10/01/2025

Cải tiến Quốc ngữ: Chữ viết nào cũng có những điểm bất hợp lý!

Nếu ngược dòng về lịch sử sẽ thấy những đề xuất sửa đổi, cải tiến Quốc ngữ đều xuất phát từ điểm bất hợp lý đã được nhiều người chỉ ra, nhưng các đề xuất ngày càng ít đi và nhỏ lẻ.

 

Cải tiến Quốc ngữ: Chữ viết nào cũng có những điểm bất hợp lý!

 

 Nếu ngược dòng về lịch sử sẽ thấy những đề xuất sửa đổi, cải tiến Quốc ngữ đều xuất phát từ điểm bất hợp lý đã được nhiều người chỉ ra, nhưng các đề xuất ngày càng ít đi và nhỏ lẻ.

 

Cải tiến Quốc ngữ: Chữ viết nào cũng có những điểm bất hợp lý! - Ảnh 1.

Học sinh điểm trường bản Buốc Pát (Lóng Sập, Mộc Châu, Sơn La) học bảng chữ cái – Ảnh: Hải Luận


Trong khi dư luận phản ứng như vừa qua, theo tôi là nên bảo vệ quyền tự do học thuật trong việc PGS Bùi Hiền trình bày đề án của mình, nhưng mặt khác cũng phải bảo vệ quyền phản biện đề án từ phía những người quan tâm.

Nhà ngôn ngữ học Trần Chút (nguyên chủ tịch Hội Ngôn ngữ TP.HCM)

Năm 1902, tại hội nghị nghiên cứu Viễn Đông ở Hà Nội, một ủy ban cải cách chữ quốc ngữ đã được lập ra bàn thảo và kiến nghị sửa đổi một số điểm của chữ quốc ngữ. Đây được xem là lần đề nghị cải cách sớm nhất.

Ngày càng ít đề xuất cải tiến

Nhiều đề xuất cải tổ chữ viết về sau cũng được một số nhà trí thức đề xuất trong các hội nghị bàn về chữ quốc ngữ. 

Hầu hết đều liên quan tới hiện tượng “một âm nhưng nhiều ký tự” trong bảng chữ cái tiếng Việt. Đáng chú ý là đề xuất của nhà nghiên cứu Nguyễn Bạt Tuỵ. 

 

Trong sách Chữ và vần Việt khoa học, ông Nguyễn Bạt Tuỵ đưa ra một đề xuất sửa đổi chữ viết dựa theo nguyên tắc ghi âm. 

Theo đánh giá của giới ngôn ngữ, đây là đề nghị chính xác nhưng không thực hiện được trên thực tế, vì chữ viết không phải những ký hiệu ngữ âm theo kiểu phiên âm quốc tế.

Từ đầu thế kỷ 20 đến những năm của thập niên 1960-1970, nhiều đề xuất cải cách khác nhau được đặt ra trong các hội nghị ngôn ngữ. 

Từng có thời kỳ người ta lập cả uỷ ban ngôn ngữ để tập trung nghiên cứu, đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ. 

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Tất Thắng (Viện Ngôn ngữ học), những năm gần đây đề xuất cải tiến/cải cách chữ quốc ngữ ngày càng ít hơn, nếu có chỉ là vài đề xuất nhỏ lẻ tẻ, ít được chú ý.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên tổng thư ký Hội Ngôn ngữ Việt Nam, cũng cho biết những đề xuất ở cả những năm 1960-1970 và sau này chủ yếu ở tầm nhỏ. 

Cụ thể là đề nghị thay chữ “Ph” bằng “F”, thay các chữ dùng “K” thay cho C, Q… Từ thập niên 1990 trở lại đây, những đề xuất lớn về cải tiến chữ quốc ngữ thưa dần. 

Trong giới học thuật, các nghiên cứu về cải tiến chữ quốc ngữ chỉ mang giá trị tham khảo khoa học. 

“Khi tôi còn là lãnh đạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, có một trí thức Việt kiều gửi đề xuất bài bản về việc cải tiến chữ quốc ngữ lên nguyên thủ tướng Phạm Văn Đồng. 

Một số cơ quan liên quan có nhận được văn bản xin ý kiến về việc này. Tôi cũng nhận được một bản và bày tỏ quan điểm không nên thực hiện cải tiến theo đề xuất đó”.

Nhân sáng kiến "Tiếq Việt", đọc lại Nguyễn Văn VĩnhNhân sáng kiến ‘Tiếq Việt’, đọc lại Nguyễn Văn Vĩnh

TTO – Cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh vừa gửi cho Tuổi Trẻ Online một bài viết về ý nguyện ‘tân trang’ tiếng Việt của học giả từ trăm năm trước.

Bảng chữ cái tiếng Việt tồn tại được hàng trăm năm đã đủ chứng minh cho sự có lý của nó, chứng minh cho sức sống của nó, còn gì phải bàn cãi nữa!

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Thuần

Cải tiến được nhưng phải… học lại hết

Nhận xét về hàng loạt đề xuất cải tiến có điểm tương đồng, nhưng đều bị rơi vào quên lãng hoặc vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận mà mới nhất là đề xuất của PGS Bùi Hiền, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng “không có tính khả thi là lý do các đề xuất bị bác”.

“Chữ quốc ngữ của chúng ta mới được xây dựng gần 400 năm và so với chữ viết của các quốc gia khác nó khá hợp lý. 

Chữ viết nào cũng có những điểm bất hợp lý, chữ viết của Anh, Pháp cũng thế thôi. Tuy nhiên, những điểm bất hợp lý vẫn có quy tắc của nó mà người Việt Nam khi học tiếng Việt đều hiểu và đều sử dụng được bình thường” – ông Thuyết bày tỏ quan điểm. 

“Trong văn bản trả lời thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi cũng nói nếu chúng ta cải tiến chữ viết thì sẽ phải đối diện với khó khăn phải đào tạo lại hàng chục triệu lao động, không chỉ người dân bình thường mà cả các học giả cũng phải học lại chữ viết. 

Các văn bản pháp quy, các văn kiện chẳng mấy chốc thành văn bản cổ mà chỉ người biết chữ “cổ” mới đọc được…”.

Còn theo ông Phạm Tất Thắng, chữ viết là ký hiệu đặc biệt để ghi lại ngôn ngữ và không ngôn ngữ nào hoàn chỉnh.

“Chữ quốc ngữ có điểm bất hợp lý, nhưng nó được sử dụng qua nhiều thế hệ, được cộng đồng thừa nhận và chấp nhận nên rất khó thay đổi. 

Đơn giản như đề xuất thống nhất cách dùng i hoặc y đã nói nhiều năm nay nhưng đã thực hiện được đâu. 

Trong ngôn ngữ, từ vựng có thể thay đổi nhanh nhưng ngữ âm và ngữ pháp gần như rất ít biến đổi, nếu có cũng rất chậm, bởi chỉ thay đổi nhỏ sẽ đảo lộn cả hệ thống ngôn ngữ và làm xã hội đảo lộn. 

Những đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ cũng dần ít hơn không phải vì các nhà nghiên cứu nản lòng mà vì khó ứng dụng trong thực tế” – ông Thắng giải thích.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Thuần cũng cho rằng với nguyên lý ngôn ngữ học có quy luật tự thân vận động riêng, cái gì hợp lý sẽ tồn tại, cái gì không hợp lý sẽ tự biến mất. 

V.HÀ – V.V.TUÂN – L.ĐIỀN