Thay đổi chữ Việt: ‘Đưa tin không đầy đủ về nghiên cứu có thể gây hiểu nhầm’
“Đó chỉ mới là một nửa công trình nghiên cứu của tôi” – PGS-TS Bùi Hiền cho biết như vậy sau khi những đề xuất cải tiến tiếng Việt của ông bị dư luận “ném đá” trên mạng xã hội.
‘Đưa tin không đầy đủ về nghiên cứu có thể gây hiểu nhầm’
“Đó chỉ mới là một nửa công trình nghiên cứu của tôi” – PGS-TS Bùi Hiền cho biết như vậy sau khi những đề xuất cải tiến tiếng Việt của ông bị dư luận “ném đá” trên mạng xã hội.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về công trình nghiên cứu tâm huyết của mình trong khoảng 20 năm qua, PGS-TS Bùi Hiền, nguyên phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên phó viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông, cho biết:
– Những bất hợp lý trong chữ viết quốc ngữ từng được đặt ra trong giới ngôn ngữ từ 40-50 năm trước, nhưng không ai có ý định nghiên cứu để cải tiến. Tôi bắt đầu suy nghĩ từ khi ấy và khoảng 20 năm trước, tôi bắt đầu thực sự nghiên cứu, nuôi ý định thực hiện một công trình nghiên cứu và đề xuất cải tiến những bất hợp lý trong chữ viết tiếng Việt.
Nhiều ý kiến cho rằng ông “điên khùng” khi đưa ra đề xuất này?
Tôi cũng có đọc một số ý kiến, trong đó có cả những chỉ trích nặng nề. Tôi nghĩ nhiều người hiểu nhầm tôi muốn cải cách tiếng Việt.
Ngôn ngữ bao gồm chữ viết, tiếng nói. Ở đây tôi chỉ nghiên cứu và đề xuất cải tiến chữ viết trên cơ sở nghiên cứu những bất hợp lý về hình thức thể hiện chứ không phải nội dung, ý nghĩa. Hơn nữa, những gì tôi đang làm là một công trình nghiên cứu đang thực hiện chứ không phải đề xuất tùy hứng.
Việc đưa tin không đầy đủ về công trình nghiên cứu dễ khiến nhiều người không hiểu và cho đó là ý tưởng điên rồ cũng là dễ hiểu. Nếu tôi được tiếp cận thông tin kiểu ấy với một công trình nghiên cứu nào đó, tôi cũng sẽ phản đối.
Vậy cơ sở nào khiến ông đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt?
Trước tiên tôi khẳng định là tôi không nghĩ ra một bộ chữ mới, mà hoàn toàn dựa vào bộ chữ hiện nay, chỉ đề xuất cải tiến những điểm chưa hợp lý.
Những chữ tôi đề xuất thay thế đều trong bảng chữ cái tiếng Việt hiện nay. Duy nhất chỉ có một chữ mới là “n” thay thế cho “nh” (do thiếu kí tự sẵn thay thế)
Ngôn ngữ tiếng Việt sử dụng chữ tượng thanh, tức là diễn âm chứ không diễn đạt ý. Muốn có ý thì phải ghép các chữ với nhau mới ra.
Về nguyên tắc thì mỗi kí tự có một âm. Nhưng ở ngôn ngữ tiếng Việt thì có nhiều âm ứng với 2-3 kí tự. Điều này gây nên sự phức tạp khi học tiếng Việt. Không chỉ người mới học mà cả người đã biết chữ cũng hay nhầm lẫn, viết sai.
Ví dụ như G-Gh, Tr-Ch; X-S; K-C, Ng-Ngh…. Trong đó, các chữ Tr-Ch; X-S, nếu phát âm theo phương ngữ ở một số nơi thì có thể phân biệt được. Nhưng tôi đang lấy chuẩn tiếng Hà Nội, Thủ đô của nước ta, để so sánh nên các chữ này khi phát âm tiếng Hà Nội là giống nhau.
Với bảng chữ cái hiện hành, việc dạy học và sử dụng tương đối ổn. Theo ông, việc cải tiến của ông mang lại lợi ích gì?
