28/11/2024

Cẩn thận ‘bệnh chạy bộ’

Chị M.T. (48 tuổi, ở Đồng Nai) bị mỏi và nặng chân khi đi lại từ nhiều năm, nhất là khi đi nhanh hay leo cầu thang. Đi khám và siêu âm ở một số nơi, chẩn đoán chị bị chứng suy tĩnh mạch sâu chi dưới. Tuy nhiên, bệnh không phải vậy.

 

Cẩn thận ‘bệnh chạy bộ’.

Chị M.T. (48 tuổi, ở Đồng Nai) bị mỏi và nặng chân khi đi lại từ nhiều năm, nhất là khi đi nhanh hay leo cầu thang. Đi khám và siêu âm ở một số nơi, chẩn đoán chị bị chứng suy tĩnh mạch sâu chi dưới. Tuy nhiên, bệnh không phải vậy.

 

 

Cẩn thận bệnh chạy bộ - Ảnh 1.

Bác sĩ Lê Thanh Phong (Bệnh viện ĐHYD TP.HCM) khám chân cho một bệnh nhân – Ảnh: Hữu Khoa

Chị M.T. mang vớ và uống thuốc theo chỉ định của các bác sĩ chừng ấy thời gian nhưng bệnh không cải thiện. 

Gần đây, tình trạng mỏi chân tăng lên khi đi đoạn ngắn nên chị đi khám lại. Các bác sĩ kết luận chị mắc hội chứng bẫy động mạch khoeo, một bệnh rất khó chẩn đoán.

Hội chứng bẫy động mạch khoeo hay còn gọi là “bệnh chạy bộ” hiếm phát hiện vì khó chẩn đoán và dễ nhầm lẫn với suy tĩnh mạch.

Do các bất thường bẩm sinh

 

 

Động mạch dẫn máu từ tim đến nuôi dưỡng đôi chân. Ở vùng phía sau gối, còn được gọi là vùng khoeo, động mạch có tên là động mạch khoeo. Ở vùng này, động mạch nằm sát ngay phía sau các xương và phía trước các cân cơ, các cơ cẳng chân. Ở người bình thường, khi đi lại, các cơ và cân cơ co giãn nhưng không gây chèn ép hay ảnh hưởng đến chức năng cấp máu của động mạch khoeo.

Một số người có thể có những bất thường về giải phẫu của vùng khoeo, ví dụ như động mạch khoeo nằm lệch hoặc các cân cơ cẳng chân bám không đúng vị trí thường gặp. Điều này dẫn đến tình trạng: khi đi lại, các cơ cẳng chân co giãn sẽ đè ép động mạch vào xương, một mặt làm cho khẩu kính động mạch nhỏ lại, gây giảm lượng máu xuống phần dưới chân; mặt khác sang chấn lặp đi lặp lại trên động mạch sẽ làm cho nó bị xơ hoá, viêm hẹp dần và cuối cùng bị tắc nghẽn hoàn toàn.

Khi đứng yên hoặc đi lại một đoạn ngắn, bệnh nhân thường không có triệu chứng. Nhưng khi đôi chân thực hiện các động tác gắng sức, cần nhiều máu nuôi xuống phần cẳng chân, chẳng hạn như đi một đoạn xa, chạy bộ, leo cầu thang… sẽ xuất hiện tình trạng mỏi chân hay đau căng cứng bắp chân làm cho người bệnh không thể đi tiếp.

Hiếm vì khó chẩn đoán

Trước đây, người ta cho rằng bẫy động mạch khoeo là một hội chứng hiếm gặp. Trong hơn 4 thập niên, kể từ lúc trường hợp lâm sàng đầu tiên được mô tả vào năm 1959 bởi Hamming tại Hà Lan đến năm 2000, chỉ có khoảng 450 trường hợp được báo cáo trong y văn. Tuy nhiên, các báo cáo gần cho thấy bệnh không thực sự hiếm.

Các nghiên cứu mới đây cho thấy bất thường này chiếm khoảng 3,5% theo phẫu tích trên xác và có đến 60% những người trẻ tuổi bị đau cách hồi chân là do hội chứng bẫy động mạch khoeo. Song trên thực tế, hội chứng bẫy động mạch khoeo rất khó chẩn đoán, đặc biệt trong giai đoạn chưa tắc động mạch bởi lẽ khi bắt mạch ở chân, các thầy thuốc sẽ thấy mạch đập bình thường nên dễ bỏ qua chẩn đoán. Có thể khả năng phát hiện khó là cho bệnh trở nên hiếm gặp.

Phát hiện sớm dễ trị

Do là một hội chứng khó chẩn đoán nên khả năng tự phát hiện bệnh là không thể. Ở những người trẻ tuổi, nếu có biểu hiện đau cách hồi ở chân, đau chân khi chạy bộ nên đến bác sĩ chuyên khoa mạch máu khám.

Nếu nghi ngờ bệnh trên, các thầy thuốc sẽ siêu âm chẩn đoán ở 2 tư thế: tư thế thả lỏng chân và tư thế làm co các cân cơ cẳng chân ở vùng khoeo. Ở tư thế thả lỏng chân, các động mạch bình thường, nhưng khi người bệnh co các cơ cẳng chân, dòng máu động mạch xuống phần xa của chân sẽ giảm đáng kể hay bị gián đoạn hoàn toàn.

Sau đó, các phương tiện chẩn đoán khác sẽ được thực hiện tiếp theo nhằm phát hiện các cấu trúc giải phẫu bất thường vùng khoeo gây nên chèn ép động mạch và phác thảo một phương án điều trị phù hợp với từng loại bất thường được phát hiện.

Bất thường về giải phẫu vùng khoeo gây hội chứng này được chia làm nhiều thể khác nhau. Việc điều trị cũng theo đó mà thay đổi cho phù hợp. Nguyên tắc chung là giải phóng sự chèn ép của động mạch bằng phẫu thuật và phục hồi lưu thông động mạch nếu như động mạch khoeo bị tắc.

Nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn động mạch chưa bị tổn thương, việc điều trị đơn giản là cắt bỏ gân cơ, cơ hay dây chằng bất thường gây chèn ép động mạch. Ở giai đoạn muộn, việc điều trị sẽ phức tạp hơn với việc tái tạo lại động mạch bị tắc hẹp bằng phẫu thuật.

Dễ nhầm với bệnh suy tĩnh mạch chân

Hội chứng này hay gặp ở những người trẻ tuổi, năng động nên còn được gọi là “bệnh chạy bộ”.

Triệu chứng thường gặp là hiện tượng mỏi chân, đau cứng bắp chân, cảm giác châm chích dị cảm và lạnh bàn chân khi vận động thể lực, ví dụ như chạy bộ, đi cầu thang hay mang vác nặng. Người bệnh thường có các cảm giác khó chịu ở chân khi đi bộ.

Trong giai đoạn muộn, biểu hiện thường gặp là đau cứng bắp chân khi đi bộ một đoạn ngắn, còn được gọi là đau cách hồi. Nặng hơn là tình trạng đau chân liên tục khi nghỉ hay hoại tử các ngón chân.

 

BS LÊ THANH PHONG