11/01/2025

‘Láng giềng cư xá, nên đường đi chung’…

Hai chữ ‘cư xá’ không còn được sử dụng trong bản đồ quy hoạch khu dân cư đô thị ngày nay. Tuy nhiên có những khu cư xá được nhắc đến vì đó là một ‘tồn tại’ của lịch sử xây dựng nhà ở cho cư dân Sài Gòn ngày nào.

 

‘Láng giềng cư xá, nên đường đi chung’…

 

Hai chữ ‘cư xá’ không còn được sử dụng trong bản đồ quy hoạch khu dân cư đô thị ngày nay. Tuy nhiên có những khu cư xá được nhắc đến vì đó là một ‘tồn tại’ của lịch sử xây dựng nhà ở cho cư dân Sài Gòn ngày nào.

 

 

Láng giềng cư xá, nên đường đi chung... - Ảnh 1.

Dãy nhà lô M cũ kỹ của cư xá Vĩnh Hội bên cạnh những cao ốc hiện đại mới mọc lên tại Q.4, TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Từ điển Hán – Việt không có từ “cư xá”. Có lẽ hai từ ghép cư xá này được dùng sau năm 1954 để chỉ một khu nhà ở có cấu trúc giống nhau, do Gia Cư Liêm Giá Cuộc (GCLGC một công sở trực thuộc Toà đô chánh, sau này thuộc Bộ Kiến thiết và thiết kế đô thị) xây dựng rồi bán lại cho dân chúng. 

Người muốn mua phải thuộc diện gia đình bị giải tỏa trong đô thành, nạn nhân hỏa hoạn, công chức, quân nhân người có nhà tại chỗ bị giải toả để xây dựng cư xá.

1 Để người dân có thể mua nhà cư xá, GCLGC quy định người mua nhà trong khu cư xá trả ngay 1/4 số tiền căn nhà và số tiền còn lại sẽ trả góp hằng tháng trong tám năm. 

Có nhiều loại cư xá từ bình dân đến cao cấp mà giá giao động từ 10.000-200.000, thậm chí kiểu villa giá bán có thể lên đến 350.000 đồng(*).

 

 

Từ năm 1958 người dân Sài Gòn đã mua hay quen thuộc với những khu cư xá như Bàn Cờ, Duy Tân (57 Phạm Ngọc Thạch ngày nay), cư xá Tự Do ở đường Lê Văn Duyệt xây trên khu đất rộng 5ha, cư xá Phú Thọ Hoà A tại xung quanh chợ Phú Thọ, cư xá phú Thọ C ở phía trước cửa trường đua (CX Lê Đại Hành), cư xá Dân Sinh bên lề đại lộ Ngô Đình Khôi (đường Công Lý nối dài), cư xá Vườn Lài, cư xá Kiến Thiết đường Công Lý xây dựng trên khu đất rộng ở hai bên đầu cầu Công Lý, cư xá Đô Thành…

Những năm sau xuất hiện những khu cư xá nổi tiếng, bây giờ chúng ta vẫn còn gọi tên như khu cư xá Bắc Hải, cư xá Lữ Gia, cư xá Thanh Đa, cư xá Ngân Hàng (Q.7)… 

Trong đó, phải kể đến khu cư xá Chu Mạnh Trinh (cư xá ngân hàng Đông Dương – nay là khu nhà đường Đoàn Thị Điểm, Q.Phú Nhuận) mà cư dân là các văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Minh Trang – Quỳnh Giao, Phạm Duy, Năm Châu – Kim Cúc, nhà báo Hồng Tiêu – bà Tùng Long, nhạc sĩ Hoàng Nguyên, nhạc sĩ Tuấn Khanh…

2 Hồi ký của nữ ca sĩ Julie Quang có viết về cư dân văn nghệ trong cư xá: “Nếu các con cháu nghệ sĩ Năm Châu và Kim Cúc dùng bộ ván làm sân khấu cải lương tập diễn thì bên hàng xóm vài năm sau cái cư xá im ỉm thường nghe tiếng đàn trống điện, giọng hát của Duy Quang, Thái Hiền, Julie Quang tập dượt cho những sáng tác mới. 

