Xe cấp cứu luồn lách đủ kiểu để nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện; vậy mà nhiều người đi đường hầu như ‘vô cảm’ trước tính mạng của người khác…
Vô cảm trước xe cấp cứu.
Xe cấp cứu luồn lách đủ kiểu để nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện; vậy mà nhiều người đi đường hầu như ‘vô cảm’ trước tính mạng của người khác…
Ô tô, xe máy không nhường đường cho xe cấp cứu trên đường Lý Thường Kiệt (Q.10, TP.HCM)ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Trong khi người bệnh, tai nạn nguy cấp mong xe cấp cứu đưa đến bệnh viện nhanh từng giây, từng phút để cứu mạng sống; xe cấp cứu thì luồn lách đủ kiểu để nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện; vậy mà nhiều người đi đường hầu như “vô cảm” trước tính mạng của người khác!
Xe máy ngang nhiên quẹo, cúp ngang trước đầu xe cấp cứu đang làm nhiệm vụẢNH: NGỌC DƯƠNG
Trong lúc đưa một bệnh nhân đến cấp cứu ở Trung tâm y tế H.Phú Ninh (Quảng Nam), nhóm thanh niên gây gổ rồi đánh nhau, sau đó đánh luôn cả lái xe cấp cứu của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện.
Bịt tai chạy trước đầu xe cấp cứu
17 giờ 30 ngày 21.11, Trung tâm cấp cứu 115 (đường Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM) nhận được yêu cầu hỗ trợ từ Bệnh viện (BV) đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM) cần chuyển viện gấp một ca vừa bị tai nạn giao thông do BV đã hết xe. Sau tiếng chuông báo động, tài xế Đức bấm còi hú xe cấp cứu đưa 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng, phóng nhanh trực chỉ H.Hóc Môn.
Chạy ra đường Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, dù lòng đường còn khá rộng nhưng một cô gái chạy xe máy hiệu Vision BKS: 59P1-419…, một phụ huynh chạy xe máy hiệu Air Blade BKS: 59L1-181… chở con đi học về vẫn cứ lao ra giữa đường chạy, mặc xe cấp cứu hú còi liên tục. Đặc biệt, một phụ nữ chạy xe máy hiệu Jupiter BKS 54Z3-821… đang chạy bên phải, đột nhiên bật xi nhan, tạt qua trái ngáng ngay đầu xe cấp cứu, xem như chốn không người. Chiếc ô tô 4 chỗ BKS 51G-451… thì thản nhiên chạy, không có biểu hiện gì nhường đường nên xe cấp cứu buộc lách qua phải… Chạy đến trước BV Thống Nhất (đường Lý Thường Kiệt), đột ngột xuất hiện 2 thanh niên đi xe Wave BKS: 47K1-357… vọt lên trước đầu xe cấp cứu, người ngồi sau còn làm động tác “bịt tai” kiểu bất chấp tiếng còi hú.
Hai nam thanh niên đi xe máy trước mũi xe cấp cứu trên đường Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, người ngồi sau bịt tai với còi xe cấp cứu
Ô tô, xe máy dàn hàng ngang trước đầu xe cấp cứu trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình.ẢNH: DUY TÍNH
Đi vào đường Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình), tài xế Đức vòng qua những con đường tắt để ra đường Hoàng Hoa Thám. Nhưng vừa ra đến đường Hoàng Hoa Thám thì có 2 cô gái chạy xe máy, cúp ngang đầu xe cấp cứu, vẫy tay xin… qua đường! Một cô gái đi xe máy hiệu Lead BKS 50N1-421… thì chạy qua, chạy lại như trêu ngươi trước xe cấp cứu… Đoạn đường từ Trung tâm cấp cứu 115 đến BV đa khoa khu vực Hóc Môn và ngược lại về BV Chợ Rẫy có tổng chiều dài hơn 40 km, nhưng tổ cấp cứu chạy mất 2 giờ đồng hồ.
“Tôi ngồi trên xe cấp cứu chuyển viện cho cha, đi gần đến BV Chợ Rẫy nhưng gặp đèn đỏ, chiếc taxi mặc dù có thể chạy sát lề tránh được nhưng vẫn đứng chình ình trước mặt. Mấy người xung quanh đến đập cửa thì taxi mới nhường đường”, ông Lê Văn Việt, ngụ Q.5 đang đợi trước cửa Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, chia sẻ. Theo ông Việt, ý thức nhường đường cho xe cấp cứu của nhiều người bây giờ quá kém!
