10/01/2025

Phòng tránh sang chấn tâm lý trẻ em

Một số trường hợp trẻ bị bạo hành, bị đánh đập vào đầu dễ gây nguy cơ tổn thương não, sang chấn tâm lý. Phòng tránh sang chấn tâm lý cho các em ra sao?

 

Phòng tránh sang chấn tâm lý trẻ em.

 

 Một số trường hợp trẻ bị bạo hành, bị đánh đập vào đầu dễ gây nguy cơ tổn thương não, sang chấn tâm lý. Phòng tránh sang chấn tâm lý cho các em ra sao?


Phòng tránh sang chấn tâm lý trẻ em - Ảnh 1.

Mẹ dạy cho con trẻ cách phòng chống bạo lực học đường – Ảnh: CHÂU ANH

Trẻ sẽ trở thành người nhân văn, yêu cuộc sống, yêu thương người thân yêu và có lối sống tích cực hơn khi trưởng thành nếu khi thơ bé được sống trong môi trường trong lành

BS NGUYỄN VĂN DŨNG

Các sự kiện gây căng thẳng hay sợ hãi cao độ có thể gây ra một vết thương về mặt tâm lý gọi là sang chấn tâm lý. Sang chấn về mặt cảm xúc sẽ gây tác hại lâu dài. Trẻ em là nạn nhân của bạo hành có thể gặp những rắc rối về tâm lý kéo dài và điều trị những rắc rối này rất khó khăn, cần thời gian dài.

Bạo hành: nguồn gốc của tội ác sau này?

Mới đây, t án ở Đồng Nai đã đưa một vụ án con cầm dao đâm chết cha ra xét xử. Tại phiên toà, ông nội của V. (người con) cho hay cha V. là người hư hỏng, hay đánh vợ, ba mẹ con V. chưa một lần dám phản kháng dù cha cầm dao, tuôcnơvít đâm vào tay mẹ để lại những vết sẹo dài. Ký ức kinh hoàng từ những ngày thơ bé đã in hằn vào tâm trí V. và khi phạm tội, chủ tọa phiên tòa cho hay V. ở trong tâm trạng bị kích động mạnh.

Đây chỉ là một trong số hàng trăm vụ án mà những người liên quan là nạn nhân của bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần từ thơ bé.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng – phó viện trưởng Viện sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, hầu hết trẻ vị thành niên đến điều trị về tâm thần đều có liên quan đến một sang chấn tâm lý nào đó, có thể sang chấn về áp lực học tập, áp lực tinh thần khi cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, hoặc là nạn nhân của bạo hành (có thể tại gia đình hoặc nhà trường) kéo dài.

“Trẻ bị bạo hành thường sợ hãi, thu mình lại, kém tự tin, ngại giao tiếp, về lâu dài có thể trẻ sẽ có những phản kháng bất lợi, như có hành vi thô lỗ cục cằn, dễ nổi nóng, dễ xung đột với người khác, không hợp tác khi đối thoại… Những trường hợp này cần phải có môi trường trong lành để điều trị trong thời gian dài trẻ mới có thể quay lại như bình thường” – bác sĩ Dũng phân tích.

Theo ông Nguyễn Công Hiệu – phó giám đốc Trung tâm tư vấn dịch vụ trẻ em (Cục Trẻ em), đơn vị quản lý đường dây tư vấn bảo vệ trẻ em (đường dây 111), có trẻ sau thời gian bị bạo hành và được chuyển đến ngôi nhà bình yên vẫn thường gào khóc trong đêm, ứng xử bất thường với bạn bè hoặc làm tự thương bản thân. Các tổn thương này nếu không được điều trị sớm và hiệu quả có thể để lại hậu quả dai dẳng suốt đời. Một số khảo sát cho thấy rằng nhiều người phạm tội từng là nạn nhân của bạo hành.

Đừng bỏ qua các cảm xúc của con

Theo TS Ngô Xuân Điệp – trưởng khoa tâm lý học (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM), khi trẻ bị bạo hành, phụ huynh có thể dễ dàng nhận biết thông qua các vết bầm, vết thương trên cơ thể bé hoặc do chính bé kể lại. Tuy nhiên, nếu trẻ không nói gì thì cũng không có nghĩa là bé không bị bạo hành.

“Cha mẹ có thể căn cứ vào các dấu hiệu như trẻ thường xuyên sợ hãi, khóc đêm, giật mình khi ngủ, sợ người lạ, hoảng loạn… và đặc biệt là sợ đến trường”, TS Điệp nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thuý – hội trưởng Hội quán Các bà mẹ – cho rằng trẻ con ít khi tự kể về những suy nghĩ hay những gì mà chúng đã trải qua. Do vậy, người lớn phải biết khéo léo hỏi bé thông qua trò chuyện, tâm sự nhỏ nhẹ như hỏi hôm nay ở trường vui không, con được chơi trò gì, trưa nay cô cho con ăn món gì…

Cha mẹ trong trường hợp phát hiện con mình bị bạo hành ở trường ngoài việc trình báo với các cơ quan chức năng, có giải pháp chuyển bé ra khỏi môi trường đó thì cũng cần tạo cho bé cảm giác bình an.

Phụ huynh, các chuyên gia tâm lý còn có thể “nhận diện” được trẻ bị bạo hành bằng tranh vẽ (vì phụ huynh thường khó “đọc” được tranh). Họ sẽ căn cứ vào các nét vẽ, màu sắc, biểu cảm trên khuôn mặt hay các dụng cụ đi kèm trong tác phẩm tranh vẽ về thầy cô giáo của chính các bé. Từ đó xác định con trẻ có đang gặp vấn đề ở trường lớp hay không.

3.000 – 4.000

Đó là số vụ bạo lực với trẻ em được phát hiện trung bình mỗi năm, theo một báo cáo tại hội nghị của Hội Liên hiệp phụ nữ VN tổ chức ở Đà Nẵng gần đây. Khảo sát nhóm trẻ 2-14 tuổi cho thấy có 74% trẻ từng bị cha mẹ, người chăm sóc trừng phạt bằng bạo lực. 24% phụ nữ có con dưới 15 tuổi cho biết chồng họ có hành vi bạo lực với con cái.

M.KHANG – L.ANH