Giam xe: công an lẫn chủ xe đều ‘khổ’
Tạm giữ phương tiện (giam xe) là một trong những hình thức xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ. Tuy nhiên, lượng xe bị giam ngày càng nhiều khiến phía công an lẫn người bị giam xe đều “khổ”.
Giam xe: công an lẫn chủ xe đều ‘khổ’
Tạm giữ phương tiện (giam xe) là một trong những hình thức xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ. Tuy nhiên, lượng xe bị giam ngày càng nhiều khiến phía công an lẫn người bị giam xe đều “khổ”.
Theo Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM, phòng có 4 kho lưu giữ tang vật vi phạm Luật giao thông đường bộ với sức chứa hàng ngàn chiếc xe. Hiện có hơn 10.000 xe vi phạm bị tạm giữ nhưng không có người đến giải quyết khiến các kho bãi bị quá tải, xe vi phạm để lâu cũng bị hư hỏng nặng.
Quá trình tạm giữ phương tiện của người vi phạm cho đến khi bán đấu giá phải căn cứ theo quy định của pháp luật nhưng thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, mất rất nhiều thời gian, công sức.
Tương tự, các đội CSGT thuộc công an các quận, huyện trên địa bàn TP cũng gặp nhiều khó khăn liên quan đến giam xe người vi phạm.
Theo đội CSGT Công an Q.2, trung bình mỗi năm tồn kho khoảng 100 xe máy bị tạm giữ nhưng người vi phạm và chủ xe liên quan “bỏ luôn”. Đội phải sử dụng kho của UBND Q.2 “tiếp ứng” nhưng số lượng xe bị giam theo thời gian ngày càng “phình ra”, nhiều xe cũ, hư hỏng.
Các xe “tồn kho” ở Q.2 phổ biến là xe Trung Quốc giá rẻ và xe của các công nhân công trình mua tạm đi lại, nguồn gốc không rõ ràng.
Trong khi đó, theo đội CSGT Công an Q.Gò Vấp, thực trạng nhiều kho bãi giam xe hiện nay chỉ được che chắn tạm bợ khiến các phương tiện nhanh hư hỏng. Riêng kho bãi giam xe của Công an Q.Gò Vấp có mái che tốt để có thể giữ các xe tốt hơn.
Tuy nhiên, như bao đội CSGT khác, Công an Q.Gò Vấp cũng tồn nhiều xe vi phạm mà người vi phạm hoặc chủ phương tiện “bỏ luôn”.
Theo quy định sau thời gian tạm giữ 1 tháng, nếu không ai đến giải quyết sẽ tiến hành các thủ tục như xác minh, giám định, trả lời kết quả, đăng báo… Nhanh nhất 6 tháng mới xong thủ tục bán đấu giá tài sản.
“Nguyên nhân bỏ xe là do mức phạt cao, giá trị xe thấp, ngoài ra có xe không rõ nguồn gốc, khi tạm giữ không xuất trình được giấy tờ. Khi tài chính định giá thì nhiều xe như chỉ bán phế liệu, có chiếc từ 500.000 – 600.000 đồng mà thôi” – một CSGT chia sẻ.
Không chỉ CSGT khổ mà người vi phạm, liên quan vi phạm cũng “khổ tâm” không kém. Trường hợp của anh N.T.B. (32 tuổi, ngụ Q.9) là một ví dụ.
Anh B. mượn xe của bạn và không may liên quan đến một vụ tai nạn giao thông. Dù không có lỗi nhưng là người liên quan nên CSGT Công an Q.Phú Nhuận tạm giữ giấy tờ, phương tiện những người liên quan làm rõ vụ việc.
“Chưa đến lương, mấy tuần liền phải vay mượn bạn bè đi xe ôm tới lui giải quyết. Khi lấy được xe thì nợ một đống, chiếc xe “nhìn không ra” sau nhiều ngày bị giam trong kho bãi. Tôi phải đóng tiền phạt, sửa chữa lại, trả xe và xin lỗi bạn” – anh B. cho biết.
Đề xuất phương án xử lý trước ngày 31-12
UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo liên quan đến việc tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính.
Theo đó, trong trường hợp đủ điều kiện và bắt buộc phải tạm giữ phương tiện vi phạm để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì áp dụng triệt để quy định về việc giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện.
Trong trường hợp buộc tạm giữ xe tại các điểm trông giữ tập trung, phải bảo đảm tuân thủ đúng các quy định về quy trình, trình tự thủ tục tạm giữ.
Theo UBND TP, Công an TP sẽ được giao chủ trì rà soát, phân loại các phương tiện đang được quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm. Từ đó đề xuất phương án xử lý trước ngày 31-12-2017.
TP sẽ lập tổ công tác liên ngành để tham mưu, tư vấn giúp UBND TP phê duyệt phương án xử lý do Công an TP trình.