11/01/2025

Mối nguy nhiễm khuẩn bệnh viện

Hai ngày qua, sau sự cố làm 4 bé tử vong liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện ở Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, 19 bé nhiễm khuẩn nặng được chuyển đến 3 bệnh viện lớn tại Hà Nội do nhiễm khuẩn lan tràn, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng các bé.

 

Mối nguy nhiễm khuẩn bệnh viện.

 

 Hai ngày qua, sau sự cố làm 4 bé tử vong liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện ở Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, 19 bé nhiễm khuẩn nặng được chuyển đến 3 bệnh viện lớn tại Hà Nội do nhiễm khuẩn lan tràn, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng các bé.

 

 

Mối nguy nhiễm khuẩn bệnh viện - Ảnh 1.

Chăm sóc cho trẻ chuyển từ Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh tại Bệnh viện Bạch Mai – Ảnh: L.ANH

Ba bệnh viện tiếp nhận điều trị cho các bé là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản trung ương và Bệnh viện Nhi trung ương.

Nhiễm khuẩn dây chuyền

Hai ngày kể từ khi chuyển từ Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), một trong ba em bé được chuyển viện vẫn trong tình trạng rất nặng: vàng da nhiều, phải chiếu đèn liên tục, có tổn thương phổi, tim to, đường huyết liên tục giảm…

Cả ba bé cùng bị nhiễm loại vi khuẩn Acinetobacter – vi khuẩn thường gặp ở khoa hồi sức tích cực của bệnh viện. Đây cũng là loại vi khuẩn gặp ở nhiều bé trong số tám trẻ được chuyển từ Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đến Bệnh viện Nhi trung ương. Điều đó cho thấy không chỉ bốn bé đã tử vong, mà tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện đã ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều bệnh nhi.

 

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng – nguyên trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, em bé đang bị bệnh nặng nhất trong số các bé được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai kể trên là trẻ sinh đủ tháng, trọng lượng sơ sinh 3,2kg. Do bệnh nhi đã nhiễm vi khuẩn bệnh viện và là vi khuẩn có khả năng kháng thuốc, nên bệnh viện đã hội chẩn, tìm công thức kháng sinh được cho là tốt nhất để điều trị cho cháu. Hai bé còn lại là trẻ sinh non, nhẹ cân, cũng nhiễm vi khuẩn kể trên nhưng tình trạng bệnh đã đỡ hơn so với hai ngày trước.

Ba bệnh nhi này cùng với hơn 10 bé được chuyển từ Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đến Bệnh viện Nhi trung ương và Bệnh viện Phụ sản trung ương đều cùng bị nhiễm một loại vi khuẩn.

Mức độ nghiêm trọng

Trước đó, từ 2h-9h30 sáng 20-11 có liên tục bốn bé sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh và được kết luận có liên quan tới nhiễm khuẩn bệnh viện. Đây là vụ tai biến y khoa khiến nhiều bé tử vong liên quan tới nhiễm khuẩn bệnh viện được giới y khoa thừa nhận ở VN. Số lượng bệnh nhi bị nhiễm khuẩn bệnh viện lớn, số ca tử vong nhiều cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Acinetobacter là loại vi khuẩn hay gặp ở khu vực hồi sức tích cực, ở những bệnh nhân phải can thiệp y khoa nhiều (thở máy, có đường truyền để trong nhiều ngày…) thì nguy cơ càng cao hơn. Nhiễm khuẩn bệnh viện khiến người bệnh dễ bị viêm phổi bệnh viện, nhiễm trùng vết mổ, bị kéo dài ngày điều trị, thậm chí tử vong.

Ông Dương Đức Hùng – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai – cho hay cả bốn bé tử vong đều có sốc nhiễm khuẩn, đó là tình trạng nặng của nhiễm khuẩn. Trẻ sơ sinh vừa ra đời chưa tiếp cận nguồn nhiễm khuẩn, nhưng các cháu đều nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn thì nguồn nhiễm khuẩn là từ bệnh viện.

Mối nguy nhiễm khuẩn bệnh viện - Ảnh 2.