31 chữ cái tôi đề xuất (thay cho 38 chữ hiện nay) có thể thống nhất được chữ viết trên cả nước, không gây khó khăn, nhầm lẫn cho người học, người sử dụng. Đặc biệt với những học sinh lần đầu học chữ sẽ giảm bớt nhiều rắc rối. Thời gian học sẽ giảm bớt, việc ghi nhớ chắc chắn.
Ngoài ra, có thể tiết kiệm trong việc tạo lập văn bản. Tôi đã thử viết 10 trang và thấy với bộ chữ mới, tôi có thể giảm hơn 1 trang.
Ông nói những cải tiến đã được báo chí đăng mới chỉ là một phần của công trình nghiên cứu. Vậy nội dung chưa công bố là gì?
Những nội dung trong bài viết công bố tại hội nghị ngôn ngữ của tôi mà các báo đã đăng chỉ là đề xuất cải tiến những bất hợp lý trong phụ âm. Còn nguyên âm cũng có những bất hợp lý, và tôi đang tiếp tục làm.
Ví dụ như cùng âm “ua” nhưng nếu ghép với phụ âm để thành “quả” thì âm đó đánh vần là “oa” nhưng nếu ghép thành “của” thì âm đó đánh vần là “ua”.
Những điểm không thống nhất trong nguyên âm như thế cũng khá nhiều và nó làm cho tiếng Việt trở nên rắc rối.
Như vậy, tới đây ông sẽ có một đề xuất riêng cải tiến nguyên âm?
Tôi sẽ hoàn chỉnh nghiên cứu và đề xuất cải tiến nguyên âm. Tuy nhiên, sau đó phải ghép các phụ âm đã cải tiến với nguyên âm để xem xét. Nếu khi ghép vào nó lại nảy sinh các bất hợp lý khác thì sẽ vẫn phải tiếp tục điều chỉnh.
Vì thế tôi mới nói, những gì mà mọi người vừa biết vẫn chỉ đang là một nghiên cứu dang dở. Việc đưa không đầy đủ, rồi lên án một đề xuất dựa trên nghiên cứu khoa học, tôi thấy là không thỏa đáng
Trước làn sóng phản ứng dữ dội, trong đó có những chỉ trích nặng nề, ông có còn giữ ý định nghiên cứu của mình không?
Tôi đã ấp ủ và nghiên cứu về nó 20 năm nay chứ đâu phải ý nghĩ bất chợt. Thế nên tôi không bị ảnh hưởng bởi dư luận.
Tôi thực sự chỉ quan tâm tới ý kiến của người trong giới ngôn ngữ. Ý kiến tôi thấy đúng thì tôi sẽ tự thay đổi. Còn tôi không thấy đúng, tôi sẽ phản biện lại.
Còn dư luận khen, chê thì tôi giữ thái độ im lặng. Những người chỉ trích, thậm chí nói thẳng là chửi bới, tôi cũng bỏ qua. Tôi làm gì có nhiều thời gian để đi tranh cãi.
Trong 20 năm qua, những người trong giới ngôn ngữ đã biết những gì ông đang làm và từng trao đổi tại các hội nghị chuyên ngành, họ có ý kiến gì?
Những điểm bất hợp lý tôi chỉ ra thì nhiều người cũng công nhận. Nhưng việc tôi đề xuất cải tiến thì có người ủng hộ, cũng có người phản đối, can ngăn.
Đa số ý kiến can ngăn đều cho rằng tiếng Việt hiện nay đã tương đối ổn định, không nên thay đổi. Hơn nữa việc thay đổi sẽ gây xáo trộn, khó khăn trong xã hội. Họ góp ý chung chung thế thôi chứ chưa có ai góp ý sâu.
Những khó khăn, điều này là một thực tế cũng đáng suy nghĩ đối với một nhà nghiên cứu ngôn ngữ?
Tôi cũng đã lường đến điều này chứ. Khó khăn nhất là thói quen tập quán. Nhiều người chỉ thử viết tên mình bằng chữ tôi đề xuất đã thấy không thể chấp nhận được vì nhìn nó ngộ quá. Nhưng đó chỉ là trạng thái tâm lý do thói quen đem lại.
