Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Cú hích mang tính lịch sử
Dù có gọi dưới cái tên gì đi chăng nữa, cơ chế đặc thù mà Quốc hội xem xét thông qua cho TP.HCM sẽ tạo nên những cú hích mang tính lịch sử.
Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Cú hích mang tính lịch sử.
Dù có gọi dưới cái tên gì đi chăng nữa, cơ chế đặc thù mà Quốc hội xem xét thông qua cho TP.HCM sẽ tạo nên những cú hích mang tính lịch sử.
Tự bản thân TP.HCM từ lâu vừa là trung tâm tăng trưởng của cả nước, vừa là đầu tàu kéo cho khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, cũng vừa là lò sáng tạo, điểm đến của các ý tưởng, nơi các thí điểm về chính sách, thể chế cả về con người được thực thi, thử nghiệm đúng sai và nếu thành công thì lan tỏa…
Vì vậy, sẽ có rất nhiều lợi ích từ cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Trong đó có ba cú hích dưới đây.
Tăng quyền tự chủ
Thứ nhất, tăng quyền tự chủ ở các lĩnh vực khác nhau từ quy hoạch đất đai đến quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, bộ máy cán bộ, tạo nên dư địa chính sách cho thành phố và dư địa phát triển cho toàn bộ khu vực phía Nam.
Mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp từ những thời gian đầu đổi mới; mô hình Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung từ những thập niên gần đây đến khu đô thị Thủ Thiêm, nỗ lực xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh, đô thị sống tốt… là những thí dụ điển hình để nói TP.HCM là lò sáng tạo, là điểm đến của các ý tưởng.
Khi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bàn về liên kết các tiểu vùng, câu hỏi đặt ra là kết nối vào trung tâm nào để tạo động lực hướng tâm xoay quanh điểm nhấn TP.HCM.
Trong bối cảnh khó khăn về ngân sách, các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên tạo nên sự lan toả cả vùng Tây Nam Bộ tập trung vào một số cái tên nhất định như: dự án đường Vành đai 3 – hợp tác giữa TP.HCM với Long An, Bình Dương, Đồng Nai; mở rộng quốc lộ 22 – hợp tác giữa TP.HCM với Tây Ninh, Bình Dương; hay liên kết cụm cảng số 5 – hợp tác giữa TP.HCM với Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ý nghĩa của cụm từ “thành phố vì cả nước, cùng cả nước” là vậy, không phải tự nhiên mà có, mà được chấp nhận.
Dỡ bỏ những ràng buộc để phát triển
Thứ hai, sự phân cấp hành chính giữa trung ương và địa phương xác lập một trật tự trong quá trình hoạch định chính sách.
Nhưng mặt khác, mối quan hệ này trong một số trường hợp đô thị đặc biệt đang tạo ra những ràng buộc cả hữu hình lẫn vô hình.
Hữu hình vì các nỗ lực sáng tạo hay đột phá chính sách đều nằm trong danh sách xin cho, duyệt chờ của cấp trên. Vô hình bởi thể chế tạo ra nguyên tắc, nguyên tắc tạo ra “thói quen”, xấu có, tốt có, kích thích các hành động tập thể mang tính “lặp đi lặp lại”.
Tương quan giữa tỉ lệ nộp ngân sách và mức chi ngân sách của thành phố trong nhiều năm vừa qua thể hiện “thói quen và mô thức hành vi tập thể đó”.
Là địa phương nộp ngân sách nhiều nhất nước (27,8% trong năm 2016) nhưng tỉ lệ phân chia các khoản thu ngân sách trung ương và địa phương tại TP.HCM liên lục giảm, từ 33% năm 2003 xuống 18% từ năm 2017.
Quan trọng hơn, tỉ lệ giảm nguồn thu của thành phố qua các năm, cũng như tỉ lệ giữ lại của thành phố so với các thành phố, địa phương (phát triển khác) không theo một nguyên tắc nhất định.
Khi động lực phát triển từ việc sáng tạo của mỗi địa phương bị ràng buộc, nỗ lực để trở thành “địa phương dẫn đầu” sẽ bị đặt dưới câu hỏi; khi quan hệ trung ương và địa phương, nhất là các đô thị mang tính “đầu tàu”, chuyển động với nhiều nguyên tắc không được giải thích rõ ràng, đó chính là sự xáo trộn lớn nhất của thể chế.
