11/01/2025

Đào tạo tiến sĩ thế nào để tránh lãng phí?

Việc đầu tư ngân sách đào tạo tiến sĩ như thế nào để tránh lãng phí là vấn đề dư luận quan tâm trước dự thảo đề án nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH của Bộ GD-ĐT dự kiến lên đến 12.000 tỉ đồng.

 

Đào tạo tiến sĩ thế nào để tránh lãng phí?

Việc đầu tư ngân sách đào tạo tiến sĩ như thế nào để tránh lãng phí là vấn đề dư luận quan tâm trước dự thảo đề án nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH của Bộ GD-ĐT dự kiến lên đến 12.000 tỉ đồng.


 

 

Một buổi bảo vệ luận văn tiến sĩ trong nước /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Một buổi bảo vệ luận văn tiến sĩ trong nướcẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tiến sĩ không là tiêu chí đánh giá duy nhất
Mục tiêu cuối cùng của dự án là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ĐH, sau ĐH.

Dựa trên triết lý thầy giỏi thì trò mới giỏi, để đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên. Hiện tại, theo Bộ GD-ĐT, tỷ lệ giảng viên ĐH có bằng tiến sĩ (TS) chỉ 17 – 20%, rất thấp so với nước ngoài. Mục tiêu đạt tỷ lệ 35% với việc tăng khoảng 9.000 TS là điều cần thiết nhưng không phải là tiêu chí đánh giá duy nhất. 

 
 
Đào tạo tiến sĩ thế nào để tránh lãng phí? - ảnh 2

Thay vì có nhiều phương thức đào tạo như đề xuất, chúng ta chỉ cần một chương trình liên kết đào tạo

Đào tạo tiến sĩ thế nào để tránh lãng phí? - ảnh 3
 
 
 