Ngày 22.11, khi xe cấp cứu đưa một người bị tai nạn giao thông ở Q.Tân Phú về BV Nhân dân 115, đến đường Lạc Long Quân thì gặp chiếc taxi BKS 50LD-049… chạy rất chậm ngáng đường. Còi xe cấp cứu tỏ ra vô dụng. Tài xế Trần Quang Lộc (Trung tâm cấp cứu 115) chờ xe ngược chiều vắng đã đánh lái qua trái để đưa bệnh nhân đi tiếp. Qua khỏi chiếc taxi, lại gặp đôi nam nữ đi xe BKS 66C1-279…, người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm nhưng cả hai vẫn thích “đua tốc độ” với xe cấp cứu!
Ô tô lưu thông thản nhiên, không có dấu hiệu nhường đường.ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Xe cấp cứu phải tránh người đi đường
“Còi xe hú thì cứ hú, người đi đường cứ mặc kệ. Họ không né mình thì mình né họ. Nhưng dù thắng gấp cũng phải làm sao cho người trên xe không có cảm giác bị sốc, ói. Đó là kinh nghiệm. Nếu chở bệnh nhân đang truyền nước biển mà thắng “giựt giựt” thì bệnh nhân sốc và đi luôn không chừng!”, tài xế Lộc chia sẻ. Căng thẳng nhất là lúc nhân viên y tế bảo với tài xế: Anh ơi ca này nặng phải hồi sức, cần tiêm tĩnh mạch! Điều này đồng nghĩa việc thông báo cho tài xế biết rằng bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất nhưng nhanh, gọn, lẹ, an toàn và êm để nhân viên y tế thực hiện chuyên môn. Rất khó chứ chẳng dễ!
Cần có chỉ báo chỉ dẫn đồng bộ hơn, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý những người không nhường đường. Cần giáo dục ý thức người dân không nên có sự vô cảm trước tính mạng của người khác
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hoà An, Uỷ viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN
Làm sao biết một người đang chạy xe phía trước có dự định “cúp đầu” xe cấp cứu mà né? Tài xế Lộc cho rằng bằng kinh nghiệm, chỉ cần nhìn xe phía trước “nhấp nhấp” là biết ý đồ của họ thế nào. Nhưng sợ nhất là các “ninja” trùm kín mít thì vô phương cứu chữa! “Xe cấp cứu đi sát đuôi xe máy, còi hú, bóp kèn liên tục, rồi thò đầu ra nhắc nhở nhưng cũng chẳng ăn thua, họ cứ đi giữa đường”, tài xế tên Lâm Hoàng Long (Trung tâm cấp cứu 115), chia sẻ thêm.
Người đi đường chỉ quan tâm đường mình đi
Đi trên xe cấp cứu, PV Thanh Niên quan sát rất ít xe có tín hiệu nhường đường cho xe cấp cứu, còn lại đều hờ hững, nhất là xe taxi, xe buýt, xe tải… còn ý thức của người đi xe máy thì không còn lời nào để diễn tả. Phóng viên được các tài xế xe cấp cứu cho đi theo 3 – 4 “tour” để biết thực tế.
Ông Trà Thanh Vĩnh, điều dưỡng trưởng Trung tâm cấp cứu 115, cho biết người đi đường giờ không quan tâm đến người nằm trên xe cấp cứu mà chỉ quan tâm đường mình đi. Theo ông, dư luận cần đánh động ý thức của mỗi người dân để hiểu được tín hiệu nhường đường cho xe ưu tiên. Rất nhiều người dân đều cho rằng đường ai cũng có quyền đi, không cần biết trên xe cấp cứu có bệnh nhân hay không. Trong khi đó, tài xế xe cấp cứu luôn căng thẳng tìm mọi đường, kể cả đi ngược chiều để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm nhất nhưng không được. “Có trường hợp người bệnh trách móc vì sao xe cấp cứu đến trễ. Ai cũng muốn đến nhanh nhưng xe cấp cứu đâu bay trên không được. Nhưng chạy nhanh mà gây ra tai nạn thì có chuyện liền. Đã xảy ra trường hợp xe cấp cứu bị giữ và trung tâm phải điều xe cấp cứu khác…”, ông Vĩnh chia sẻ thêm.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng một thực tế là ý thức người dân về giao thông và ưu tiên cho xe cấp cứu còn hạn chế, ai cũng muốn giành đường đi trước. Cần phải nhấn mạnh rõ hơn nữa quy định về xe hú còi ưu tiên để người dân biết mà nhường đường.