Người chăm sóc bệnh nhân cũng phải phòng chống nhiễm khuẩn cho bệnh nhân và bản thân – Ảnh: L.ANH

Phòng chống nhiễm khuẩn bằng cách nào?

Ngoài các nhân viên y tế thiếu cẩn thận trong phòng chống nhiễm khuẩn, người thân đang chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện, đặc biệt là khu vực hồi sức tích cực, cũng là nguồn lây vi khuẩn sang bệnh nhân, hoặc bị lây nhiễm vi khuẩn từ bệnh viện. Ông Đức Hùng cho rằng với nhóm người thân đang chăm sóc bệnh nhân, những gì có thể áp dụng để hạn chế lây lan vi khuẩn sang bệnh nhân và ngược lại thì cần áp dụng triệt để, bao gồm đeo khẩu trang khi chăm sóc và trò chuyện với bệnh nhân, rửa tay sạch thường xuyên, nhất là sau khi ra phố, trước và sau khi chăm sóc bệnh nhân…

Do đặc thù VN là bệnh viện chưa thực hiện chăm sóc toàn diện, ngay bệnh nhân trong khu vực hồi sức tích cực vẫn cần có người thân chăm sóc và dễ nhiễm khuẩn hơn. Ông Hùng phân tích nên sớm chuyển sang chế độ chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân ở những khu vực này, nếu chưa chuyển thì cần hướng dẫn người thân cách chăm sóc, phòng hộ để đề phòng làm lây hoặc bị lây vi khuẩn bệnh viện.

Khác với vi khuẩn gây bệnh trong môi trường thông thường, vi khuẩn bệnh viện là loại vi khuẩn đặc thù, sinh ra từ bệnh nhân đã sử dụng nhiều thuốc và trong quá trình chọn lọc tự nhiên, vi khuẩn bệnh viện ngày càng có khả năng chống lại kháng sinh. “Nếu người thân tới chăm sóc bệnh nhân, thấy nhân viên y tế chưa sát khuẩn tay, chưa thay găng tay… khi thăm khám cho người thân mình thì nên nhắc nhở ngay” – ông Hùng hướng dẫn.

Chống nhiễm khuẩn sẽ giảm chi phí kháng sinh

Tại đơn vị phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch quốc gia, từ khi thực hiện phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện triệt để, ông Dương Đức Hùng – kiêm nhiệm phụ trách đơn vị phẫu thuật tim mạch – cho biết chi phí kháng sinh cho những bệnh nhân không có nhiễm trùng, không sốt trước mổ giảm rất nhiều.

“Chúng tôi chỉ sử dụng liều dự phòng trong 3 ngày, từ thời điểm bệnh nhân được khởi mê tới 2 ngày sau mổ bằng loại kháng sinh nội địa thế hệ 2, những bệnh nhân này chi phí kháng sinh giảm rất thấp, trong khi thông thường nếu phòng chống nhiễm khuẩn không tốt, bệnh nhân bị nhiễm trùng, chi phí kháng sinh có thể lên tới hàng chục triệu đồng/bệnh nhân” – ông Hùng cho hay.

Về quy trình phòng chống nhiễm khuẩn của Viện Tim mạch quốc gia, ông Hùng cho biết tại đơn vị phẫu thuật tim mạch từ khoảng 4-5 năm trước đã bắt đầu xây dựng “Khoa không kháng sinh” nhờ phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện hiệu quả. “Chúng tôi tiệt trùng bề mặt sàn bằng máy và xà phòng khử khuẩn, phun hoá chất khử khuẩn thường xuyên, áp dụng thay găng tay sau khi chăm sóc bệnh nhân, rửa tay/sát khuẩn tay trước khi chạm vào bệnh nhân” – ông Hùng cho biết.

Do quy trình này tốn kém và cẩn thận nên ông Hùng cho rằng nhiều nhân viên y tế e ngại, không thay găng sau khi chăm sóc bệnh nhân, không rửa tay thường xuyên…, bệnh viện có thể sử dụng camera hoặc nhân viên giám sát.

LAN ANH