Với những học sinh mới học chữ, thì chắc chắn sẽ không thấy viết như thế là “ngộ”.
Còn việc học chữ cải tiến. Tôi nghĩ là không khó. Bằng chứng là chỉ trong một buổi khi báo chí công bố bộ chữ cải tiến của tôi, rất nhiều bạn đã bình luận phản đối tôi bằng chính cách viết đó. Họ học như thế là nhanh.
Giữa việc bình luận bằng chữ cải tiến và những thay đổi thực sự rất khác nhau, sẽ tác động đến nhiều vấn đề?
Tôi xin nhắc lại, tôi chỉ là môt nhà nghiên cứu đang thực hiện một công trình nghiên cứu. Tôi nghiên cứu và tôi đề xuất. Còn việc có chấp nhận, thực hiện hay không cần phải có quá trình, phải có kế hoạch bài bản.
Năm nay tôi đã 83 tuổi. Chức danh, học vị thì tôi cũng có. Không phải to những cũng không quá bé. Nên tôi không cố làm một công trình để thăng tiến, để đủ tiêu chuẩn phong danh hiệu này kia.
Tôi cũng không dùng tiền nhà nước để nghiên cứu. Đây là công việc tôi muốn làm.
Và tôi cũng không biết ở tuổi này, tôi có hoàn thành được công trình không vì đâu biết chuyện gì xảy ra.
Vì thế còn tâm huyết thì tôi làm thôi.
Xin đừng “ném đá”
Mấy ngày nay, trên mạng xã hội, nhiều người “ném đá” PGS-TS Bùi Hiền về việc tại một hội thảo ông đề xuất thay đổi bảng chữ cái tiếng Việt.
PGS Bùi Hiền là một nhà giáo lão thành đáng kính, có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà, đặc biệt là trong lĩnh vực sư phạm, phương pháp giảng dạy.
Thầy Bùi Hiền không phải là chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ học, nhưng rất am hiểu về lĩnh vực này.
Tôi tin rằng những ai am hiểu về ngôn ngữ học đều coi đề xuất của thầy Bùi Hiền không phải là một điều gì “quái gở”, “kỳ cục” như cách phản ứng của nhiều người trên mạng xã hội!
Bản thân tôi khi giảng bài cho sinh viên về phonology hay linguistics của tiếng Anh cũng đã đề cập tới thực trạng quá trình phát triển của mỗi ngôn ngữ và hội nhập của các ngôn ngữ dẫn tới sự lệch nhau giữa số lượng chữ cái (letters) và số lượng âm vị (phonems) trong các ngôn ngữ. Đó là một hiện tượng rất bình thường.
Ví dụ /k/ được biểu đạt bằng “ch” (school), “c” (call), “q” (queue)… Hay như chữ cái “a” được phát âm khác nhau trong các từ date, many, family, tall, adequate, woman, father…
Từ hàng chục năm trước Bác Hồ cũng đã từng viết “Đường Kách mệnh”, “nhân zân”… đó thôi.
Đề xuất của thầy Bùi Hiền thực ra chỉ thể hiện mong muốn tiến đến việc thống nhất số lượng chữ cái và số lương âm vị mà thôi.
Ngày còn lên lớp, để học trò dễ tiếp thu, tôi đã giải thích cho các học trò là hiện tượng một âm được thể hiện bằng nhiều chữ cái hay một chữ cái có thể biểu đạt cho nhiều âm là không khác gì trường hợp trong gia đình có đứa con được nuông chiều thì có đến mấy cái áo, mấy đứa không được cưng chiều thì lại mặc chung một cái áo.
Cá nhân tôi không ủng hộ việc thay đổi bảng chữ cái như thầy Bùi Hiền đề xuất, không phải vì đề xuất này phản khoa học, mà vì việc thay đổi dẫn đến nhiều hệ lụy, và vài lý do khác nữa.
Bởi vậy, xin mọi người đừng ném đá PGS Bùi Hiền mà nên ghi nhận tâm huyết của một người thầy.
Đặc biệt, đừng nên dùng những từ ngữ khiếm nhã để bình luận.
ThS Lê Quốc Hạnh, nguyên trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Hà Nội