những mặt được, tránh những mặt chưa được trong việc xây dựng các đặc khu hành chính – kinh tế mới.”

Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan

Thêm những điều kiện tối cần

Thể chế vượt trội là rất cần nhưng chưa đủ, kinh nghiệm thế giới cho thấy còn cần phải có những điều kiện tối cần khác nữa để các đặc khu phát triển hiệu quả. Chí ít đó là mấy điều kiện sau:

Một là, có vị trí thuận lợi, nằm trong lòng hoặc gần kề với các cực tăng trưởng cao, tiềm năng lớn. Ví dụ các đặc khu Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Dầu, Hạ Môn ở Trung Quốc đều nằm trong vùng kinh tế phát triển hàng đầu là Quảng Đông, Phúc Kiến và nằm kề các cực phát triển cao như Hong Kong, Macau, Đài Loan. Phần lớn các đặc khu mới được Trung Quốc quyết định thành lập gần đây đều nằm ngay trong lòng các trung tâm tầm cỡ quốc tế như Thượng Hải, Thiên Tân…

Sở dĩ vậy là vì các cực phát triển đó sẵn có nguồn vốn dồi dào, trở thành “bình ăcquy” nạp vốn cho các đặc khu, đồng thời là những cửa ngõ đi ra thị trường tiêu thụ toàn cầu. Và nữa, ở đó có sẵn hạ tầng sản xuất và xã hội hoàn chỉnh liên thông với cả nước và thế giới bên ngoài, có nguồn nhân lực chất lượng cao phong phú…

Hai là, có kết cấu hạ tầng sản xuất và xã hội hoàn chỉnh không những bên trong đặc khu mà còn gắn kết với hạ tầng của vùng, của cả nước và liên thông với các tuyến vận chuyển lớn của thế giới.

Ba là, chọn trúng cơ cấu ngành nghề, không quá tham về lượng và hỗn tạp về tính chất. Sự chọn lựa cơ cấu nổi trội của đặc khu không chỉ tùy thuộc vào nước chủ nhà (bên cung) mà chủ yếu là “bên cầu” (tức các nhà đầu tư) quyết định xem ở đó có điều kiện khách quan để kiếm lời không.

Ví dụ, không phải muốn trở thành “trung tâm tài chính – tiền tệ quốc tế” hay “trung chuyển quốc tế” là có được mà cần rất nhiều điều kiện như nhân lực, vị trí, năng lực quản lý chất lượng cao, giá thành rẻ, hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động, chân hàng phong phú, lượng khách đi lại dồi dào… 

Chẳng thế mà trên thế giới số trung tâm như vậy có thể đếm trên đầu ngón tay. Người ta cũng không định hướng quá nhiều ngành nghề, nhất là ngành nọ đá ngành kia. Chẳng hạn, không thấy ở đâu người ta lại kết hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với cảng trung chuyển ồn ào và gây ô nhiễm cả.

Bốn là, phát triển đặc khu ở đâu, lúc nào tuỳ thuộc đáng kể vào thời điểm, xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới và quan hệ chính trị quốc tế nói chung cũng như tính toán của các đối tác mà nước chủ nhà muốn thu hút.

Chú ý quy hoạch đất đai

Còn một điều rất cần chú ý là khâu quy hoạch và nhất là quản lý quy hoạch đất đai. Nếu không cẩn thận thì sau khi Quốc hội thông qua Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, cơn sốt đất sẽ bùng phát, phá nát quy hoạch, nhà đầu tư nước ngoài tới sẽ chẳng còn chỗ mà dung thân, kiếm lời.

VŨ KHOAN