11/01/2025

Có cần đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ?

Việc nâng cao trình độ giảng viên là cần thiết, nhưng có cần đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ? Liệu nền giáo dục và khoa học nước nhà có được khởi sắc?

 

Có cần đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ?

 

Việc nâng cao trình độ giảng viên là cần thiết, nhưng có cần đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ? Liệu nền giáo dục và khoa học nước nhà có được khởi sắc?


Có cần đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ? - Ảnh 1.

Nếu không chạy theo số lượng như bộ trưởng nói, vậy thì nêu chỉ tiêu đào tạo 9.000 tiến sĩ để làm gì?”

PGS.TS Trần Thanh Ái

Mấy ngày nay dư luận rất quan tâm đến đề án đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ của Bộ GD-ĐT, và không ít ý kiến nghi ngờ tính hiệu quả của đề án.

Nghi ngờ vì nhiều lẽ, bởi trên thực tế chất lượng đào tạo tiến sĩ ở nước ta rất đáng thất vọng. Tiến sĩ “thật” ít, số tiến sĩ “giấy” không hề nhỏ, đã vậy nơi này nơi kia còn bị báo chí phanh phui về chuyện cho “ra lò” những tiến sĩ với các đề tài nghiên cứu… nhảm!

“Ma trận” các thắc mắc

Dường như nắm bắt được sự lo ngại của dư luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã lên tiếng: “Đề án này không tập trung vào số lượng mà tập trung vào chất lượng, để làm sao đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không phải đào tạo tràn lan”.

 

 

Thế nhưng, có vẻ như mọi việc không sáng tỏ hơn sau những lời trấn an ấy, mà còn xuất hiện một ma trận các thắc mắc. Nhiều người hoài nghi: liệu đề án có dự kiến các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo? 

Bộ GD-ĐT sẽ làm gì để “tập trung vào chất lượng” như bộ trưởng nói? Lấy gì để bảo đảm là các biện pháp đó sẽ giúp chất lượng đào tạo tiến sĩ sắp tới đây tốt hơn? Nếu không chạy theo số lượng, vậy thì nêu chỉ tiêu đào tạo 9.000 tiến sĩ để làm gì?

Những thắc mắc này không phải là vô cớ, bởi vì không phải cứ nêu quyết tâm “tập trung vào chất lượng” là đương nhiên đào tạo sẽ có chất lượng, cho dù quyết tâm ấy được người có trách nhiệm cao nhất trong ngành nêu ra!

Phải đổi mới về lề lối lãnh đạo

Không chỉ phải giải quyết tình trạng đào tạo tiến sĩ kém chất lượng, giáo dục nước ta còn có lực cản khác rất lớn, đó chính là lề lối lãnh đạo giáo dục hiện nay. 

Cách lãnh đạo lĩnh vực giáo dục hiện nay đang tạo ra nhiều phiền toái cho các nhà khoa học, khiến họ lúc nào cũng trong tư thế bị động, đối phó, không thể phát huy được sự năng động và sáng tạo của mình. 

Đó là kiểu lãnh đạo dựa trên nguyên tắc lấy “lãnh đạo làm trung tâm”, mà thực chất đó là “tư duy cai trị”. Nếu không thay đổi ngay lề lối đó, ngay cả khi chúng ta có thêm 9.000 tiến sĩ được đào tạo hoàn toàn ở các trường danh tiếng nước ngoài thì cũng không có gì bảo đảm là nền giáo dục và khoa học nước nhà được khởi sắc.

Vì thế, điều mà mọi người mong đợi nhất hiện nay là đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật phải được tạo môi trường làm việc thuận lợi nhất cho họ. Để làm được điều đó, nhất thiết phải đổi mới về phương thức lãnh đạo giáo dục, vì đó chính là nhân tố then chốt bảo đảm sự đổi mới căn cơ. 

Việc nâng cao trình độ giảng viên, cũng như đổi mới về chương trình là cần thiết, nhưng nếu không có đổi mới về phương thức lãnh đạo giáo dục thì chẳng khác nào đầu tư mua sắm thiết bị hiện đại chỉ để về ngắm nghía mà thôi, vì cứ cắm vào “điện nguồn” không phù hợp thì “máy” hỏng ngay lập tức! 

Lúc ấy, sự đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho đào tạo giảng viên sẽ lãng phí.

Ở các nước tiên tiến, việc bổ sung những tiến sĩ trẻ, có năng lực vào đội ngũ các nhà khoa học của đất nước là việc làm thường xuyên, không thể thiếu được.

Và đối với Việt Nam, hơn lúc nào hết, nước ta hiện nay rất cần có nhiều tiến sĩ đúng thực chất, để bổ sung vào lực lượng các nhà khoa học tuy khá hùng hậu nhưng thành tích còn rất khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực.

PGS.TS TRẦN THANH ÁI (ĐH Cần Thơ)