Trong cư xá yên ắng buổi sáng như ban trưa nắng len vào từng góc khuất. Đầu ngõ, nơi mặt tiền đường có gia đình nhạc sĩ Song Ngọc, ông sang băng nhạc. Vào bên trong ngõ có gia đình nhạc sĩ Tuấn Khanh tự ca sĩ Trần Ngọc cũng sang băng nhạc.

Sáng sớm bọn nhóc đến trường, cánh đàn ông đến công sở, phụ nữ đi chợ cơm nước. Ban trưa mặc cho nắng khét tóc cháy da, bọn trẻ luôn tụ tập nơi ngõ chính đánh đáo đá banh, tiếng hò hét của lũ trẻ phá tan cơn mơ màng của cư xá vốn dĩ im lìm như buồn ngủ ngày. 

Buổi trưa lười trong ngày nắng hạ vắng tiếng rao hàng, tiếng còi xe inh ỏi… điếc tai! Nhưng không thiếu cái hừng hực sức sống của một mùa hè tuổi trẻ…”.

Khi đã được mua cư xá, dù chưa trả hết tiền nhưng người dân biết nhà thuộc sở hữu của mình nên cải tạo, sửa chữa lại rất nhiều, từ nội thất đến mặt tiền nhưng không cơi nới, lấn chiếm diện tích công cộng. 

Có những khu cư xá không còn lại một ngôi nhà nào có hình dạng như hồi đầu mới xây cất. Ngay cả cái tên gọi cư xá cũng biến mất…

Người cư xá ngày xưa đều hoài niệm cái vẻ riêng hằn ghi trong lòng mối duyên tình về nơi chốn cũ. Nhìn lại những con đường nội bộ nay đã thay đổi để nhớ đến cô gái “láng giềng cư xá, nên đường đi chung” (Yên Nê). 

Người cư xá trước lạ lẫm nhưng cùng đi trên những con đường nội bộ rồi qua thời gian sẽ quen nhau. Trong đó có những đứa trẻ cư xá cùng chơi, cùng lớn lên thành những chàng trai và cô gái vội vụt mắc cỡ khi biết mình đã lớn.

Để cư xá ngày xưa yên bình với những tình yêu thầm lặng mà dịu vặt với tiếng đàn đêm tán tỉnh cô láng giềng thay cho sự mở miệng ú ớ, những dòng thơ trong nhật ký không dám gửi. Một tình yêu rất đỗi… cư xá!

Nỗi buồn từ Gúgồ

Bây giờ cư xá có nỗi buồn, nỗi buồn thật thụ vì cái sự tài lanh về định nghĩa cư xá trên Gúgồ.

Đây là định nghĩa cư xá ngày nay để giải thích cho cư xá của ngày xưa “Cư xá là dành riêng cho một số người và chỉ là thuê chứ không mua đứt được, ví dụ cư xá sinh viên thì chỉ có sinh viên mới được đăng ký ở”, hay “cư xá: (phương ngữ, từ cũ) khu nhà ở tập thể (thường là nhà cao tầng)”.

Giải thích cư xá kiểu này thì nhạc sĩ Phạm Duy có sống lại chắc sẽ có “nỗi buồn cư xá” thiệt vì gia đình ông từng ở cư xá Chu Mạnh Trinh.

Ông mua đàng hoàng chứ không có thuê đâu. Và cũng chẳng ở tập thể nữa. Lên Google cứ đọc là tin thì có nước…!

_________

(*) Tiền năm 1962. 1 USD = 73 đồng. Một ký gạo giá 7 đồng.

LÊ VĂN NGHĨA