Lần đầu tiên, một dàn nhạc tập hợp nghệ nhân ở cả 3 vùng văn hoá VN được thành lập với kỳ vọng mang âm sắc bản địa ra thế giới.
Mang âm sắc bản địa Việt ra thế giới.
Lần đầu tiên, một dàn nhạc tập hợp nghệ nhân ở cả 3 vùng văn hoá VN được thành lập với kỳ vọng mang âm sắc bản địa ra thế giới.
Dàn nhạc các dân tộc bản địa VN Seaphony gồm hơn 50 nghệ nhân, nhạc công, nhạc sĩ từ nhiều vùng miền trên cả nước, hoà tấu những âm thanh của đàn môi, kèn lá, đàn tính, đàn goong, cồng chiêng, trống paranưng, trống gineng, đàn đó…, hay những làn điệu, bài ca.
Chương trình Đêm vô thức bản địa giới thiệu dàn nhạc sẽ diễn ra vào tối 12.12 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). “Chúng tôi không dừng lại ở một chương trình biểu diễn mà đây sẽ là bước khởi đầu cho một dự án dài hơi”, Nguyễn Nhất Lý, nghệ sĩ mang một nửa dòng máu Việt, sống và làm việc tại Pháp, VN và nhiều nước khác, cho biết.
10 năm hiện thực hóa ý tưởng
Bắt đầu từ Gió bình minh – chương trình hợp tác cùng nhạc sĩ Đỗ Bảo vào năm 2006, trong đó khí nhạc cổ truyền được sử dụng để chơi những tác phẩm quốc tế, nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý đã ấp ủ ý tưởng về một dàn nhạc với các nghệ nhân bản địa chơi nhạc cụ bằng tre, nứa, lá, gỗ và đồng. Sau hơn 10 năm, ý tưởng đó mới thành hiện thực khi gặp được nhà đầu tư.
Tôi muốn mọi người biết chỉ là cái lá cây thôi mà chúng tôi cũng thổi được nhạc
Nghệ nhân Lò Thanh Lá(dân tộc Thái, Lào Cai)
Trong 1 năm qua, nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý cùng nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến và các cộng sự đã đến nhiều bản làng vùng núi phía bắc, buôn làng ở 5 tỉnh Tây nguyên, làng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận để tập hợp các nghệ nhân và tuyển chọn nhạc khí từ các dân tộc Tày, Thái, Dao, H’Mông, M’Nông, Ê Đê, Xơ Đăng… “Chúng tôi muốn hướng đến các nghệ nhân, bởi họ là những người đón nhận âm nhạc của dân tộc từ cha ông một cách vô thức”, nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến cho hay.
Việc thuyết phục các nghệ nhân lên thành phố biểu diễn không hề dễ. Có nơi nghệ nhân không được biểu diễn ở bên ngoài bản làng. Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến kể có nghệ nhân ở Nậm Nhùn (Lai Châu) phải xin phép cả dòng họ để được tham gia dàn nhạc. Bên cạnh đó cũng có nhiều nghệ nhân háo hức khi được biểu diễn. Anh RCham Tih (dân tộc Jrai, Pleiku, Gia Lai) chia sẻ niềm vui vì được… đi máy bay và nhận được tiền cát sê (500.000 đồng/ngày) đủ để nuôi gia đình. Nghệ nhân Lò Thanh Lá (dân tộc Thái, Lào Cai), năm nay 78 tuổi, nói: “Tôi muốn mọi người biết chỉ là cái lá cây thôi mà chúng tôi cũng thổi được nhạc. Tôi cũng sợ mai này âm nhạc dân tộc mai một đi”.