Chưa từng xử phạt ai !
Điều 22 luật Giao thông đường bộ 2008 quy định xe cứu thương, xe chữa cháy đang thực hiện nhiệm vụ được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới, không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Khoản 3 điều 22 cũng quy định khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng sát lại đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Trường hợp người tham gia giao thông không nhường đường, hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định mức xử phạt cho từng loại phương tiện. Cụ thể, đối với người điều khiển, người được chở trên ô tô và các loại xe tương tự ô tô, mức phạt từ 2 – 3 triệu đồng (điểm d, khoản 6, điều 5). Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi trên còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng (điểm b, khoản 12, điều 5); đối với người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và xe gắn máy sẽ bị phạt từ 500.000 – 1 triệu đồng (điểm đ, khoản 5, điều 6). Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng. Nếu hành vi vi phạm này mà gây tai nạn giao thông sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng; đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, mức phạt từ 400.000 – 600.000 đồng (điểm h, khoản 4, điều 7). Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung nếu gây tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng.
Tuy nhiên, khi trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ đường sắt (PC67) Công an TP.HCM cho biết từ trước đến nay đơn vị này chưa phát hiện trường hợp nào người tham gia giao thông vi phạm hành vi này nên chưa xử phạt (!?).
Phan Thương – Công Nguyên
Cần có chỉ báo, chỉ dẫn cụ thể hơn nữa
Theo thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hoà An (Uỷ viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN), ngay từ lúc nhỏ chúng ta đã được dạy phải nhường đường cho xe ưu tiên đặc biệt là xe cứu thương nhưng vấn đề ở chỗ chúng ta không có những chỉ dẫn cụ thể về việc nhường đường là như thế nào? Áp lực về đường sá VN thì chật hẹp, kẹt xe, đông đúc nên nhiều người muốn nhường đường cho xe ưu tiên cũng không được, dẫn đến hành động không nhường đường lặp đi lặp nhiều lần, riết rồi sẽ trở thành thói quen. Ngoài ra, cộng với tâm lý đám đông, nhiều người không nhường đường cho xe cứu thương nên họ thấy việc này trở nên rất bình thường. Còn cơ quan chức năng khi thấy xe ưu tiên cũng không ra tín hiệu nhắc nhở người dân.
Con người ta sẽ nhận thức đúng khi được hướng dẫn, chỉ dạy. Đặc biệt phải có tình cảm, không nên vô cảm khi thấy xe cứu thương, mình phải nghĩ nếu người thân đang nằm trên xe cấp cứu thì họ sẽ xử lý như thế nào? Lý trí và nhận thức của họ không được hướng dẫn, ví dụ chỉ báo cụ thể thì không có, cứ nói chung chung phải nhường đường cho xe ưu tiên.
“Chúng ta thường thấy hình ảnh xe cứu hoả, xe đưa nguyên thủ quốc gia hay có người làm nhiệm vụ dùng hệ thống loa thông báo tất cả phương tiện tấp vào bên phải thì người đi đường sẽ làm theo (dù có thể có người không chấp hành, nhưng đó là số ít); còn xe cấp cứu không được hỗ trợ những quy định cần thiết đó. Vì vậy, cần có chỉ báo chỉ dẫn đồng bộ hơn, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý những người không nhường đường. Cần giáo dục ý thức người dân không nên vô cảm trước tính mạng của người khác”, thạc sĩ An nhấn mạnh.
Có việc phải đi dưới những trận mưa lớn, khi đường sá bị ngập nặng, chúng tôi đã chứng kiến sự bàng quan, vô cảm đến nhẫn tâm của một số tài xế ô tô đối với người đi xe máy.