Đề xuất ‘Tiếq Việt’ đang bị quan tâm quá mức
Đề xuất cải tiến quốc ngữ của Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hiền đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của các nhà ngôn ngữ học và cộng đồng.
Đề xuất ‘Tiếq Việt’ đang bị quan tâm quá mức
Đề xuất cải tiến quốc ngữ của Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hiền đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của các nhà ngôn ngữ học và cộng đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Tình – tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học VN – cho biết:
- Từ những đầu thế kỷ 20 đã có nhiều người như Ngô Quang Châu, Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Bạt Tụỵ, Nguyễn Văn Vĩnh, Hoàng Xuân Hãn, Lê Khả Kế, Hoàng Phê, Nguyễn Lân… đều đã bàn về việc cải tiến hệ thống chữ viết, chuẩn hoá tiếng Việt, nhưng đều không khả thi. Vậy nên đặt vấn đề cải tiến Quốc ngữ cũng sẽ là vấn đề khó thành hiện thực.
* Vậy ông nghĩ gì về đề xuất cải tiến quốc ngữ đang gây xôn xao dư luận?
– Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hiền là một nhà ngôn ngữ học, nhà giáo đáng kính, và việc ông quan tâm đến việc cải tiến quốc ngữ rất đáng trân trọng.
Chỉ có điều bây giờ khơi lại vấn đề này thì lạc lõng quá.
Quốc ngữ từ khi hình thành và đi vào cuộc sống đã bộc lộ nhiều bất hợp lý. Vì số hệ thống chữ Latin không đủ, tương ứng với hệ thống âm vị tiếng Việt nên người ta phải sáng tạo chữ khác để ghi cho đủ như: đ, ă, ô, ơ, ư, nh, ng(h), th, tr…
Những bất hợp lý đó nhiều nhà nghiên cứu nhận ra từ trước và tìm cách cải tiến nhưng không được.
Lý do rất đơn giản bởi quốc ngữ đã ăn sâu vào trong tiềm thức và được cộng đồng chấp nhận, sử dụng hàng trăm năm nên thay đổi là điều rất khó.
Chỉ một thay đổi trong hệ thống tiếng Việt sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy như sách giáo khoa phải viết lại, cách viết của học sinh phải thay đổi, các văn bản nhà nước phải làm lại, hàng triệu người phải thay đổi cách đọc, cách viết…
Ngoài ra, ý kiến của ông Bùi Hiền là một báo cáo được đưa vào kỷ yếu hội thảo về ngôn ngữ học tháng 9-2017 do Hội Ngôn ngữ học VN và Đại học Quy Nhơn tổ chức.
Vậy nên tôi hơi ngạc nhiên vì đề xuất đó không đáng bị quan tâm quá đà đến vậy. Có thể thấy lạ nên cộng đồng phản ứng quá mạnh mẽ, thậm chí có những lời lẽ miệt thị, cho rằng người đề xuất là điên khùng.
Tôi chưa đọc toàn bộ công trình của ông Bùi Hiền và ông cũng nói mới đưa ra một vài đề xuất ban đầu.
Nên chúng ta không phải lo ngại rằng chỉ vì ý kiến của ông ấy mà mai mốt chúng ta sẽ phải đọc một văn bản với những ký tự hoàn toàn khác hiện nay.
Trước đây, Giáo sư Cao Xuân Hạo từng có quan điểm phân tích câu theo cấu trúc đề – thuyết với nhiều nhân tố hợp lý, nhiều nhà khoa học ủng hộ.
Nhưng nếu thực hiện thì sẽ có nhiều hệ lụy, bởi từ trước đến nay chúng ta vẫn viết câu theo cấu trúc chủ ngữ – vị ngữ.
* Ông có thể nói thêm về những điểm chưa hợp lý của quốc ngữ?
– Ưu điểm của quốc ngữ rất rõ là hệ thống chữ ghi âm và chính âm, chính tả đi với nhau. Nói sao viết vậy.
Chính sự đơn giản, tiện lợi đó mà nó được phổ cập nhanh, học đơn giản. Còn bất hợp lý là hệ thống chữ để tương đương với các âm vị không đồng nhất, không giống nhau.
Thường mỗi âm vị phải tương đương với một ký hiệu. Nhưng hiện nay có một âm vị mà có đến ba ký hiệu như c, q, k; hoặc hai ký hiệu như ng, ngh…
Các chữ cái c, k, q có thể giản tiện hợp nhất thành một ký tự c hoặc k.
Tuy nhiên, chỉ cần thay đổi một chi tiết này đã gây ra sự hỗn loạn trong hệ thống văn bản và giáo dục rồi.
* Ngôn ngữ mạng và ngôn ngữ giới trẻ ảnh hưởng như thế nào đến tiến trình phát triển của tiếng Việt?
– Ngôn ngữ giới trẻ nhiều khi hơi quá đà với tiếng lóng, ký tự quy ước chỉ dùng trong cộng đồng nhỏ, nhưng không đến nỗi đáng ngại như mọi người nghĩ.
Ngôn ngữ mạng hay ngôn ngữ giới trẻ đều ký sinh trong lòng ngôn ngữ dân tộc, trên nền tảng ngôn ngữ chung của toàn dân.
Có điều là tuy không tác động lớn nhưng dễ tạo cảm giác làm mọi người hiểu sai, đánh giá không đúng là tiếng Việt có sự biến đổi.