Sức bật từ những thử nghiệm thể chế
Thứ ba, trước những thách thức mới cũ đan xen, Việt Nam không thể cạnh tranh với thế giới bằng cách làm cũ.
Sức bật từ những thử nghiệm thể chế là cần thiết, và các đặc khu kinh tế như một cách tiếp cận mới đang được Quốc hội thảo luận.
Nhưng xin đừng quên “một đặc khu” đã có lịch sử phát triển, lâu thì mấy trăm năm này, mau thì từ thực tiễn “phá rào” của hơn 30 năm đổi mới.
Nền tảng của quá khứ, của văn hoá, của con người, của cơ sở hạ tầng (cả hạ tầng cứng như điện – đường – trường – trạm đến hạ tầng mềm như văn hoá kinh doanh, khí chất “anh Hai Nam Bộ”, nghĩa tình đồng bào đồng chí từ thời chiến đến thời bình) đang kiến tạo một không gian mở cho cả con người, dòng tiền lẫn tất cả các ý tưởng bay bổng nhất.
Những yếu tố đó kích thích thành phố này – nơi từng đi đầu trong các chương trình hỗ trợ kích cầu đầu tư – thành địa phương chín muồi để thử nghiệm triển khai các cải cách về thuế và phí, bao gồm cả thuế tài sản.
Từng nổi tiếng với khu công nghệ cao, khu nông nghiệp thông minh, thành phố sẽ là nơi đi đầu trong liên kết ngành hàng với các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ, xây dựng các chuỗi sản phẩm nông nghiệp an toàn, vệ sinh và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính nhất.
Cũng nơi đây, người dân, lãnh đạo “anh hùng trong chiến tranh” sẽ “gan góc trong thời bình” với các chương trình về cải cách thể chế, bao gồm cả cải cách tiền lương đến đổi mới trong quản lý cán bộ.
Tự chủ đi cùng với tự chịu trách nhiệm
Đối với các tỉnh (nhất là phía Nam), trách nhiệm của một thành phố mạnh không chỉ trong kiến tạo không gian cho di dân và công ăn việc làm tại chỗ, mà còn là các chuỗi sản xuất đang định hình để chia sẻ thịnh vượng mọi nơi.
Với trung ương, nghị quyết 16 và kết luận của Bộ Chính trị là một cam kết chính trị; nghị quyết của Quốc hội lần này – nếu được các đại biểu bấm nút – sẽ là một cam kết pháp lý cho một cơ chế giải trình chiều dọc, mà cả hai cùng đi đến một đồng thuận đầu tiên về cơ chế đặc thù cho TP.HCM.
Còn với những người có trách nhiệm của thành phố, lúc này tự chủ đi cùng với tự chịu trách nhiệm, không những trước 10 triệu đồng bào thành phố, mà cả 90 triệu dân cả nước.
* Ông TRẦN VĂN MÃO (phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An):
TP.HCM sẽ trở thành đầu tàu mạnh hơn
Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM là một chính sách rất cởi mở, đột phá của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, đưa ra những cơ chế chính sách để tạo ra động lực cho TP.HCM trở thành đầu tàu mạnh hơn.
Từ đó giúp TP vươn lên và đề cao trách nhiệm của TP với cả nước, tạo thêm nguồn lực cho cả nước và thí điểm những vấn đề còn mới mẻ trong chính sách.
Nghệ An là tỉnh có rất đông người dân vào TP.HCM làm ăn, sinh sống. Chúng tôi thấy rất rõ sự quan tâm của TP.HCM đối với tỉnh và đồng bào Nghệ An vào TP làm việc.
TP.HCM đã giúp Nghệ An nguồn lực, kinh nghiệm trong phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo. Và tôi cũng biết sự đồng hành này TP dành cho nhiều địa phương trong cả nước.
Từ tiền đề đó, với cơ chế đặc thù cho TP.HCM được trình Quốc hội lần này, tôi tin rằng sẽ góp phần thúc đẩy, tiếp thêm nguồn lực cho các địa phương cả nước phát triển.
VIỄN SỰ ghi