Nếu ai đó muốn nghe tiếng đàn T’rưng giữa lòng Sài Gòn nhưng được biểu diễn theo đúng phong cách của núi rừng Tây nguyên thì ghé đến sân khấu âm nhạc dân tộc miễn phí ở Phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Theo nghệ sĩ Nhất Lý, dàn nhạc các dân tộc bản địa VN mới chỉ là “phôi” của dàn nhạc Seaphony nằm trong dự án S.E.A Sound mà anh kỳ vọng sẽ kết nối với nghệ nhân, nghệ sĩ của các quốc gia ASEAN và đến với khán giả nước ngoài. Hỏi về việc có tự tin với Seaphony và S.E.A Sound, nghệ sĩ Nhất Lý nói: “Về con đường nghệ thuật, không tự tin thì không làm. Còn tôi tự tin hơn khi đã có những trải nghiệm làm À Ố show, Làng tôi…”.
Đưa nhạc dân tộc Việt ra thế giới
Thời gian qua, nhiều dự án mang chất liệu âm nhạc dân tộc VN đã được giới thiệu khắp thế giới.
Đầu năm 2017, album Hanoi Duo – sản phẩm âm nhạc của Nguyên Lê, nghệ sĩ nhạc jazz nổi tiếng thế giới, người Pháp gốc Việt và Ngô Hồng Quang, nghệ sĩ VN đang hoạt động tại châu Âu, được Hãng đĩa ACT (Đức) tài trợ toàn bộ kinh phí, đã phát hành khắp thế giới. Album kết hợp giữa chất liệu âm nhạc truyền thống VN như xẩm, quan họ Bắc Ninh, âm nhạc dân tộc miền núi phía bắc, âm thanh của các loại nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn môi, đàn chiêng dây với các loại nhạc cụ điện tử. Tiếp đó, cặp đôi nghệ sĩ nói trên cùng Hanoi Duo đã có chuyến lưu diễn tại Pháp, Thuỵ Sĩ, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg và mới đây là Đức. Hiện Ngô Hồng Quang chuẩn bị ra mắt album Nam nhi, trong đó anh hát quan họ kết hợp với ngũ tấu dây do 5 nghệ sĩ của 5 quốc gia thực hiện.
Ian Brennan (Mỹ), nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng thế giới với dòng nhạc world music, từng giành giải thưởng âm nhạc Grammy; và nghệ sĩ Võ Vân Ánh, người “chở” tiếng đàn tranh ra thế giới, đã gặp nhau trong ý tưởng thực hiện Hanoi Masters: War is a wound, peace is a scar, câu chuyện âm nhạc về những ký ức chiến tranh được thể hiện bằng chất liệu âm nhạc dân tộc VN. Một năm trước, đĩa nhạc đã được Hãng đĩa Đức Glitterbeat phát hành, trong đó các tiết mục: Hát văn, Hát hầu Cô Bơ, Xẩm huê tình, Xẩm thập ân, Hát lô hương, Trống cơm, Về quê (Phó Đức Phương sáng tác), Quê mẹ (Võ Tuấn Minh)… thể hiện chủ yếu bằng những nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn nhị hồ, đàn k ’ni. Võ Vân Ánh đã mang Hanoi Masters: War is a wound, peace is a scar lưu diễn tại Mỹ, New Zealand, Úc…
(TNO) Qua những chương trình truyền hình thực tế càng cảm nhận rõ nét người trẻ không thờ ơ với âm nhạc truyền thống và giữ gìn theo cách rất riêng.
Dù còn khiêm tốn nhưng dòng chảy nhạc Việt vẫn “len lỏi” giữa dòng chảy âm nhạc thế giới. Năm 2015, nhóm Xẩm Hà Thành đã mang xẩm đến với khán giả Pháp, Đức. Năm 2016, nhóm có chuyến biểu diễn và nói chuyện về xẩm tại Mỹ. Mới đây, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, thành viên của nhóm, đã trò chuyện về xẩm tại 5 trường đại học danh tiếng của Mỹ, trong đó có Harvard.
“Việc đưa âm nhạc dân gian, cổ truyền vào không gian âm nhạc đương đại như world music là mô hình phổ biến của các nghệ sĩ thế giới. Với nhiều nghệ sĩ Việt từ trong nước bước ra hoạt động nghệ thuật ở quốc tế, chơi nhạc có sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống là con đường tốt nhất khi muốn tạo ra sự khác biệt”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận.