10/01/2025

Chỉ cần 30 triệu đã mở được lớp mầm non?

Các vụ bạo hành trẻ chủ yếu xảy ra ở các nhóm, lớp mầm non ngoài công lập. Theo tiết lộ của một chủ đầu tư, chỉ cần có 30 triệu đồng là đã mở được nhóm trẻ gia đình.

 

Chỉ cần 30 triệu đã mở được lớp mầm non?

Các vụ bạo hành trẻ chủ yếu xảy ra ở các nhóm, lớp mầm non ngoài công lập. Theo tiết lộ của một chủ đầu tư, chỉ cần có 30 triệu đồng là đã mở được nhóm trẻ gia đình.

 

 

Chỉ cần 30 triệu đã mở được lớp mầm non? - Ảnh 1.

Công việc của các cô nuôi dạy trẻ rất vất vả. Đây là công việc cần kỹ năng, sự yêu nghề và tấm lòng yêu trẻ (ảnh chụp tại một trường mầm non công lập trên địa bàn TP.HCM) – Ảnh: H.HG.

Vụ bạo hành ở cơ sở mầm non Mầm Xanh (quận 12, TP.HCM) một lần nữa khiến dư luận rúng động. Tại sao những vụ việc đau lòng như vậy vẫn diễn ra nhiều lần?

Theo dõi nhiều vụ bạo hành trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non như nhóm trẻ Phương Anh (Q.Thủ Đức), nhóm trẻ thuộc phường 17 (Q.Gò Vấp, TP.HCM)… hẳn ai cũng nhận ra các vụ bạo hành chủ yếu xảy ra ở các nhóm, lớp mầm non ngoài công lập.

Dễ dàng mở lớp mầm non

“Quy định thành lập trường mầm non rất khắt khe, với những điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý… Trường mầm non còn bị quản lý, thanh tra, kiểm tra rất chặt chẽ. Nhưng đối với nhóm, lớp mầm non thì dễ dàng hơn rất nhiều” – chị M., chủ đầu tư một trường mầm non tư thục ở quận vùng ven TP.HCM, cho biết.

 

 

“Chúng tôi đã truyền tai nhau: chỉ cần có 30 triệu đồng là mở được nhóm trẻ gia đình. Này nhé: nhà ở của mình cải tạo lại cho có không gian để trẻ ăn, ngủ; mua sắm thêm ít đồ chơi, cải tạo lại bếp, nấu thức ăn theo quy định bếp 1 chiều để cơ quan chức năng tới kiểm tra. Thế là cấp phép thôi”, chị M. nói.

Còn về nhân sự, bà Chung Bích Phượng – nguyên phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, TP.HCM – thừa nhận: “Không phải tất cả, nhưng có nhiều trường hợp trước khi cấp phép thì chủ các nhóm, lớp thường cố gắng hợp đồng với các giáo viên, bảo mẫu có văn bằng, chứng chỉ đàng hoàng. 

Nhưng khi được cấp phép rồi, họ cho đội ngũ ấy nghỉ việc, thuê bảo mẫu hoặc người không có chuyên môn để trả lương thấp hơn”.

Dạo một vòng các nhóm, lớp mầm non tư thục tại các quận vùng ven, ngoại thành trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi nhận thấy đa số các nhóm, lớp đều có mức thu khá thấp: chỉ 1-2 triệu đồng/tháng/học sinh. Trong đó, đại đa số thu ở mức 1-1,4 triệu đồng, bao gồm cả học phí, tiền ăn trưa, ăn xế.

Cô Th. – giáo viên một trường mầm non ở Q.Phú Nhuận – nhận xét hiện nay mức thu của học sinh trường mầm non công lập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Do đó ở những nhóm, lớp trẻ thu phí thấp, không loại trừ khả năng chủ cơ sở cắt xén tiền ăn của trẻ và giảm tiền lương của bảo mẫu.

“Thế nên những giáo viên được học hành bài bản thường không chọn nhóm, lớp mầm non” – cô Th. cho biết.

Nên hạn chế các nhóm lớp nhỏ lẻ

Theo ông Nguyễn Hồng Hà – phó trưởng Ban Văn hoá xã hội HĐND TP.HCM, tình trạng bạo hành trẻ em ở các nhóm trẻ đã xảy ra nhiều lần tại TP.HCM. Cấp TP, quận huyện, phường xã cũng đã nhiều lần ra các chỉ đạo để xử lý, chấn chỉnh nhưng vẫn chưa chấm dứt được.

