28/11/2024

Chọn cách tối ưu sửa Đập Đá

Chỉ sau vài ngày mưa lụt đầu tháng 11, công trình Đập Đá ở TP Huế đã bị hư hỏng nặng nề. Do công trình này nối liền trục giao thông dọc bờ nam sông Hương, mật độ giao thông rất lớn, nên rất cần khắc phục lại ngay.

 

Chọn cách tối ưu sửa Đập Đá.

 

Chỉ sau vài ngày mưa lụt đầu tháng 11, công trình Đập Đá ở TP Huế đã bị hư hỏng nặng nề. Do công trình này nối liền trục giao thông dọc bờ nam sông Hương, mật độ giao thông rất lớn, nên rất cần khắc phục lại ngay.

 

 

Chọn cách tối ưu sửa Đập Đá - Ảnh 1.

Mặt đường nhựa công trình Đập Đá (Huế) bị bong tróc từng mảng lớn – Ảnh: CÔNG TRIỆU

Mong các chuyên gia tìm hiểu kỹ hơn, nghiên cứu thí nghiệm, khảo sát chu đáo để tìm ra giải pháp tối ưu, sao cho Đập Đá được đại tu lần này sẽ bền vững với thời gian và khí hậu khắc nghiệt ở Huế

 

Công trình Đập Đá mới được xây dựng lại với vốn đầu tư hơn 19 tỉ đồng và được đưa vào sử dụng đầu năm 2016. Câu trả lời về nguyên nhân công trình hư hỏng, trách nhiệm thuộc về ai, xin để dành cho UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Ở đây, chúng tôi xin bàn về phương pháp đại tu (sửa chữa lớn) để Đập Đá thật sự bền vững, không để cơn lũ tới lại hư hỏng.

Trước hết, hãy lưu ý tên gọi của nó: Đập Đá. Tên gọi này giúp chúng ta biết rằng khi xây dựng công trình này, vật liệu chính được sử dụng là đá.

Thứ hai, khi các mảng bêtông nhựa bị bong tróc từng mảng, để lộ ra bên dưới là cái nền cũ bằng bêtông ximăng, y hệt lớp vỏ cây già nua bị bong tróc ra khỏi thân cây. Như vậy có thể suy đoán hai vấn đề: 

 

1- Đập Đá đã được xây dựng lại hoặc duy tu ít nhất một lần, thay thế (hoặc bổ sung) vật liệu bề mặt bằng đá như nói trên bằng lớp bêtông mới. Lớp bêtông này được đúc bằng ximăng mác bao nhiêu, độ kết dính, độ dày thế nào… cũng cần các chuyên gia xây dựng hiện nay làm rõ. 

2- Lớp bêtông nhựa thực tế không hề được kết dính với lớp bêtông ximăng bề mặt cũ. Làm rõ được hai vấn đề này thì sẽ có giải pháp kỹ thuật đại tu tối ưu.

Một người bạn học cũ của tôi sống tại Huế gần 70 năm và làm công việc liên quan đến xây dựng, có nêu hai ý: 

1- Đập Đá chỉ có thể đại tu bằng cách đổ bêtông với chất liệu cát sỏi, ximăng tốt nhất, chứ không thể thảm bêtông nhựa như vừa qua. 

2- Đập Đá đã từng bị lính công binh Hoa Kỳ khoan cắt một đoạn dài ở chính giữa để giải cứu một con tàu quân sự bị kẹt lại giữa đập, sau đó cho đổ bêtông lại và rải nhựa đường (không phải thảm bêtông nhựa). 

Khi đại tu, cần khảo sát kỹ cốt nền bên dưới đập ít nhiều đã bị phá vỡ tính bền vững.

Thứ ba, khi đã tìm ra giải pháp về chất liệu công trình, thì các giải pháp kỹ thuật khác cần tính kỹ. Cần lưu ý rằng Đập Đá nằm ở vị trí bên phải (từ thượng nguồn) và trước mũi Cồn Hến. 

Chắc chắn rằng các nhà xây dựng trước đây đã khảo sát địa chất công trình, các số liệu thủy văn như tốc độ dòng chảy của sông Hương qua đoạn đó và tốc độ xoáy của dòng nước khi chuẩn bị đi qua và bị mũi Cồn Hến cản lại, tạo nên dòng hồi lưu là bao nhiêu, tác động xâm thực của chúng vào hai bên bờ sông, nhất là bờ sông phía Đập Đá như thế nào, độ sâu của vực nước trước mũi Cồn Hến gần Đập Đá và cả vực nước trước Đập Đá là bao nhiêu… 

Tất cả điều này cần được tính toán kỹ trước khi quyết định đại tu bằng giải pháp gì, tránh chỉ gia cố bằng “lớp vỏ cây bêtông nhựa” như vừa vá lại sau lũ tạm thời cho giao thông qua lại.

PHẠM XUÂN PHỤNG (HUẾ)