Bình Dương: ‘ba nhà’ xây dựng thành phố thông minh
“Nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp” được coi là mô hình “kiềng ba chân” để Bình Dương huy động nguồn lực xã hội cùng phát triển thành phố thông minh.
Bình Dương: ‘ba nhà’ xây dựng thành phố thông minh.
“Nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp” được coi là mô hình “kiềng ba chân” để Bình Dương huy động nguồn lực xã hội cùng phát triển thành phố thông minh.
Những ngày này, tại Trường ĐH Quốc tế Miền Đông, thành phố mới Bình Dương, không khí luôn tấp nập và hứng khởi bởi sự góp mặt của hàng trăm bạn trẻ từ nhiều trường ĐH, THPT đổ về.
Một cuộc thi viết ứng dụng trên thiết bị di động hoặc máy tính phục vụ cộng đồng được mở ra để thử thách các bạn trẻ.
Các ý tưởng độc đáo sẽ không chỉ nhận được giải thưởng mà còn có cơ hội được đầu tư để trở thành các công ty khởi nghiệp nhằm đưa ý tưởng trở thành hiện thực.
Tạo bước đột phá
Một “vườn ươm doanh nghiệp” đang được hình thành ngay trong khuôn viên của ĐH Quốc tế Miền Đông. Gần 2.000m2 khuôn viên làm việc chung, các phòng họp, hội thảo… cùng các tiện ích luôn sẵn sàng để đón các ý tưởng khởi nghiệp.
Nguyễn Thanh Trúc – chuyên viên của Vườn ươm doanh nghiệp – chia sẻ việc hỗ trợ văn phòng làm việc chỉ là một phần nhỏ, quan trọng hơn là việc tạo ra một môi trường để kết nối các ý tưởng và kích thích những bạn trẻ dám nghĩ, dám làm.
Cách “vườn ươm doanh nghiệp” không xa là phòng thí nghiệm chiếu sáng Bình Dương do Hà Lan hỗ trợ đầu tư. Việc cải tiến các thiết bị chiếu sáng để tiết kiệm năng lượng là một ví dụ điển hình để hiểu khái niệm TP thông minh.
Giảng viên Phan Văn Vinh – cán bộ phòng thí nghiệm – nêu ứng dụng điển hình như các tuyến đường sau 24h thường rất ít người đi lại nên nếu phát triển được hệ thống chiếu sáng có thể tự động tắt/mở, điều chỉnh độ sáng bằng cảm ứng sẽ giúp tiết kiệm được tới 40-50% năng lượng.
Ông Mai Hùng Dũng – phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương – cho biết “nhà trường” (bao gồm các trường ĐH, viện nghiên cứu) được coi là một trong ba yếu tố then chốt nhất (cùng với Nhà nước, nhà doanh nghiệp) để tìm ra các giải pháp xây dựng thành phố thông minh, tạo bước phát triển đột phá.
Theo ông Dũng, Bình Dương mới phát triển được 20 năm nhưng đã được ghi nhận là một địa phương năng động, mỗi năm thu hút được hàng tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp FDI hoạt động, với tổng vốn hơn 30 tỉ USD.
Thế nhưng làm sao để biến nguồn vốn đầu tư này thành động lực để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, duy trì tốc độ phát triển nhanh, bền vững thì cần tiếp tục phải tìm tòi giải pháp thông qua mục tiêu xây dựng “Thành phố thông minh”.
Huy động nguồn lực xã hội
Theo UBND tỉnh Bình Dương, khái niệm “Thành phố thông minh” được hiểu là việc tìm kiếm các giải pháp thông minh nhằm phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Vì vậy, Bình Dương sẽ tạo ra các chương trình, cơ chế để các trường ĐH, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp đặt ra những mục tiêu cụ thể và cùng tìm cách triển khai chứ không chỉ trông đợi vào ngân sách.
Ông Peter Portheine – giám đốc phát triển Tập đoàn Brainport (Hà Lan), đối tác hỗ trợ Bình Dương phát triển TP thông minh – nêu câu chuyện của thành phố Eindhoven (Hà Lan) đã xây dựng thành phố thông minh theo mô hình nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp từ nhiều năm trước.
Sự phối hợp ăn ý của “ba nhà” đã giúp Eindhoven hình thành cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh, áp dụng nhiều công nghệ để tăng năng suất lao động và GDP luôn cao gấp nhiều lần các thành phố khác ở Hà Lan.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC (trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương), nêu câu chuyện tại Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ tuy được đánh giá là vùng kinh tế năng động nhất cả nước nhưng cũng có rất nhiều “quy hoạch treo”, liên kết vùng còn hạn chế.
Ông Hùng nêu ví dụ cụ thể trong lĩnh vực logistics, hiện có tới 60-70% hàng hóa tại Bình Dương được vận chuyển tới TP.HCM, các cảng nước sâu tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai bằng container nhưng đường bộ ngày càng kẹt xe, quá tải.
Trong khi đó, Bình Dương có hai con sông lớn chảy qua thì sông Sài Gòn bị vướng tĩnh không cầu quá thấp, sông Đồng Nai có đá ngầm… nên vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy rất khó khăn.
Cảng Cái Mép – Thị Vải đã được đưa vào hoạt động tại Bà Rịa – Vũng Tàu, sân bay Long Thành sẽ được xây dựng tại Đồng Nai… nhưng làm sao để hàng hoá từ Bình Dương tới các nơi này và ngược lại một cách nhanh chóng, hiệu quả là những bài toán mà Bình Dương sẽ phải giải đáp khi xây dựng “Thành phố thông minh”.
Hơn 1.000 doanh nghiệp tham dự
UBND tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Lãnh sự quán Hà Lan tổ chức hội nghị thành phố thông minh năm 2017, phiên toàn thể sẽ diễn ra hôm nay (27-11) với sự tham dự của hàng ngàn doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường ĐH trong và ngoài nước.
Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động phong phú như diễn đàn kinh doanh và khởi nghiệp, triển lãm sản phẩm của doanh nghiệp khoa học công nghệ…
Đề án thành phố thông minh Bình Dương được khởi động từ năm 2016, với các hội nghị thường niên và nhiều hoạt động khác diễn ra trong năm để làm cầu nối, thu hút đầu tư và tìm giải pháp phát triển.