Về mặt quản lý nhà nước, cấp phường xã là nơi quản lý, cấp phép hoạt động cho các nhóm trẻ. Ngành giáo dục quản lý về chuyên môn. Tuy vậy, thực tế nhân sự ở cả hai đơn vị này không đủ sức để quản lý sâu sát đến từng nhóm lớp. 

Cụ thể, mỗi phòng giáo dục quận huyện thường chỉ có hai chuyên viên và một phó phòng phụ trách khối mầm non, thử hỏi làm sao có thể thường xuyên kiểm tra các nhóm lớp? 

“Cho nên trong điều kiện hiện tại, phải tìm mọi cách phát huy tai mắt giám sát ở cộng đồng khu dân cư, bên cạnh hoạt động giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, khuyến khích lắp camera ở các nhóm trẻ cũng được xem là giải pháp cần thiết để chặn đứng nạn bạo hành trẻ.

Theo quy định, mỗi trường mầm non được có tối đa 20 nhóm lớp từ mầm non đến mẫu giáo. Trong khi đó, những nhóm trẻ nhỏ lẻ trong khu dân cư thường chỉ có 1-2 nhóm lớp, phân tán rất khó quản lý. 

Vì vậy, về lâu dài, tôi cho rằng cần hạn chế việc hình thành các nhóm lớp nhỏ lẻ. Thay vào đó, tăng cường xã hội hóa, có cơ chế khuyến khích những tổ chức, cá nhân đủ khả năng đầu tư xây dựng những điểm trường ngoài công lập với quy mô lớn, cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn đảm bảo”, ông Hà nói.

 

Các cô thiếu kỹ năng nuôi dạy trẻ

anh_capgiay_28

Bà Trương Thị Việt Liên – quyền trưởng Phòng giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM – trao giấy chứng nhận hoàn tất khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho các giáo viên mầm non – Ảnh: H.HG.

Sau vụ bạo hành trẻ em ở nhóm trẻ mầm non Phương Anh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) hồi năm 2013, TP.HCM đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm lấp dần những “lỗ hổng” của ngành giáo dục mầm non TP.

Trong đó, TP đã chi kinh phí từ ngân sách nhà nước (1.800.000 đồng/người/khoá) để bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn hằng năm theo kế hoạch cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp…

 

Thế nhưng sau 4 năm, nạn bạo hành trẻ mầm non không giảm. Một giảng viên khoa giáo dục mầm nontrên địa bàn TP.HCM phân tích: “Trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non , chúng tôi có dạy giáo sinh môn giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non. Trong môn học đó có bài “Kỹ năng quản lý cảm xúc của bản thân giáo viên”.

Nghề nuôi dạy trẻ mầm non rất vất vả và khó khăn. Cô nuôi dạy trẻ ở các nhóm, lớp mầm non tư thục thường thiếu chuyên môn, nghiệp vụ, không được giáo dục phẩm chất làm nghề (yêu thương và trân trọng trẻ em), làm việc với cường độ cao… Vì thế, khi mệt mỏi, bực dọc, các cô đổ hết lên đầu trẻ”.

* Luật sư Trần Ngọc Nữ (Đoàn luật sư TP.HCM):

Cơ quan chức năng cần vào cuộc khẩn trương

Luật trẻ em có hiệu lực từ ngày 1-6-2017 quy định rất rõ những hành vi bị cấm làm đối với trẻ em, đồng thời cũng quy định cụ thể những tình huống, trường hợp thế nào là bị bạo hành, bị ngược đãi, và trách nhiệm cụ thể của người chăm sóc, người giám hộ và các cơ quan bảo vệ trẻ em.

 

Trong nhiều vụ việc đau lòng vừa qua về bạo hành trẻ, rất cần sự vào cuộc khẩn trương của các cơ quan chức năng. Luật và nghị định hướng dẫn dưới luật quy định rất rõ về chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan.

Để bảo vệ trẻ nhanh nhất, đảm bảo trẻ không bị bạo hành, ngược đãi, công an địa phương cần phải tiếp cận vụ việc nhanh chóng và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan bảo vệ và chăm sóc trẻ em, hội phụ nữ… để có những biện pháp can thiệp kịp thời.

 

HOÀNG HƯƠNG – MAI HƯƠNG – HOÀNG ĐIỆP