Có cần thay đổi cách viết tiếng Việt?
Những tranh luận nảy lửa xung quanh đề xuất về việc cải cách chữ viết tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền mấy ngày qua đặt ra vấn đề: có cần đổi mới cách viết tiếng Việt hiện nay?
Có cần thay đổi cách viết tiếng Việt?
Những tranh luận nảy lửa xung quanh đề xuất về việc cải cách chữ viết tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền mấy ngày qua đặt ra vấn đề: có cần đổi mới cách viết tiếng Việt hiện nay?
Chữ quốc ngữ cải cách của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt. Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có ký tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng ký tự ghép n’ để biểu đạt… (Xem chi tiết trên Thanhnien.vn)
|
PGS-TS Đặng Ngọc Lệ, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM, khẳng định không cần thiết có thêm cải cách nào về tiếng Việt, đặc biệt là chữ viết. Ngôn ngữ nào cũng vậy, kể cả tiếng Anh được thế giới sử dụng cũng có những bất hợp lý về mặt chữ viết nhưng nó vẫn tồn tại bao lâu nay.
TIN LIÊN QUAN
Nếu đủ sức thuyết phục, Tiếng Việt viết thành Tiếq Việt cũng có sao?
Chữ viết là quy ước nên bất biến
Hiếm có một chữ viết nào mà lại không tồn tại những điểm bất hợp lý. Điều quan trọng cần phải nhận thức được rằng ngôn ngữ là sinh ngữ. Đã là sinh ngữ thì sẽ phát triển, biến đổi không ngừng. Còn chữ viết chỉ là những quy ước mang tính chất cứng, nên bất biến. Nên sau một vài trăm năm sử dụng thì thế nào chữ viết cũng sẽ có những xô lệch. Ví dụ tiếng bắc không phân biệt ch và tr, s và x, r và d, đó là do quá trình biến đổi ngữ âm mấy trăm năm qua.
Cho nên, ý tưởng có một chữ viết thật logic, thật hoàn hảo thì rất khó thực hiện, vì trước sau gì ngôn ngữ vẫn phát triển và chữ viết không theo kịp. Cải tiến rồi nó lại bất hợp lý. Mà trong khi đó, chữ viết chỉ là những quy ước. Mà quy ước một khi đã được chấp nhận thì càng ổn định, càng tạo thói quen dùng thống nhất, dài lâu thì càng thuận lợi cho cộng đồng. Chữ Anh, chữ Pháp cũng bất hợp lý, nhưng cho đến giờ người ta cũng không đặt vấn đề phải thay đổi. Thay đổi thì dễ dẫn đến hệ lụy mà mình có thể lường trước. Chẳng hạn, nếu cải tiến chữ Quốc ngữ theo đề xuất này thì chúng ta sẽ phải đào tạo lại hàng chục triệu lao động. Các học giả cũng sẽ trở thành người vừa đọc vừa đánh vần, viết sai chính tả và sẽ phải đi học lại từ đầu. Đó là chưa kể tất cả các văn kiện của Đảng, Nhà nước và tất cả các tài liệu khoa học sẽ thành văn bản cổ, chỉ có các nhà nghiên cứu về chữ cổ mới có thể đọc được.
GS NGUYỄN MINH THUYẾT (Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể)
Quý Hiên (ghi)
|
Giống “mật mã” của người trẻ
Cách viết cải cách mà PGS-TS Bùi Hiền đề xuất tuy gặp nhiều phản ứng trái chiều nhưng lại “được lòng” không ít người trẻ. Bởi lẽ đề xuất cải cách tiếng Việt của ông “na ná” thậm chí y hệt kiểu viết “teen code” mà người trẻ hay sử dụng.
Theo Phan Linh (sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM), Linh dùng teen code (ngôn ngữ viết riêng của giới trẻ) mỗi khi sử dụng mạng xã hội, nhắn tin điện thoại với bạn bè. “Bởi cách viết này rất nhanh, và với những người trẻ, họ cảm thấy thích”, Phan Linh lý giải.
“Nếu chỉ có một vài người sử dụng thì có thể thấy lạc lõng và khó hiểu. Nhưng khi đã trở nên quen thuộc, nhiều người cũng viết dạng này, sẽ có cả cộng đồng, tạo nên trào lưu. Thế nên bây giờ giới trẻ tụi mình toàn sử dụng kiểu này thôi. Không chỉ riêng mình mà bạn bè cũng chuộng teen code”, Linh cho biết.
Cùng quan điểm, Đức Phú (học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng bảo dù ai có nói teen code rối rắm, khó hiểu, nhức mắt… nhưng vẫn có “chỗ đứng” với giới trẻ. “Minh chứng rõ nét nhất là trên các trang cá nhân mạng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram…, người trẻ ít khi viết “không”,”cơ”, “giáo”, “dân”, “giữ gìn”, “phát”…, thay vào đó sẽ là: “ko”, “kơ”, “záo”, “zân”, “zữ zìn”, “fát”….”, Đức Phú lập luận.
Giải thích cho việc teen code đã trở thành thói quen của nhiều người trẻ, Châu Khả Di (học sinh lớp 12, Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM) cho rằng: “Cách viết này rất nhanh, gọn, lẹ. Đặc biệt khi sử dụng bàn phím trên điện thoại đời cũ (phím có cả số và 3 chữ cái – NV) thì cách viết teen code sẽ nhanh và tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều. Quan trọng nhất, teen code chính là xu hướng thời thượng của giới trẻ. Là cách mà người trẻ thể hiện cá tính riêng biệt của mình”.
Khi được xem những ví dụ PGS-TS Bùi Hiền đưa ra được viết bằng 2 kiểu chữ hiện thời và cải cách, Đức Phú cho rằng: “Thấy thú vị, nhìn quen quen chứ không bối rối, vì tựa như teen code. Như chữ “luật giáo dục”, nhiều bạn cũng viết thành “luật záo zụk”. Nếu đề xuất ấy trở thành hiện thực hay bị phản bác thì cũng không ảnh hưởng lắm, vì người trẻ đã có ngôn ngữ teen code riêng”.
Xuân Phương
|
Ý kiến
Không cần thiết
Chữ viết hiện đã quá thân thuộc và em từng thử thay thế theo cách của chữ viết đổi mới thì thấy chữ hiện tại đẹp hơn rất nhiều. Đó là chưa kể, nếu thay đổi thì chúng em phải như học lại từ đầu. Vì vậy, theo em không cần thiết phải thay đổi.
Nguyễn Thụy Anh (Học sinh Trường THPT Marie Curie TP.HCM)
Rườm rà, tốn kém cho xã hội
Chữ tiếng Việt hiện nay có những từ đồng âm nhưng dị nghĩa nên nếu đồng hóa sẽ khiến ý nghĩa từ vựng bị khiếm khuyết và trong văn chương thì không thể chấp nhận được. Trước đây ngành giáo dục đã từng có lần thay đổi chữ viết theo hình thức có bụng hay không có bụng, nhưng cuối cùng cũng thất bại. Theo tôi không nên thay đổi khiến rườm rà, tốn kém cho xã hội.
Biện Văn Cư (Giáo viên Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM)
B.Thanh (ghi)
|
[VIDEO] Ngôn ngữ của tuổi teen
|
Hà Ánh – Mỹ Quyên