Sinh viên khi du học ở nước ngoài sẽ tìm mọi cách để ở lại. Tình trạng chảy máu chất xám xảy ra với mọi quốc gia đang phát triển, không riêng VN. Trong số trở về nước thì một số sẽ tìm cơ hội ở các doanh nghiệp nước ngoài để có thu nhập cao. Thêm nữa, chất lượng đào tạo ĐH và đặc biệt sau ĐH đòi hỏi giảng viên phải duy trì và phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học và xuất bản kết quả trên những tạp chí quốc tế. Do đó, đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án cần có các tiêu chí sau: số lượng TS – mục tiêu 9.000; tỷ lệ về nước; tỷ lệ giảng dạy ở ĐH, tỷ lệ duy trì nghiên cứu khoa học và có bài báo quốc tế.
Với các tiêu chí đánh giá như thế thì mục tiêu cuối cùng là đạt tỷ lệ duy trì nghiên cứu khoa học và có bài báo quốc tế cao nhất trong số TS về nước và giảng dạy ở ĐH. Nếu không đạt được tiêu chí cuối cùng thì chưa đảm bảo dự án sẽ đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục như đã đề ra.
Hiệu quả chương trình liên kết đào tạo
Với những tiêu chí đánh giá như thế thì chương trình nên được thiết kế như thế nào để hiệu quả đầu tư được cao nhất?
Thay vì có nhiều phương thức đào tạo như đề xuất, đặc biệt là với 5.000 TS đào tạo nước ngoài và 2.000 TS đào tạo trong nước, chúng ta chỉ cần một chương trình liên kết đào tạo TS.
Đối tượng tham gia không chỉ giới hạn các giảng viên mà cả những người có tiềm năng nhất, tối thiểu bằng cử nhân, có ít kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học và có đam mê nghề giảng dạy.
Tham gia chương trình liên kết, giảng viên hướng dẫn trong nước phải là người đang có hoạt động nghiên cứu khoa học và có một số bài báo quốc tế trong 2 năm qua. Nếu có đề tài nghiên cứu khoa học từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) thì càng tốt.
Giáo sư hướng dẫn nước ngoài phải là người có hoạt động nghiên cứu khoa học tầm vóc ở các ĐH có tiếng. Họ chấp nhận đồng hướng dẫn thí sinh và về VN ít nhất một tháng/năm trong thời gian nghiên cứu sinh nghiên cứu ở VN.
Sau khi có bằng TS, nghiên cứu sinh (NCS) sẽ có một kinh phí để khởi động nghiên cứu khoa học. Kinh phí này được trường ĐH nơi NCS giảng dạy đối chấp tối thiểu gấp đôi. Do đó trường đề cử phải chấp nhận cam kết đối chấp này. Thí dụ, sau khi có bằng TS, NCS về trường giảng dạy thì chương trình cấp 330 triệu đồng và trường đối chấp 670 triệu, tổng cộng 1 tỉ đồng để xây dựng phòng thí nghiệm.
Như thế chúng ta giảm thiểu nguy cơ chảy máu chất xám vì NCS được đào tạo kỹ năng nghiên cứu khoa học ở phòng nghiên cứu của giáo sư nước ngoài một năm sau khi học một số kiến thức cơ bản và trình độ ngoại ngữ ở VN. Sau đó sẽ tiếp tục nghiên cứu với giáo sư trong nước với sự hướng dẫn từ xa từ giáo sư nước ngoài. Giáo sư nước ngoài về VN thường xuyên không những giúp NCS phát triển mà còn tương tác với các NCS và đặc biệt giúp giáo sư trong nước xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học tiên tiến với tiêu chuẩn nước ngoài. Với cách làm như thế, chúng ta sẽ xây dựng được những phòng nghiên cứu trọng điểm có khả năng đào tạo TS với chất lượng ngày càng cao. Ngoài ra, với kinh phí đầu tư cho khởi động nghiên cứu khoa học sẽ giúp NCS duy trì hoạt động nghiên cứu sau khi ra trường và nhân rộng mô hình đào tạo.
Chương trình đào tạo liên kết này được cải thiện từ chương trình “Royal Golden Jubilee PhD Program” của Thái Lan hình thành từ năm 1996 và đã rất thành công trong mục tiêu nêu ra như của dự án.
Ý kiến
Nên dùng nguồn tiền ấy để thu hút nhân tài
Nhiều TS học ở nước ngoài hiện ở lại hoặc quay về làm việc trong nước cho rằng môi trường nghiên cứu ở nước ngoài rất thuận lợi, người làm khoa học có thể phát huy tính sáng tạo và phát triển hướng nghiên cứu của mình, đồng thời ít phải lo đến “cơm áo gạo tiền”. Vì vậy, nhiều người khi được cử đi học, dù cam kết sẽ trở về cống hiến, nhưng không mấy ai thực sự tha thiết quay về hoặc về một thời gian lại tìm cách ra đi.
Việc cử 5.000 nghiên cứu sinh làm TS tại các trường ĐH uy tín trên thế giới, nếu chỉ để quay về giảng dạy, thì không nhất thiết phải đầu tư như thế. Ở một số nước, họ không cấp kinh phí để gửi sinh viên đi đào tạo TS ở nước khác khi không có chính sách đãi ngộ về lương hay vị trí việc làm khi họ quay về. Vì vậy, chúng ta nên dùng nguồn tiền ấy để thu hút nhân tài, hoặc tạo chính sách để mời những nhà khoa học quốc tế hay VN ở nước ngoài về làm việc hay hợp tác.
Tiến sĩ Trần Quang Huy
(Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương)
Tạo cơ chế, chính sách phù hợp
Để giải tốt bài toán đào tạo tiến sĩ ở đâu, thu hút như thế nào thì nhà nước nhất thiết phải đầu tư vào môi trường nghiên cứu, tạo cơ chế, chính sách phù hợp. Cán bộ trẻ là TS từ nước ngoài về phải được tạo điều kiện về ăn ở, thu nhập. Chẳng hạn được mua nhà giá rẻ, trả chậm… để có thể dốc tâm huyết vào việc nghiên cứu, giảng dạy. Nên khuyến khích cho đăng ký đề tài và chi thưởng xứng đáng với những bài báo công bố quốc tế ở những tạp chí uy tín trong giới khoa học.
GS-TS Đặng Đức Trọng
(Trưởng khoa Toán – Tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)
Mỹ Quyên (ghi)


 

Giáo sư Trương Nguyện Thành 
(Trường ĐH Utah, Mỹ)